Truyền thông

Hoạt động ngoại giao khẳng định bản sắc, tầm vóc và vị thế của Việt Nam

Thu Hoài 09/12/2024 07:56

Trong bối cảnh toàn cầu hoá và hợp tác quốc tế, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng chính là bảo vệ đất nước trước sự quấy phá ngày càng tinh vi của thế lực thù địch.

picture5.png
Quốc kỳ Việt Nam và các nước. (Ảnh minh họa)

Trong tiến trình đổi mới và từng bước hội nhập quốc tế của đất nước ta, các thế lực thù địch cũng không ngừng đổi mới phương thức, thủ đoạn chống phá, tạo ra nhiều nguy cơ và thách thức trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và con đường đi lên xã hội chủ nghĩa của dân tộc.

Các thế lực xấu cố tình xuyên tạc, bóp méo chính sách đối ngoại của Việt Nam nhằm phá hoại công cuộc hội nhập, phát triển của đất nước. Chúng xuyên tạc rằng chính sách đối ngoại của ta là đang lệ thuộc vào các nước lớn, cần phải thay đổi quan điểm lạc hậu trong đối ngoại, tiến đến “dân chủ hoá Việt Nam”, từ đó cổ suý, kích động tư tưởng dân tộc cực đoan, làm “ngòi nổ” để truyền bá tư tưởng chống đối, gây chia rẽ, kỳ thị về ngoại giao, gây sự hiểu nhầm đối với người dân trong đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

Nền tảng tư tưởng của Đảng là “gốc” của hoạt động đối ngoại

Vận dụng học thuyết Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã dẫn dắt toàn dân đứng lên giành thắng lợi qua hai cuộc kháng chiến lớn, đồng thời đạt được nhiều thành tựu to lớn trong gần 40 năm đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.

Đối với nền ngoại giao Việt Nam, trải qua gần 80 năm đồng hành cùng dân tộc, nền tảng tư tưởng của Đảng chính là “gốc vững” để phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại vì lợi ích quốc gia - dân tộc. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “Sau lưng các nhà ngoại giao luôn có toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, cả hệ thống chính trị”.

Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, học thuyết Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh chính là tư tưởng cốt lõi của Đảng, thêm vào đó là quá trình tiếp thu tinh hoa của nhân loại để ngày một hoàn thiện hơn. Đảng ta dựa vào gốc rễ vững chắc đó để phát triển, biến ngoại giao thành đầu tàu tiên phong trong tạo lập và củng cố môi trường hòa bình, ổn định, đạt được nhiều thành tựu, qua đó góp phần để “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Những năm gần đây, ngoại giao “cây tre Việt Nam” là thuật ngữ được nhiều người nhắc đến khi đề cập đến hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Đây là sự khái quát, hình tượng hóa đường lối đối ngoại mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang thực hiện, trên cơ sở quán triệt phương châm đối ngoại mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo là “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Thuật ngữ này được nhắc đến gần đây nhất tại Hội nghị Ngoại giao toàn quốc lần thứ 32 ngày 19/12/2023 bởi cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

“Cây tre Việt Nam” mang “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam; đó là: “Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân.

picture6.png
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thưởng thức trà nhân chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam, chiều 12/12/2023.

Đường lối đối ngoại “cây tre Việt Nam” một lần nữa khẳng định đặc trưng của đường lối đối ngoại thời đại Hồ Chí Minh, được nhân dân ta tin tưởng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Thế nhưng, thế lực thù địch lại xuyên tạc ngoại giao “cây tre Việt Nam” là “ba phải”, “hai mặt”, “gió chiều nào che chiều ấy”, “không có lập trường nhất quán, ổn định”, là “bắt cá hai tay”… nên không thể tin cậy được.

Gần đây nhất, sau chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (từ ngày 10 - 11/9/2023), trên một số trang mạng phản động: “Daploisongnui”, “Đài Á Châu tự do”, “Thongluan”, “Baotiengdan”..., các thế lực thù địch, phản động lại ra sức đưa ra những luận điệu phiến diện, một chiều.

Chúng cho rằng, “Việt Nam đang ngấm ngầm “theo chân” nước này để chống nước kia”; “Việt Nam đang ngả về phương Tây”; “sẽ có một vận hội mới với phong trào dân chủ ở Việt Nam sau chuyến thăm của Biden”;… Đây là những luận điệu hoàn toàn sai trái, xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam, lộ rõ âm mưu hòng phá hoại lòng tin, sự tin cậy, của các nước đối với Việt Nam.

Hay trong dịp sự kiện Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, ngày 12 - 13/12/2023, cũng đã trở thành mục tiêu xuyên tạc của các lực lượng thù địch.

Thông qua một số trang mạng Việt Tân, Tiếng Dân News, RFA, BBC, VOA tiengviet… chúng bịa đặt và xuyên tạc nội dung, ý nghĩa của chuyến thăm: “Đảng Cộng sản Việt Nam đang tự chui đầu vào vòng kim cô, vào cái thòng lọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc”, “bước đi dứt khoát đẩy Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc”... Đây là những luận điệu hoàn toàn sai trái, xuyên tạc một cách trắng trợn trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”.

Ngoài ra, thế lực xấu còn liên tục chống phá trước, trong và sau các hội nghị ngoại giao lớn do Việt Nam tổ chức. Trước khi các hội nghị ngoại giao lớn diễn ra, các thế lực thù địch tung các thông tin sai lệch về tình hình đất nước, về công tác chuẩn bị, về đường lối ngoại giao của ta… gây nhiễu, rối thông tin, làm bất lợi việc tổ chức.

Trước tình hình đó, để đấu tranh phòng chống luận điệu xuyên tạc của kẻ thù về đường lối đối ngoại và hội nhập quốc tế của ta, không làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, cần phải kiên quyết đấu tranh bằng nhiều hình thức.

Đường lối đối ngoại thể hiện tầm vóc và vị thế quốc tế của Việt Nam

Thực tế cho thấy, những thành quả mà Đảng ta đã đạt được nhờ chính sách, đường lối ngoại giao đúng đắn cùng với việc tổ chức thành công những sự kiện ngoại giao quốc tế chính là minh chứng thuyết phục nhất để bác bỏ các luận điệu xuyên tạc, bóp méo đường lối ngoại giao của ta.

Từ đó, củng cố niềm tin của nhân dân vào đường lối đối ngoại đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Nhà nước; củng cố sự tin cậy của bạn bè quốc tế và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đối với Việt Nam; góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Đến nay, nhờ đi theo đường lối ngoại giao đúng đắn của Đảng, Việt Nam đã tạo được lòng tin vững chắc đối với các tổ chức, các nước trên thế giới. Hiện, nước ta là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, như: Liên hợp quốc (UN), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA), Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới (IPU), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), …

picture8.png
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham gia đối thoại chính sách "Việt Nam: Định hướng tầm nhìn toàn cầu" tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sỹ, ngày 16/1/2024. Ảnh: TTXVN

Nước ta cũng là thành viên tích cực tham gia các cơ chế hợp tác quốc tế, như: Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN, Đối thoại Shangri-La, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) và ADMM+, ...

Nếu năm 1991, nước ta mới có quan hệ kinh tế - thương mại với gần 30 nước và vùng lãnh thổ, thì đến nay đã có quan hệ kinh tế - thương mại với hơn 230 nước và vùng lãnh thổ, thu hút hơn 400 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Chỉ tính riêng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của nước ta đã đạt trên 680 tỉ USD, gấp 120 lần so với những năm đầu đổi mới, trong đó xuất khẩu đạt trên 354 tỉ USD; thu hút FDI đạt 36,6 tỉ USD, tăng 32,8%; nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đã cam kết đầu tư dài hạn ở Việt Nam như Samsung, LG, Intel, Foxconn…

Nước ta cũng đã tham gia ký kết và là thành viên của 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 03 FTA thế hệ mới với tiêu chuẩn rất cao, như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), …
Nước ta đã tổ chức thành công các sự kiện quốc tế lớn: Tuần lễ cấp cao APEC-2017, Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần 2 (2019), Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (2018), Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2019 (Vesak 2019)…

Đây là những dấu mốc đáng nhớ của Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế, ghi lại những bài học kinh nghiệm quý giá và là cơ sở để nước ta tự tin tiếp tục tổ chức những sự kiện ngoại giao hàng đầu của thế giới.

Đặc biệt trong năm 2020, Việt Nam đồng thời là Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã thể hiện và phát huy vai trò dẫn dắt, lãnh đạo ASEAN trong một năm thế giới đầy biến động, thông qua việc đưa ra và thống nhất nhiều sáng kiến và hợp tác nhằm ứng phó dịch bệnh COVID-19; đưa ra tuyên bố ủng hộ quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP) cũng như lập trường nguyên tắc của ASEAN về đề cao thượng tôn pháp luật, tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin, kiềm chế, giải quyết hòa bình các tranh chấp, khác biệt trên cơ sở luật pháp quốc tế, mở rộng Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)...

Những thành công của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 dưới sự dẫn dắt của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch là một đỉnh cao thắng lợi của đường lối đối ngoại đa phương của Đảng, thể hiện tầm vóc và vị thế quốc tế ngày càng cao của Việt Nam./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hoạt động ngoại giao khẳng định bản sắc, tầm vóc và vị thế của Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO