Hướng đào tạo fintech hội nhập quốc tế

Hoàng Linh| 03/12/2022 06:10
Theo dõi ICTVietnam trên

Lộ trình học tập công nghệ tài chính (fintech) như thế nào cho hiệu quả để đáp ứng được "cơn khát" nhân lực của các doanh nghiệp (DN) fintech là chủ đề nhận được nhiều quan tâm của không chỉ bản thân người học mà còn của các DN, cơ sở đào tạo hiện nay.

Là trường đại học (ĐH) hàng đầu về công nghệ thông tin (CNTT), cũng là trường ĐH đầu tiên tại Việt Nam mở mã ngành đào tạo fintech, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (BCVT) được kỳ vọng và đánh giá là trường ĐH đào tạo fintech tốt nhất hiện nay. Học viện luôn đổi mới chương trình để tiệm cận với quốc tế và phù hợp với thực tiễn tại các DN.

Nhu cầu nhân sự fintech đang rất lớn

Trong khuôn khổ các hoạt động để nâng cao chất lượng giảng dạy và mở ra nhiều cơ hội học tập, việc làm của sinh viên ngành fintech, mới đây, Học viện Công nghệ BCVT đã tổ chức tọa đàm "Cơ hội học tập và việc làm fintech" với sự tham gia của các diễn giả đến từ các DN, tổ chức tài chính lớn và ĐH Huddersfield, Anh quốc.

Tại buổi hội thảo, sinh viên fintech đã có cơ hội giao lưu với các diễn giả tại các DN để hiểu rõ hơn về cơ hội nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp ngành fintech tại Học viện. Chia sẻ về vấn đề này, TS. Đinh Chí Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghệ Unicloud đã khẳng định nhu cầu nhân sự fintech trong các lĩnh vực kinh doanh tại các DN nói chung và Unicloud nói riêng đang rất lớn. Tại Unicloud, nhân sự fintech được tuyển dụng cho các lĩnh vực cung cấp phần mềm và phần cứng dành riêng cho tổ chức tài chính, hệ thống máy giao dịch ngân hàng tự động STM (Smart Teller Machine)...

Hướng đào tạo fintech hội nhập quốc tế  - Ảnh 1.

Ông Đinh Chí Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghệ Unicloud, chia sẻ với sinh viên về các giải pháp công nghệ trong lĩnh vực tài chính

Là chuyên gia trong lĩnh vực fintech, TS. Đinh Chí Hiếu cho rằng, nhân sự fintech cần được đào tạo bài bản và đáp ứng tính thực tế của DN. Chương trình đào tạo fintech tại Học viện Công nghệ BCVT là một trong số ít các chương trình đào tạo hiện nay đáp ứng được yêu cầu đó và đã nhận được sự chú ý lớn đối với thị trường lao động khi ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác liên kết đào tạo theo hình thức 2+2 và 3+1 ngành fintech với ĐH Huddersfield, Anh Quốc.

"Đây sẽ là cơ hội đặc biệt để sinh viên Học viện học hỏi, nâng cao kiến thức, kinh nghiệm quốc tế về fintech". TS. Đinh Chí Hiếu hiện là giảng viên kiêm giảng, đóng góp thêm những kiến thức thực tế hữu ích cho sinh viên fintech tại Học viện.

Quan điểm này cũng nhận được sự ủng hộ lớn từ phía bà Nguyễn Thùy Linh, Phó Giám đốc khối Ngân hàng số, MB Bank. "Những yêu cầu tuyển dụng về kiến thức, kỹ năng và thái độ đối với ứng viên fintech mà ngân hàng MB đặt ra khi tuyển dụng, đồng thời đánh giá cao về chương trình đào tạo fintech tại Học viện và rất ấn tượng với sự chủ động, hào hứng trong học tập mà sinh viên fintech Học viện thể hiện".

Hướng đào tạo fintech hội nhập quốc tế  - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thùy Linh, Phó Giám đốc khối Ngân hàng số, MB Bank

Bà Linh tin tưởng, với việc biết nắm bắt cơ hội học tập tốt như chương trình liên kết đào tạo fintech với trường Huddersfield, cùng thái độ tốt, sự say mê và kỷ luật với nghề sẽ giúp sinh viên fintech của Học viện thành công sau tốt nghiệp.

Đào tạo hội nhập quốc tế

Chia sẻ về trường Huddersfield và lý do chọn Học viện Công nghệ BCVT để ký kết biên bản hợp tác, GS. TS. John Anchor, Phó hiệu trưởng trường Kinh doanh Huddersfield, ĐH Huddersfield cho rằng Học viện là ĐH có những sự khác biệt về uy tín, chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, và tầm nhìn, mục tiêu luôn hướng về sinh viên.

Tại buổi hội thảo, GS.TS John Anchor đã giới thiệu đến sinh viên Học viện về trường, chương trình liên kết đào tạo song bằng giữa ĐH Huddersfield và Học viện cùng những cơ hội học tập, nhận bằng quốc tế của sinh viên Học viện.

Hướng đào tạo fintech hội nhập quốc tế  - Ảnh 3.

GS. TS. John Anchor chia sẻ với sinh viên Học viện về cơ hội học tập tại ĐH Huddersfield

Chia sẻ về quan điểm đào tạo ngành fintech của Học viện, TS. Vũ Tuấn Lâm, Phó Giám đốc Học viện nhấn mạnh: "Để xây dựng chương trình đào tạo công nghệ tài chính hiện đại và nhằm cung cấp được nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Học viên đã tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế với ĐH Corvinus của Hungary và ĐH Huddersfield của Anh… Sinh viên theo học chương trình liên kết với ĐH Huddersfield sẽ nhận được bằng cử nhân công nghệ tài chính do Học viện cấp và một bằng cử nhân liên quan đến chuyên ngành tài chính do ĐH Huddersfield cấp".

PGS.TS. Đặng Thị Việt Đức, Trưởng khoa Tài chính Kế toán cho biết: "Học viện đã tuyển sinh được 02 khóa sinh viên với điểm đầu vào rất tốt. Điều đó thể hiện rằng Học viện đã đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động đang khát nhân lực fintech. Học viện đang có thế mạnh về công nghệ do vậy rất tự tin để đào tạo nhân lực các ngành lai ghép như fintech".

Trong quá trình đào tạo, khoa Tài chính Kế toán của Học viện luôn chú trọng tính thực tiễn của chương trình, vì vậy, luôn quan tâm kết nối sinh viên, giảng viên với các DN, các tổ chức tài chính. Học viện và khoa cũng hướng tới xây dựng chương trình đào tạo hội nhập quốc tế, đã phối hợp với đại học Huddersfield (Vương quốc Anh) để xây dựng chương trình đào tạo đơn bằng và song bằng 2+2, 3+1 giúp sinh viên fintech của Học viện có thêm lựa chọn thực hiện tiến trình học tập của mình.

Với những thành công trong thời gian qua, Học viện Công nghệ BCVT đã nhận được sự đánh giá cao của thị trường lao động và giới chuyên môn cho chương trình đào tạo fintech. Dự đoán trong thời gian tới, đây tiếp tục là ngành học "hot" và được nhiều DN săn đón, vì vậy sinh viên fintech cần trang bị thêm nhiều kiến thức thực tế, trong đó việc tham gia các chương trình đào tạo tại nước ngoài sẽ mang lại càng nhiều cơ hội nghề nghiệp giá trị sau khi tốt nghiệp./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hướng đào tạo fintech hội nhập quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO