Khi Mặt trận Tổ quốc và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền
10 năm qua (2013-2023), tại tỉnh Quảng Bình, công tác tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tỉnh đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Các vấn đề nhân dân quan tâm, bức xúc được tập trung chỉ đạo giải quyết, hạn chế khiếu kiện đông người phức tạp; đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW (Quyết định 218) ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị khóa XI ban hành “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN), các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” của Ban Cán sự Đảng (BCSĐ) UBND tỉnh Quảng Bình cho thấy, ngay sau khi Quyết định được ban hành, BCSĐ đã chỉ đạo UBND tỉnh triển khai thực hiện. UBND tỉnh đặc biệt chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện Quyết định số 218; tiếp thu các ý kiến kiến nghị, phản biện của Ủy ban MTTQVN tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp.
Tăng cường dân chủ ở cơ sở, tạo đồng thuận trong nhân dân
Để công tác tham gia góp ý của Ủy ban MTTQVN tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền có hiệu quả, đúng quy định, BCSĐ UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng, UBND tỉnh, các Sở, ban, ngành cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin liên quan đến chủ trương, chính sách, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên, dự thảo các văn bản của cấp ủy; tổ chức đảng; các báo cáo kết quả thanh tra giám sát, kiểm toán của cơ quan, đơn vị khi có yêu cầu. Tiếp thu, xử lý các ý kiến góp ý và thông báo cho chủ thể góp ý được biết để theo dõi, giám sát.
Theo đó, Ủy ban MTTQVN tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia góp ý xây dựng về việc thực hiện cải cách hành chính, thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về dân chủ cơ sở; công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; quá trình xây dựng các chính sách kinh tế - xã hội của tỉnh có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của nhân dân…
Trong những năm qua, UBND tỉnh Quảng Bình đã tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân thông qua nhiều phương thức khác nhau, như: Tổng hợp từ phản biện của Ủy ban MTTQVN các cấp; qua hội nghị tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền với Mặt trận và nhân dân; thông qua đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Sau đó, chỉ đạo các ngành, cơ quan chức năng xem xét, giải quyết những ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Trên cơ sở báo cáo của Ban Thường trực - Ủy ban MTTQVN tỉnh về kết quả giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của UBND các cấp, UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ban, ngành, địa phương có liên quan khắc phục các tồn tại, hạn chế, giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân, 10 năm qua, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành nhiều văn bản và tổ chức nhiều lượt hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tỉnh với nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Nội dung đối thoại chủ yếu là trao đổi, tiếp thu, giải quyết những vướng mắc, bất cập, khó khăn, vấn đề nổi cộm phát sinh trong quá trình thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến người dân, như: Vấn đề thu hồi đất, đền bù, giải tỏa khi thực hiện các dự án (Khu du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, thương mại và giải trí cao cấp FLC Quảng Bình; Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, phía Đông đoạn đi qua tỉnh; Dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3...); bồi thường sự cố môi trường biển; công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, di dời đối với Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch; việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tranh chấp đất đai; thông tin tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn...
Qua các buổi đối thoại, BCSĐ UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh, các Sở, ban, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ giải quyết các kiến nghị của nhân dân theo đúng quy định. Đồng thời, báo cáo HĐND, Ủy ban MTTQVN tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh để góp ý, theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện; thường xuyên đôn đốc, theo dõi các cơ quan giải quyết kịp thời các kiến nghị của nhân dân. Đến nay, đa số các ý kiến, kiến nghị của nhân dân đã được các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, các địa phương giải quyết theo thẩm quyền, đúng quy định.
Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc đối thoại với nhân dân
Qua thực tiễn 10 năm triển khai Quyết định số 218 của Bộ Chính trị, BCSĐ UBND tỉnh Quảng Bình rút ra một số bài học kinh nghiệm, như sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với việc triển khai thực hiện Quyết định số 218 của Bộ Chính trị; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc đối thoại với nhân dân gắn với việc triển khai Quy định số 11-QĐ/TW của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân.
Hai là, tăng cường hiệu quả công tác phối hợp với Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội trong quá trình triển khai thực hiện góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Ba là, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Quyết định số 218. Định kỳ hằng năm, đánh giá rút kinh nghiệm để kịp thời định hướng, đề ra giải pháp thực hiện, làm tốt công tác thi đua, khen thưởng trong tổ chức thực hiện.
BCSĐ UBND tỉnh Quảng Bình nhận định, sự tham gia góp ý của người dân trong việc thực thi đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đảm bảo được tính hiệu lực và hiệu quả, là phương thức để nhân dân tham gia phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, ngăn chặn sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, BCSĐ UBND tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Quyết định số 218 của Bộ Chính trị. Đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt trong việc thực hiện và công khai kết quả rèn luyện tư cách đạo đức, tác phong, lối sống, tài sản của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên để MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, nhân dân biết và giám sát.
Đặc biệt, tập trung chỉ đạo có hiệu quả việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, nâng cao đạo đức công vụ; chế độ tiếp xúc đối thoại và tiếp công dân định kỳ; giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo và những vấn đề bức xúc của nhân dân. Tổ chức tốt việc lấy ý kiến của Ủy ban MTTQVN các cấp, các đoàn thể chính trị - xã hội, đồng thời cung cấp nội dung yêu cầu Ủy ban MTTQVN các cấp, các đoàn thể chính trị - xã hội phản biện theo quy định…
Theo thống kê, đến nay, tỉnh Quảng Bình có gần 8.000 doanh nghiệp (DN). Việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở ở DN theo Nghị định số 145/2020 có nhiều chuyển biến tích cực, các DN gắn thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở với việc cụ thể hóa thực hiện các kế hoạch sản xuất – kinh doanh thực hiện chế độ chính sách của đơn vị và các quy định về tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí, cải cách hành chính, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo. Việc tổ chức đối thoại định kỳ hàng tháng, Quý ở doanh nghiệp cơ bản được thực hiện. Thông qua đối thoại, các DN đã giải quyết được những bức xúc, kiến nghị chính đáng của người lao động; đồng thời quan tâm thực hiện các chế độ, chính sách như: Tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, ốm đau, thai sản… |