Kinh tế Hà Nội tiếp đà phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch

Đỗ Thêu| 11/09/2022 07:35
Theo dõi ICTVietnam trên

Với những quyết sách đúng đắn, quyết liệt, kịp thời của Thành ủy, UBND thành phố, kinh tế Hà Nội đang tiếp đà phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.

Nhiều gam màu tươi sáng

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và khu vực gặp nhiều khó khăn, TP. Hà Nội đã thực hiện tốt các giải pháp thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, đồng thời tích cực triển khai 10 Chương trình công tác toàn khóa XVII nhằm thúc đẩy các mục tiêu phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Theo số liệu mới nhất từ Cục Thống kê TP. Hà Nội, từ đầu năm tới nay, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn thành phố tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Đáng lưu ý, một số ngành có chỉ số IIP đạt mức tăng trưởng ấn tượng gồm: Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 18,8%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 18,2%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 18%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 16,5%; sản xuất đồ uống tăng 16,5%.

Trong khoảng thời gian trên, Hà Nội thu hút được 992,3 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 49,6% so với cùng kỳ. Trong đó, đăng ký cấp mới cho 226 dự án với số vốn đạt 141,3 triệu USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ. Có 122 dự án được bổ sung tăng vốn đầu tư với số vốn tăng thêm là 374,6 triệu USD, tăng 16%. Có 258 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần với số vốn 476,4 triệu USD.

Về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn đạt 11,1 tỷ USD, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 451.300 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước.

Những con số ấn tượng nêu trên là minh chứng rõ ràng nhất cho việc kinh tế Hà Nội đang tiếp đà phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.

Phát triển thủ đô bền vững

Việc Thành ủy Hà Nội ban hành 10 Chương trình công tác toàn khóa XVII đã thể hiện tinh thần quyết tâm của Đảng bộ thành phố trong việc khẩn trương cụ thể hóa, sớm triển khai đưa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống.

Theo đánh giá của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, các chương trình đều xuất phát từ nhu cầu cấp bách trước mắt và tư duy, tầm nhìn chiến lược vì sự phát triển của thành phố. Việc có thêm Chương trình 03-CTr/TU về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025" sẽ giúp Hà Nội phát triển toàn diện hơn. Hoặc với Chương trình số 08-CTr/TU về "Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025" mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, cụ thể hóa tinh thần đặt người dân vào vị trí trung tâm của mọi chủ trương, đường lối.

Song song với đó, TP. Hà Nội luôn xác định công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm hàng đầu để tập trung chỉ đạo điều hành. Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng cho biết, thành phố vẫn đang tiếp tục chú trọng đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine ngừa COVID-19 để đảm bảo hiệu quả chống dịch cao nhất. Đến nay, kết quả tiêm mũi 3 cho người trên 18 tuổi đạt 98,2%; mũi 4 đạt 66,9%. Ngoài ra, kết quả tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, trong đó mũi 1 đạt 64,3% và mũi 2 đạt 31,3%. Kết quả tiêm cho trẻ từ 12 - 17 tuổi, mũi 1 và mũi 2 đều đạt hơn 99%.

Bên cạnh vấn đề kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, Hà Nội cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt, khẩn trương, có hiệu quả hơn nữa các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; huy động tốt nguồn vốn tư nhân cho đầu tư phát triển; Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm, công trình lớn, quan trọng, thiết yếu, các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các làng nghề, làng nghề truyền thống.

Kinh tế Hà Nội tiếp đà phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch - Ảnh 2.

Hà Nội quyết tâm phát triển nhanh, bền vững trong những giai đoạn tiếp theo.

Hà Nội cũng phải cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố; Thực hiện đồng bộ các hoạt động hỗ trợ sản xuất kinh doanh như chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi, các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực; Tổ chức tuyên truyền và thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội năm 2022. Tất cả hướng tới mục tiêu chung nhằm phát triển thủ đô nhanh và bền vững./.

Bài liên quan
  • Bưu điện vận động 80.000 người tham gia BHXH tự nguyện tại TP. Hà Nội
    Phát huy khí thế của ngày ra quân, các Bưu điện trung tâm trên địa bàn TP. Hà Nội quyết tâm hoàn thành mục tiêu, phấn đấu 31/12/2024 phát triển được trên 80.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và gần 1,5 triệu người tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình trên địa bàn TP. Hà Nội.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế Hà Nội tiếp đà phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO