Hội thảo toàn cảnh CNTT-TT Việt Nam lần thứ 24: Định hình tương lai Fintech

Lâm Lâm| 08/10/2019 16:09
Theo dõi ICTVietnam trên

Hội Tin học TP. HCM (HCA) vừa chính thức công bố chuỗi sự kiện: Hội thảo Toàn cảnh CNTT-TT Việt Nam lần thứ 24 (Vietnam ICT Outlook - VIO 2019) với chủ đề Định hình tương lai Fintech Việt Nam - Shaping the future of Vietnam Fintech và Lễ trao giải Top ICT Việt Nam 2019.

Chuỗi sự kiện sẽ diễn ra trong hai ngày 30 và 31/10/2019 tại Trung tâm Hội nghị White Palace, 194 Hoàng Văn Thụ, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. HCM.

Cơ hội trao đổi giải pháp thúc đẩy phát triển hệ sinh thái số tài chính - ngân hàng ở Việt Nam

Ước tính trên thế giới hiện có khoảng 10.000 công ty công nghệ tài chính (Fintech) đang cạnh tranh với các ngân hàng trong mọi lĩnh vực từ thanh toán, huy động vốn, cho vay, kinh doanh ngoại hối và cả tư vấn đầu tư. Các công ty Fintech trên thế giới đã nhận được hàng trăm tỷ USD vốn đầu tư trong vài năm gần đây.

Riêng ở Việt Nam, mặc dù Fintech đã và đang thu hút được sự quan tâm rất lớn, tuy nhiên, các công ty Fintech ở Việt Nam hiện chủ yếu chỉ tập trung ở ba dịch vụ: thanh toán, cho vay ngang hàng và huy động vốn cộng đồng.

Vì nhiều lý do khác nhau, ở tầm vi mô lẫn vĩ mô, các lĩnh vực cụ thể khác như dịch vụ quản lý tài sản, quản lý thanh khoản, quản lý đầu tư, bảo hiểm, dịch vụ tư vấn tài chính tự động vẫn đang trong quá trình sơ khai. Nói khác đi, hệ sinh thái số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng ở Việt Nam mặc dù phát triển nở rộ gần đây nhưng vẫn đang còn nhiều hạn chế và gặp không ít các khó khăn, trở ngại.

Công nghệ tài chính đang phát triển nhanh và mạnh mẽ, làm thay đổi sâu sắc phương thức và mô hình kinh doanh tạo ra nhiều cơ hội mới. Cùng với sự phát triển của kinh tế số, khu vực tài chính từ lâu đã là ngành sử dụng công nghệ số trong hoạt động thông qua việc số hóa các dịch vụ tài chính.

Dựa trên công nghệ tài chính, nhiều mô hình và sản phẩm tài chính số hoá đã xuất hiện như ví điện tử (Mobile wallet), chuyển tiền ngang hàng (Peer-To-Peer transfer), thanh toán di động (Mobile payment), ngân hàng di động (Mobile banking), cho vay ngang hàng (Peer-To-Peer lending), huy động vốn cộng đồng (Equity-based crowdfunding), ngân hàng chuỗi khối (Blockchain banking), ngân hàng số (Digital banking).

Nhờ có công nghệ tài chính, người dùng có thể chủ động thực hiện các dịch vụ tài chính không cần có sự hỗ trợ của nhân viên các tổ chức tài chính. Các công ty Fintech có thể cạnh tranh trực tiếp với các tổ chức tài chính truyền thống nhờ các sản phẩm và công nghệ tài chính sáng tạo hơn, cung cấp dịch vụ nhanh hơn hoặc tập trung phục vụ các phân khúc mà các tổ chức tài chính truyền thống chưa đáp ứng được.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, sự trỗi dậy của Fintech cũng kèm theo nhiều thách thức, tác động trực tiếp đến các ngân hàng, các công ty Fintech mới tham gia vào lĩnh vực tài chính, trong đó có vấn đề kiểm soát an ninh mạng, chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, đào tạo nhân lực…

Trong bối cảnh đó, Toàn cảnh CNTT-TT Việt Nam là một trong những sự kiện lớn về CNTT-TT được tổ chức thường niên từ năm 1995.  Với chủ đề “Định hình tương lai Fintech Việt Nam - Shaping the future of Vietnam Fintech” – hội thảo được Hội Tin học TP. HCM (HCA) phối hợp cùng Fintech Academy Singapore (FTA), Hiệp hội ngân hàng Việt Nam (VNBA) và Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ ngân hàng Đại học Quốc gia TP.HCM (VNUHCM-IBT) tổ chức dự kiến diễn ra vào thứ Năm ngày 31/10/2019 tại White Palace, 194 Hoàng Văn Thụ, Quận Phú Nhuận, TP. HCM.

Hình ảnh Lễ công bố chuỗi sự kiện VIOS 2019

Đây là sự kiện để các công ty công nghệ, các công ty công nghệ tài chính, các ngân hàng, cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành nghề và các chuyên gia, nhà khoa học chia sẻ về các cơ hội, thách thức và giải pháp thúc đẩy phát triển hệ sinh thái số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng ở Việt Nam.

VIO 2019 lần này cũng mong muốn đóng góp một phần nhỏ vào kế hoạch xây dựng TP. HCM trở thành trung tâm tài chính khu vực với những nền tảng công nghệ, các ứng dụng Fintech mới nhất và phù hợp với tình hình thực tế tại TP. HCM và Việt Nam.

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ ngân hàng Đại học Quốc gia TP. HCM (VNUHCM-IBT), hiện có hơn 154 công ty đang hoạt động trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam trong đó có 37 công ty hoạt động trong mảng thanh toán, 25 công ty hoạt động trong lĩnh vực cho vay; mảng blockchain, Crypto & Remittance có 22 công ty.

Có đến 70% công ty Fintech ở Việt Nam là các công ty khởi nghiệp có vốn đầu tư đến từ các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada, Úc, Anh, Đan Mạch, Pháp và các quốc gia lân cận như Trung Quốc, Singapore, Malaysia. Điều này cho thấy xu hướng các công ty Fintech ở Việt Nam sẽ tham gia chia sẻ, lấn chiếm thị phần bán lẻ tiềm năng của các ngân hàng truyền thống khi mà hiện nay, hoạt động cho vay ngang hàng, ví điện tử, tiền ảo, thanh toán và trả góp bằng thẻ đã và đang thâm nhập mạnh mẽ vào cuộc sống hàng ngày tại Việt Nam. 

Đánh giá về sự kiện này, ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch HCA cho biết: “Với tinh thần luôn đổi mới, đây là lần đầu tiên HCA thay đổi cả hình thức và nội dung của VIO thông qua việc hợp tác với Fintech Academy Singapore. Là một trong những lĩnh vực còn khá mới mẻ ở Việt Nam, HCA mong muốn thúc đẩy, hỗ trợ các hoạt động liên quan đến Fintech để giúp các doanh nghiệp (DN) công nghệ có thể tiệm cận với những xu hướng, công nghệ mới nhất đang diễn ra trên thế giới.” 

Nhiều phiên thảo luận chuyên đề

Ngoài hội thảo chính csáng ngày 31/10/2019, chiều cùng ngày sẽ có 03 hội trường song song với 06 chuyên đề đa dạng chia sẻ về: (1) Xu thế phát triển, vai trò và tác động của FinTech đối với nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay; (2) FinTech và sự thay đổi của công nghệ, dịch vụ thanh toán; (3) ML và AI trong thị trường Fintech, Chatbot, Bootrom; (4) FinTech và vấn đề an toàn bảo mật thông tin; (5) FinTech và đột phá khởi nghiệp; (6) Fintech và Nguồn nhân lực. 

Đây là năm đầu tiên VIO 2019 tổ chức có sự tham gia báo cáo của các diễn giả, chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, Fintech, bảo mật, công nghệ đến từ Singapore, Trung Quốc, Hong Kong, Nga, Việt Nam… trong mỗi phiên hội thảo chuyên đề.

Bên cạnh đó còn có các phiên đối thoại giữa những nhà hoạch định chính sách quản lý nhà nước; CEO của các DN công nghệ, công ty Fintech, ngân hàng sẽ cung cấp nhiều thông tin mới, đánh giá toàn diện về hệ sinh thái Fintech và đề ra các giải pháp chiến lược hữu ích cho các bên liên quan.

Các phiên thảo luận đều được điều phối bởi các chuyên gia uy tín như ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; ông Ngô Vi Đồng, Chủ tịch Chi hội An toàn thông tin phía Nam, Phó Chủ tịch VNISA; Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt; Ông Trần Thanh Nam, Giám đốc Công ty MOCA; các chuyên gia của VNUHCM-IBT và Đại học Kinh tế-Luật.

VIO 2019 còn có các hoạt động: hội thảo phiên toàn thể với các báo cáo, hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương giữa các ngân hàng, DN công nghệ, quỹ đầu tư, hãng công nghệ trong và ngoài nước, các hội thảo chuyên đề với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế uy tín và nhiều kinh nghiệm, Tham quan và trải nghiệm công nghệ tại khu trưng bày VIO - FinTech Conference, cơ hội trao đổi, giao lưu các ý tưởng công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm gọi vốn và vận hành DN trong cộng đồng Start-up về FinTech.

VIO 2019 có sự tham gia của 30 gian hàng triển lãm đến từ các ngân hàng, công ty Fintech, DN CNTT sẽ đem đến cho cộng đồng CNTT, cộng đồng Fintech, cộng đồng tài chính-ngân hàng và người sử dụng cơ hội vừa trải nghiệm khách hàng (customer experience) và vừa trải nghiệm triển khai (execution experience), cho phép khách hàng thử nghiệm tự phục vụ, theo thời gian thực, trên nhiều thiết bị, trong môi trường bối cảnh tùy biến (contextual environment) để tạo ra các trải nghiệm cá nhân phù hợp.

Tính đến thời điểm hiện tại, hoạt động xúc tiến thương mại (Business Matching) đã có khoảng 15 DN muốn mở rộng tìm kiếm đối tác và dự kiến sẽ có 20 bàn Business Matching với gần 150 lượt DN tiếp cận. Hoạt động này DN được đăng ký tham gia hoàn toàn miễn phí (danh sách này sẽ tiếp tục được cập nhật). Các lĩnh vực DN có nhu cầu tìm kiếm đối tác là giải pháp ngân hàng điện tử, giải pháp thanh toán; AI và IoT, bảo mật, blockchain…

Chương trình với sự hỗ trợ của các Hiệp hội, Hội ngành nghề có nhiều liên kết và hoạt động mạnh trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, thanh toán quốc tế như Hiệp hội DNTP.HCM (HUBA); Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA); Hội DN Cơ Khí - Điện TPHCM (HAMEE) cùng các Hiệp hội, Hội ngành nghề như Logistic, Cảng biển, Bất động sản, Gỗ mỹ nghệ, Câu lạc bộ FinTech Việt Nam… 

Toàn cảnh CNTT-TT Việt Nam lần thứ 24 (Vietnam ICT Outlook - VIO 2019) được sự bảo trợ của Bộ TT&TT, UBND TP. HCM, Sở TT&TT TPHCM, Sở Khoa học Công nghệ TP. HCM dự kiến thu hút gần 3.000 lượt khách tham dự sự kiện. 

Chi tiết về sự kiện có tại: www.vietnamfintech.com.vn – www.vietnamfintech.vn 

Bài liên quan
  • Công nghệ tài chính fintech tại Việt Nam: Nắm bắt xu hướng để phát triển
    Cùng với sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ngày càng nhiều người tiêu dùng đã bắt đầu chuyển sang sử dụng các sản phẩm và dịch vụ từ lĩnh vực Fintech, tạo ra một xu hướng tiêu dùng mới và đầy tiềm năng tại Việt Nam. Tuy nhiên, xu hướng này cũng đang ảnh hưởng lớn đến ngân hàng thương mại.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Hội thảo toàn cảnh CNTT-TT Việt Nam lần thứ 24: Định hình tương lai Fintech
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO