Khai thác lợi ích của DeFi: Triển vọng nào cho Việt Nam và Đông Nam Á
Đông Nam Á, một trong những khu vực phát triển nhanh nhất thế giới, đang cho thấy những tiềm năng phát triển của công nghệ tài chính phi tập trung (DeFi).
Mặc dù còn nhiều thách thức, nhưng sự chấp nhận của Đông Nam Á đối với DeFi đang mở ra những cơ hội mới cho hệ sinh thái DeFi trong tương lai.
DeFi, một thuật ngữ đã không còn xa lạ với nhiều người, đang thay đổi cách thức hoạt động của hệ thống tài chính toàn cầu. Đông Nam Á là một trong những khu vực bị ảnh hưởng đáng kể nhất bởi làn sóng thay đổi này do dân số ngày càng hiểu biết về công nghệ.
Mặc dù tương lai của DeFi là đầy hứa hẹn, nhưng liệu có bất kỳ rào cản nào ngăn cản việc áp dụng công nghệ này một cách rộng rãi không? Và DeFi có thể mang lại lợi ích gì cho khu vực Đông Nam Á, cùng với những rủi ro liên quan mà các bên liên quan cần giải quyết là gì?
DeFi là gì?
DeFi là ứng dụng thú vị và mạnh mẽ nhất của công nghệ sổ cái phân tán. Thông qua sức mạnh của công nghệ blockchain (chuỗi khối), DeFi hứa hẹn mang đến một hệ sinh thái tài chính tự trị nằm ngoài kiểm soát của các cá nhân, tổ chức và cơ quan quản lý.
Theo đó, DeFi sử dụng công nghệ blockchain để dân chủ hóa các giao dịch tài chính, cho phép chúng được thực hiện mà không cần sự can thiệp của các cơ quan trung ương như ngân hàng truyền thống, từ đó tạo ra một hệ thống phi tập trung.
Để tương tác với công nghệ này, người dùng chỉ cần tải xuống một ví không tập trung (non-custodial wallet), có thể hiểu như một hòm két cá nhân kỹ thuật số được lưu trữ trên blockchain. Người dùng có thể tải xuống các ví như MetaMask, Trust Wallet hoặc các ví khác và gửi tiền vào đó, cho phép người dùng có ví tiền điện tử có quyền truy cập vào một loạt các ứng dụng phi tập trung.
Các quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, Philippines, Thái Lan và Indonesia - đã cho thấy sự sẵn sàng đón nhận những tiến bộ công nghệ này, khi tất cả các quốc gia này đều nằm trong top 20 về Chỉ số chấp nhận tiền điện tử toàn cầu của Chainalysis năm 2022.
Tại sao DeFi lại cần thiết ở Đông Nam Á?
Mặc dù Đông Nam Á đã nổi lên như một trong những khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới, nhưng hơn 70% dân số trưởng thành Đông Nam Á đang gặp khó khăn, hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính truyền thống. Vấn đề này đặt ra nhu cầu về một giải pháp toàn diện và phù hợp với nhóm dân số chưa được phục vụ đầy đủ này.
Trong khi các sáng kiến như Mua ngay, Thanh toán sau (Buy now, Pay later - BNPL) đã xuất hiện để giải quyết vấn đề này, thì DeFi vẫn được coi là ứng cử viên tiềm năng có thể cung cấp một bộ dịch vụ tài chính toàn diện phù hợp với nhóm dân số chưa được phục vụ đầy đủ này.
Ở các quốc gia như Philippines, một trong những trở ngại mà nhóm dân số này gặp phải khi tiếp cận các dịch vụ tài chính truyền thống bắt nguồn từ việc thiếu hệ thống nhận dạng cá nhân đáng tin cậy. Việc triển khai hệ thống nhận dạng Philippine (PhilSys) đã gặp trở ngại và đối mặt với các vấn đề về mã hóa và tên giả mạo, từ đó gây khó khăn cho các ngân hàng và doanh nghiệp trong việc xác minh danh tính của khách hàng trước khi cung cấp dịch vụ tài chính cho họ.
Ngoài ra, việc thiếu dữ liệu truyền thống đáng tin cậy như hồ sơ thuế và tài liệu việc làm chính thức cũng là một trở ngại khác, làm giảm khả năng tiếp cận tín dụng hoặc chứng minh uy tín tín dụng của người tiêu dùng.
Trong khi đó, trái với dịch vụ truyền thống, DeFi cung cấp một giải pháp không yêu cầu xác minh KYC (Know Your Customer), cho phép mọi người tiếp cận các dịch vụ tài chính như cho vay và đi vay mà không phụ thuộc vào tình trạng tài chính cá nhân. Điều này mang lại lợi ích cho nhóm dân số chưa được phục vụ đầy đủ.
Bên cạnh đó, khả năng tương tác hạn chế trong các hệ thống thanh toán giữa các quốc gia ở Đông Nam Á cũng là một thách thức. Với nhiều người di cư lao động trong khu vực, việc gửi tiền về nhà cho người thân trở thành một vấn đề cần giải quyết. Hơn nữa, việc không có một đơn vị tiền tệ tiêu chuẩn hóa trên toàn khu vực cũng tạo ra khó khăn trong việc chuyển đổi tiền tệ và gia tăng chi phí chuyển đổi.
DeFi và công nghệ blockchain đang trở thành một giải pháp hấp dẫn để giảm chi phí chuyển tiền giữa các quốc gia trong khu vực. Thay vì phụ thuộc vào các dịch vụ chuyển tiền truyền thống, DeFi sử dụng hệ thống blockchain để thực hiện các giao dịch với khoản phí thấp và không thay đổi dựa trên số tiền giao dịch. Điều này giúp giảm thiểu đáng kể chi phí liên quan đến việc gửi tiền và tạo ra một giải pháp tài chính linh hoạt, tiết kiệm chi phí cho khu vực này.
Hơn nữa, DeFi còn cung cấp tính năng gửi nhiều lần, cho phép người dùng gửi tiền đến nhiều ví trong một giao dịch, đơn giản hóa quá trình chuyển tiền và tiết kiệm phí giao dịch.
Mặc dù các quốc gia Đông Nam Á đã cam kết thiết lập một hệ thống thanh toán xuyên biên giới trong tương lai gần, nhưng DeFi và công nghệ blockchain vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu tài chính cho nhóm dân số chưa được phục vụ đầy đủ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc gửi tiền giữa các quốc gia.
Các rào cản áp dụng DeFi ở Đông Nam Á
Đông Nam Á, một khu vực đầy tiềm năng cho DeFi, vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản đáng kể trong quá trình áp dụng công nghệ tài chính phi tập trung này.
Việc xây dựng một hệ sinh thái DeFi phổ biến trở nên khó khăn khi khu vực này đa ngôn ngữ, mỗi quốc gia lại có ngôn ngữ quốc gia riêng biệt. Hiện tại, chỉ một số ít ứng dụng như PancakeSwap đã cung cấp hỗ trợ đa ngôn ngữ, trong khi tính năng này vẫn chưa phổ biến trên các nền tảng DeFi khác.
Ngoài ra, trải nghiệm người dùng trong lĩnh vực DeFi có thể gây khó khăn cho những người dùng mới, đặc biệt là những người chưa quen với các khái niệm và thuật ngữ cơ bản của DeFi. Để đảm bảo trải nghiệm liền mạch cho người dùng, việc cung cấp kiến thức cơ bản đầy đủ trở nên cực kỳ quan trọng.
Trên thực tế, hiểu biết về tài chính là một yếu tố rất cần thiết để bảo vệ chính mình, đặc biệt là đối với những người chưa có kinh nghiệm sử dụng các dịch vụ ngân hàng truyền thống. Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2021 chỉ ra rằng tỷ lệ hiểu biết về tài chính ở các quốc gia như Việt Nam, Philippines, Campuchia và Thái Lan vẫn còn thấp, đều dưới mức 30%.
Để giải quyết các vấn đề này, việc điều chỉnh không gian DeFi có thể là một giải pháp hiệu quả giúp tạo ra sự rõ ràng và bảo vệ người dùng. Hiện tại, chưa có một khung pháp lý toàn cầu cho DeFi, chỉ có một số quốc gia như Hồng Kông đã bày tỏ ý định điều chỉnh không gian này. Các biện pháp quản lý có thể giúp thiết lập niềm tin trong lĩnh vực DeFi, mang đến sự an tâm cho người dùng khi tương tác với công nghệ tài chính tiên tiến này.
Tiềm năng DeFi ở Đông Nam Á
Mặc dù phải đối mặt với những thách thức, lĩnh vực DeFi vẫn thu hút sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư mạo hiểm. Các công ty khởi nghiệp (startup) về tiền điện tử, chuỗi khối và Web3 trong khu vực đã nhận được nguồn tài trợ đáng kể trong vài năm qua, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022 đã có gần 1 tỷ USD đầu tư, thể hiện sự hỗ trợ và niềm tin mạnh mẽ vào tiềm năng của ngành công nghiệp tiền điện tử trong khu vực.
Bên cạnh đó, môi trường pháp lý thuận lợi về tiền điện tử cũng đã trở thành một yếu tố hấp dẫn đối với nhiều công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này, thúc đẩy họ thành lập trụ sở chính ở Đông Nam Á. Hiện nay, có nhiều startup nhận thức được tiềm năng của khu vực và đã thiết lập các hoạt động tại đây, góp phần tích cực cho sự đổi mới và ứng dụng trong ngành.
Một trong số những công ty nổi bật là Sky Mavis, một công ty phát triển trò chơi blockchain có trụ sở tại Việt Nam. Sky Mavis đã tạo ra trò chơi dựa trên blockchain "Axie Infinity" và đóng vai trò quan trọng trong việc định hình thể loại chơi kiếm tiền trong lĩnh vực này. Trò chơi đã đạt được những thành tựu đáng kể, như ra mắt chuỗi phụ Ethereum mang tên Ronin để giảm phí giao dịch. Ngoài ra, trò chơi thẻ bài trên thiết bị di động mang tên "Axie Infinity: Origins" cũng đã được phát hành trên Apple App Store vào tháng 5/2023 tại một số quốc gia, từ đó tăng cường khả năng tiếp cận của trò chơi này.
Hay công ty Coin98, một công ty khởi nghiệp blockchain có trụ sở tại Việt Nam, đã phát triển một bộ công cụ DeFi bao gồm sàn giao dịch mã thông báo trên nhiều chuỗi khác nhau, kiểm tra quyền hỗ trợ và tính năng gửi nhiều lần trong ví phi tập trung đa chuỗi. Đáng chú ý, nền tảng này cung cấp hỗ trợ đa ngôn ngữ, bao gồm tiếng Việt, tiếng Bahasa Indonesia, tiếng Trung và tiếng Thái, thu hút sự quan tâm đáng kể tại Việt Nam và Indonesia.
Khi khu vực tiếp tục vượt qua các rào cản và khai thác các cơ hội mà DeFi mang lại, nó có thể tận dụng công nghệ này để mang lại lợi ích cho người dân, đặc biệt là những người chưa có tài khoản ngân hàng. Với sự phát triển không ngừng và nỗ lực tập thể từ tất cả các bên liên quan, Đông Nam Á có tiềm năng mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho hệ sinh thái DeFi trong tương lai./.