Kinh tế số của Việt Nam tăng trưởng vượt 20%/năm
Trong năm 2024, chuyển đổi số quốc gia, nhất là triển khai Đề án 06 tiếp tục đạt nhiều bước tiến lớn, quan trọng. Kinh tế số, xã hội số tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ.
Chiều ngày 6/2/2025, tại Phiên họp lần thứ 10 tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) và Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, nhiều kết quả nổi bật về công tác CĐS năm 2024 đã được tổng kết.
![img7082-1738830775648956096390.jpg](https://ictv.1cdn.vn/2025/02/06/img7082-1738830775648956096390.jpg)
Kinh tế số của Việt Nam tăng trưởng vượt 20%/năm
Theo Bộ TT&TT, năm 2024, những kết quả nổi bật, tích cực của hoạt động thực hiện nhiệm vụ CĐS quốc gia đạt được như: Xếp hạng phát triển Chính phủ điện tử (EGDI) của Việt Nam xếp vị trí thứ 71/193 quốc gia trong bảng xếp hạng EGDI của Liên Hợp Quốc, tăng 15 bậc so với 2022.
Đặc biệt, về chính phủ số, đã thực hiện giám sát và công bố trực tuyến việc cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) thực chất, hiệu quả. Đồng thời, Chính phủ đã đưa hoạt động chỉ đạo, điều hành thông qua mô hình trực tuyến và dựa trên dữ liệu.
Cùng với đó, hạ tầng số được mở rộng, phát triển (đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ 5G; đảm bảo tốc độ, dung lượng, kết nối Internet mức cao); hình thành, cung cấp, sử dụng hiệu quả các dữ liệu số, dữ liệu mở (các bộ, ngành, địa phương xác lập thêm 678 cơ sở dữ liệu (CSDL), tăng 30%, nâng tổng số CSDL lên 2990; 75 cơ quan, địa phương đã ban hành danh mục, kế hoạch cung cấp dữ liệu mở…).
Công nghiệp ICT có bước phát triển khá. doanh thu năm 2024 đạt 152 tỷ USD, tăng 10,9%, trong đó công nghiệp bán dẫn có doanh thu 18,7 tỷ USD với 50 doanh nghiệp (DN) thiết kế vi mạch và 6.000 kỹ sư thiết kế.
Doanh thu phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin tăng mạnh (năm 2024 đạt 18 tỷ USD, tăng 38,5%). Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đầu tư và mở rộng đầu tư tại Việt Nam (Marvell - thiết kế chip; NVIDIA - nghiên cứu phát triển; SK Hynix - sản xuất bộ nhớ).
Thương mại điện tử (TMĐT) tiếp tục phát triển mạnh mẽ (năm 2024 đạt 28 tỷ USD, tăng 36%). Thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai rộng khắp (tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 57%).
Công tác mở rộng cơ sở thu, quản lý thuế, hóa đơn điện tử được triển khai một cách quyết liệt, hiệu quả, góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước, bảo đảm cán cân tài chính quốc gia (năm 2024 đã xử lý 5,5 tỷ hóa đơn, tăng gần 40%); thu thuế từ hoạt động TMĐT tăng mạnh (năm 2024 là 116.000 tỷ đồng, tăng 19,5%).
![xzzz.jpeg](https://ictv.1cdn.vn/2025/02/06/xzzz.jpeg)
Kinh tế số (KTS) của Việt Nam tăng trưởng vượt 20%/năm, cao gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP, nhanh nhất Đông Nam Á.
Về xã hội số, người dân trưởng thành sử dụng chứng thư chữ ký số đạt 12,5 triệu, tăng 58,61% so với với năm 2023; số lượng tài khoản VNeID đã kích hoạt trên 55,25 triệu….
Về an toàn thông tin (ATTT), có 93,7% hệ thống thông tin (HTTT) được phê duyệt hồ sơ cấp độ, tăng 27% so với 2023. Số HTTT đã thực hiện đầy đủ giải pháp đảm bảo ATTT theo cấp độ đạt 49%.
Về nhân lực số, tổng nhân lực CNTT đạt 561.000 người, chiếm 1,1% tổng lao động; 17 triệu người dân học kỹ năng số qua nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOCS), tăng 30,8% so với 2023.
“Kết quả thực hiện Kế hoạch hoạt động năm 2024 của UBQG về CĐS: Đạt
09/10 (90%) chỉ tiêu hoàn thành, cơ bản hoàn thành; 44/63 (69,8%) nhiệm vụ hoàn thành; 19/63 (30,2%) nhiệm vụ đang tiếp tục thực hiện, sắp hoàn thành; các nhiệm vụ thường xuyên đều được thực hiện đạt kết quả tốt”, báo cáo nhấn mạnh.
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được trên, những hạn chế cũng đã được nêu ra như: Tỷ lệ hồ sơ DVCTT toàn trình và tỷ lệ sử dụng chữ ký số vẫn còn thấp, chưa được như kỳ vọng, mong đợi; dữ liệu vẫn còn bị cát cứ, chưa kết nối, chia sẻ, khai thác hiệu quả; nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn chưa xác định rõ các mũi đột phá trong thực hiện CĐS; vẫn còn những thách thức trong an ninh mạng (lừa đảo trực tuyến, tội phạm sử dụng công nghệ cao xuyên quốc gia, tấn công mạng); thiếu nguồn nhân lực chuyên trách về CNTT, công nghệ; người dân vẫn chưa thực sự hiểu, tin và làm theo CĐS...
Cần tích cực tạo bước đột phá, đổi mới sáng tạo
Để khắc phục những hạn chế và gia tăng hơn nữa những kết quả việc thực hiện nhiệm vụ CĐS quan trọng trên, Bộ TT&TT đưa ra những đề xuất, giải pháp cần tập trung, thực hiện trọng tâm năm 2025.
Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cần tích cực tiếp tục tạo bước đột phá, quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về CĐS đã đề ra trong Nghị quyết số 03 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS quốc gia.
Cụ thể, đối với việc phát triển KTS đảm bảo thực hiện đạt mục tiêu: KTS ICT tăng trưởng 15%/năm (tỷ trọng Make in Viet Nam trong các sản phẩm CNTT đạt 33,5%; số DN công nghệ số đạt 81.400).
![kinh-te-so-viet-nam.jpg](https://ictv.1cdn.vn/2025/02/06/kinh-te-so-viet-nam.jpg)
Giải pháp thực hiện là các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh, thu hút có điều kiện thêm các FDI trong lĩnh vực công nghệ số, từ đó mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam; phát triển các DN công nghệ số đạt tỷ lệ tối thiểu 0,8 DN/1.000 dân; xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu hút và nuôi dưỡng nhân tài, các chuyên gia cao cấp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử trong, ngoài nước…
“Các bộ, ngành xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mức độ CĐS; phối hợp với các DN công nghệ số, xây dựng hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ số đáp ứng các tiêu chí CĐS; xây dựng công cụ đo lường trực tuyến; các DN nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong từng ngành, lĩnh vực tự đánh giá mức độ CĐS của mình theo bộ tiêu chí và sử dụng các sản phẩm và dịch vụ số…”, báo cáo giài pháp nhấn mạnh.
Đối với việc phát triển Chính phủ số (đảm bảo đến hết năm 2025 tăng được 6 bậc, xếp thứ 69) và đạt mục tiêu tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến; các bộ, ngành, địa phương đưa các hoạt động của cơ quan nhà nước lên môi trường mạng; đảm bảo công tác chỉ đạo, điều hành trực tuyến, dựa trên dữ liệu…
Đối với việc phát triển dữ liệu số: Hoàn thành 10 CSDL quốc gia theo nguyên tắc xây dựng đến đâu khai thác đến đó và đảm bảo phải chuẩn hoá, chất lượng dữ liệu, kết nối, chia sẻ liên thông dữ liệu.
Hơn nữa, việc phát triển hạ tầng số cần tập trung bảo đảm các hộ gia đình có khả năng tiếp cận truy nhập Internet cố định, tốc độ trung bình 1 Gb/s; 100% thôn, bản đã có điện lưới quốc gia được phủ sóng băng rộng di động 4G đáp ứng quy chuẩn quốc gia (QCVN) về chất lượng dịch vụ, với tốc độ tải xuống trung bình tối thiểu 40Mb/s đảm bảo điện tới đâu, viễn thông tới đó…
Đối với lĩnh vực ATTT, luôn đảm bảo được rà soát, triển khai và tuân thủ đầy đủ các quy định về bảo đảm ATTT mạng, an ninh mạng; Bảo đảm đạt 100% các HTTT được phê duyệt và triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn HTTT theo cấp độ, Đồng thời, dữ liệu được định kỳ sao lưu ngoại tuyến (offline) (theo nguyên tắc 3-2-1) và xây dựng các giải pháp phục hồi nhanh, sẵn sàng đưa HTTT bị tấn công trở lại hoạt động bình thường trong vòng 24 giờ.
“Việc phát triển xã hội số cũng cần đảm bảo mỗi người dân có 1 định danh số và tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử đạt tối thiểu 50%, phấn đấu đạt 70%...”, báo cáo nhấn mạnh./.