Nhiều tạp chí đang gặp khó, cần sự đổi mới trước xu hướng chuyển đổi số.
(Ảnh: Minh Thành)
Tạp chí đang gặp khó
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi cho biết, không nằm ngoài xu thế chung của thế giới, báo chí in Việt Nam, đặc biệt là các tạp chí chuyên ngành cũng đang đứng trước không ít thách thức khi số lượng xuất bản giảm mạnh trong những năm gần đây. Nhiều tờ báo, tạp chí phải cắt giảm phóng viên, nhân viên, vì sự suy giảm phát hành và quảng cáo, nguồn thu sụt giảm nghiêm trọng. Nhiều tạp chí không có sự hỗ trợ đang cực kỳ khó khăn, đứng trước nguy cơ đóng cửa. Tình trạng báo ra chậm, hoặc phải dồn số do thiếu kinh phí không phải là hiếm gặp.
Trước cơ chế thị trường, các tạp chí chuyên ngành còn gặp khó khăn trong hành trình khẳng định vị thế, vai trò của mình. Đó không chỉ là sự vất vả đơn thuần về nguồn kinh phí eo hẹp, hoạt động chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ, mà còn là sự lo ngại đối với đội ngũ cộng tác viên ngày càng già hóa, sự thiếu hụt những cây bút trẻ tài năng, sáng tạo và nhất là phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt, thị phần bị ảnh hưởng, lượng độc giả mất vào tay truyền thông xã hội. Đó là chưa nói tới việc giá thành, chi phí cho việc in ấn và phát hành ngày càng tăng cao, tiêu tốn một khoản ngân sách đáng kể của các tạp chí. Chi phí in ấn phát hành, cùng thói quen chuyển sang dùng Internet đang là nguy cơ lớn, làm mất dần độc giả trung thành của các tạp chí.
Theo PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, trong bối cảnh bùng nổ của các loại hình giải trí, văn hoá đọc truyền thống cũng có sự thay đổi đáng kể. Một bộ phận lớn độc giả, đặc biệt là công chúng trẻ không còn mặn mà với văn hoá đọc đã tìm đến các loại hình giải trí, nghe nhìn hiện đại. Một bộ phận khác đã thay đổi phương thức đọc, thay vì đọc báo giấy chuyển sang đọc báo mạng, vừa nhanh chóng, vừa tiện lợi, lại phù hợp với nhu cầu giải trí riêng của bản thân…
Cái khó nữa, đó là tất cả nguồn lực đầu tư cho tạp chí hoạt động chỉ còn chờ từ quảng cáo và bán ấn phẩm. Tuy nhiên, đối tượng quảng cáo và phát hành chủ yếu là các đơn vị doanh nghiệp trong ngành, việc phát triển các khách hàng lớn, bên ngoài bộ, ngành gặp nhiều khó khăn hạn chế, do đặc thù là tạp chí chuyên ngành. Phải là những tạp chí có nội dung thiết thực với hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, có đội ngũ phóng viên kinh tế có mối quan hệ tốt với cơ sở, doanh nghiệp thì việc khai thác quảng cáo mới thuận lợi và đạt kết quả đáng kể.
"Chỉ cần chỉ ra như vậy, chúng ta đã thấy vô vàn khó khăn cho những người làm nghề; nhất là những đồng nghiệp đang làm việc tại các tạp chí. Họ không thể lấy yếu tố có tính thời sự hoặc giật gân kiểu hình sự hay tiết lộ đời tư của những người nổi tiếng để thu hút độc giả", PGS.TS Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh.
Cần những thay đổi để thích ứng được xu hướng công nghệ
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi cho rằng, trong bối cảnh CĐS, các tạp chí cần phải thay đổi mới thích ứng được xu hướng công nghệ hiện nay. Nói đến CĐS, trước hết cần phải hiểu rõ CĐS tác động như thế nào tới hoạt động của báo chí – truyền thông? CĐS trong báo chí trước hết là việc sử dụng các công cụ, giải pháp về công nghệ để đổi mới mô hình, cách thức tác nghiệp, tư duy sản xuất, đặc biệt là việc phân phối sản phẩm theo xu hướng số hóa.
"Nói một cách ngắn gọn, đó là cách ứng dụng công nghệ số để làm mới quy trình truyền thống trong sáng tạo và phân phối, cũng như hưởng thụ các sản phẩm và dịch vụ của báo chí - truyền thông. Do đó, đối với các tạp chí, cần có thay đổi về nhận thức và tư duy, đặc biệt sử dụng số hóa dữ liệu và số hóa quy trình hoạt động của tòa soạn. Tức là, khi tiến hành CĐS, phải có hàng loạt thay đổi về công nghệ và con người, để tái cấu trúc cách thức hoạt động báo chí, từ đó tạo ra cơ hội và giá trị mới trong hoạt động kinh doanh của tòa soạn". PGS.TS Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh.
Trước những yêu cầu từ thực tiễn, tạp chí cần sản xuất những sản phẩm mới, có giá trị sử dụng và tính ứng dụng cao. Trên cơ sở nguồn dữ liệu lớn với việc ứng dụng các công nghệ số trong quá trình hoạt động, sáng tạo ra các sản phẩm báo chí đáp ứng nhu cầu công chúng, đồng thời tạo nhu cầu mới đối với thị trường, tăng tính tương tác giữa người làm báo với công chúng, giữa cơ quan báo chí với các cơ quan hoạch định và điều hành chính sách. Các tạp chí nên ứng dụng AI, Big data, IoT tạo ra các sản phẩm mới, ứng dụng trả lời tự động, hoặc các sản phẩm báo chí dữ liệu, hình thức trình bày hiện đại như Megastory, inforgraphics…
"Với các tòa soạn có ít nhân lực, có thể phối hợp với các cơ quan báo chí tổ chức đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực có chuyên môn, đặc biệt chú trọng kỹ năng tác nghiệp trong môi trường truyền thông số. Bên cạnh đó, cần đổi mới cả nội dung đào tạo và phương pháp đào tạo gắn với yêu cầu tác nghiệp trong tòa soạn hội tụ, đa phương tiện, đặc biệt coi trọng vấn đề đạo đức nghề nghiệp của người làm báo trong môi trường truyền thông hiện nay", PGS.TS Nguyễn Thành Lợi chia sẻ.