Trong một báo cáo do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố ngày 5/9/2019 cho thấy có đến 21% thanh thiếu niên ở Việt Nam tham gia khảo sát thừa nhận mình là nạn nhân của hiện tượng bắt nạt trên mạng. Gần 75% thanh thiếu niên Việt Nam tham gia khảo sát không biết về các đường dây nóng hay bất cứ dịch vụ hỗ trợ nào khác nếu đối mặt với bắt nạt hoặc bạo lực trên mạng….
Đại dịch COVID-19 khiến mỗi ngày của trẻ em gắn chặt trên không gian mạng. Vì lo ngại dịch bệnh, nhiều bố mẹ hạn chế cho con ra ngoài. Mọi hoạt động vui chơi của trẻ chỉ diễn ra tại nhà khiến cho ngày càng nhiều gia đình phụ thuộc vào công nghệ và các giải pháp số để duy trì việc học tập của con cái, giải trí và kết nối với thế giới bên ngoài.
Internet và các thiết bị công nghệ mang đến cơ hội học tập và giáo dục rộng mở cho trẻ em. Thế nhưng bên cạnh giá trị tích cực cũng luôn hiện hữu những mối nguy cơ có thực với trẻ em. Ngoài những nguy cơ như cận thị, rối loạn điều tiết mắt ảnh hưởng đến sức khỏe thì khi trẻ em dành nhiều thời gian trên không gian mạng dễ gặp nguy hiềm từ người lạ và nội dung không phù hợp.
Những tác động có hại cho trẻ em từ không gian mạng là có thật. Nguy cơ rủi ro trong thế giới ảo và thế giới thực ngày càng khó phân định. Nhiều gia đình để mặc con trẻ cùng với những thiết bị thông minh. Trong khi đó, trên mạng những nội dung độc hại với trẻ em được lồng ghép rất tinh vi. Nhìn bên ngoài, cha mẹ thấy con đang xem điện thoại, tivi, máy tính... Sự kiểm duyệt qua loa và cả sự thiếu hiểu biết của bố mẹ về thế giới mạng vô tình đã để con mình tiếp cận mỗi ngày với cái xấu xa, độc hại.
Để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, cha mẹ cần đứng ở vị trí tiên phong bằng việc tự trang bị thêm kiến thức về không gian mạng, thế giới ảo, kỹ năng số cho mình để đồng hành cùng con. Cha mẹ phải kiểm soát con bằng cách hiểu rõ các tính năng của thiết bị di động, máy vi tính, cũng như trang bị các kiến thức về an toàn thông tin trên mạng.
Nhiều giải pháp an toàn để cha mẹ có thể bảo vệ trẻ em như: Đặt các thiết bị truy cập Internet ở vị trí có thể quản lý được trong nhà; Theo dõi hoạt động trên mạng của con; Kích hoạt chức năng an toàn cho trẻ em của hệ điều hình và trình duyệt web; Thiết lập chức năng tìm kiếm an toàn đối với công cụ tìm kiếm để loại bỏ những kết quả không phù hợp; Cài đặt một số công cụ lọc hoặc ngăn chặn những nội dung không phù hợp với trẻ.
Cha mẹ cần dành nhiều thời gian và trở thành người bạn của con để có thể chia sẻ những vấn đề khó khăn sẽ gặp phải trên môi trường mạng. Nhiều gia đình cha mẹ gặp những khó khăn nhất định do không rành công nghệ số, kỹ năng mạng bằng chính con em của mình. Tuy nhiên cha mẹ hoàn toàn có thể giúp con giải quyết những vấn đề gặp phải trên môi trường mạng
Bản thân trẻ em cần được trang bị những kỹ năng, kiến thức để trở thành công dân của thế giới số, không gian mạng. Các em cần được hướng dẫn những kỹ năng để truy cập vào môi trường mạng một cách an toàn, giúp các em trở thành người tham gia vào môi trường mạng và tự bảo vệ chính mình. Những kỹ năng sống an toàn trên môi trường mạng chính là cách để trẻ tự bảo vệ bản thân trước những nguy hiểm rình rập.
Các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc đưa ra các chính sách, lập pháp hay thiết chế có thể bảo vệ an toàn cho trẻ em; Tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện sớm các vụ việc; Bảo vệ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác của trẻ khi tiếp cận thông tin, tham gia các hoạt động trên môi trường mạng; Có các giải pháp hỗ trợ trẻ tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.
Cộng đồng xã hội phát huy trách nhiệm trong việc bảo vệ trẻ em trên mạng Internet, kịp thời báo cáo cơ quan chức năng khi phát hiện những nội dung không lành mạnh, dấu hiệu của tội phạm... Ngày nay, môi trường mạng đã thành cuộc sống thực tế, không còn là thế giới ảo. Tất cả mọi người đều cần có trách nhiệm bảo vệ trẻ em.