Phiên họp thứ ba của Uỷ ban CĐS quốc gia sáng 8/8 nhằm đánh giá kết quả CĐS 6 tháng đầu năm 2022 và xác định những hướng giải pháp, nhiệm vụ CĐS thời gian tới.
Truyền cảm hứng thúc đẩy CĐS
Tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Uỷ ban ghi nhận những kết quả tích cực trong công tác CĐS thời gian qua. Tuy nhiên, theo Thủ tướng đây mới là kết quả bước đầu, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết, nhiều việc phải làm phía trước, phải có quyết tâm cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, thiết thực, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm.
Thủ tướng nhấn mạnh CĐS phải là công cụ quan trọng trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; phát huy tối đa sức mạnh truyền thống văn hóa, trí tuệ con người Việt Nam.
Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ban chỉ đạo CĐS của các bộ, ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt tổ chức triển khai, truyền cảm hứng, tạo ra xu thế, thúc đẩy phong trào để thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Chương trình CĐS quốc gia, Chiến lược quốc gia phát triển Chính phủ số, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu năm 2022.
Các bộ, ngành, địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm được phân công tại Kế hoạch hoạt động của Ủy ban năm 2022, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý, vướng mắc phát sinh, không chậm trễ.
Đẩy mạnh kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, chuyên ngành với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hình thành Hệ thống thông tin phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ dựa trên dữ liệu theo thời gian thực, bảo đảm đồng bộ, nhất quán, chính xác.
Thủ tướng cũng đề nghị rà soát, đánh giá an toàn thông tin, an ninh mạng các hệ thống thông tin, CSDL, khẩn trương khắc phục những hạn chế bất cập về lỗ hổng bảo mật, lộ lọt thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Các địa phương lựa chọn và công bố các nền tảng số mà địa phương mình tập trung thúc đẩy trong năm 2022 để giải quyết các vấn đề của người dân trong phát triển kinh tế - xã hội; triển khai hoạt động Tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) hiệu quả để hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các nền tảng số.
Bên cạnh đó cần rà soát, đăng ký, phân bổ nguồn lực cho việc phát triển và triển khai các nền tảng số, đặc biệt là kinh phí cho năm 2023; tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ CĐS; không để chảy máu chất xám hoặc không khai thác hết chất xám của đất nước.
Đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế trong CĐS. Khẩn trương ban hành các chương trình, kế hoạch, đề án, nghị quyết/chỉ thị/văn bản về CĐS theo đúng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích của CĐS đến người dân, DN.
Bộ TT&TT tổng hợp việc triển khai các nhiệm vụ, thường xuyên đôn đốc, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tăng cường kiểm tra, giám sát, đo lường việc thực hiện các nhiệm vụ có định tính, định lượng, trong đó nhiệm vụ định lượng phải cân đong đo đếm được, phải luôn cập nhật kịp thời tiến độ, kết quả thực hiện trên nền tảng số.
Khẩn trương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV. Chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường, nâng cao năng lực tham mưu và tổ chức thực thi CĐS từ Trung ương đến địa phương.
Hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai Nghị định số 42/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng, bảo đảm thống nhất cách hiểu về DVCTT và lộ trình chuyển đổi cho phù hợp với thực tiễn.
Thủ tướng nhấn mạnh: phải nghĩ thật, nói thật, làm thật, có hiệu quả thật, người dân, DN được thụ hưởng thật; nói phải đi đôi với làm, "không đánh trống bỏ dùi". Không để hiện tượng DVCTT thì nhiều, nhưng người dân sử dụng ít (mới gần 18%), hiệu quả không cao; các nền tảng thì nhiều, cơ sở dữ liệu thì lớn nhưng tính đồng bộ, liên thông lại thấp.
Tiếp theo, Thủ tướng yêu cầu xây dựng, triển khai hệ thống phục vụ theo dõi, kiểm tra thực hiện chương trình, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm đầu tư tập trung, đúng mục tiêu, có hiệu quả. Tổ chức các hoạt động tổ chức, tuyên truyền ngày CĐS hiệu quả, thiết thực, tránh hình thức.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổng hợp, tham mưu bố trí vốn đầu tư phát triển cho triển khai chuyển đổi số năm 2023 và đến năm 2025; phối hợp với Bộ TT&TT trong việc triển khai hệ thống phục vụ theo dõi, kiểm tra thực hiện chương trình, kế hoạch ứng dụng CNTT, bảo đảm đầu tư tập trung, đúng mục tiêu, có hiệu quả.
Bộ Tài chính chủ trì tổng hợp, tham mưu bố trí kinh phí sự nghiệp từ ngân sách Nhà nước cho triển khai CĐS năm 2023; tiếp tục thúc đẩy CĐS trong ngành thuế, hải quan, nhất là thu thuế trong dịch vụ ăn uống.
Khẩn trương hoàn thành CSDL đất đai, thí điểm mô hình đại học (ĐH) số
Thủ tướng giao Bộ GD&ĐT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai thí điểm mô hình giáo dục ĐH số và lựa chọn thí điểm mô hình tại 5 trường ĐH trước ngày 30/8/2022. Nghiên cứu thúc đẩy thành lập khoa mới, chuyên ngành đào tạo mới hoặc cập nhật, bổ sung vào chương trình đào tạo kiến thức, kỹ năng theo hàm lượng phù hợp tại các trường ĐH, cơ sở giáo dục.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tại Chương trình CĐS trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó tập trung vào việc phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao, các ngành nghề chuyên về CNTT, công nghệ số phục vụ phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng Đề án CĐS ngành tiêu chuẩn đo lường chất lượng; trên cơ sở mục tiêu, phạm vi và nội dung của Đề án, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thành CSDL đất đai quốc gia, sớm cung cấp các DVCTT liên quan đến lĩnh vực đất đai phục vụ người dân DN.
Bộ Nội vụ khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách, chế độ cho đội ngũ làm nhiệm vụ CĐS, trong đó có vận dụng Nghị định 140/2017/NĐ-CP về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; đẩy mạnh cải cách hành chính thông qua CĐS.
Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp Bộ TT&TT đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy ứng dụng CNTT, CĐS phục vụ chỉ đạo, điều hành theo Quy chế làm việc của Chính phủ. Đồng thời tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, kết nối các DVCTT lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện trình Chính phủ Nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) và sớm xây dựng, ban hành các thông tư hướng dẫn triển khai.
Thủ tướng cũng yêu cầu các DN nói chung và DN CNTT nói riêng phải tham gia tích cực vào CĐS.
34/63 địa phương đã ban hành Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo CĐS số năm 2022
Theo Bộ TT&TT,22/22 bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành chương trình/kế hoạch/đề án CĐS giai đoạn 5 năm; 19/22bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành kế hoạch hành động năm 2022 (còn 3 bộ, ngành chưa ban hành là Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Bộ GD&ĐT). 60/63tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành nghị quyết/chỉ thị/văn bản của tỉnh ủy/thành ủy về CĐS (còn 3 địa phương chưa ban hành là An Giang, Nghệ An, Phú Yên).
62/63tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành chương trình/kế hoạch/đề án CĐS giai đoạn 5 năm (còn 1 địa phương chưa ban hành là Nghệ An). 53/63 địa phương đã ban hành kế hoạch năm 2022 (còn 10 địa phương chưa ban hành là Bắc Kạn, Bạc Liêu, Hà Nội, Lâm Đồng, Nghệ An, Phú Yên, Quảng Trị, Sóc Trăng, Thái Bình, Vĩnh Long). 100% các bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn Ban Chỉ đạo CĐS. 07/22 bộ, cơ quan ngang bộ và 34/63 địa phương đã ban hành Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo CĐS số năm 2022.
Về hạ tầng số, theo Bộ TT&TT, tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định đạt 71,79 Mbps, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2021. Tốc độ truy cập mạng băng rộng di động đạt 35,29 Mbps, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Các DN viễn thông di động đã triển khai phủ sóng được 477/832 thôn lõm sóng viễn thông; bàn giao cho các tỉnh là 457.249 máy tính trong Chương trình "Sóng và máy tính cho em".
Về nền tảng số, 35/35 nền tảng số quốc gia đã hoàn thành phát triển, công bố và đưa vào sử dụng, trong đó có 31nền tảng số đã đưa vào sử dụng chính thức, 4 nền tảng số đang sử dụng thử nghiệm.
Về nhân lực số, 15/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. 47/63 tỉnh, thành phố đã triển khai 40.590 Tổ CNSCĐ đến tận thôn, xóm với hơn 200.000 thành viên tham gia.
Bộ TT&TT triển khai nền tảng học trực tuyến mở đại trà, đã hoàn thành 3 khóa bồi dưỡng về CĐS cho 1.648 công chức, viên chức là đội ngũ nòng cốt về CĐS của bộ, ngành, địa phương; dự kiến sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai công tác chuẩn bị bồi dưỡng CĐS cho khoảng 30.000 công chức, viên chức, 200.000 thành viên Tổ CNSCĐ và bồi dưỡng kỹ năng số miễn phí cho người dân.
Về cung cấp DVCTT, tỷ lệ DVC đủ kiều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 là 97,3%; tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ là 45,7%, gấp 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2021; tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến là 36,9%, tăng khoảng 10%so với cùng kỳ năm 2021. Một số DVCTT phát huy hiệu quả rõ rệt phục vụ người dân, tiêu biểu như: dịch vụ đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông; dịch vụ đăng ký, cấp biển số mô tô, xe gắn máy; dịch vụ cấp hộ chiếu phổ thông.
Về kinh tế số,tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP đến hết 6 tháng đầu năm ước tính là 10,41%. Tỷ trọng này năm 2021 ước tính là 9,6%. Mục tiêu đặt ra đến năm 2025 là 20%.
Trong 05 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tăng 76% về số lượng và 30,6% về giá trị so với cùng kỳ 2021, trong đó, qua điện thoại di động và QR code có mức độ tăng trưởng ấn tượng nhất
Trong 06 tháng đầu năm 2022, có thêm 3.378.742 hộ sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ lên hoạt động các sàn thương mại điện tử Việt Nam Postmart và Vỏ Sò để bán các nông sản của mình, đưa tổng số hộ nông dân hoạt động trên các sàn này lên 4.416.413 hộ, với 146.610 loại sản phẩm được bán lên sàn, giá trị giao dịch đạt 194 tỷ đồng.
Về xã hội số,so với cùng kỳ năm trước (6/2021), hoạt động của người dân trên môi trường số 06 tháng đầu năm 2022 đã ghi nhận sự tăng trưởng cả về số lượng người sử dụng và thời lượng sử dụng, đặc biệt ở các nền tảng số do Việt Nam sở hữu và phát triển.
Tính đến hết tháng 6/2022 có 24 triệubộ dữ liệu địa chỉ số của các hộ gia đình, cơ quan, tổ chức được khảo sát, cập nhật vào cơ sở dữ liệu địa chỉ số, trong đó có khoảng 7 triệuđịa chỉ đã đầy đủ điều kiện để sẵn sàng thông báo cho chủ địa chỉ và chính thức đưa vào sử dụng, khai thác trên nền tảng địa chỉ số. Đây là nền móng để phát triển thương mại điện tử, kinh tế số vận tải, logistic và phát triển xã hội số.
Một số khó khăn, vướng mắc, theo Bộ TT&TT, đến thời điểm hiện tại, có thể nói, cơ bản các bộ, ngành, địa phương đã bước đầu xác định được danh mục các nhiệm vụ chuyển đổi số đến năm 2025. Trong quá trình triển khai, nổi lên một số khó khăn, vướng mắc lớn như nhân lực cho, kinh phí cho CĐS, thiếu cơ chế giám sát triển khai CĐS./.