Khai trương trục liên thông văn bản quốc gia, tiền đề quan trọng xây dựng CPĐT

Lan Phương| 12/03/2019 20:35
Theo dõi ICTVietnam trên

Thủ tướng Chỉnh phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu vận hành trục liên thông văn bản quốc gia thông suốt, thống nhất, an toàn và hiệu quả, góp phần đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu về chính phủ điện tử (CPĐT) của ASEAN.

Ngày 12/3/2019, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Lễ khai trương trục liên thông văn bản quốc gia. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử (CPĐT) đã tới dự và phát biểu chỉ đạo. 

Dự Lễ khai trương còn có Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về CPĐT; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, cùng lãnh đạo các bộ ngành, địa phương và các vị khách quốc tế...

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định việc khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia là một hoạt động có ý nghĩa quan trọng nhằm triển khai Nghị quyết số 17 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025 vừa được ban hành ngày 7/3/2019.

Theo đó, Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao các cơ quan, trong đó có Văn phòng Chính phủ là cơ quan chủ trì, điều phối, vận hành Trục liên thông văn bản quốc gia. Bộ TTTT đã tích cực hoàn thiện thể chế kỹ thuật, phối hợp triển khai thử nghiệm, kết nối kiểm tra, đánh giá về an toàn thông tin (ATTT) mạng. Bộ Công an đã phối hợp tích cực để bảo đảm an ninh mạng cho thiết bị, hạ tầng, giải pháp công nghệ. Các Tập đoàn VNPT, Viettel đã chủ trì nghiên cứu ứng dụng, hỗ trợ, kết nối hệ thống quản lý văn bản, hồ sơ công việc vào Trục liên thông văn bản quốc gia. Ban Cơ yếu Chính phủ đã kết hợp cấp phát đầy đủ chứng thư số chuyên dùng phục vụ ký số văn bản điện tử, đảm bảo ATTT.

Để vận hành trục liên thông văn bản quốc gia thông suốt, thống nhất, an toàn và hiệu quả, góp phần đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu về CPĐT của ASEAN, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện một số công việc:

Thứ nhất, nghiêm túc triển khai gửi, nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia theo đúng quy định.

Thứ hai, huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để tập trung nâng cấp, hoàn thiện các phần mềm quản lý văn bản nội bộ và triển khai hạ tầng kỹ thuật đồng bộ phục vụ liên thông gửi, nhận văn bản điện tử theo Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg, khắc phục tình trạng tại một số cơ quan văn thư nhận văn bản giấy nhưng không nhận được văn bản điện tử, dẫn đến việc phải đợi bản điện tử để tiếp nhận, xử lý…

Thứ ba, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, trước mắt là các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm, tài chính, đăng ký doanh nghiệp, đất đai quốc gia, hộ tịch điện tử và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, để trong giai đoạn 2020 - 2025 sẵn sàng kết nối liên thông với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia được phát triển trên nền Trục liên thông văn bản quốc gia.

Thứ tư, bảo đảm tối đa an toàn thông tin, an ninh mạng, bảo vệ thông tin cá nhân, tổ chức; không được để lộ, lọt dữ liệu và thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước. Đây là vấn đề trọng yếu, sống còn của Trục liên thông văn bản quốc gia.

Thứ năm, tiếp tục cập nhật, bổ sung, hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc gửi, nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia nói riêng, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước nói chung.

Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và hệ thống chính trị, đặc biệt là Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, căn cứ nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 17/NQ-CP của Chính phủ ngày 7/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025, tập trung chỉ đạo, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành văn bản trên hệ thống quản lý văn bản điện tử

Cũng tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Cải cách thủ tục hành chính Ngô Hải Phan, chuyên viên Nguyễn Đình Lợi, bộ phận văn thư Văn phòng Chính phủ đã thực hiện quy trình trình ký, ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Cổng thông tin dịch vụ công quốc gia trên hệ thống phần mềm quản lý hồ sơ công việc và gửi nhận văn bản điện tử trên môi trường mạng. 

Sau khi văn bản được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký bằng chữ ký số, văn thư Văn phòng Chính phủ thực hiện quy trình phát hành văn bản, đại diện các địa phương, lãnh đạo tỉnh Nam Định, Sóc Trăng cho biết đã nhận được Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và giao các cơ quan chức năng triển khai thực hiện.

Kết nối 95 cơ quan Trung ương, địa phương

Tại buổi Lễ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia về CPĐT cho biết Lễ khai trương trục liên thông văn bản quốc gia là tiền đề của nền tảng tích hợp dữ liệu phục vụ xây dựng CPĐT, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu

Ngày 12/7/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh: “Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để các cơ quan nhà nước tăng cường sử dụng văn bản điện tử, tiến tới thay văn bản giấy, trong đó, lần đầu tiên vai trò của trục liên thông văn bản quốc gia được định nghĩa chính thức. Cùng với các nguyên tắc, yêu cầu gửi, nhận văn bản điện tử được quy định đầy đủ, Quyết định cũng là một bước đột phá mạnh mẽ vào tư duy giấy tờ, quan liêu kiểu cũ để tạo lập nền tảng bước phát triển mới của CPĐT”.

Khẩn trương thực hiện Quyết định 28/2018/QĐ-TTg, ngay trong tháng 7/2018, Văn phòng Chính phủ đã ban hành kế hoạch triển khai nội dung xây dựng trục liên thông văn bản quốc gia, hoàn thiện phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc, xây dựng, hoàn thiện các văn bản, quy định phục vụ việc gửi, nhận văn bản điện tử, bảo đảm an toàn, an ninh hệ thống và sao lưu văn bản điện tử, tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc.

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết đến nay nhiệm vụ đầu tiên của Kế hoạch là xây dựng trục liên thông văn bản quốc gia cùng với các điều kiện đi kèm như thể chế, hạ tầng công nghệ và nguồn lực vận hành đã bước đầu hoàn thành và thử nghiệm thuận lợi.

Cụ thể, 95/95 cơ quan (31 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng) đã hoàn thành kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành Trục liên thông văn bản quốc gia. Các phần mềm quản lý văn bản của Bộ, ngành, địa phương đã được kết nối, liên thông cả chiều dọc và chiều ngang một cách thông suốt có tính hệ thống, văn bản điện tử gửi, nhận nhanh chóng, an toàn giữa các cơ quan nhà nước. Chỉ trong vòng 1 tháng đầu năm 2019 đã có 8.315 văn bản gửi, 19.296 văn bản nhận điện tử.

Trục liên thông văn bản điện tử quốc gia do VNPT đầu tư, Nhà nước thuê lại. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, đây là minh chứng thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua và cụ thể hoá chỉ đạo của Thủ tướng về xây dựng Chính phủ điện tử “Nghĩ lớn, nhìn tổng thể, hành động nhanh, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất”.

Đây cũng là một trong những bước đi chuẩn bị cho việc triển khai ở giai đoạn tiếp theo nền tảng tích hợp, chia sẻ quốc gia kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các Bộ, Ngành, địa phương, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ quan nhà nước nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

Theo tính toán sơ bộ, việc ứng dụng Trục liên thông văn bản điện tử quốc gia, mỗi năm tiết kiệm được trên 1.200 tỷ đồng (tiền giấy, mực, sao lưu, gửi bưu chính, chi phí thời gian được tính toán theo WB…) sau khi trừ chi phí thuê dịch vụ của VNPT.

Điều kiện kỹ thuật quan trọng kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành ở các bộ, ngành, địa phương

Thay mặt Bộ TTTT, Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng cho biết ngày hôm nay trục liên thông văn bản quốc gia đã xây dựng, hoàn thiện và chính thức đưa vào sử dụng. “Đây là điều kiện kỹ thuật quan trọng để liên thông, kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành ở các bộ ngành địa phương. Chúng ta đã đi được những bước đầu tiên hết sức quan trọng tiến tới xây dựng thành công CPĐT”.

Kết quả như ngày hôm nay là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, là một quá trình nỗ lực cố gắng và phối hợp chặt chẽ giữa Văn phòng Chính phủ và Bộ TTTT cùng các bộ ngành địa phương cũng như các nhà khai thác hạ tầng.

Thứ trưởng cho biết thời gian vừa qua, Bộ TTTT đã chủ động phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các đơn vị xây dựng, ban hành một số quy chuẩn, tiêu chuẩn chuẩn bị hành lang pháp lý cho việc gửi nhận văn bản điện tử. Bộ TTTT đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ và VNPT để phối hợp đánh giá công tác bảo đảm ATTT cho hệ thống trục văn bản liên thông. Trong quá trình tiến hành đánh giá, Bộ đã thông báo một số rủi ro và phối hợp cùng VNPT điều chỉnh. Đến thời điểm hiện tại, về cơ bản Trục liên thông  đã đáp ứng các yêu cầu đặt ra đối với một HTTT cấp độ 4.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cho biết công tác đánh giá, kiểm tra cần được thực hiện thường xuyên và định kỳ. Bên cạnh đó, đây là một hệ thống có quy mô lớn, có sự tham gia của các đon vị Bộ ngành, địa phương nên công tác đảm bảo ATTT trong thời gian sắp tới cần được tiến hành đồng bộ, chặt chẽ.

Thứ trưởng cũng đề nghị Tập đoàn VNPT, Viettel cũng như các đơn vị phát triển các hệ thống quản lý văn bản cần khẩn trương hỗ trợ nâng cấp cho các Bộ, các tỉnh để có thể đáp ứng việc gửi nhận văn bản điện tử xuyên suốt 4 cấp từ trung ương đến địa phương. Bộ TTTT hoàn toàn nhất trí với ý kiến đề xuất bổ sung chỉ tiêu đánh giá mức độ sử dụng văn bản điện tử vào xếp hạng ICT Index và PAR Index, đề nghị Văn phòng Chính phủ sớm có những mức độ thống kê số liệu để báo cáo Thủ tướng trong các cuộc họp Chính phủ.

Về phía Bộ TTTT, Thứ trưởng cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các Sở TTTT, các cơ quan chuyên trách về CNTT của các Bộ ngành để việc liên thông được thông suốt. Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ nhằm đẩy mạnh công tác xây dựng CPĐT nói chung.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Khai trương trục liên thông văn bản quốc gia, tiền đề quan trọng xây dựng CPĐT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO