Khi “sóng ngoại” lan tỏa, người dùng cần tỉnh táo

Trọng Thành| 31/07/2020 21:03
Theo dõi ICTVietnam trên

Truyền hình trả tiền, dịch vụ xuyên biên giới giờ đây không còn xa lạ ở Việt Nam. Tuy nhiên, trên góc độ nhà quản lý, nó vẫn đang tồn tại những thách thức, trong đó bộc lộ những lỗ hổng về kiểm duyệt nội dung. Sâu xa hơn chính là giải pháp để bảo vệ người dùng xem, người dùng đảm bảo việc thụ hưởng những nội dung thông tin có chất lượng, tốt nhất.

Những rủi ro từ "sóng ngoại"

Song hành cùng dịch vụ phát thanh, truyền hình (PTTH) trả tiền thì vài năm gần đây, dịch vụ PTTH xuyên biên giới (sóng ngoại) qua Internet đã phát triển mạnh trên thế giới lẫn ở Việt Nam

Trong số đó phải kể đến như các kênh: WeTV (Tencent - Trung Quốc), IQIYI (Baidu - Trung Quốc), Iflix (Malaysia), Netflix (Mỹ),... hoạt động qua nền tảng ứng dụng App Store, Google Play Store hoặc web.

Sự đa dạng của các kênh "sóng ngoại" vào Việt Nam tất yếu kéo theo sự đa dạng lượng lớn các thông tin trên mọi mặt lĩnh vực, đời sống, xã hội. Đa phần đối với các kênh "sóng ngoại", thường thiên về chuỗi các tập hợp là các sản phẩm các chương trình truyền hình giải trí như phim, truyền hình thực tế, bình luận, đánh giá, góc nhìn, phân tích, quan điểm…

Nếu xét trên những mặt tích cực của xu thế xem, nghe, đọc của người dùng, nếu vì mục đích giải trí để nâng cao hiểu biết, tri thức, thông tin thì không có gì đáng bàn. Tuy nhiên, với những mong muốn, hy vọng vào những điều thực tế lại không như mong đợi. Lẫn trong những dịch vụ "sóng ngoại" này còn có cả những tồn tại, những "hạt sạn" tin tức, những giá trị giải trí cần phải được lên án, dẹp bỏ.

Vì điều này, thời gian qua Bộ TT&TT đã tích cực, chủ động chỉ đạo các đơn vị quản lý, liên quan nghiêm túc thực hiện nghiêm việc cấp phép, kiểm duyệt, đôn đốc nhắc nhở, xử lý các kênh "sóng ngoại" khi vi phạm.

Khi “sóng ngoại” lan tỏa, người dùng cần tỉnh táo - Ảnh 1.

FPT một trong những doanh nghiệp được cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam

Theo quy định của pháp luật, muốn cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới phải đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và phải được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, nội dung phải tuân thủ các quy định về biên tập, biên dịch và quản lý theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Cụ thể, những rủi ro, "hạt sạn" tin tức, giải trí đã xuất hiện thời gian qua, đó là các kênh "sóng ngoại" đã lợi dụng để lồng ghép, chèn phát các chương trình có nội dung xuyên tạc lịch sử dân tộc Việt Nam (loạt phim tài liệu Vietnam War), xuyên tạc về chủ quyền Việt Nam (bộ phim Madam Secretary).

Không dừng lại ở đó, các "sóng ngoại" còn câu khách, thu hút người xem bằng các chương trình kém văn hóa, thể hiện qua các bộ phim: Bánh đa tầng, Sát thủ tái xuất, After Porn End, 365 Days... trong phim vẫn đầy rẫy những hình ảnh, nội dung bạo lực, sử dụng ma túy, khiêu dâm.

Điều đáng lo ngại là có những "sóng ngoại" đang được cung cấp trên quan điểm, nhận thức của các doanh nghiệp nước ngoài, họ coi dịch vụ của mình như một sản phẩm hàng hóa kinh doanh, quan tâm duy nhất là lợi nhuận nguồn thu, có khi họ còn bị lợi dụng vì những mục đích xấu.

Ngoài ra, hậu quả đáng sợ nữa là có chương trình "sóng ngoại" mang đến những nội dung trái ngược với văn hóa truyền thống, thuần phong mỹ tục Việt Nam, "phá hoại" tính trong sáng của tiếng Việt. Điều này hoàn toàn trái ngược với quan điểm chính trị của Đảng, nhà nước, pháp luật Việt Nam.

Tăng cường xử lý "sóng ngoại" khi vi phạm pháp luật

Để chấm dứt tình trạng "sóng ngoại" với mục đích chống phá, các chương trình kém chất lượng về nội dung, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ TT&TT thời gian tới chỉ đạo các đơn vị quản lý tích cực thực hiện nghiêm túc, triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý, ngăn chặn, khẩn trương hoàn thiện các quy định quản lý đối với dịch vụ PTTH, tăng cường công tác hậu kiểm đảm bảo ngăn chặn hiệu quả các nội dung trái pháp luật trong trước mắt và lâu dài.

Đối với các cơ quan báo chí, cần phải tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các phóng viên, nhà báo có trách nhiệm hơn đối với các bài viết, chương trình về quảng bá, giới thiệu các dịch vụ truyền hình cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam.

Tình trạng các chương trình, bài viết có khuynh hướng, nội dung phản ánh thông tin chi tiết, mô tả dịch vụ, giới thiệu các nội dung mới sắp được cung cấp trên dịch vụ cần phải được chấm dứt và hướng dẫn người dùng sử dụng dịch vụ.

Việc đăng tải, phát sóng các tin bài, chương trình có nội dung phổ biến, quảng bá cho các dịch vụ truyền hình của doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam và thông tin, quảng bá cho các dịch vụ phát thanh, truyền hình của các doanh nghiệp trong nước đã có Giấy phép phải được quan tâm.

Danh sách các dịch vụ đã được cấp phép được cập nhật thường xuyên trên trang thông tin điện tử http://www.abei.gov.vn của Cục PTTH và thông tin điện tử - Bộ TT&TT.

Bên cạnh sự tích cực, vào cuộc của các cơ quan chức năng liên quan, việc khán giả, người dùng cũng cần phải có trách nhiệm, nhận thức tích cực hơn, không cổ súy, dễ dãi ủng hộ các chương trình "sóng ngoại" kém chất lượng, thiếu uy tín, nguồn tin cậy. Người xem hãy trở thành người dùng thông thái, lĩnh hội, xử lý thông tin phải trên nguyên tắc đảm bảo qua "nguồn lọc" thông tin chính thống.

Qua đây, cũng là một dịp để các đài PTTH trong nước cần nhìn lại bài toán khán giả "sóng nội" đang hướng "sóng ngoại"? Đây là một xu thế hay phong trào? Các đài cần phải làm gì để níu chân chân, thu hút khán giả?...

Có lẽ câu trả lời luôn đúng chính là các đài PTTH trong nước cần tăng cường sản xuất các chương trình có chất lượng cao, đa dạng, phong phú, sáng tạo mới mẻ hơn nữa, bởi đây sẽ là chìa khóa mở ra cánh cửa thành công, sức cạnh tranh trong môi trường nghe, đọc, nhìn trong thời đại số phát triển.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Khi “sóng ngoại” lan tỏa, người dùng cần tỉnh táo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO