Kinh tế số động cơ tăng trưởng mới của Trung Quốc

Thu Hà| 05/09/2020 09:07
Theo dõi ICTVietnam trên

Nền kinh tế toàn cầu đang trong quá trình tái cấu trúc, và có sự đồng thuận quốc tế rộng rãi rằng các công nghệ kỹ thuật số mới nổi có thể thúc đẩy các điểm tăng trưởng kinh tế mới và tạo ra lợi thế cạnh tranh mới. Với lợi thế của một thị trường quy mô lớn, một hệ thống công nghiệp hoàn chỉnh, một hệ sinh thái Internet dẫn đầu về đổi mới và một số yếu tố tích cực khác, phát triển nền kinh tế số là một lựa chọn tất yếu của Trung Quốc.

Ngoài quy mô, sự nhiệt tình đối với các sản phẩm kỹ thuật số trong nước đã tạo điều kiện cho việc đổi mới và khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ liên tục thử nghiệm các sản phẩm mới. Điều này đã giúp các doanh nghiệp nâng cao tính cạnh tranh hơn. Mặt khác, một trong những lý do thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế số của Trung Quốc đến từ các chính sách của chính phủ. Quyết định bảo hộ thị trường công nghệ số đã tạo cho doanh nghiệp trong nước vị thế độc quyền và mở ra một không gian lý tưởng cho các doanh nghiệp này chiếm lĩnh thị trường công nghệ đầy tiềm năng trước các đối thủ cạnh tranh nước ngoài.

Hiện nay, kinh tế số chiếm khoảng một phần ba trong tổng chung của nền kinh tế Trung Quốc. Sự phát triển của kinh tế số tại Trung Quốc còn được dự báo sẽ tiếp tục tăng, giúp cho quốc gia đông dân nhất thế giới này nắm bắt những cơ hội do Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra và đạt được những lợi thế tương đối trong cạnh tranh quốc tế.

Kinh tế số - lựa chọn tất yếu

Cải cách khâu cung cấp

Sự phát triển của nền kinh tế số sẽ thúc đẩy cải cách cơ cấu trọng cung của Trung Quốc, từ đó sẽ tạo điều kiện cho việc thay thế các động lực tăng trưởng cũ bằng các động lực tăng trưởng mới và tạo ra một động cơ mới cho sự phát triển chất lượng cao. Nền kinh tế số liên quan đến công nghiệp kỹ thuật số và số hóa công nghiệp. Việc sử dụng rộng rãi công nghệ thông tin thế hệ mới đã dẫn đến sự xuất hiện của các tổ chức mới và các mô hình kinh doanh mới, tạo ra ngày càng nhiều điểm tăng trưởng kinh tế. Với sự chuyển đổi kỹ thuật số và nâng cấp thông minh của các ngành công nghiệp, xu hướng phát triển tích hợp mới đã tích lũy sức sống mới.

Sự phát triển của nền kinh tế số có thể giúp Trung Quốc đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng tăng của mọi người để có cuộc sống tốt hơn. Số liệu bán hàng của nhiều công ty thương mại điện tử Trung Quốc trong các lễ hội mua sắm trực tuyến đã đạt đến đỉnh cao mới mỗi năm, điều này cho thấy sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số không chỉ làm phong phú thêm cuộc sống của người dân, mà còn giúp nâng cấp tiêu dùng. Năm 2019, doanh số bán lẻ trực tuyến của Trung Quốc đã tăng thêm 10,6 nghìn tỷ nhân dân tệ (1,48 nghìn tỷ USD), chiếm 20,7% tổng doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng của cả nước.

Tạo ra số lượng lớn công việc linh hoạt

Sự phát triển của nền kinh tế số cũng sẽ giúp giảm rủi ro do sự bùng phát virus corona và tạo ra một "công cụ" kinh tế vĩ mô để ổn định nền tảng kinh tế của Trung Quốc, tạo thêm việc làm, giúp giảm bớt khó khăn của những doanh nghiệp và hồi sinh chuỗi cung ứng và công nghiệp.

Suy thoái kinh tế đã tạo ra áp lực việc làm rất lớn đối với Chính phủ Trung Quốc. Đặc biệt khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra đã khiến quốc gia này phải khẩn trương hơn để có biện pháp giảm bớt áp lực. Một thị trường việc làm ổn định là rất quan trọng đối với cuộc sống của mọi người và là biểu hiện của khả năng phục hồi kinh tế của Trung Quốc. Do đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ổn định chủ yếu nhằm đảm bảo việc làm. Thực tế là nền kinh tế số có năng lực việc làm lớn hơn và vì thế kinh tế số trở nên rất quan trọng đối với Trung Quốc.

Theo dữ liệu được công bố chính thức, nền kinh tế số đã tạo ra 191 triệu việc làm tại Trung Quốc vào năm 2018, chiếm gần 25% tổng số việc làm được tạo ra trong năm đó, tăng 11,5% so với năm 2017, cao hơn đáng kể so với tỉ lệ tăng trưởng tổng số việc làm của cả nước. Một số doanh nghiệp Internet lớn đã xây dựng những nền tảng để thúc đẩy đổi mới dựa trên công nghệ kỹ thuật số, điều này sẽ tiếp thêm sức sống cho tinh thần khởi nghiệp và tạo ra một số lượng lớn việc làm linh hoạt.

Nền kinh tế số cũng đã thúc đẩy nhiều hình thức và cơ hội kinh doanh mới, trong đó nhiều nền tảng kinh tế số đã cung cấp cơ sở hạ tầng cho công việc và tinh thần khởi nghiệp, mang lại cho mọi người nhiều lựa chọn việc làm hơn.

Để khắc phục những khó khăn do sự bùng phát dịch bệnh COVID-19 và biến cuộc khủng hoảng thành cơ hội, nhiều doanh nghiệp đã tăng tốc chuyển đổi số và nâng cấp thông minh. Các doanh nghiệp chuyển đổi số được hưởng một lợi thế lớn trong việc phục hồi sản xuất và thực hiện chuyển đổi kịp thời trong sản xuất.

Chuyển đổi số và nâng cấp thông minh cũng đã giúp nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa bắt đầu con đường "chuyên môn hóa và đổi mới", giúp tăng đáng kể khả năng chống rủi ro và đảm bảo sự ổn định của chuỗi cung ứng và công nghiệp của Trung Quốc.

Công nghệ kỹ thuật số cũng có thể được tích hợp sâu với các dịch vụ tài chính, hệ thống hỗ trợ tài chính và thuế, để giúp các công ty/doanh nghiệp vượt qua khó khăn một cách hiệu quả hơn.

Sản xuất thông minh và Internet công nghiệp

Nhờ sự phát triển của nền kinh tế số và cuộc cách mạng công nghiệp mới, nhiều quốc gia đã đưa ra lựa chọn chiến lược quan trọng là phát triển sản xuất thông minh và Internet công nghiệp. Trung Quốc chuyển từ Internet tập trung vào tiêu dùng sang Internet tập trung vào ngành công nghiệp, chuyển từ lĩnh vực tiêu dùng sang lĩnh vực công nghiệp.

Là một mô hình ứng dụng mới tích hợp công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) thế hệ mới với nền kinh tế công nghiệp hóa, Internet công nghiệp là một chiến lược phát triển theo định hướng đổi mới quan trọng và là nền tảng của nền kinh tế số. Những thay đổi sâu sắc trong mô hình công nghiệp sản xuất và các doanh nghiệp sinh ra từ Internet công nghiệp sẽ thúc đẩy chuyển đổi và nâng cấp công nghiệp của Trung Quốc, và tạo điều kiện cho chặng đường từ mức trung lên mức cao trong chuỗi giá trị toàn cầu của Trung Quốc.

Để phát triển Internet công nghiệp tốt hơn, cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính phủ và thị trường, trong đó thị trường đóng vai trò quyết định trong phân bổ nguồn lực. Luật pháp và các quy định về quyền sở hữu trí tuệ, truyền dữ liệu và bảo mật, cùng các ưu đãi chính sách được cải thiện để tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi.

Bảo vệ an ninh mạng, đào tạo nhân tài - yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế số Trung Quốc

Trong khi phát triển nền kinh tế số, điều quan trọng là bảo vệ an ninh không gian mạng. Vì vậy, Trung Quốc cần tăng cường đầu tư để tăng cường an ninh mạng, đảm bảo an toàn dữ liệu lớn, khởi động chiến dịch truyền thông để củng cố ý thức bảo mật giữa các chính phủ ở các cấp và doanh nghiệp khác nhau và tuyển dụng thêm nhân tài trong lĩnh vực an ninh mạng.

Trong thời đại của nền kinh tế số, tuyển dụng nhân tài cấp cao, cũng như những người có trình độ và kỹ năng, đặc biệt là những người có chuyên môn trong các lĩnh vực cụ thể, là rất quan trọng. Các trường đại học, doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu cần đào tạo nhiều tài năng về CNTT-TT với nhiều kỹ năng. Giáo trình trường học và đại học nên được thiết kế để nuôi dưỡng niềm đam mê khoa học và đổi mới trong học sinh sinh viên. Và các biện pháp nên được thực hiện để cung cấp thêm đào tạo cho người lao động để họ có thể đáp ứng nhu cầu của các ngành mới nổi.

Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế là chìa khóa để củng cố chuỗi cung ứng toàn cầu, và để dẫn dắt toàn cầu hóa kinh tế, nền kinh tế số cần đóng vai trò lớn hơn trong việc tích hợp lao động, vốn và công nghệ, trong đó truyền thông đa phương, hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và quản trị nền kinh tế số toàn cầu sẽ rất quan trọng.

NỀN KINH TẾ SỐ: SỰ THAY ĐỔI CỦA TRUNG QUỐC QUA NHỮNG CON SỐ


Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số không chỉ phá vỡ những hạn chế về thời gian và khoảng cách, nó còn có thể giúp giảm các yếu tố như ô nhiễm và cạn kiệt tài nguyên từ các hoạt động truyền thống.

Vào những năm 1990, Mỹ lần đầu tiên nắm bắt cơ hội do khái niệm sáng tạo này mang lại, nhanh chóng, theo sau đó là các nền kinh tế phát triển khác như châu Âu và Nhật Bản. Là một quốc gia đang phát triển, nền kinh tế số của Trung Quốc đã thực sự cất cánh trong những năm gần đây. Mặc dù bắt đầu muộn, nhưng hiện nay, Trung Quốc đã trở thành "nhà lãnh đạo" toàn cầu trong nhiều lĩnh vực.

Báo cáo từ Học viện Công nghệ thông tin và Truyền thông Trung Quốc (CAICT) cho thấy, năm 2018, nền kinh tế số của Trung Quốc đứng thứ hai về quy mô, sau Mỹ. Nền kinh tế số đã đóng góp hơn 4,7 nghìn tỷ đô la Mỹ, chiếm một phần ba GDP của quốc gia, do đó trở thành một động lực tăng trưởng kinh tế mới của Trung Quốc.

Có thể thấy, Trung Quốc đang sở hữu những tiềm năng to lớn trong việc trở thành một nền kinh tế số toàn cầu. Quốc gia này sở hữu một trong những hệ sinh thái đầu tư và khởi nghiệp kỹ thuật số tích cực nhất trên thế giới; đồng thời, Trung Quốc nằm trong top ba thế giới về đầu tư vốn mạo hiểm vào các loại công nghệ kỹ thuật số quan trọng, bao gồm thực tế ảo, xe tự hành, in 3-D, robot, máy bay không người lái và trí tuệ nhân tạo (AI). Trong bối cảnh các doanh nghiệp nước này đang đẩy mạnh sốhóa các hoạt động kinh doanh, dựbáo của IDC chỉ ra, tối thiểu 80% các ứng dụng doanh nghiệp mới của Trung Quốc vào năm 2025 sẽ sử dụng các công nghệtrí tuệ nhân tạo.

Nền kinh tế số đang tăng nhanh của Trung Quốc được chứng minh bằng sự đột biến của nó trong các giao dịch thương mại điện tử. Theo dữ liệu từ McKinsey, các giao dịch như vậy ở Trung Quốc chiếm chưa đến 1% tổng số thế giới trong năm 2005. Nhưng tỷ lệ đó đã tăng lên hơn 40%, lớn hơn tổng số của các quốc gia Mỹ, Đức, Pháp, Nhật Bản và Vương quốc Anh gộp lại, và sở hữu một lực lượng lớn người dùng trong lĩnh vực thanh toán di động với giá trị giao dịch lớn hơn 11 lần giá trị giao dịch của Mỹ.

Lĩnh vực kỹ thuật số cũng đã tạo ra một số lượng lớn việc làm. Theo CAICT, năm 2018, con số đó đạt hơn 190 triệu, tức là một phần tư của tất cả các công việc tại Trung Quốc. Đó là một bước nhảy 11% so với năm 2017, một tỷ lệ vượt qua tăng trưởng công việc chung.
Kinh tế số cũng đã tạo ra một số đại gia trong các công ty khởi nghiệp tư nhân. Một báo cáo từ McKinsey cho thấy trong số hơn 200 công ty "kỳ lân" trên toàn thế giới năm 2016, một phần ba đến từ Trung Quốc.

Trung Quốc cũng đã chứng kiến sự bùng nổ trong các ngành công nghiệp liên quan đến Internet và nền kinh tế số trong bối cảnh dịch COVID-19. Người sửdụng các ứng dụng Internet như giáo dục trực tuyến đã tăng trưởng đáng kể. Các nhà phân tích dự đoán rằng những tiến bộ lớn sẽđược thực hiện trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng Internet để thúc đẩy sự bùng nổ trong kinh doanh trực tuyến. Trong khi Trung Quốc đang nỗ lực trở thành một nhà lãnh đạo toàn cầu trong một số lĩnh vực mới, vẫn còn nhiều thách thức để tiếp tục số hóa nền kinh tế nói chung. Mức độ số hóa giữa các tỉnh, thành phố của Trung Quốc và giữa các ngành cũng đang ở mức khác nhau, phản ánh sự phát triển không đồng đều. Ví dụ, tại Bắc Kinh và Thượng Hải, nền kinh tế kỹ thuật số chiếm gần 45% GDP, trong khi ở tỉnh miền trung Trung Quốc như Hà Nam, quy mô nền kinh tế số chỉ chiếm 15% GDP...

Tài liệu tham khảo

1. http://global.chinadaily.com.cn

2. https://www.explica.co

3. https://thediplomat.com

4. https://news.cgtn.com

5 . https://enternews.vn

(Bài đăng ấn phẩm inTạp chí TT&TT Số 9+10 tháng 8/2020)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế số động cơ tăng trưởng mới của Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO