Kết quả trong việc triển khai chính quyền điện tử tại TP. HCM

Tạp chí TT&TT| 12/11/2020 10:12
Theo dõi ICTVietnam trên

UBND TP. HCM mới đây đã ban hành Quyết định số 2392/QĐ-UBND cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử (CQĐT) Thành phố. Đây được xem là tiền đề quan trọng trong việc triển khai CQĐT tại TP.HCM.

Xây dựng kiến trúc CQĐT TP.HCM nhằm xác định quá trình chuyển đổi về trạng thái ứng dụng CNTT của bộ máy chính quyền từ trạng thái hiện tại tới trạng thái đích vào năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030. Kiến trúc này đáp ứng các mục tiêu chiến lược của TP.HCM phát triển thành một "Đô thị thông minh", đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội và chính quyền một cách hiệu quả.

Xây dựng thành công kiến trúc CQĐT

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. HCM ông Dương Anh Đức: "Để tiếp tục triển khai xây dựng CQĐT hướng đến Chính quyền số, UBND TP đã ban hành Chương trình Chuyển đổi số của TP và cập nhật Kiến trúc CQĐT TPHCM. Trong đó, Kiến trúc Chính quyền điện tử TP đóng vai trò định hướng và đồng bộ hóa các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của TP. Cấu phần quan trọng trong Kiến trúc CQĐT là nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu dùng chung - nền tảng quan trọng để đảm bảo tích hợp, liên thông các hệ thống thông tin ở TPHCM. Từ đó, phát huy trách nhiệm và tính chủ động của thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND quận, huyện trong việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN".

Mục tiêu chính của kiến trúc CQĐT là đảm bảo các chương trình đầu tư công nghệ và chuyển đổi số đạt được thành quả đề ra, đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, doanh nghiệp, đồng thời vẫn đáp ứng các yêu cầu về quản lý nhà nước. Kiến trúc CQĐT với 5 thành phần cơ bản: kiến trúc nghiệp vụ, kiến trúc thông tin, kiến trúc ứng dụng, kiến trúc công nghệ, và kiến trúc an toàn thông tin.

Kết quả trong việc triển khai chính quyền điện tử tại TP.HCM - Ảnh 1.

Theo bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM "Kiến trúc CQĐT sẽ giúp các sở, ban, ngành, quận, huyện, phường, xã, thị trấn và các cơ quan nhà nước khác trực thuộc Thành phố hiểu rõ vị trí, trách nhiệm của mình trong việc ứng dụng và phát triển CNTT một cách toàn diện và đồng bộ".

Việc TP.HCM xây dựng thành công kiến trúc CQĐT đã giúp cho Thành phố xác định được chi tiết quá trình chuyển đổi số cho bộ máy chính quyền Thành phố, giúp các cơ quan nhà nước của Thành phố tham chiếu khi phát triển và triển khai các ứng dụng CQĐT. Trên cơ sở kiến trúc CQĐT của Thành phố, các cơ quan quản lýnhà nước, đơn vị sự nghiệp hoặc các tổ chức khác có thể xây dựng, triển khai kế hoạch ứng dụng CNTT theo lộ trình và trách nhiệm triển khai ở các cấp, bảo đảm sự kết nối, liên thông, chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng thông tin.

Vẫn theo bà Trung Trinh: "Có thể nói kiến trúc CQĐT Thành phố là một giải pháp quan trọng hàng đầu của cả Đề án Đô thị thông minh và Chương trình Chuyển đổi số của TP.HCM. Kiến trúc CQĐT sẽ hỗ trợ việc phát triển, xác định chi tiết về chia sẻ dữ liệu, kết nối liên thông, tiêu chuẩn công nghệ… để có thể triển khai các giải pháp công nghệ theo định hướng đô thị thông minh và chính quyền số một cách đồng bộ, nhất quán, hiệu quả, gỉảm thiểu lãng phí nguồn lực của Thành phố".

90% hồ sơ được xử lý trên mạng

Theo thống kê, tỷ lệ người dân và doanh nghiệp tại TP.HCM tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến đã tăng mạnh, từ 4% năm 2016 lên 32% vào năm 2017, 40% trong năm 2018 và tăng lên 56% trong năm 2019. Riêng trong tháng 4/2020, thành phố triển khai gần 1.300 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4 tập trung vào lĩnh vực lao động, kinh doanh và dịch vụ. Các sở - ban - ngành, UBND quận - huyện đã triển khai hệ thống một cửa điện tử, ISO điện tử giúp lãnh đạo hoàn toàn có thể giám sát được tình trạng xử lý hồ sơ của đơn vị, biết được nguyên nhân trễ hạn thông qua báo cáo tổng hợp tự động qua phần mềm và tin nhắn. TP.HCM cũng đã triển khai hệ thống một cửa điện tử quản lý hồ sơ đất đai tại Trung tâm dữ liệu của TP.HCM.

Bà Trung Trinh cho biết: "TP. HCM đã đang xây dựng được nền dịch vụ công trực tuyến hiện đại, hiệu quả. Theo các chỉ tiêu đề ra đến năm 2025, có 90% dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 4, đa kênh; 90% hồ sơ công việc được xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng; 100% các hệ thống thông tin kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; Thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại Trung tâm dữ liệu Thành phố và không phải cung cấp lại. Qua đó, phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trong việc gửi, nhận và trả kết quả hồ sơ hoàn toàn qua mạng".

Trong nhiều ngành, lĩnh vực cụ thể, nhiều thông tin đã được cung cấp cho người dân thông qua cổng thông tin hoặc ứng dụng trên điện thoại di động. Cụ thể như: Trong lĩnh vực giao thông, cổng thông tin giao thông cung cấp trực tuyến cho người dân các thông tin liên quan về tình hình giao thông, các tiện ích trong quá trình tham gia giao thông theo thời gian thực.

Ở lĩnh vực giáo dục, TP. HCM triển khai Cổng thông tin điện tử ngành giáo dục với hơn 1.660 website thành viên của các đơn vị giáo dục. TP.HCM đã thử nghiệm Cổng thông tin công khai các dịch vụ giáo dục.

Trong lĩnh vực y tế, TP. HCM triển khai Cổng thông tin của ngành y tế, cung cấp nhiều chuyên mục thuộc các lĩnh vực khám chữa bệnh, y tế dự phòng, cải cách hành chính; người dân có thể tra cứu trực tuyến về giấy phép, phạm vi hoạt động chuyên môn của cá nhân người hành nghề và cơ sở y tế.

Trong lĩnh vực chống ngập nước, thành phố đã triển khai Cổng thông tin Hệ thống thoát nước thành phố. Qua đây, người dân có đầy đủ các thông tin về ngập lụt, khí tượng thủy văn... nhằm giúp chủ động ứng phó để giảm nhẹ thiệt hại do ngập lụt gây ra.

Với lĩnh vực quy hoạch, TP. HCM triển khai ứng dụng Thông tin quy hoạch TP. HCM, trong đó đã cung cấp dưới dạng bản đồ hình ảnh các thông tin quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch giao thông, quy hoạch cao độ nền với quy mô trên toàn địa bàn…

Ở mô hình quận, huyện trực tuyến, Cổng thông tin tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp (1022) được triển khai rộng rãi cũng đã mang lại sự thuận lợi cho sự tương tác giữa người dân, tổ chức với các cơ quan nhà nước, cũng như tạo điều kiện tốt hơn để người dân, tổ chức tham gia giám sát, đóng góp ý kiến tham gia xây dựng chính quyền.

Ứng dụng CNTT, cải cách TTHC

MỤC TIÊU CƠ BẢN TRONG NHIỆM VỤ XÂY DỰNG CQĐT TẠI TP.HCM ĐẾN 2030

100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% hồ sơ công việc ở cấp thành phố, 100% hồ sơ công việc ở cấp quận, huyện và 95% hồ sơ công việc ở cấp phường, xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước);

Hình thành đầy đủ nền tảng dữ liệu của đô thị thông minh phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, dữ liệu được chia sẻ rộng khắp trong toàn xã hội (trừ những dữ liệu thuộc phạm vi bí mật nhà nước), giảm 40% thủ tục hành chính;

Tăng 40% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân và doanh nghiệp;

l TP.HCM thuộc nhóm 2 địa phương dẫn đầu về chính quyền số, kinh tế số chiếm 40% GRDP, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 9%;

TPHCM thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu về CNTT (IDI), nhóm 2 về chỉ số cạnh tranh (GCI), nhóm 2 về đổi mới sáng tạo (GII), nhóm 3 về an toàn, an ninh mạng (GCI);

Phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang toàn thành phố, phổ cập dịch vụ mạng di động 5G;

Tỷ lệ người dân và doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử trên 85%.

UBND Phường Bến Nghé Q.1 TP.HCM là một ví dụ điển hình triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trên cổng www.phuongbennghe. gov.vn gồm 5 lĩnh vực: Bảo hiểm y tế, Thương binh xã hội, Địa chính xây dựng, Hộ tịch và sao y bản chính với 21 thủ tục hành chính (TTHC).

Ngoài ra, UBND Phường đã tiến hành triển khai "Điểm thực hiện dịch vụ công trực tuyến" tại tất cả khu phố trên địa bàn như: tuyên truyền về việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến, vận động người dân trang bị máy vi tính kết nối Internet và các cán bộ được phân công trực hàng tuần để hướng dẫn người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến tại khu dân cư mà không cần trực tiếp đến UBND Phường. Phường Bến Nghé cũng đưa vào sử dụng chữ ký số trong cải cách TTHC. Bước đầu thực hiện dịch vụ công trực tuyến rất có hiệu quả, được nhiều người dân và doanh nghiệp ủng hộ, tiết kiệm thời gian, giải quyết nhanh chóng tránh việc chờ đợi.

Tiếp tục thực hiện cơ chế một cửa theo Nghị định 61/2018/ NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (UBND Phường đã ban hành Quyết định số 329/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 về thành lập bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ và Quyết định số 330/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 về Ban hành quy chế hoạt động bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ).

Công khai danh mục TTHC thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông do UBND TP.HCM ban hành thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND phường để tiếp nhận và giải quyết tốt các thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức. Công tác rà soát, niêm yết công khai các TTHC tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả được thực hiện thường xuyên theo quy định. Tiếp tục sử dụng tin nhắn điện tử (SMS) công tác quản lý nhà nước và chương trình G-office tại bộ phận 1 cửa trong giải quyết TTHC cho người dân được nhanh chóng và thuận lợi. Trong 9 tháng đầu năm, UBND Phường đã nhắn 37.233 tin cho 13.409 lượt người.

Đến năm 2030, TP. HCM trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số.

Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP. HCM, cho biết: Chặng đường xây dựng CQĐT TP.HCM còn tiếp tục đến năm 2025 với nhiều công việc phải tập trung thực hiện. TP.HCM tập trung hoàn thiện thể chế, nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu theo Kiến trúc CQĐT TP.HCM, thực hiện nhanh quá trình chuyển đổi số để xây dựng chính quyền số. Để chuẩn bị cho các nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, TP. HCM vừa ban hành Quy chế tích hợp và vận hành Kho dữ liệu dùng chung để tạo hành lang pháp lý tích hợp các CSDL hiện có của thành phố về Kho dữ liệu dùng chung; đồng thời, nghiên cứu xây dựng phương án kết nối CSDL hiện có của thành phố với CSDL của các bộ, ngành. Việc tổ chức khai thác Kho dữ liệu dùng chung nhằm phục vụ công tác quản lý, điều hành của Thành phố, đồng thời cung cấp các tiện ích khai thác dữ liệu hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

"Một thông điệp chắc chắn rằng, dữ liệu dùng chung là nguồn lực, là tài sản quý giá của Thành phố. Chính quyền TP.HCM sẵn sàng mở ra các kênh chia sẻ dữ liệu, thông tin giúp người dân và doanh nghiệp sử dụng hiệu quả, tạo ra giá trị gia tăng. Bằng cách tích hợp và sẻ chia dữ liệu dùng chung, chúng ta cùng tiếp cận, khai thác để phát huy thế mạnh và cùng đóng góp cho sự phát triển của TP. HCM.", bà Trinh cho hay.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 13+14 tháng 10/2020)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Kết quả trong việc triển khai chính quyền điện tử tại TP. HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO