Làm thế nào để đối phó với thông tin sai lệch ở Đông Nam Á?

Tâm An| 27/04/2022 09:16
Theo dõi ICTVietnam trên

Thông tin sai lệch là một vấn đề phổ biến mà cả doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng phải đối mặt trong thời đại thông tin bùng nổ ngày nay. Với thực tế mong muốn có được thông tin một cách nhanh chóng đang thúc đẩy thực trạng ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Thông tin sai lệch - mối nguy hại khó tránh

Trên thực tế, thông tin sai lệch đã trở nên quá quen thuộc với người dùng Internet, có thể đến từ mọi nơi và dưới mọi hình thức, từ các báo cáo chưa được xác minh trên các trang web tin tức cho đến một Tweet hoặc thông điệp đơn giản trên mạng xã hội. Do đó, một số chính phủ đã phải ban hành luật nhằm kiểm soát việc chia sẻ và lan truyền thông tin trên không gian mạng.

Tin tức giả, thông tin sai sự thật được tạo ra để thu hút sự chú ý và đánh lừa cảm xúc của người dùng, đó là lý do tại sao chúng ta chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ thông tin giả, tin sai lệch trong thời kỳ cao điểm của đại dịch COVID-19, khiến nhiều cộng đồng phải chịu hậu quả lớn, đe dọa đến tính mạng con người.

Thậm chí, cho đến hiện tại, nhiều người vẫn còn bối rối, không chắc chắn và nghi ngờ về những thông tin họ được cung cấp. Chẳng hạn như, khi nói đến vắc-xin, thông tin sai lệch được lan truyền bởi những người chống vắc-xin đã tác động lớn và gây ra sự chậm trễ trong việc triển khai tiêm chủng ở một số quốc gia trên thế giới.

Đối với các DN, thông tin sai lệch có thể phá vỡ một tổ chức. Dù là DN nhỏ, vừa hay DN lớn, bất kỳ hình thức thông tin sai lệch trực tuyến hay ngoại tuyến đều có thể ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định, đặc biệt khi các DN trở nên tập trung hơn vào dữ liệu. Quyền truy cập vào dữ liệu chính xác là chìa khóa để đảm bảo năng suất không bị ảnh hưởng và tránh được sự gián đoạn.

Tại khu vực Đông Nam Á, trong vòng 10 năm qua, xu hướng tìm kiếm của Google đã cho thấy sự gia tăng một cách tổng thể đối với các cụm từ liên quan đến tin giả, thông tin sai lệch, thông tin gây nhầm lẫn...

Từ thông tin về loại thuốc Ivermectin như một phương pháp điều trị hiệu quả COVID-19 ở Singapore cho đến sự gia tăng thông tin sai lệch về các ứng cử viên tổng thống trong chiến dịch bầu cử đang diễn ra ở Philippines, hơn 440 triệu người dùng Internet ở Đông Nam Á có thể tiếp tục có nguy cơ đối mặt những nguy hiểm do thông tin sai lệch trực tuyến gây ra.

Đông Nam Á, với tiềm năng trở thành nền kinh tế Internet trị giá 1.000 tỷ USD vào năm 2030, người dùng cần được trang bị những kỹ năng và kiến thức cần thiết để kiểm chứng thông tin trực tuyến nhằm duy trì sự an toàn và thu được những lợi ích từ Internet.

Đối phó với thông tin sai lệch cần một cách tiếp cận đa hướng

Thông tin sai lệch trực tuyến là một mối đe dọa ngày càng phát triển và tốc độ mà người dân trong khu vực truy cập trực tuyến sẽ tỷ lệ thuận với việc ngày càng có nhiều người dễ bị tổn thương hơn trước các mối đe dọa.

Thậm chí, đôi khi sự gia tăng mạnh mẽ của "công dân Internet" khiến cho nỗ lực đối phó với thông tin sai lệch ngày càng khó khăn hơn do những kẻ xấu lợi dụng sự thiếu nhạy bén người dùng mới khi làm quen với môi trường Internet.

Theo bà Stephanie Davis, Phó Chủ tịch Google Đông Nam Á, khi ngày càng có nhiều người tham gia vào môi trường trực tuyến, họ cần có bộ kỹ năng phù hợp để đánh giá loại thông tin họ đang tìm kiếm, thông tin nào an toàn để họ tương tác hoặc biết cách giúp con họ phát triển thói quen truy cập Internet một cách lành mạnh.

Trên thực tế, hiện nay, người dùng Internet cũng đã và đang nhận thức được rõ ràng hơn về sự nguy hiểm của tin giả, thông tin sai lệch và các chính phủ, cộng đồng cũng như các nền tảng mạng xã hội cũng đang thực hiện vai trò của mình để hạn chế vấn nạn này.

Theo bà Stephanie Davis, cách tốt nhất để hạn chế thông tin sai lệch, tin giả, thông tin xấu độc là thực hiện một cách tiếp cận đa hướng và khuyến khích hành động tập thể. Một phần quan trọng của việc này là trang bị cho người dùng kỹ năng xác minh thông tin thực tế để họ có đủ khả năng tự bảo vệ mình, phân biệt độ chính xác của nội dung mà họ sử dụng và cũng giúp tuyên truyền kiến thức cho những người dùng khác.

"Nếu không có sự hợp tác của nhiều bên như các nhóm kiểm tra thông tin thực tế, hiệp hội báo chí và các tổ chức đáng tin cậy, chúng ta sẽ khó có thể giải quyết vấn đề thông tin sai lệch và giúp mọi người tiếp cận với thông tin đáng tin cậy một cách nhanh chóng", Stephanie Davis nhấn mạnh.

Thực tế mà nói, chúng ta cần nhiều nguồn lực hơn để nâng cao nhận thức về tác hại của việc lan truyền những thông tin sai lệch và cung cấp cho mọi người những công cụ và mẹo đơn giản để nhận biết thông tin trước khi chia sẻ nội dung trực tuyến với gia đình hoặc bạn bè. Đồng thời, việc kiểm tra, xác nhận hoặc xác thực thông tin nên trở thành một thói quen đối với tất cả người dùng.

Làm thế nào để đối phó với thông tin sai lệch ở Đông Nam Á? - Ảnh 1.

Google cũng thực hiện nhiều chính sách nhằm hạn chế thông tin sai lệch trên các nền tảng của mình. (Hình minh họa)

Google nỗ lực hạn chế thông tin sai lệch

Cung cấp dịch vụ và nền tảng một cách an toàn là một thách thức thực sự và bà Stephanie Davis cho biết, tại Google họ luôn đặt ra câu hỏi, "làm cách nào để có thể đảm bảo mọi người luôn cảm thấy tự tin khi tham gia môi trường trực tuyến và có thể mở ra các cơ hội mới trong khi vẫn an toàn trước các trò gian lận và thông tin sai lệch?".

Theo Stephanie Davis, sứ mệnh của Google là sắp xếp thông tin của thế giới và làm cho thông tin hữu ích, có thể truy cập được trên toàn cầu. Thông tin sai lệch đi ngược lại sứ mệnh của Google. Đó là lý do tại sao Google đầu tư rất nhiều vào việc đối phó với những nỗ lực tìm cách lừa đảo, làm hại hoặc lợi dụng người dùng và hạn chế sự lan truyền của thông tin chất lượng thấp trên các dịch vụ của Google.

Stephanie Davis cho biết: "Google luôn quan tâm và nỗ lực trong việc tạo ra một môi trường trực tuyến an toàn và bảo mật cho mọi người. Do đó, trên YouTube và Google, chúng tôi có các chính sách sản phẩm và nguyên tắc cộng đồng để bảo vệ người dùng khỏi nội dung mà chúng tôi cho là có hại. Điều này, giúp chúng tôi đảm bảo an toàn cho các nền tảng, trong khi vẫn cho phép người dùng tự do chia sẻ nhiều trải nghiệm và quan điểm trên những nền tảng của chúng tôi".

Bên cạnh đó, Google cũng liên tục theo dõi và tùy chỉnh, cập nhật các chính sách xóa nội dung không phù hợp, cũng như thiết kế hệ thống cung cấp thông tin chất lượng hơn cho mọi người trong thế giới số đang ngày càng phát triển. Ngoài ra, thực hiện một cách tiếp cận chủ động hơn nữa, cả Google và YouTube cũng cung cấp các bảng thông tin hữu ích dựa trên các nguồn thông tin chính thống của các cơ quan có thẩm quyền, để giúp mọi người cập nhật thông tin chính xác trong các sự kiện quan trọng, như bầu cử hoặc khi COVID-19 diễn biến phức tạp.

Như đã chia sẻ, để hạn chế thông tin giả, thông tin sai lệch trên không gian mạng, cần có một nỗ lực tập thể và một cách tiếp cận nhiều lớp. Từ thực tế đó, Google đã hợp tác với những nhóm xác thực thông tin và các nhà báo ở nhiều quốc gia để có thể tiếp cận được với nhiều người hơn, đồng thời hợp tác với các chuyên gia truyền thông để phát triển chương trình đào tạo giúp mọi người phát hiện thông tin sai lệch một cách tốt hơn.

Đặc biệt, nhằm đồng hành cùng các quốc gia Đông Nam Á trong việc nâng cao nhận thức cho người dùng khi tham gia môi trường trực tuyến, Google.org đã tài trợ Quỹ ASEAN 1,5 triệu USD để triển khai các hoạt động ở 10 quốc gia Đông Nam Á. Bằng cách hợp tác với các tổ chức địa phương tại mỗi quốc gia, Quỹ ASEAN hy vọng sẽ trang bị cho hơn 1.000 giảng viên những kiến thức và kỹ năng phù hợp để thực hiện các khóa đào tạo về kiến thức truyền thông cho hơn 100.000 người trong khu vực./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện chi trả tiền cứu trợ nhanh nhất cho người dân sau bão Yagi
    Với số tiền hơn 10 tỷ đồng được hỗ trợ từ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) sẽ chi trả cho hơn 2.600 hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 (Yagi) tại tỉnh Yên Bái, Lào Cai và TP. Hải Phòng ngay trong tháng 12/2024.
  • Công trình nghiên cứu đồ sộ về tôn giáo và chính trị
    Cuốn sách “Lịch sử Cơ Đốc giáo Việt Nam thế kỷ 16 - 19” của GS. Trịnh Vĩnh Thường, một chuyên gia nghiên cứu lịch sử quan hệ Trung - Việt, vừa được giới thiệu đến độc giả như một tài liệu tham khảo chuyên sâu về mối quan hệ phức tạp giữa Thiên Chúa giáo và các triều đại phong kiến Việt Nam.
  • Lệnh cấm Internet tại một số quốc gia châu Á gây "khó" cho các nhà mạng viễn thông
    Việc hạn chế quyền truy cập Internet của một số quốc gia châu Á vì mục đích chính trị đã khiến các nhà mạng viễn thông chịu nhiều tổn thất về tài chính và danh tiếng.
  • AI, chuyển đổi số xoay chuyển lĩnh vực bán lẻ, người tiêu dùng
    Sự phát triển của AI, cùng với làn sóng chuyển đổi số (CĐS), đang cách mạng hóa trải nghiệm mua sắm tại Việt Nam. Từ cá nhân hóa dịch vụ đến tối ưu hóa chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp (DN) bán lẻ phải nhanh chóng thích nghi để đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng.
  • Ra mắt sách "Cuộc đấu trí bất ngờ" của Đại tá, GS. Phan Phác
    Cuốn sách "Cuộc đấu trí bất ngờ" với những bài viết mang giá trị lịch sử và thực tiễn sâu sắc được Nhà Xuất bản Hội Nhà văn biên soạn và ra mắt độc giả đúng dịp cả nước trong không khí kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024).
Đừng bỏ lỡ
Làm thế nào để đối phó với thông tin sai lệch ở Đông Nam Á?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO