Đây là hội thảo quốc tế thường niên được Hiệp hội Đổi mới sáng tạo châu Âu (EAI) và nhà xuất bản Springer bảo trợ, là diễn đàn để các nhà khoa học trên thế giới công bố các kết quả nghiên cứu chuyên sâu mới nhất và thảo luận về khả năng hợp tác trong lĩnh vực mạng công nghiệp, viễn thông và hệ thống thông minh.
Chủ đề chính của INISCOM 2021 là sự hội tụ của công nghệ 5G, trí tuệ nhân tạo (AI) và an ninh mạng đáp ứng nhu cầu của xã hội kết nối trong thành phố thông minh.
Hội nghị có sự tham gia, trình bày của các tác giả đến từ các trường đại học hàng đầu tại Việt Nam và các đại biểu quốc tế đến từ Vương quốc Anh, Pháp, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản,…
GS. TS. Trần Xuân Nam, Phó Hiệu trưởng ĐHKT Lê Quý Đôn cho biết hội thảo là một diễn đàn hàng đầu để trình bày kết quả nghiên cứu và báo cáo về công nghệ tiên tiến trong tất cả các lĩnh vực của dữ liệu lớn, mạng thông tin di động 5G và tiếp theo, Internet vạn vật (IoT), AI và an ninh mạng hướng tới giảm thiểu rủi ro và khả năng chống chịu với các thảm họa thiên nhiên, môi trường cũng như các hiện tượng khí hậu khắc nghiệt trên toàn cầu.
Năm nay, hội nghị đã thu hút 80 bài báo khoa học của khoảng 127 tác giả và đồng tác giả đến từ hơn 10 quốc gia. Mỗi bài báo đã nhận được ít nhất 3 đánh giá kỹ thuật từ hơn 30 thành viên TPC từ các học viện, phòng thí nghiệm chính phủ và ngành công nghiệp.
Đặc biệt, Hội thảo có sự tham gia và trình bày của chuyên gia hàng đầu thế giới của Nokia Bell Labs, TS. Dr. Harish Viswanathan, và GS. Dương Quang Trung đến từ Đại học Queen's University Belfast (Vương quốc Anh) về "Truyền thông độ trễ thấp và độ tin cậy siêu cao cho Internet van vật công nghiệp".
GS. TS. Trần Xuân Nam cũng cho biết trường ĐHKT Lê Quý Đôn là một trong những trường đại học trọng điểm của Việt Nam và là một trong những trường đại học khoa học và công nghệ hàng đầu quốc gia. Trường thực hiện đào tạo đại học và sau đại học đa ngành về kỹ thuật và quản lý cho cả sinh viên dân sự, sĩ quan quân đội. Trường đã thiết lập quan hệ hợp tác quốc tế với nhiều đối tác nước ngoài.
Trường đang tiến hành các dự án nghiên cứu chung khác nhau với các đối tác công nghiệp cũng như các tổ chức nghiên cứu. INISCOM 2021 là một cơ hội hữu ích để khám phá, trao đổi ý tưởng, kết bạn mới và quan trọng nhất là có động lực để trở lại và đóng góp cho các hội nghị INISCOM trong tương lai.
PGS. TS Hoàng Văn Phúc, Viện trưởng Viện Tích hợp hệ thống - đơn vị chủ trì công tác tổ chức tại ĐHKT Lê Quý Đôn cho biết: Với khối lượng 80 bài báo khoa học của 127 tác giả đến từ hơn 10 quốc gia trên thế giới, mỗi bài báo được ít nhất ba chuyên gia trong lĩnh vực phản biện. Sau qui trình phản biện chặt chẽ, Hội thảo đã chọn ra 39 bài báo trình bày tại các phiên tiểu ban, trong đó có 16 bài được trình bày theo hình thức trực tuyến.
Việc tham gia và trình bày tại Hội thảo đã giúp các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học kỹ thuật Lê Quý Đôn nói riêng và tại Việt Nam nói chung có cơ hội tiếp cận các hướng nghiên cứu mới, giao lưu khoa học và xây dựng các nội dung hợp tác nghiên cứu quốc tế trong các lĩnh vực chủ chốt của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số hiện nay.