Lấy DN là trung tâm của quá trình phát triển sản xuất thông minh

NK| 09/11/2021 22:03
Theo dõi ICTVietnam trên

Do mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp (DN) còn thấp, Bộ Công thương đã xây dựng Đề án ứng dụng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số (CĐS) để phát triển sản xuất thông minh giai đoạn 2021 - 2030, với quan điểm lấy DN là trung tâm. Từ đó giải quyết các thách thức cơ bản mà DN phải đối mặt khi CĐS, triển khai sản xuất thông minh.

Thông tin trên được chia sẻ tại Hội thảo chuyên đề số 2 về chủ đề "Phát triển sản xuất thông minh trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH, HĐH) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", trong chuỗi sự kiện thuộc Diễn đàn cấp cao và Triển lãm thực tế ảo về Công nghiệp 4.0 năm 2021, được tổ chức ngày 9/11/2021.

Lấy DN là trung tâm của quá trình phát triển sản xuất thông minh - Ảnh 1.

TS Nguyễn Đức Hiển Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Công nghiệp CNTT Việt Nam đã có sự thay đổi nhanh chóng và có tốc độ phát triển nhanh, đáp ứng nền kinh tế số.

Nhiều thử thách cho sản xuất thông minh ở Việt Nam

Tại hội thảo chuyên đề này, TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm từ 2021-2030 của Việt Nam đã xác định phát triển, thúc đẩy kinh tế số, xã hội số, sản xuất thông minh, các mô hình sản xuất kinh doanh mới như kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử… Đồng thời thực hiện CĐS trong tất cả các DN và các cơ quan nhà nước (CQNN).

Ông Hiển đã điểm lại các quan điểm, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sản xuất thông minh, về sự chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hệ thống quan điểm, chủ trương ấy được thể hiện tại văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị.

Theo kết quả nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) khu vực Đông Á - Thái Bình Dương công bố tháng 11/2021, trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo của các DN Việt Nam, 70% sử dụng máy móc do con người điều khiển, 20% được làm thủ công, chỉ 9% sử dụng máy móc được điều khiển bằng máy vi tính và dưới 1% sử dụng công nghệ tiên tiến hơn như robot, sản đắp lớp 3D. Hơn 75% DN vừa và nhỏ, 2/3 DN lớn được khảo sát bày tỏ hoài nghi về lợi ích kinh tế của việc đầu tư vào công nghệ mới.

Kết quả nghiên cứu của CSIRO-Australia và Bộ KHCN công bố tháng 11/2021 cho thấy chỉ một phần nhỏ DN Việt Nam tham gia vào các hoạt động đổi mới sáng tạo. Tỷ lệ DN có nghiên cứu và phát triển trong các ngành sản xuất còn thấp, như ngành sản xuất thiết bị điện chỉ 17%, ngành hoá chất chỉ 15%...

Như vậy, theo ông Hiển, phát triển sản xuất thông minh trong tiến trình CNH, HĐH trong thời gian tới còn nhiều vấn đề phải đối mặt. Tuy nhiên, vẫn có những ngành là điểm sáng như Công nghiệp CNTT Việt Nam đã có sự thay đổi nhanh chóng và là ngành đi đầu với tốc độ phát triển nhanh, đáp ứng nền kinh tế số. Điều này thể hiện qua việc mạng 5G bắt đầu được triển khai và thương mại hoá, cơ sở hạ tầng đối với mạng băng thông rộng tốc độ cao là nền tảng tốt cho việc đẩy mạnh sản xuất thông minh. Các DN trong nước đã mạnh dạn phát triển sản xuất thông minh với hệ điều hành sản xuất trên nền tảng số hoá, kết nối với các dây chuyền tự động, điển hình như tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast, Thaco, Vinamilk tại Bình Dương…

Chính vì vậy, để thúc đẩy sản xuất thông minh cũng như xây dựng chính sách cho CNH, HĐH đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, Ban Kinh tế trung ương đã phối hợp với các đơn vị liên quan như Bộ Công thương, Hội tự động hoá Việt Nam đã tổ chức hội thảo này để tạo diễn đàn cho cơ quan quản lý, DN, các nhà cung cấp giải pháp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để thúc đẩy chuyển đổi công nghệ, số hoá, tự động hoá quy trình sản xuất.

Chuyển đổi tư duy tiếp cận CMCN 4.0, từ phụ thuộc sang chủ động

Chia sẻ tại hội thảo, ông Đào Trọng Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, định hướng về cách tiếp cận cuộc CMCN 4.0 đã thúc đẩy chuyển đổi tư duy, từ phụ thuộc vào các nguồn lực từ bên ngoài sang chủ động phát triển nội lực, đẩy mạnh sáng tạo, vươn lên làm chủ công nghệ, nhấn mạnh vào đổi mới sáng tạo. Đồng thời đã chuyển đổi mạnh mẽ từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế số dựa trên nền tảng tri thức, với trọng tâm là quá trình CĐS, phát triển sản xuất thông minh. 

"Trong đó đã đặt việc thực hiện CNH, HĐH trong xu thế phát triển công nghiệp toàn cầu, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế", ông Cường nói.

Lấy DN là trung tâm của quá trình phát triển sản xuất thông minh - Ảnh 2.

Ông Đào Trọng Cường: Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm đến việc hỗ trợ DN bằng cách kết nối với các đơn vị nước ngoài để hỗ trợ đánh giá mức độ sẵn sàng cũng như xây dựng lộ trình chuyển đổi số.

Để làm được điều này, Việt Nam cần đánh giá mức độ sẵn sàng của các DN sản xuất công nghiệp. Bộ Công Thương đã tiến hành khảo sát và thấy rằng, phần lớn các DN đang ở mức tiếp cận thấp so với yêu cầu phát triển nhà máy thông minh, trong đó chiến lược – tổ chức và sản phẩm thông minh là những trụ cột có mức độ sẵn sàng thấp nhất. Các DN vừa và nhỏ cũng đang có mức độ sẵn sàng thấp hơn so với DN lớn.

Ngoài ra, phần lớn các công nghệ chủ yếu của CMCN 4.0 chưa được các DN áp dụng, tỷ lệ rất hạn chế, chỉ từ 2-3%, mức độ dự kiến đầu tư, áp dụng các công nghệ này trong thời gian tới cũng rất khiêm tốn. 70% DN không thể kiểm soát thiết bị CNTT và 52% DN cho biết không thể nâng cấp thiết bị vì đã quá cũ, chưa kể mức độ đáp ứng yêu cầu tích hợp, kết hợp với các hệ thống, thiết bị với nhau trong nhà máy còn thấp. Thậm chí, thông tin được thu thập chủ yếu bằng phương pháp thủ công, tỷ lệ thu thập trực tuyến còn rất hạn chế. 

"Những kết quả khảo sát đã cho thấy những thách thức lớn khi tiến hành CĐS, thúc đẩy sản xuất thông minh ở Việt Nam. Đây cũng là bài toán rất lớn cần có lời giải từ phía CQNN, nhà khoa học…. ", ông Cường chia sẻ.

Với điểm xuất phát hạn chế như vậy, ngành Công thương cần tập trung đổi mới và nâng cao nền sản xuất hiện đại, tận dụng cũng như "hấp thụ" nhanh chóng các công nghệ của CMCN 4.0.

Từ đó, Bộ Công Thương đã xây dựng, tổ chức triển khai các kế hoạch bao gồm: Tuyên truyền phổ biến thông tin, đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức; Hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 và quá trình CĐS; Đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ quá trình CĐS; Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KHCN, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển công nghiệp 4.0; Phát triển nguồn nhân lực; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Cũng theo ông Cường, Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm đến việc hỗ trợ DN bằng cách: Cung cấp thông tin, kết nối DN trong nước với quốc tế; Ứng dụng công nghệ 4.0, xây dựng mô hình sản xuất thông minh; Kết nối với các đơn vị nước ngoài để hỗ trợ đánh giá mức độ sẵn sàng cũng như xây dựng lộ trình CĐS cho DN. Từ đó, những dự án điển hình mà Bộ Công Thương triển khai, như Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã xây dựng hệ thống ERP tích hợp quản lý, chất lượng sản phẩm, Công ty công nghiệp Massan ứng dụng IoT để quản lý năng lượng và sức khoẻ máy móc…

Hiện Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án ứng dụng công nghệ 4.0 và CĐS để phát triển sản xuất thông minh giai đoạn 2021-2030, với quan điểm lấy DN là trung tâm. Đề án tập trung giải quyết các thách thức cơ bản mà DN phải đối mặt khi ứng dụng công nghệ mới, CĐS, triển khai sản xuất thông minh: Từ góc độ thể chế và quy định quản lý; Phương pháp và công nghệ; Từ vấn đề con người tới tài nguyên số và hạ tầng số, đặc biệt nhấn mạnh phát triển hệ sinh thái.

Qua đó, 2 nhóm vấn đề mà Đề án sẽ thực hiện bao gồm, đầu tiên là thiết lập cơ chế, môi trường chính sách thuận lợi cho hoạt động ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo cho DN, thông qua ưu đãi có tính đặc thù, đột phá thúc đẩy hoạt động CĐS và hình thành liên minh công nghiệp, công nghệ số. Nhóm vấn đề lớn tiếp theo là hỗ trợ phát triển năng lực toàn diện cho DN, bằng cách phát triển nguồn nhân lực số, hình thành các tài nguyên, hạ tầng số dùng chung, cũng như phát triển các nền tảng, công cụ cho DN để đặt nền móng hình thành văn hoá đổi mới sáng tạo, dẫn dắt phong trào CĐS trong giai đoạn tiếp theo. 

"CMCN 4.0 đã tác động mạnh mẽ, sâu rộng đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Đây vừa là yêu cầu và thách thức mà Việt Nam cần nhanh chóng vượt qua để tận dụng những cơ hội mà cuộc cách mạng này đem lại. Nhưng sản xuất thông minh là một hành trình dài và cần có chiến lược khoa học, đòi hỏi bước đi cụ thể, nhanh chóng ngay từ thời điểm hiện tại", ông Cường khẳng định.

Sau phần trình bày của ông Cường, hội thảo đã có 5 bài tham luận của các diễn giả trong nước và quốc tế với các chủ đề như kinh nghiệm quốc tế triển khai sản xuất thông minh; nền công nghiệp của tương lai - vận hành thông minh, công cụ số thế hệ mới và tích hợp quản lý năng lượng và tự động hóa; công nghệ đột phá cho sản xuất thông minh; một số mô hình chuyển đổi công nghiệp 4.0 dựa trên dữ liệu lớn; những bài học kinh nghiệm từ chiến lược công nghiệp Châu Âu 4.0; những thách thức hàng đầu về CĐS trong sản xuất.

Lấy DN là trung tâm của quá trình phát triển sản xuất thông minh - Ảnh 3.

Toàn cảnh Hội thảo chuyên đề số 2 về chủ đề "Phát triển sản xuất thông minh trong tiến trình công CNH, HĐH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Để CĐS không mơ hồ thì phải lựa chọn những giải pháp có kết quả trong ngắn hạn

Là một ví dụ điển hình về CĐS của các DN Việt Nam mà Bộ Công thương nhắc đến, ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông cho biết, đối với CĐS, việc quan trọng nhất là phải thay đổi nhận thức, tư duy và mô hình tăng trưởng (chiến lược kinh doanh, sản phẩm, cơ chế vận hành…). Ngoài ra, để CĐS, Rạng Đông phải tiếp thu được nguồn tri thức từ ngước ngoài và vận dụng theo cách của Việt Nam, để có thể chuẩn hoá quy trình.

Tiếp theo, do Rạng Đông là một công ty lâu đời nên công nghệ máy móc khác nhau nên phải tìm kiếm kiến trúc hợp nhất các nền tảng đó, thay vì phải phá bỏ trong một sớm một chiều khi CĐS. Rạng Đông cũng không có nhiều tiềm lực về tài chính, nên phải linh hoạt theo chiến lược "tầm nhìn dài hạn, bước đi cụ thể", lựa chọn những giải pháp trong ngắn hạn có thể thấy ngay kết quả, từ đó để cán bộ công nhân viên thấy rằng chuyển đổi số không phải là mơ hồ. 

"CĐS, sản xuất thông minh sẽ giúp tạo ra những mô hình tốt cho KHCN, đổi mới sáng tạo. Trên cơ sở đó, Rạng Đông đã hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm sản xuất nội dung số…", ông Kết nói.

Rạng Đông đã thu về những kết quả nhất định như Hệ sinh thái sản phẩm 4.0 với bóng đèn, công tắc thông minh, thành phố thông minh…, kinh doanh trên những nền tảng số do công ty tự xây dựng hay của đối tác như Amazon, FPT, VNPT. "Nhờ đó, chúng tôi đã có những kết quả tăng trường tốt, kết thúc năm 2020 tăng trưởng doanh thu 15,6% so với năm 2019 hay 9 tháng đầu năm 2021, Rạng Đông tăng trưởng 14,2% doanh thu, đặc biệt xuất khẩu tăng 47%", ông Kết chia sẻ.

Cuối cùng, theo ông Kết, CĐS là một quá trình liên tục và không có điểm dừng nhưng DN phải có bước đi, lộ trình cụ thể làm sao để trong ngắn hạn phải đem về những kết quả cụ thể.

Trao đổi về về việc thiết lập một có sở dữ liệu (CSDL) chung, ông Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hoá Việt Nam cho biết, khởi nguồn của quá trình CĐS của một đất nước là CSDL quốc gia bao gồm dữ liệu của tất cả các ngành, các lĩnh vực, DN. Bởi vì nếu không có CSDL chung thì sẽ không thể thực hiện được các công nghệ mới như dữ liệu lớn, đám mây…, DN cũng rất khó có thể triển khai tự động hoá hay đưa vào các công nghệ thông minh. 

Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện vẫn chưa có CSDL quốc gia dù đã xây dựng CSDL ở một số lĩnh vực như quản lý dân cư, quản lý đất đai, quản lý công nghệ cho DN vừa và nhỏ, chủ yếu do cơ quan quản lý địa phương/trung ương xây dựng. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành phố cũng đang xây dựng CSDL riêng của mình. 

"Tôi đã kiến nghị với Bộ TT&TT nên có một hướng dẫn về khung và kết cấu của CSDL để DN, địa phương, bộ ngành khi xây dựng dữ liệu của mình có thể tích hợp chung, tránh tình trạng mỗi nơi làm một cấu hình khác nhau sẽ gây khó khăn sau này", ông Quân nói.

Theo ông Quân, được biết, Bộ TT&TT đã giao cho các DN CNTT xây dựng những nền tảng cơ bản để phổ biến cho các đơn vị trong từng lĩnh vực để có thể ứng dụng phù hợp. Chỉ khi làm được điều đó, các DN mới có được những nền tảng cơ bản, thống nhất phù hợp với đơn vị mình và tích hợp được vào cơ sở dữ liệu quốc gia. Bên cạnh đó, để sử dụng CSDL quốc gia hiệu quả thì còn phụ thuộc vào mức độ công khai, mức độ mở để các cơ quan, đơn vị có thể sử dụng được, chỉ khi đó hệ thống thông minh như AI, IoT mới có thể phát huy hết tác dụng./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Lấy DN là trung tâm của quá trình phát triển sản xuất thông minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO