Đánh vào lòng tham, việc nhẹ lương cao
Hoạt động của các doanh nghiệp này có những biểu hiện chung là đăng các nội dung quảng cáo trên phương tiện Internet (Như website về việc làm, Zalo, Facebook…) về việc tuyển dụng nhân sự với các tiêu chí rất chung chung, dễ đáp ứng nhưng lại "rất hấp dẫn" về thu nhập, đơn cửa như: Tuyển nhân viên kinh doanh lương 10 triệu đồng/tháng không cần kinh nghiệm và bằng đại học, thời gian làm việc linh động; Tuyển cộng tác viên online, làm ca 4 tiếng/ngày thu nhập 6 - 8 triệu đồng/tháng chưa kể hoa hồng… Đối tượng của những đoạn quảng cáo tuyển người hướng đến thường là những người đang thất nghiệp, tìm kiếm việc làm hoặc các bạn sinh viên muốn đi làm thêm;
Khi nộp hồ sơ xin việc, các ứng viên được hẹn phỏng vấn nhưng thực chất để các nhân viên của doanh nghiệp tiếp cận hỏi han về hoàn cảnh gia đình, làm thân và lấy sự tin tưởng của người đang tìm việc. Tiếp đến, những nhân viên này vẽ vời một tương lai tươi sáng thu nhập hàng trăm triệu đồng một tháng cùng những chuyến du lịch, đào tạo tại nước ngoài làm cho các ứng viên ham thích và muốn tham gia. Sau khi người tìm việc đã có sự quan tâm nhất định đến công việc tương lai, nhân viên tuyển dụng bằng nhiều các biện pháp kể cả dụ dỗ và ép buộc người xin việc nộp các khoản tiền rất lớn với nhiều lý do (Như phí đào tạo kỹ năng bán hàng, mua tài liệu kinh doanh…) hoặc bị yêu cầu mua một gói sản phẩm ban đầu để đầu tư hay "gia nhập" vào doanh nghiệp;
Người tham gia/người được tuyển dụng sau khi nộp tiền có thể nhận được một khoản hoa hồng nhỏ để khuyến khích họ tuyển thêm người khác hoặc chính họ tiếp tục nộp thêm tiền có vị trí kinh doanh với mức hoa hồng cao hơn. Thực chất công việc của họ chỉ là tuyển được thêm người, bán hàng hóa với mức giá cao vô lý hoặc nộp thêm nhiều tiền nữa lên cấp bậc. Nếu không làm các các công việc trên thì họ cũng không nhận thêm được bất kỳ các khoản thu nhập nào. Trường hợp muốn khiếu nại về các khoản phí đã nộp, nạn nhân thường không có các chứng từ giao dịch với doanh nghiệp, các biên lai hay phiếu thu nộp tiền đều không có dấu của doanh nghiệp.
Các biểu hiện về hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp kinh doanh đa cấp
Các hành vi cấm đối với doanh nghiệp đa cấp được quy định tại Điều 5 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP, trong đó phổ biến nhất là các hành vi có biểu hiện như sau:
- Doanh nghiệp hoặc nhân viên của doanh nghiệp yêu cầu người chưa tham gia phải đóng một khoản tiền nhất định (Như phí đào tạo, mua cẩm nang kinh doanh, thẻ thành viên, đồng phục, nộp phí tuyển dụng, khoản đầu tư ban đầu vào doanh nghiệp…) hay phải mua gói sản phẩm để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp. Nếu không nộp các khoản phí này thì người đăng ký tham gia không được ký hợp đồng bán hàng đa cấp với doanh nghiệp;
- Hoạt động của doanh nghiệp chỉ tập chung vào việc tuyển dụng người tham gia không chú trọng vào công việc bán sản phẩm hoặc mua bán hàng hóa chỉ mang tính hình thức. Các doanh nghiệp này thường sẽ trả cho người tham gia nhận tiền hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc giới thiệu, lôi kéo dụ dỗ người khác tham gia vào mạng lưới đa cấp chứ không phải từ việc mua, bán hàng hóa của người được giới thiệu đó.
- Thông qua nhân viên, đào tạo viên, nhà phân phối tuyến trên, doanh nghiệp cung cấp thông tin gian dối hoặc thổi phồng về kế hoạch trả thưởng, về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp. Họ chỉ tập trung giới thiệu vào các khoản hoa hồng như cho xem hình chụp số dư tài khoản, giao dịch chuyển khoản tiền giá trị cao vài chục hoặc vài trăm triệu đồng, hoặc giới thiệu chỉ cần đầu tư một vài tháng là có thu nhập khủng vài chục triệu đồng hay hàng ngàn USD mỗi tháng, đổi đời nhanh chóng và hưởng các chuyến đi du lịch các nước…
Vậy nên các cá nhân theo dõi, tham gia vào hoạt động của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp, trường hợp có những thắc mắc hoặc phát hiện các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp hãy cung cấp thông tin, chứng cứ đến: Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng – Bộ Công thương (Số 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội; Địa chỉ email: vcca@moit.gov.vn; Điện thoại: 024.2220.5002) để có căn cứ xem xét và xử lý các hành vi vi phạm.