Quan điểm trên được chuyên gia Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu & Phát triển Chính sách (IPS), Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) nhấn mạnh tại Hội thảo "Chuyển đổi số (CĐS) hoạt động quản trị Y tế và khai thác hiệu quả dữ liệu y tế số" do IDG vừa tổ chức.
Y tế số cần mạnh dạn, thí điểm mô hình thử nghiệm (sandbox)
Tiếp theo quan điểm trên, ông Nguyễn Quang Đồng cho rằng, mặc dù hiện nay các cơ sở khám chữa bệnh, bệnh viện (đơn vị) đã tập trung thực hiện nhiệm vụ CĐS mạnh mẽ, tích cực, tuy nhiên, để nhiệm vụ này đạt hiệu quả rõ rệt, thực chất hơn, các đơn vị cần khai thác hiệu quả dữ liệu y tế số.
"Dữ liệu số y tế là tiền đề, góp phần thúc đẩy, phát triển, chuyển đổi y tế truyền thống hướng đến y tế số hiện đại, văn minh", ông Nguyễn QuangĐồng nhấn mạnh.
Theo báo cáo IPS, công tác CĐS trong hoạt động quản trị y tế của Việt Nam đối với các lĩnh vực: Hoạt động quản lý văn bản điều hành, thư điện tử thực hiện trên môi trường mạng và được ký số; các thủ tục hành chính được triển khai, hoàn thành trên môi trường dịch vụ vụ công trực tuyến mức độ 4… đã hoàn thành và đều đạt chỉ tiêu đề ra 100%. CĐS Y tế của Việt Nam đang tập trung chính vào 03 mảng cốt lõi: CĐS hoạt động quản trị y tế; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh từ xa; CĐS hoạt động y tế dự phòng.
Cũng theo ông Đồng, hiện nay, dữ liệu số y tế hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế., bởi lẽ thực trạng về dữ liệu hiện mới chỉ được ứng dụng, sử dụng trong phạm vi nội bộ, phần nhiều chỉ phục vụ việc khám chữa bệnh và quản lý hành chính trong các đơn vị.
Do đó, chúng ta đã cần thay đổi, tạo hệ sinh thái số y tế thông qua các chính sách, cơ chế quản lý toàn diện, vĩ mô và cần phải có giải pháp phần mềm chung đại diện, giải quyết triệt để vấn đề dữ liệu số y tế.
Nói rõ hơn về quan điểm này, theo ông Nguyễn Quang Đồng, các hiệp hội y tế cần đưa ra các đánh giá, xếp hạng, tiêu chí cụ thể khi xây dựng phần mềm chuẩn chung cho các đơn vị và Bộ Y tế khi đó chỉ nên đóng vai trò cơ quan hoạch định, định hướng để dẫn dắt, đưa ra các khuyến khích giúp các đơn vị, tập đoàn công nghệ ở bên ngoài xây dựng, hoàn thiện và thực hiện tạo ra các phần mềm dùng chung ưu việt.
Dài hạn hơn, các bệnh viện cần có sự hợp tác công - tư (tăng cường nguồn lực hợp tác về tài chính); xây dựng các quỹ, nguồn lực y tế từ bên ngoài. "Để làm được điều này luôn cần các cơ chế, chính sách mở từ nhà nước, ngành y tế tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ cùng tham gia, thực hiện", ông Nguyễn Quang Đồng nêu quan điểm.
Bên cạnh nhiệm vụ chung cần thực hiện CĐS, Viện trưởng Đồng khuyến nghị, để khai thác hiệu quả dữ liệu y tế số, ngành Y tế cần mạnh dạn, thí điểm mô hình thử nghiệm (sandbox) cho lĩnh vực này, vì chỉ khi chúng ta thí điểm triển khai, áp dụng, các kinh nghiệm mới được tạo ra, nút thắt, hạn chế mới được gỡ bỏ, từ đó giúp chúng ta tạo lập, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế, tầm nhìn mục tiêu hiện nay.
Ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến của ông Nguyễn Quang Đồng, với tư cách là người đại diện cơ quan QLNN về Y tế, ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Y tế cho biết, việc thúc đẩy các hoạt động, thực hiện nhiệm vụ CĐS Y tế đã được ngành triển khai tích cực nhiều năm qua, thu được một số thành tựu tích cực và chúng ta đang hướng đến tận dụng để tối ưu việc khai thác hiệu quả dữ liệu y tế số, vì điều này sẽ giúp ngành Y tế ngày càng phát triển lớn mạnh, phục vụ việc khám, chữa bệnh, chăm sóc sức sức khỏe cho nhân dân ngày tốt, chất lượng cao.
Để đẩy nhanh tiến trình, thực hiện tốt nhiệm vụ này, năm 2022, Bộ Y tế bước đầu tập trung để xây dựng, hình thành kho tài nguyên như: Kho dữ liệu y tế; lưu trữ dữ liệu thông tin (do bộ Y tế là đơn vị chủ quản); sớm hình thành phòng thí nghiệm khoa học dữ liệu; hướng tới đào tạo nhân lực về khoa học dữ liệu ngành y tế.
"Đặc biệt, trong quá trình xây dựng, hình thành các kho tài nguyên, các đơn vị cần từng bước chuẩn hóa các thông tin chuyên ngành thống nhất", Phó Cục trưởng Nguyễn Trường Nam lưu ý.
Cũng theo Phó Cục trưởng Cục CNTT, việc thực hiện mạnh mẽ các kế hoạch đề ra sẽ từng bước giải quyết bài toán về thực trạng các hạn chế về dữ liệu số y tế. Đồng thời, ngành y tế tăng cường, đẩy mạnh việc ứng dụng mạnh mẽ trí tuệ nhân tạo (AI) trong các lĩnh vực quản lý nhà nước về các lĩnh vực như: Dược, thiết bị, các hoạt động chuyên môn khác.
"Ngành Y tế đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, gám sát đột suất các điểm cầu trực tuyến về các hoạt dộng CĐS trong các đơn vị trên phạm vi rộng toàn ngành; đảm bảo bao phủ việc sử dụng sổ khám chữa bệnh điện tử cho mọi người dân sử dụng…", Phó Cục trưởng Nguyễn Trường Nam nhấn mạnh.
Phó Cục trưởng Nguyễn Trường Nam còn nhấn mạnh thêm, các dữ liệu y tế liên quan đến vấn đề tình trạng sức khoẻ, tính mạng của người bệnh cần phải được quản lý chặt chẽ và bảo mật.
Để việc chia sẻ dữ liệu y tế không phải là một sớm, một chiều, nói là thực hiện thành công ngay, mà điều quan trọng nhất lúc này cần: Hình thành dữ liệu trong các đơn vị; các đơn vị cần đẩy mạnh việc sử dụng ứng dụng CNTT; chuẩn hóa hệ thống thông tin dữ liệu.
Nếu mỗi bệnh viện xây dựng cho mình một hệ thống thông tin dữ liệu theo hướng độc lập, riêng lẻ và dữ liệu không theo các quy chuẩn thì mục tiêu cho việc hướng đến chia sẻ sẽ rất khó thực hiện và thành khó thành công.
Trường hợp nếu cố chia sẻ, lập tức sẽ gặp các khó khăn, rào cản về cơ chế, hành lang pháp lý. Do đó, để giải quyết các khó khăn, hạn chê trên giải pháp chính, cơ bản phụ thuộc vào việc hình thành tài nguyên: Kho dữ liệu về bệnh án điện tử; kho dữ liệu y khoa; các kho dữ liệu xét nghiệm…
CĐS Y tế cần đầu tư ít nhất 5% trong tổng số các phí cho mọi hoạt động của ngành
Là đơn vị bệnh viện luôn tích cực thực hiện nhiệm vụ CĐS nhiều năm qua, khi chia sẻ về các vấn đề nêu trên, ông Nguyễn Thanh Hồi, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng cho rằng, hiện nay, việc các đơn vị tham gia thực hiện nhiệm vụ CĐS hầu hết đều có chung mối lo ngại chính là vấn đề liên quan đến việc lưu trữ, đảm bảo an toàn cơ sở dữ liệu cho các bênh nhân.
Cùng với đó, các đơn vị đang chưa có sự thống nhất, đồng bộ để lưu trữ hiệu quả, bởi hiện nay, theo quy định của Bộ Y tế, những bệnh án thông thường cần lưu khoảng 10 năm, còn đối các bệnh án liên quan đến tử vong, tai nạn thương tích… cần trên 10 - 20 năm.
"Việc xây dựng kho dữ liệu số y tế là một chủ trương, xu hướng đúng đắn và khi được được hoàn thiện, sử dụng sẽ giúp các đơn vị giải quyết những hạn chế, lo ngại đang tồn tại trong nhiều năm qua", Giám đốc Nguyễn Thanh Hồi nhấn mạnh.
Nếu bộ Y tế thực hiện được kho dữ liệu số y tế dựa trên phần mềm chuẩn thì các bệnh nhân sẽ yên tâm hơn vì đảm bảo các tiêu chí an toàn, bảo vệ dữ liệu của các khách hàng đó chính là các bệnh nhân của mình mình.
Tuy nhiên, để tăng cường, sớm tạo hiệu quả cho chủ trương này, các đơn vị cần đồng bộ, tăng khả năng kết nối các thiết bị ngoại vi (các thiết bị công nghệ số mới & cũ) và khi làm tốt điều này còn làm giàu thêm nguồn dữ liệu y tế số.
Ở khía cạnh quan điểm khác, chuyên gia tư vấn y tế, Tiến sĩ, Dược sĩ Thomas Nguyễn, công ty Nam Ha Pharmaceutical cho rằng, khi nói đến vấn đề CĐS y tế, trước, sau, sớm, muộn cũng phải làm tốt, làm triệt để vấn đề đối với việc khai thác hiệu quả dữ liệu y tế số.
Muốn làm hiệu quả vấn đề này, điều tưởng nhỏ nhưng rất quan trọng, đó là các đơn vị cần thường xuyên nâng cao chất lượng về đào tạo CNTT cho các y, bác sĩ, kể cả ngay từ trong giai đoạn còn ngồi trong ghế nhà trường.
"Khi ra trường, các y, bác sỹ về các đơn vị công tác cần thông thạo, biết sử dụng các phần mềm, app ứng dụng CNTT mới", chuyên gia Thomas Nguyễn lưu ý.
Bên cạnh đó, chuyên gia Thomas Nguyễn dẫn chứng thêm, để CĐS y tế thành công, theo kinh nghiệm bệnh viện ở một số nước điển hình, chi phí ban đầu cho hoạt động này là khoảng 5% trong tổng số các phí cho mọi hoạt động của ngành. Họ coi đây là chi phí cho một khoản đầu tư dài hạn có lợi bền vững và nếu thiếu nguồn tài chính, họ tìm đến nguồn trợ giúp từ chính phủ hoặc các nguồn kêu gọi đầu tư từ bên ngoài./.