Chiều 30/11 và ngày 1/12, Hội thảo lần thứ tư của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) về vận dụng Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) và các văn kiện pháp lý quốc tế khác trong ứng phó với các thách thức đang nổi lên trên biển đã được Bộ Ngoại giao phối hợp với EU, Australia, New Zealand đồng tổ chức tại Hà Nội.
Tham dự hội thảo có khoảng gần 200 đại biểu đến từ 27 quốc gia thành viên ARF, các tổ chức quốc tế và khu vực, cơ quan đại diện ngoại giao, viện nghiên cứu và các bộ, ngành, theo hình thức trực tuyến và trực tiếp.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đánh giá cao và một lần nữa khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của UNCLOS 1982 - bản hiến pháp của biển và đại dương, nhất là trong bối cảnh nổi lên ngày càng nhiều thách thức trong việc giải quyết các vấn đề trên biển, yêu cầu hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng hơn.
Ông Nguyễn Minh Vũ cho rằng, UNCLOS 1982 sẽ là cơ sở quan trọng để các quốc gia trong khu vực tăng cường lòng tin, thúc đẩy các hợp tác vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng; nhấn mạnh mọi tranh chấp và các vấn đề liên quan đến biển và đại dương trong khu vực cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.
Hội thảo lần thứ 4 này là một bước tiến thể hiện cam kết của khu vực trong hợp tác quốc tế để giải quyết các thách thức liên quan đến biển và đại dương.
Chia sẻ quan điểm với Việt Nam, các đồng chủ tọa là Phó trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Australia tại Hà Nội và Trưởng SOM ARF của New Zealand cũng đề cao vai trò và giá trị của Công ước Luật Biển và cảm ơn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đăng cai tổ chức chuỗi hội thảo này.
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận về 2 chủ đề chính, bao gồm quyền và nghĩa vụ được quy định trong UNCLOS 1982 và các văn kiện pháp lý liên quan; các thách thức truyền thống và mới nổi trong quá trình thực thi UNCLOS 1982.
Các phát biểu đều đề cao giá trị toàn diện của UNCLOS 1982 trong suốt 40 năm qua, nhấn mạnh đây là công cụ pháp lý quan trọng nhất để gìn giữ hòa bình, ổn định trong khu vực cũng như tạo khuôn khổ thúc đẩy hợp tác xử lý các vấn đề truyền thống và mới nổi trên biển và đại dương trong khu vực.
Đồng thời, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về các nỗ lực hợp tác quốc tế hướng đến sử dụng bền vững và bảo tồn biển và đại dương, bao gồm việc thương lượng văn kiện pháp lý quốc tế về đa dạng sinh học biển trong vùng biển nằm ngoài vùng tài phán quốc gia; quyền tài phán về tài nguyên sinh vật trong vùng đặc quyền kinh tế; thích nghi với biến đổi khí hậu và các cơ quan nghề cá khu vực./.