Lào Cai cần gắn CĐS với các quy hoạch để tạo động lực phát triển nhanh hơn

PV| 06/08/2021 07:25
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo TS. Cao Viết Sinh, Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ KH&ĐT, Lào Cai nên gắn chuyển đổi số (CĐS) với các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh để từ đó tạo động lực phát triển nhanh hơn. Ông cũng hy vọng, sắp tới, với sự quyết tâm của tỉnh cùng bề dày kinh nghiệm của FPT sẽ đem lại những thay đổi sâu sắc cho tỉnh.

Thông tin trên được ông Sinh đưa ra tại buổi lễ  ký kết thỏa thuận hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh giai đoạn 2021-2025 ngày 5/8. 

Lào Cai tập trung CĐS với 3 hướng đi trọng tâm

Thỏa thuận được ký kết với mong muốn góp phần đưa Lào Cai sớm trở thành một trong những tỉnh đi đầu cả nước về chuyển đổi số với ba trụ cột: Chính phủ số - Kinh tế số - Xã hội số.

Theo Chương trình CĐS tỉnh Lào Cai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt mới đây, tỉnh đang hướng đến mục tiêu đứng trong Top 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu về CĐS và đứng trong Top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. 

Cũng theo Chương trình này, tỉnh sẽ tập trung CĐS với ba hướng đi trọng tâm. Đầu tiên là ứng dụng công nghệ số và sử dụng dữ liệu số một cách sâu rộng trong toàn bộ các hoạt động quản lý, điều hành của Chính quyền, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân. Tiếp theo là hoàn thiện mô hình tăng trưởng theo hướng tiếp cận nền kinh tế số. 

Cuồi cùng là việc CĐS cần gắn với phát triển bền vững, mang lại giá trị mới cho phát triển ngành du lịch, cho các khu cửa khẩu và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu tại sự kiện, ông Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kỳ vọng, trong vòng 5 năm nữa hoặc sớm hơn sẽ nhìn thấy được những thay đổi, phát triển đột phá của tỉnh dựa trên thỏa thuận hợp tác này.

Trao đổi tại Lế ký, TS. Cao Viết Sinh, Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ KH&ĐT đánh giá cao việc Lào Cai xem CĐS là động lực thúc đẩy phát triển và hy vọng với sự quyết tâm của tỉnh cùng bề dày kinh nghiệm của FPT sẽ đem lại những thay đổi sâu sắc cho tỉnh trong thời gian tới. Đồng thời, ông Sinh cũng gợi ý, tỉnh nên gắn CĐS với các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh để từ đó tạo động lực phát triển nhanh hơn.

Lào Cai cần gắn CĐS với các quy hoạch để tạo động lực phát triển nhanh hơn - Ảnh 1.

Đoàn lãnh đạo tỉnh Lào Cai tại lễ kí kết.

FPT mong muốn đưa thành tựu CMCN 4.0 thúc đẩy CĐS tại Lào Cai

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT cho biết, Lào Cai đang phát triển rất nhanh, trong bối cảnh dịch Covid-19 nhưng GRDP của tỉnh vẫn tăng trưởng đáng kể và thuộc Top đầu của cả nước. "Chúng tôi mong muốn đưa những thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 vào thúc đẩy CĐS giúp Lào Cai phát huy các thế mạnh của tỉnh để tăng trưởng nhanh nhất", ông Bình khẳng định.

Với mong muốn góp phần thúc đẩy quá trình CĐS tại Việt Nam và hoàn thành mục tiêu kép của Chương trình CĐS quốc gia, FPT đã và đang đồng hành cùng các tỉnh, thành phố trong các chương trình CĐS đô thị và xây dựng Thành phố thông minh và đang là đối tác phát triển, vận hành khu đô thị thông minh (ĐTTM) giáo dục, công nghệ cao của nhiều khu ĐTTM mới. Các giải pháp công nghệ số của FPT tập trung vào Hệ thống giao thông thông minh, Quản lý năng lượng thông minh, Chính phủ số, Giáo dục thông minh, Chăm sóc sức khỏe thông minh, và các nền tảng tích hợp dữ liệu. Nhiều dự án lớn đã được FPT triển khai, mang lại cuộc sống tiện ích hơn cho hàng chục triệu người dân.

Tiêu biểu như dự án triển khai Hệ thống Chính quyền điện tử (CQĐT) cho tỉnh Quảng Ninh, góp phần mang lại môi trường làm việc liên thông, hiện đại, chuyên nghiệp trên toàn tỉnh khi chữ ký số, văn bản điện tử được triển khai tới tất cả các đơn vị, việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính được máy tính hóa 100%. Theo thống kê, hệ thống CQĐT đã giúp giảm 40% thời gian đi lại của người dân và các tổ chức, doanh nghiệp, tiết kiệm 30 tỷ đồng/năm chi phí hành chính. 

Từ những hiệu quả mang lại, dự án góp phần giúp Quảng Ninh trở thành mô hình kiểu mẫu về CQĐT, đứng đầu cả nước về xếp hạng chỉ số PCI trong 4 năm liên tiếp (2017 – 2018 – 2019 - 2020), đứng đầu 63 tỉnh/thành phố về chỉ số PAR INDEX trong 3 năm (2017 – 2018 – 2019), trở thành tỉnh đầu tiên kết nối thành công 3 hệ thống cấp quốc gia, và đạt Giải thưởng ASOCIO chính quyền số năm 2018 trao bởi tổ chức Công nghiệp điện toán Châu Á – Thái Bình Dương.

Hay Hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Tp.HCM (HCM LGSP) do FPT triển khai được UBND Tp.HCM đánh giá là một trong những cấu phần nền tảng của Kiến trúc CQĐT Thành phố, được xây dựng với tầm nhìn sẵn sàng 100% các nhu cầu nền tảng phục vụ Thành phố thông minh. 

Tính đến tháng 06/2021, đã có 42 đơn vị kết nối vào hệ thống với hơn 840.000 hồ sơ liên thông, tích hợp được hơn 8.000 GB dữ liệu của thành phố, hơn 12 triệu người dùng được xác thực và định danh. Đặc biệt, cơ quan quản lý chỉ cần một nhân viên giám sát nền tảng và hơn một giờ để xuất báo cáo thay vì hai người làm toàn thời gian trong 4 ngày để xử lý mỗi GB dữ liệu./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Lào Cai cần gắn CĐS với các quy hoạch để tạo động lực phát triển nhanh hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO