Làm thế nào để AI và kinh tế số giúp thu hẹp khoảng cách toàn cầu?
Nỗ lực hợp tác quốc tế đóng vai trò lớn để đảm bảo các nền kinh tế mới nổi có thể tham gia đầy đủ vào cuộc cách mạng số và thương mại toàn cầu, trong đó trí tuệ nhân tạo (AI) đang là trọng tâm.
Nền kinh tế toàn cầu đang số hóa với tốc độ nhanh chóng. Ước tính hơn 2/3 giá trị mới được tạo ra trong thập kỷ tới sẽ đến từ các nền tảng hỗ trợ kỹ thuật số. Cùng lúc đó, AI cũng đang thâm nhập vào mọi ngành công nghiệp.
Những tiến bộ nhanh chóng trong công nghệ có thể giúp nền kinh tế thế giới cải thiện mạnh mẽ, nhưng điều đáng lưu ý là cần có sự phối hợp và quản trị của nhiều bên liên quan để quản lý những thay đổi này - thay đổi trong cả lợi ích và những rủi ro.
Gần 2,7 tỷ người trên toàn thế giới chưa được tiếp cận Internet
Đặc biệt, khi nền kinh tế số (KTS) mở rộng, chúng ta phải đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), nền KTS mang đến những cơ hội to lớn nhưng cũng đầy thách thức. Gần 2,7 tỷ người trên toàn thế giới chưa được tiếp cận Internet. Công nghệ số mang lại những tiềm năng giá trị mới cho mọi người, nhưng sự tăng tốc của các loại công nghệ mới cũng có nguy cơ gây ra tình trạng bất bình đẳng và khoảng cách số.
Khi khoảng cách số gia tăng, công tác nâng cao và đào tạo lại kỹ năng trên toàn cầu sẽ rất cần thiết. Chuyển đổi công nghệ đã và đang làm gián đoạn hàng triệu việc làm trên toàn thế giới và điều này có thể sẽ ngày càng trầm trọng. Người lao động và lực lượng lao động sẽ cần được hỗ trợ để đổi mới, bắt kịp với sự phát triển của nền KTS mới.
Đây là lúc các tiêu chuẩn quốc tế xuất hiện, những tiêu chuẩn này rất quan trọng để đảm bảo quá trình chuyển đổi số diễn ra theo cách hợp tác chứ không khoét sâu thêm khoảng cách số.
Đến năm 2030, AI dự kiến sẽ bổ sung thêm 13.000 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu, mở ra một cửa sổ mới, thúc đẩy tăng trưởng GDP thêm 16%. Theo báo cáo của Goldman Sachs Research, khoảng 2/3 việc làm ở Mỹ đang gặp phải sự gián đoạn ở mức độ nào đó do AI và lịch sử cho thấy công nghệ mới có thể có tác động rộng hơn, thay đổi hoàn toàn các mô hình hoạt động của tổ chức.
Ví dụ, sự xuất hiện của các nền tảng AI sáng tạo sử dụng kiến trúc ChatGPT của OpenAI và các kỹ thuật học sâu đang cách mạng hóa việc tiếp cận thông tin về luật lao động.
Những câu hỏi trước đây phải mất nhiều ngày để trả lời giờ đây có thể được giải quyết trong vòng vài giây, cho phép các công ty có được các thông tin toàn diện về các chủ đề nhân sự và tiền lương, bao gồm phúc lợi, lương thưởng, quy trình tuyển dụng và chính sách nhân viên. Người dùng có thể chỉ cần đặt câu hỏi bằng ngôn ngữ tự nhiên, cho phép AI tạo ra phản hồi chính xác và phù hợp.
AI có thể được tích hợp vào nhiều chức năng kinh doanh chiến lược khác nhau, như tuyển dụng để giúp xác định các ứng viên hàng đầu, phân tích con người để giúp đưa ra tiêu chuẩn về lương cho lực lượng lao động toàn cầu và phát triển phần mềm để hỗ trợ lập trình AI cho các kỹ sư phần mềm. AI ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện tốc độ và độ chính xác của nhiều quy trình quan trọng.
Dù vậy, AI cũng mang đến những thách thức mới đòi hỏi sự phối hợp, giải quyết vấn đề và sáng tạo. Khoảng cách số thể hiện những thách thức nhiều mặt, không chỉ bao gồm khả năng tiếp cận Internet tốc độ cao, nền tảng cho bất kỳ hoạt động số nào, mà còn bao gồm khả năng tiếp cận nguồn vốn đầu tư thúc đẩy phát triển công nghệ tiên tiến.
Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển thường thiếu cả hai yếu tố này, hạn chế sự tham gia trực tiếp vào nền KTS và kìm hãm sự tăng trưởng và đổi mới ở cấp cơ sở. Hiện tại, đổi mới AI tập trung nhiều ở các công ty và khu vực lớn như Thung lũng Silicon do một số nền tảng kỹ thuật nhất định giúp đẩy nhanh việc áp dụng và đổi mới AI.
Các công ty lớn đã tích lũy được những lợi thế đáng kể trong những năm qua, bao gồm kho dữ liệu khổng lồ để đào tạo các mô hình AI và cơ sở hạ tầng kỹ thuật phức tạp. Việc tiếp cận những nhân tài hàng đầu, bộ xử lý đồ họa (GPU) tiên tiến và phần cứng chuyên dụng khác càng làm tăng thêm rào cản gia nhập AI.
Hợp tác để cùng nhau phát triển, sử dụng AI có trách nhiệm
Theo WEF, khi công nghệ tiếp tục phát triển, cách thức thế giới kinh doanh, hợp tác và tiêu thụ thông tin cũng sẽ tiếp tục phát triển. Nói chung, tất cả mọi người, mọi doanh nghiệp trên toàn cầu phải sử dụng cơ sở hạ tầng số để phát triển các mô hình đổi mới, điều hướng sự gián đoạn và chuyển đổi theo cách có mục đích, bền vững và toàn diện.
Việc tăng tốc chuyển đổi số để tăng trưởng dài hạn được coi là cần thiết. Nền KTS có thể mang lại lợi ích tích cực cho con người, hành tinh và sự thịnh vượng chung của nền kinh tế. Đến năm 2025, hàng chục tỷ thiết bị thông minh sẽ thu thập, phân tích và chia sẻ dữ liệu, cho phép các sản phẩm và dịch vụ đổi mới đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, xã hội và nền kinh tế.
Đảm bảo sự phát triển có trách nhiệm của AI trong các ngành là một việc làm rất quan trọng để thế giới phát triển an toàn, tin cậy và có đạo đức. Để đạt được điều đó, WEF cho rằng chính phủ các quốc gia cần hợp tác với nhau. Khả năng chuyển đổi các ngành với AI rất sâu sắc và sâu rộng. Nó cung cấp khả năng tự động hóa, thông minh, phân tích và tối ưu hóa dữ liệu nhanh chóng, tất cả đều giúp nâng cao các ngành.
Chính vì vậy, các quốc gia phải có sự hợp tác chặt chẽ với các tổ chức, cơ quan quản lý, nhà hoạch định chính sách và người dùng cuối trên quy mô quốc tế trong một hệ sinh thái hợp tác và gắn kết. Điều này giải quyết các mối lo ngại trong ứng dụng AI, đảm bảo sự đồng tình và tin tưởng trên toàn cầu đối với các tiêu chuẩn cũng như việc áp dụng AI một cách rộng rãi và có trách nhiệm nhất để mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.
Sứ mệnh của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) là làm cho cuộc sống dễ dàng hơn, an toàn hơn và tốt đẹp hơn; bằng cách thiết lập các tiêu chuẩn được công nhận trên toàn cầu - và AI cũng không ngoại lệ. Các tiêu chuẩn AI có khả năng cung cấp khuôn khổ để hướng dẫn việc sử dụng công nghệ AI một cách có trách nhiệm và có đạo đức, đồng thời bao gồm các lĩnh vực như quyền riêng tư, thành kiến, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Các công nghệ AI phải hoạt động liền mạch với nhau và trao đổi dữ liệu hiệu quả. Điều này đặc biệt quan trọng khi AI ngày càng được tích hợp nhiều hơn trong các ngành và ứng dụng. Hơn nữa, các tiêu chuẩn quốc tế kết hợp các kết quả xã hội và đạo đức mong muốn đóng vai trò là khuôn khổ cốt lõi để phát triển, triển khai và điều chỉnh các hệ thống AI.
Các tiêu chuẩn số hỗ trợ sự tăng trưởng và tăng tốc của nền KTS đồng thời đảm bảo thu hẹp khoảng cách toàn cầu. Với sự phát triển nhanh chóng của AI trên toàn thế giới, các tiêu chuẩn được sử dụng trên cộng đồng toàn cầu dự kiến sẽ đóng góp đáng kể vào việc định hình quản trị AI trong những năm tới.
Điều quan trọng cần lưu ý là các công nghệ mới nổi mang lại lợi ích cho tất cả mọi người - chứ không chỉ một số ít được chọn - và rằng những người ở vị trí lãnh đạo đóng vai trò đảm bảo giảm thiểu khoảng cách số. Việc hợp tác với các nước đang phát triển rất quan trọng để đảm bảo không tạo ra khoảng cách số.
WEF cho rằng bên cạnh việc xây dựng năng lực để các nền kinh tế mới nổi tận dụng tối đa các công nghệ mới nổi, cần có các tiêu chuẩn quốc tế. Điều này sẽ giúp các bên tham gia tốt hơn vào thương mại toàn cầu và khai thác các cơ hội số cho doanh nghiệp và cộng đồng của họ.
Khi các giải pháp này tiếp tục phát triển, khả năng tham gia công bằng hơn vào AI sẽ ngày càng trở nên rõ ràng, mở ra một tương lai thu hẹp khoảng cách số. Không những thế, AI còn được xem là chất xúc tác cho sự trưởng thành số ở các thị trường chưa được phục vụ đầy đủ.
AI mang đến cơ hội thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng công nghệ và trao quyền cho nhân viên ở các thị trường chưa được quan tâm. Bằng cách đầu tư vào các sáng kiến đào tạo và tận dụng các giải pháp dựa trên AI, các tổ chức có thể thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng công nghệ, mở ra sự tăng trưởng mới cho chính họ và đội ngũ của mình, đồng thời tạo ra một tương lai thịnh vượng và toàn diện hơn cho tất cả mọi người./.