“Lấn sân” sang tài chính và TMĐT, MoMo đang đi nhanh hơn các ví điện tử khác

Thế Phương| 15/12/2021 06:23
Theo dõi ICTVietnam trên

Báo cáo thị trường thanh toán của PwC khẳng định, thị trường Việt Nam được ví như “chiếc áo đã chật” trong vài năm qua, khi MoMo, Moca và ZaloPay chiếm 90% thị phần. Với 28 triệu người dùng, MoMo dường như đang đi xa hơn các đối thủ, khi bắt đầu tích hợp các dịch vụ tài chính, thương mại điện tử (TMĐT), địa điểm để lôi kéo và hiểu người dùng hơn.

Thanh toán không tiền mặt "lên ngôi" trong dịch COVID-19

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong 9 tháng đầu năm, hệ thống bù trừ điện tử và chuyển mạch giao dịch tài chính tăng 96,6% về số lượng và 133,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Thanh toán qua kênh điện thoại di động (mobile banking) tăng 76,2% về số lượng và 88,3% về giá trị. Đặc biệt, thanh toán qua kênh QR code tăng 64,1% về số lượng và 127,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào, cho biết có kết hợp với đối tác thực hiện nghiên cứu về thói quen và thái độ của người tiêu dùng đối với thanh toán trong tháng 8 và 9/2021 trên 6.200 người ở một số nước Việt Nam, Singapore... Kết quả cho thấy thói quen thanh toán bằng tiền mặt giảm rất đáng kể với tác động của dịch COVID-19.

Cụ thể, số người được hỏi cho biết trước dịch COVID-19, cứ 10 thanh toán thì có 6,8 thanh toán là bằng tiền mặt. Nhưng hiện nay, số thanh toán bằng tiền mặt giảm chỉ còn 5,4. Và trong tương lai, thanh toán không tiền mặt sẽ áp đảo hơn khi mang lại nhiều tiện ích cho người sử dụng.

Số lượng giao dịch tiền mặt cũng giảm đáng kể so với trước dịch COVID-19. Theo đó, 56% người tiêu dùng nói rằng họ đã giảm lượng giao dịch tiền mặt. 65% số người nói giảm lượng tiền mặt giữ trong ví mà chuyển đổi sang các hình thức thanh toán hiện đại như thẻ, ví điện tử… Đáng chú ý là xu hướng thanh toán không chạm tác động rất nhiều đến thói quen này do tính tiện ích, dễ sử dụng.

Bên cạnh các lợi ích về thanh toán không dùng tiền mặt, người tiêu dùng cảm nhận được sự an toàn, tránh nguy cơ bị nhiễm bệnh COVID-19. Các loại hình thanh toán không tiền mặt nhiều nhất là thanh toán hóa đơn, dịch vụ…

Báo cáo về "Cách mạng thanh toán: Định hướng 2025 và tầm nhìn tương lai" của PwC được công bố tháng 10/2021 cho thấy, thanh toán điện tử (TĐTT) đã trở nên phổ biến từ trước COVID-19. Với 623 triệu khách hàng tiềm năng vào năm 2030, khu vực Đông Nam Á được kỳ vọng sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên toàn cầu. Trong đó, Việt Nam có nhiều tiềm năng cho TTĐT phát triển mạnh mẽ. Tổng giá trị giao dịch của lĩnh vực này được dự báo sẽ đạt 15 tỷ USD vào năm 2021 cùng với tốc độ tăng trưởng thường niên dự kiến là 15,7% vào năm 2025.

Tuy nhiên, chỉ với 30% số người trưởng thành sử dụng dịch vụ ngân hàng số, lĩnh vực thanh toán tại Việt Nam còn dư địa để tăng trưởng cao hơn nữa. Đối với lĩnh vực ví điện tử, báo cáo của PwC đã dẫn chứng cuộc khảo sát gần đây của Visa cho thấy, 85% người tham gia khảo sát có ít nhất một ví điện tử hoặc ứng dụng thanh toán, trong đó 71% sử dụng các ứng dụng này ít nhất một lần một tuần.

Với hơn 40 nhà cung cấp ví điện tử, thị trường Việt Nam được ví như "chiếc áo đã chật" trong vài năm qua. Ba ví điện tử dẫn đầu gồm Momo, Moca và ZaloPay chiếm 90% thị phần, không còn quá nhiều "đất" cho các nhà cung cấp khác. Mặc dù vậy, các ví điện tử lớn cũng đang gặp khó khăn khi họ không thể hiện được lợi thế cạnh tranh của mình so với các ứng dụng phát triển bởi ngân hàng truyền thống vốn đã bắt kịp các chức năng của ví điện tử.

Nhu cầu giành lợi thế cạnh tranh trong tương lai có thể thúc đẩy các nhà cung cấp ví điện tử sáp nhập thành một vài siêu ứng dụng (super app) hàng đầu trong khu vực và địa phương nhằm thống lĩnh thị trường. Các siêu ứng dụng có thể tạo ra là nhờ sự liên kết chặt chẽ giữa ví điện tử và các dịch vụ số khác, như TMĐT, gọi xe và giao đồ ăn.

Mặc dù không có lợi thế về việc "đứng trên vai" những người khổng lồ khác như Moca (với dịch vụ gọi xe Grab), Airpay (với dịch vụ thương mại điện tử Shopee), ZaloPay (dịch vụ Zalo), nhưng MoMo lại đang cho thấy mình đi nhanh hơn các ví điện tử khác khi có số lượng người dùng lớn nhất, nhận diện thương hiệu tốt nhất, theo báo cáo "Ứng dụng di động" của Appota phát hành giữa năm 2021.

“Lấn sân” sang tài chính và TMĐT, MoMo đang đi nhanh hơn các ví điện tử khác - Ảnh 1.

Sự góp mặt của MoMo trong danh sách App Store Awards 2021 đã cho thấy vai trò không nhỏ của ví điện tử trong xu hướng thanh toán không tiền mặt, hạn chế tiếp xúc trong năm 2021.

Hay mới đây, tại giải thưởng App Store 2021 (App Store Awards 2021) do Apple công bố, trong danh sách những ứng dụng được yêu thích nhất năm 2021, bên cạnh những ứng dụng mạng xã hội, giải trí, nghe nhạc quen thuộc như Facebook, TikTok, YouTube, Zing MP3…hay ứng dụng kết nối trực tuyến như Zoom, Google Meet, ứng dụng phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia PC-Covid, sổ sức khỏe điện tử,... thì sự góp mặt của MoMo đã cho thấy vai trò không nhỏ của fintech nói chung và ví điện tử nói riêng trong xu hướng thanh toán không tiền mặt, hạn chế tiếp xúc trong năm 2021.

Song song với đó, trong 2 năm dịch COVID-19, MoMo cũng đã có sự tăng trưởng người dùng vượt bậc. Cụ thể, theo ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch Ví MoMo, nếu như trước dịch, Ví MoMo có 10 triệu khách hàng và chỉ trong thời gian ngắn sau đó, nền tảng này tiếp cận thêm được 10 triệu khách hàng nữa. Để rồi, đến tháng 11/2021, MoMo đã chạm mốc 28 triệu người dùng. Đồng thời, đầu năm 2021, Momo đã gọi vốn thành công vòng Series D, mặc dù không tiết lộ nhưng nhiều ý kiến cho rằng số tiền đầu tư là hơn 100 triệu USD.

MoMo đã qua thời "đốt tiền" để tăng trưởng?

Tuy nhiên, mảng thanh toán điện tử này lại "ngốn" số tiền đầu tư vô cùng lớn dù giá trị thanh toán hiện tại của mỗi người Việt còn thấp. Chính vì thế mà các ví điện tử dẫn đầu thị trường đều báo lỗ liên tiếp nhiều năm qua.

Theo lãnh đạo một ví điện tử trên thị trường, việc "đốt tiền" của đa phần các ví điện tử hiện nay chủ yếu để kiếm và "đào tạo" (educate) người dùng, thông qua các chương trình khuyến mại, quảng cáo hay từ chính các merchant (mỗi điểm giao dịch nếu tạo ra người dùng cho ví điện tử thì cũng sẽ được trả thêm chi phí), trong đó chi phí dùng để "đốt" chủ yếu là tiền đầu tư. 

Nguyên nhân là do trong giai đoạn đầu, MoMo "educate" người dùng chủ yếu qua các chương trình khuyến mại nên tạo ra hành vi người dùng ví điện tử là "chạy theo khuyến mại". "Do đó, chi phí lớn nhất của ví điện tử hiện nay là để tạo ra các chương trình khuyến mại, còn các chi phí vận hành khác không quá lớn, tương đương các ứng dụng di động khác", vị lãnh đạo này cho biết thêm.

Vị lãnh đạo này cũng cho rằng, việc dừng "đốt tiền" sẽ chỉ diễn ra khí ví điện tử có lượng người dùng ổn định, chiếm một thị phần đủ lớn, có tiếng nói khi đám phán với các đối tác để đưa các dịch vụ tài chính vào ứng dụng của mình. Khi đó, các ví điện tử sẽ giảm dần các chương trình khuyến mại để "educate" người sử dụng, thay vào đó là việc cung cấp các dịch vụ thiết yếu, trải nghiệm thân thiện với người dùng… 

Với lượng người dùng lớn nhất hiện nay, dường như MoMo đang ngừng đốt tiền cho quá trình tăng trưởng người dùng mà chuyển sang giai đoạn tiếp theo, phát triển AI, máy học, dữ liệu lớn, scoring (hệ thống chấm điểm người dùng) và các dịch vụ tài chính. Trong giai đoạn này, ví điện tử sẽ dần đưa các dịch vụ tài chính vào để dòng tiền được luân chuyển qua đó, thay vì hệ thống của ngân hàng. Từ đó, ví điện tử sẽ có được data (dữ liệu) nhất định để "chấm điểm" thông qua thói quen thanh toán của người dùng. Việc mua startup về AI Pique vào tháng 6/2021 cũng là để phục vụ mục đích này của MoMo.

“Lấn sân” sang tài chính và TMĐT, MoMo đang đi nhanh hơn các ví điện tử khác - Ảnh 2.

Việc lấn sân sang các dịch vụ khác như tài chính, TMĐT, ăn uống... đã cho thấy MoMo đang dần trở thành một siêu ứng dụng, thay vì một ví điện tử như thời gian trước.

Ý kiến này không phải là không có sở cứ khi MoMo đang bắt với với một loạt các ngân hàng như TPB, Vietcombank… triển khai hàng loạt các dịch vụ tài chính như ví trả sau, ví thần tài. Dù một số dịch vụ trung gian thanh toán khác đã cung cấp các dịch vụ tài chính trước như ViettelPay với các dịch vụ gửi tiết kiệm, đầu tư… nhưng MoMo vẫn là đơn vị triển khai đồng bộ và bài bản nhất.

Lý giải về việc việc bắt tay với các ngân hàng, để bắt đầu "lấn sân" sang lĩnh vực tài chính, ông Diệp cho rằng, trên thực tế, những người có thu nhập trung bình trở xuống thường khá lúng túng khi tiếp cận với các dịch vụ tài chính dù là đơn giản nhất như thanh toán các khoản vay đến hạn, hay tìm kiếm một khoản vay nhỏ cho nhu cầu tiêu dùng tức thời. Những tờ khai về thu nhập (trong khi không phải nguồn thu nhập nào cũng được trả qua tài khoản ngân hàng), thông tin người thân, hay các bản photo công chứng giấy tờ… là rào cản không nhỏ.

Để giải quyết vấn đề này, cần một cách tiếp cận đơn giản, dễ dàng - điều mà chỉ có công nghệ mới có thể làm được. Hơn 10 năm qua, MoMo không ngừng đầu tư phát triển công nghệ với hơn 500 kỹ sư được đào tạo bài bản, có bề dày kinh nghiệm từ các doanh nghiệp công nghệ trong và ngoài nước. MoMo vừa mua toàn bộ công nghệ lõi của Pique - công ty về AI hàng đầu Việt Nam. 

Việc hiểu khách hàng, nâng cao trải nghiệm khách hàng đang được MoMo thúc đẩy mạnh mẽ với chiến lược AI-first để theo đuổi mục tiêu khách hàng là đầu tiên (Customer first) là tạo ra "Những người dùng hạnh phúc" (Happy Users).

Do đó, bước đi tiếp theo này của MoMo, không chỉ là câu chuyện về công nghệ hay nền tảng, mà đây là nỗ lực của ví điện tử này nhằm mang các dịch vụ tài chính đến gần với đông đảo người tiêu dùng bình dân, giúp họ có thể quản lý tài chính cá nhân một cách dễ dàng với chi phí thấp, nhanh chóng vượt qua những khó khăn trước mắt. Khi mà thay vì trực tiếp làm việc với các ngân hàng, công ty bảo hiểm và các tổ chức tài chính, giờ đây chỉ với ứng dụng MoMo trên chiếc điện thoại di động, người dân đều có thể sử dụng toàn bộ các dịch vụ tài chính hiện đại mà không có rào cản nào, được "đo ni đóng giày" để phù hợp với nhu cầu của người Việt.

Bên cạnh đó, mới đây, MoMo cũng đã ra mắt các ứng dụng con liên quan đến địa điểm như TMĐT hay ẩm thực. 

Những động thái này đã cho thấy, MoMo đang nhanh hơn các ví điện tử khác trong việc tích hợp các dịch vụ khác nhau để phục vụ, educate người dùng, thay vì chạy theo khuyến mại để tăng trưởng như thời gian trước./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
  • Để đổi mới sáng tạo không bị cản trở, mà được khơi thông và lan tỏa
    Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng: "Chúng ta cần tạo ra một hệ sinh thái ĐMST mà ở đó, doanh nghiệp có thể cải tiến sản phẩm phù hợp với thị trường trong nước, người dân có thể sáng tạo trong điều kiện thực tế của mình, nhà nước hỗ trợ môi trường, thể chế và động lực để đổi mới sáng tạo không bị cản trở, mà được khơi thông và lan toả".
  • "Báo chí trong kỷ nguyên mới phải sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ"
    Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Phan Xuân Thuỷ nhấn mạnh: Báo chí trong kỷ nguyên mới phải sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu của công chúng, theo kịp sự phát triển của thời đại, công cuộc chuyển đổi số của đất nước.
  • Thủ tướng: "Thần tốc táo bạo" để đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo
    Thủ tướng đánh giá thời gian qua, đất nước ta đã đạt được một số kết quả tích cực về sự phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, trong đó có vai trò của hoạt động khởi nghiệp.
  • Đổi mới sáng tạo - Doanh nghiệp tiên phong - Quốc gia thịnh vượng
    Năm 2017, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chọn ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới với mục đích nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của sáng tạo và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế, xã hội và phát triển bền vững.
  • 75 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam: Những truyền thống vẻ vang
    Cách đây 75 năm, ngày 21/4/1950, tại xóm Roòng Khoa, xã Ðiềm Mặc, huyện Ðịnh Hóa, tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra Đại hội thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam, nay là Hội Nhà báo Việt Nam.
  • Báo chí trong bối cảnh bùng nổ mạng xã hội và chuyển đổi số
    Báo chí là một trong những loại hình phương tiện truyền thông đại chúng hiện đại. Các tác phẩm, sản phẩm báo chí luôn phải mang đến công chúng những giá trị thông tin thời sự, chân thật, khách quan về các sự kiện, vấn đề diễn ra trong đời sống xã hội. Dù trong bối cảnh phát triển nào thì các loại hình báo chí vẫn đóng vai trò quan trọng là phương tiện truyền thông chủ lực, thiết yếu dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội.
  • Duy trì cam kết với cổ đông, VPBank năm thứ 3 liên tiếp trả cổ tức tiền mặt
    Năm thứ 3 liên tiếp, VPBank dự kiến duy trì chính sách cổ tức tiền mặt, thể hiện năng lực tài chính vững mạnh, chiến lược tăng trưởng hợp lý và cam kết mang lại lợi ích lớn nhất cho cổ đông.
  • Cảnh báo lợi dụng hình thức "xe ôm công nghệ" để lừa đảo
    Công an thành phố Hà Nội cho biết thời gian qua, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố đã xử lý nhiều vụ việc liên quan đến hành vi chiếm đoạt tài sản của khách hàng do các đối tác tài xế xe công nghệ thực hiện.
  • Xuất bản Việt Nam cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để sớm trở thành công nghiệp xuất bản
    Ngành xuất bản Việt Nam đang trải qua quá trình chuyển đổi mạnh mẽ để thích ứng với sự phát triển của khoa học công nghệ. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ hiện đại không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu cấp thiết giúp ngành xuất bản phát triển bền vững và tiệm cận với mô hình công nghiệp xuất bản hiện đại.
  • Chuyển đổi số - liều vắc-xin hiệu quả
    Trong thời cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số được kỳ vọng là chiếc "đũa thần" giải quyết bài toán tăng trưởng chậm và năng suất thấp. Ở nhiều quốc gia, đó cũng là công cụ quan trọng để xử lý tình trạng lãng phí nguồn lực - căn bệnh kinh niên của khu vực công.
“Lấn sân” sang tài chính và TMĐT, MoMo đang đi nhanh hơn các ví điện tử khác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO