Kết quả bước đầu triển khai 15 nền tảng số tại Bắc Giang

Bùi Linh Đồng| 01/10/2022 21:25
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngay sau khi Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2834/QĐ-UBND ngày 20/8/2022 về phê duyệt Danh mục các nền tảng số quốc gia triển khai trên địa bàn tỉnh Bắc Giang năm 2022, các sở, ngành được giao nhiệm vụ chủ trì triển khai nền tảng bước đầu đã triển khai và đạt được những kết quả tích cực.

Kết quả này góp phần quan trọng trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được nêu tại Nghị quyết số 111-NQ/TU ngày 11/6/2021 của ban chấp hành đảng bộ tỉnh và Kế hoạch số 324/KH-UBND ngày 13/7/2021 của UBND tỉnh về chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Nền tảng tích hợp dữ liệu tỉnh Bắc Giang

Đây là nền tảng được xây dựng, phát triển phục vụ kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu (CSDL) của các cơ quan nhà nước (CQNN), doanh nghiệp (DN), tổ chức. Hiện nay, Sở TT&TT đã thực hiện kết nối đến Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) với 9 dịch vụ: Bảo hiểm xã hội; Đăng ký DN; CSDL quốc gia về dân cư; Hộ tịch; Lý lịch tư pháp; Cấp mã số quan hệ ngân sách; Văn bản QPPL; Bưu chính công ích (VNPost); Danh mục dùng chung; kết nối nội tỉnh thông qua LGSP 03 dịch vụ. Sở TTTT đang tiếp tục nâng cấp, phát triển nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh Bắc Giang: Kết nối CSDL quốc gia về giá; Kết nối CSDL của Bộ Xây dựng; Kết nối CSDL Bộ Giao thông Vận tải (GTVT); Kết nối CSDL bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT).

Nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu là nền tảng cung cấp khả năng tổng hợp dữ liệu từ nhiều nguồn, chuẩn hóa dữ liệu, lưu trữ vào kho dữ liệu; phân tích, xử lý dữ liệu theo nhu cầu; trình diễn dữ liệu theo nhiều chiều từ đó làm công cụ giúp các CQNN sử dụng, khai thác dữ liệu một cách có hiệu quả phục vụ công tác chỉ đạo điều hành. Dự kiến trong tháng 10/2022, Sở TT&TT sẽ hoàn thành.

Nền tảng trung tâm giám sát điều hành thông minh

Đây là nền tảng cung cấp dịch vụ giám sát, cảnh báo; chỉ đạo, điều hành; phân tích và xử lý dữ liệu; quản lý chỉ số hiệu suất (KPIs); quản lý quy trình nghiệp vụ; báo cáo thống kê; mô phỏng và dự báo; Giúp lãnh đạo các cấp có khả năng giám sát, điều hành, hỗ trợ chỉ huy và quản lý chất lượng dịch vụ do bộ, ngành, địa phương cung cấp một cách tổng thể với việc ứng dụng các công nghệ phân tích dữ liệu hoặc trí tuệ nhân tạo; mang đến hiệu quả, cơ hội phát triển các ngành, lĩnh vực và kinh tế - xã hội (KT-XH). 

Đến nay, Văn phòng UBND tỉnh đã hoàn thành quy trình kiểm thử hệ thống phần mềm, đang thực hiện chạy thử nghiệm và tổ chức lớp đào tạo, tập huấn cho cán bộ nghiệp vụ của các sở, ngành sử dụng các hệ thống phần mềm.

Nền tảng họp trực tuyến là nền tảng cung cấp dịch vụ họp trực tuyến cho phép nhiều người tham gia họp trên môi trường mạng, hỗ trợ đa nền tảng, thiết bị; các tính năng cần thiết của cuộc họp như: Đặt lịch, nhắc lịch, chia sẻ tài liệu, chia sẻ màn hình, chia sẻ video trực tuyến, quản lý, điều hành cuộc họp, biểu quyết... 

Nền tảng cho phép triển khai họp qua Internet hoặc mạng truyền số liệu chuyên dùng. Nền tảng đã được triển khai thống nhất từ tỉnh tại UBND tỉnh và các sở, ngành đến 10 huyện, thành phố và 100% xã, phường, thị trấn. Trong 9 tháng đầu năm 2022, đã tổ chức được 120 cuộc họp trực tuyến.

Nền tảng hóa đơn điện tử là nền tảng kết nối, liên thông với toàn bộ các cơ quan thuế, cho phép mỗi cá nhân, hộ kinh doanh, DN dễ dàng gửi nhận hóa đơn điện tử với nhau và với cơ quan thuế thông qua nền tảng này. 

Đến ngày 30/9/2022, Cục Thuế tỉnh đã triển khai hệ thống này đến 100% các DN, tổ chức kinh tế và hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai thực hiện áp dụng Hóa đơn điện tử.

Nền tảng định danh người dân và xác thực điện tử là nền tảng được kết nối với CSDL quốc gia về dân cư, CSDL căn cước công dân (CCCD) và CSDL quốc gia về xuất nhập cảnh, để phục vụ định danh mọi người dân trên môi trường số, khi tham gia sử dụng các dịch vụ số. Tính đến ngày 15/9/2022, Công an tỉnh đã thu nhận được 1.508.754 hồ sơ cấp CCCD. Đã hoàn thiện gửi file về Bộ Công an với tổng số 1.506.754 hồ sơ, nhận về 1.438.658 thẻ CCCD.

Nền tảng học kỹ năng trực tuyến mở là nền tảng được xây dựng để phổ cập kỹ năng số cho mọi đối tượng bao gồm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân nói chung; phổ cập kỹ năng số nâng cao cho người dân theo hướng cá nhân hóa, đào tạo về kỹ năng, quyền và trách nhiệm công dân số. 

Sở TT&TT phối hợp với Cục Tin học hoá - Bộ TT&TT tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng trực tiếp cho 600 học viên và trực tuyến cho 200 cán bộ lãnh đạo cấp xã; tổ chức khóa bồi dưỡng "Phổ cập kỹ năng số cộng đồng" cho gần 16.000 thành viên của tổ công nghệ số cộng đồng trên nền tảng học trực tuyến https://onetouch.mic.gov.vn).

Nền tảng địa chỉ số là nền tảng trên cơ sở kế thừa nền tảng địa chỉ bưu chính Vpostcode hiện có; gắn biển địa chỉ số đến từng công trình, nhà cửa, địa điểm đã được tạo địa chỉ số; tích hợp với nền tảng bản đồ số quốc gia dựa trên CSDL quốc gia địa chỉ số, có chức năng chỉ đường, dẫn đường đến được từng địa chỉ số đã được tạo. 

Đến nay, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã hoàn thành xây dựng app thu thập dữ liệu, app địa chỉ số để phục vụ thông báo, gắn biển địa chỉ số. Bưu điện tỉnh Bắc Giang sẽ phối hợp, hỗ trợ tạo tài khoản, hướng dẫn, đào tạo các đơn vị, tổ, nhóm…thu thập dữ liệu, thông báo, gắn biển địa chỉ số khi có yêu cầu.

Nền tảng dạy học trực tuyến là nền tảng cung cấp một hệ sinh thái học tập bao gồm: quản lý học tập, quản lý kho tài nguyên học liệu số,.. cho giáo viên, học sinh và các cơ sở giáo dục. 

Bên cạnh triển khai nền tảng chung, Sở GD&ĐT tỉnh đã triển khai xây dựng các nền tảng phục vụ CĐSố của ngành, bao gồm 03 nhiệm vụ: Xây dựng hệ thống quản lý bài giảng điện tử và cung cấp dịch vụ khóa học trực tuyến chuẩn hóa phục vụ đổi mới hoạt động dạy và học; Xây dựng công cụ CĐS toàn diện công tác kiểm tra đánh giá ở bậc phổ thông; Xây dựng phần mềm trường học số.

Nền tảng quản lý tiêm chủng là nền tảng cung cấp công cụ, dịch vụ cho mọi cơ sở tiêm chủng trên toàn quốc tổ chức tiêm ngừa cho người dân tại Việt Nam. 

Nền tảng cho phép người dân đăng ký tiêm chủng trực tuyến, cho phép cơ sở tiêm chủng lập kế hoạch tiêm, lập danh sách tiêm, thực hiện tiêm và tổng hợp thông tin sau tiêm. Tính đến đến ngày 26/9/2022, tổng số toàn tỉnh đã tiêm được 5.605.986 liều vắc-xin COVID-19 được cập nhật trên hệ thống.

Nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử (SKĐT) là một y bạ điện tử cho mỗi người dân ghi lại quá trình chăm sóc sức khỏe từ lúc sinh ra cho đến khi mất đi. Khi đi khám bệnh, thông qua hồ sơ SKĐT, người dân cung cấp cho thầy thuốc biết tình  trạng sức khỏe, tiền sử bệnh tật và quá trình khám chữa bệnh một cách nhanh chóng, chính xác, đầy đủ, tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị. 

Tính đến 30/9/2022, có hơn 1,8 triệu nhân khẩu trên địa bàn được đồng bộ, đồng thời phối hợp với các cơ sở tích hợp lịch sử khám chữa bệnh, đảm bảo thông tin được cập nhật trên ứng dụng "Sổ SKĐT" của toàn bộ người dân. Hồ sơ sức khỏe liên thông dữ liệu khám chữa bệnh tại 100% bệnh viện tuyến huyện và tuyến tỉnh, đồng thời liên thông dữ liệu tới hệ thống Tiêm chủng quốc gia. Đến nay số lượng nhân khẩu có hồ sơ sức khỏe 1.797.328 đạt 95,6%; số lượng khám chữa bệnh đúng tuyến đạt 97,74%.

Nền tảng trạm y tế xã là nền tảng giúp các cơ sở y tế phường, xã, phòng khám khu vực tại các tỉnh quản lý toàn diện các hoạt động khám, chữa bệnh tại địa phương mình quản lý. 

Nền tảng bảo đảm kết nối, liên thông dữ liệu với nền tảng, hệ thống thông tin, CSDL của các cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến tỉnh, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Đến nay, số lượng hồ sơ bước đầu đã kết nối liên thông 109.034 hồ sơ gồm 1.845.902 bảng dữ liệu theo nhóm 2 của y tế cơ sở.

Nền tảng khảo sát, thu thập ý kiến người dân là nền tảng độc lập thu thập, tổng hợp ý kiến phản ánh, đánh giá của người dân liên quan đến mọi vấn đề đời sống kinh tế, xã hội. Cơ quan nhà nước thu thập, đánh giá mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng các dịch vụ công; thu thập các ý kiến góp ý về các chính sách quản lý đã hoặc chuẩn bị ban hành. 

Nền tảng triển khai tập trung, nhưng các bảng khảo sát, câu hỏi xin ý kiến người dân có thể đưa vào từng dịch vụ công, từng nền tảng, tiếp cận đến từng người dân để thu thập thông tin đã được cá thể hóa. Hiện tại Văn phòng đang tích cực nghiên cứu, phối hợp với đơn vị chuyên môn lên phương án triển khai kế hoạch.

Nền tảng phát thanh số (trực tuyến) là nền tảng cung cấp kênh trực tuyến giúp người dân có thể nghe, nghe lại bất kỳ chương trình phát thanh trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam hoặc các Đài phát thanh cấp tỉnh, truyền thanh cấp huyện, cấp xã tại Việt Nam. 

Nền tảng hỗ trợ người dân tiếp cận các kênh phát thanh mọi lúc, mọi nơi, kể cả đối với kiều bào ở nước ngoài. Hiện nay, kênh Phát thanh Bắc Giang phát sóng Online trên trang Thông tin điện tử www.bacgiangtv.vn và ứng dụng BGTVgo.

Nền tảng truyền hình số (trực tuyến) là nền tảng cung cấp kênh trực tuyến giúp người dân trong và ngoài nước tiếp cận được bất kỳ kênh, chương trình truyền hình nào do Đài Truyền hình Việt Nam, các Đài truyền hình địa phương phát sóng, cung cấp các nội dung theo nhu cầu khác, đáp ứng nhu cầu của người dân và xu thế công nghệ. 

Đài Phát thanh truyền hình tỉnh đã triển khai ứng dụng Nền tảng này đưa kênh Truyền hình Bắc Giang phát sóng Online trên trang thông tin điện tử www.bacgiangtv.vn đồng thời sử dụng miễn phí ứng dụng BGTVgo trên thiết bị di động, máy tính, máy tính bảng, các loại TV thông minh và các đầu thu Box TV chạy hệ điều hành Android, IOS, Tizen, WebOS. Người dùng BGTVgo cũng có thể xem lại nội dung các chương trình truyền hình đã phát sóng trước đó 30 ngày./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Kết quả bước đầu triển khai 15 nền tảng số tại Bắc Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO