Mở đường cho sự phát triển của thông tin VTĐ
Luật Tần số VTĐ được xây dựng trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông và đặt trong hoàn cảnh Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Theo đó, các yêu cầu về minh bạch chính sách quản lý, cấp giấy phép tần số VTĐ, nhất là các tần số VTĐ có giá trị thương mại cao được đặt ra; đồng thời các yêu cầu về xác định trách nhiệm phối hợp tần số quốc tế đối với doanh nghiệp (DN) viễn thông để bảo vệ chủ quyền Việt Nam và việc bảo đảm dân sự phối hợp chặt chẽ trong việc sử dụng tần số giữa quốc phòng, an ninh và dân sự cũng là những đòi hỏi cấp bách đặt ra khi xây dựng Luật Tần số VTĐ.
Theo Cục trưởng Cục Tần số VTĐ (Bộ TT&TT) Nguyễn Đức Trung, sau 10 năm triển khai Luật, những mục tiêu của chính sách chủ yếu của Luật đã đạt được như Quy hoạch tần số VTĐ đã mở đường cho sự phát triển của thông tin VTĐ. Thông tin di động và phát thanh truyền hình phát triển mạnh mẽ, mở đường và thúc đẩy sự phát triển các dịch vụ băng thông rộng, Internet tốc độ cao, tạo tiền đề cho sự phát triển của xã hội thông tin, CPĐT, chính phủ số.
Cụ thể, theo tổng kết của Cục Tần số VTĐ, hàng năm, số lượng mạng thông tin VTĐ dùng ở các sân bay, taxi, bảo vệ, xây dựng, siêu thị, nhà hàng đều tăng nhanh chóng, trung bình từ 15 - 20%/năm. Toàn quốc đã có 22 cảng hàng không nội địa và quốc tế được trang bị hệ thống thiết bị VTĐ hạ cánh chính xác ILS, với gần 200 đài vô tuyến dẫn đường hàng không để bảo đảm an toàn cho các chuyến bay.
Về hàng hải, 1880 đài tàu biển đã được trang bị các thiết bị thông tin liên lạc bảo đảm an toàn hàng hải toàn cầu, 10.873 tàu cá xa bờ đã sử dụng các thiết bị thông tin liên lạc tầm xa HF để liên lạc và nhân thông tin từ bở, bảo đảm an toàn cho các ngư dân khi khai thác trên biển.
Vệ tinh viễn thông Vinasat-1 thời kỳ cao điểm nhất đã sử dụng khoảng 95% băng tần, Vinasat-2 đã sử dụng khoảng 46% băng tần, đánh dấu ảnh hưởng to lớn của việc sử dụng tần số VTĐ và quỹ đạo vệ tinh trong sự phát triển thông tin VTĐ nước nhà.
Trong lĩnh vực phát thanh truyền hình, Việt Nam là nước thứ 5/10 trong khối ASEAN hoàn thành việc tắt sóng truyền hình tương tự, chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công nghệ số trên phạm vi toàn quốc với gần 100 triệu dân/26 triệu hộ gia đình. 112 MHz trên băng tần 700 MHz, là băng tần có độ phủ sóng tốt nhất hiện nay cho thông tin di động 5G, đã được giải phóng.
Luật cũng giúp đẩy mạnh cải cách trong công tác cấp phép tần số, quản lý chất lượng thiết bị VTĐ, bảo đảm an toàn bức xạ VTĐ; Tăng cường kiểm tra, kiểm soát tần số VTĐ, xử lý nhiễu có hại để đảm bảo các hệ thống thông tin liên lạc hoạt động ổn định, thông suốt; Tăng cường bảo vệ quyền lợi, chủ quyền quốc gia về tần số VTĐ và quỹ đạo vệ tinh; Nâng cao hiệu quả phối hợp quản lý, sử dụng tần số VTĐ giữa dân sự, quốc phòng, an ninh…
Trong 10 năm triển khai Luật, các văn bản cơ bản đáp ứng được nhu cầu quản lý và phát triển của thông tin vô tuyến, thúc đẩy ứng dụng các công nghệ hiện đại, tiên tiến sự dụng hiệu quả phổ tần số; Thủ tục cấp phép đã được đơn giản hoá triệt để, cấp phép điện tử đạt tỷ lệ cao trung bình mỗi năm đạt khoảng 70%. Hiệu quả của công tác quản lý tần số phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh đã được tăng cường, trong đó phải kể đến vai trò của các cơ quan đầu mối quản lý Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Công tác bảo vệ lợi ích và chủ quyền quốc gia về tần số và quỹ đạo vệ tinh được thực hiện, với việc đăng ký thành công tần số và quỹ đạo để phóng vệ tinh Vinasat-2, Redsat-1, Micro dragon cũng như việc đăng ký thành công hàng ngàn tần số, trong đó có tần số tại vùng biển Trường Sa.
Công tác quản lý tương thích điện từ, chất lượng phát xạ VTĐ đạt được thành quả ban đầu với hơn 120 chuẩn kỹ thuật đối với thiết bị VTĐ được ban hành và hàng chục nghìn trạm gốc thông tin di động đã được kiểm định về bức xạ VTĐ.
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm, Luật Tần số VTĐ, bao gồm các Thông tư, Nghị định và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã tạo nên hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về tần số VTĐ.
Trong 10 năm qua, các bộ, ngành, địa phương, DNvà các hộ sử dụng tần số VTĐ đã phối hợp chặt chẽ và nghiêm túc tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả. Nhờ vậy, các chính sách và mục tiêu lớn mà Đảng và Nhà nước đặt ra khi xây dựng Luật Tần số VTĐ cơ bản đã được thực hiện tốt.
"Chúng ta đã đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng tần số VTĐ thông qua việc xây dựng quy hoạch, ban hành, áp dụng quy chuẩn kỹ thuật đến việc cấp phép, thanh tra, kiểm tra sự tuân thủ pháp luật.
Việt Nam cũng đã thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường thông tin di động thông qua việc thi tuyển, đấu giá quyền sử dụng tần số, bảo đảm minh bạch trong cấp phép các băng tần quý hiếm, có giá trị cao", Thứ trưởng khẳng định.
Một điểm nữa, theo Thứ trưởng, cải cách hành chính, đơn giản thủ tục quản lý, cấp phép tài nguyên tần số VTĐ được đẩy mạnh; Thúc đẩy sự phát triển của thông tin VTĐ nói chung, đặc biệt là thúc đẩy ứng dụng các công nghệ hiện đại, tiên tiến để sử dụng hiệu quả tài nguyên quốc gia.
"Chúng ta cũng đã tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đa dạng các loại hình thông tin VTĐ theo hướng hội tụ công nghệ phát thanh truyền hình, CNTT, Viễn thông cũng như thực hiện được việc hội tụ giữa viễn thông di động và viễn thông cố định".
Hợp tác quốc tế về tần số VTĐ trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, các bên cùng có lợi, phù hợp với pháp luật Việt Nam và các quy định quốc tế mà Việt Nam là một nước thành viên; Bảo vệ chủ quyền quốc gia về tần số VTĐ và quỹ đạo vệ tinh, nhất là trong bối cảnh thế giới đang gia tăng mạnh mẽ nhu cầu này được tăng cường...
Đề xuất đẩy nhanh tiến độ tắt sóng 2G/3G
Trong giai đoạn tới để Việt Nam nắm bắt các cơ hội phát triển trong kỷ nguyên số, các chuyên gia lĩnh vực ICT đã đề xuất điều chỉnh luật, các quy định liên quan, trong đó 3 nhà mạng lớn của Việt Nam đã nêu những đề xuất cụ thể.
Theo ông Lê Bá Tân, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty mạng lưới Viettel, Việt Nam cần nắm bắt cơ hội để cung cấp kết nối Internet cho những khu vực nông thôn chưa được kết nối Internet. Theo đó, giải pháp chùm vệ tinh quỹ đạo thấp là một giải pháp tiềm năng.
Việt Nam cần phải nghiên cứu và thử nghiệm dịch vụ Internet vệ tinh để đánh giá chi tiết khả thi của mô hình kinh doanh và các ưu điểm cũng như hạn chế công nghệ. Theo đó, cần xây dựng các chính sách, quy định cụ thể về quy hoạch băng tần hài hoà cho hệ thống IMT và hệ thống chùm vệ tinh quỹ đạo thấp để đảm bảo lợi ích chung của quốc gia, ông Tân cho hay.
Đại diện của Viettel cũng đề xuất có quy định về việc cài đặt các đài điều khiển TT&C, trung tâm giám sát NOC, đài kết nối gateway tại Việt Nam nhằm kiểm soát hoạt động của chùm vệ tinh mặt đất; Quy định về thời gian triển khai, phạm vi cung cấp dịch vụ và chất lượng dịch vụ nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ tài nguyên gây lãng phí…
Đại diện của VNPT, ông Nguyễn Văn Yên, Trưởng Ban Công nghệ mạng cho biết cần đấu giá hoặc thi tuyển băng tần có giá trị kinh tế cao; Triển khai cấp phép tần số theo phương thức thi tuyển…
Đại diện của VNPT cũng cho rằng cần đẩy nhanh tiến độ tắt sóng 2G, 3G để giảm chi phí vận hành (OPEX) cho các nhà mạng, theo đó, cần thúc đẩy sử dụng dịch vụ VoLTE giải quyết bài toán cung cấp dịch vụ thoại không cần sử dụng 2G/3G. Bộ TT&TT cũng cần có chính sách hạn chế nhập khẩu thiết bị đầu cuối chỉ hỗ trợ công nghệ 2G/3G và công bố chính thức thời điểm dự kiến tắt công nghệ 2G/3G.
Đại diện của MobiFone đề xuất bổ sung quy định giới hạn tỷ lệ lượng phổ tần nắm giữ đối với mỗi DN trong các băng tần bởi theo lý giải của nhà mạng này việc bổ sung quy định này nhằm đảm bảo tránh tích tụ tài nguyên cũng như cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động kinh doanh giữa các DN viễn thông.
8 nội dung cần được điều chỉnh sửa đổi Luật
Trước các đề xuất bổ sung các nội dung về quy định thuộc lĩnh vực Tần số VTĐ để Việt Nam nắm bắt những cơ hội phát triển mới, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết, trong quý II năm 2021, chính phủ sẽ thông qua đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Tần số VTĐ, sau đó khoảng 1,5 năm sẽ có hành lang pháp lý đầy đủ và chặt chẽ hơn, cập nhật hơn để quản lý tốt hơn nữa.
Cụ thể, theo nhận định của Thứ trưởng Phan Tâm, có 8 nội dung mà Luật Tần số VTĐ cần phải điều chỉnh.
Đầu tiên, theo Thứ trưởng, phải làm rõ việc áp dụng các phương thức cấp phép trong các loại băng tần, tần số có giá trị thương mại cao theo hướng chỉ đấu giá các băng tần thông tin di động. Với các băng tần, kênh tần số khác có tính chất thương mại cao, sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với từng trường hợp cụ thể. Tất cả các đối tượng được cấp phép sử dụng tần số ngoài lệ phí sẽ phải nộp phí thương quyền.
Tiếp theo, phải xử lý vấn đề bảo vệ cạnh tranh theo hướng đưa ra giới hạn phổ tần tối đa mà một doanh nghiệp có thể sở hữu.
Chế tài đối với các hộ sử dụng tần số VTĐ cũng phải làm rõ khi các hộ này không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính của mình liên quan đến quy hoạch sử dụng tần số VTĐ. Ngoài ra, cần bổ sung các quy trình, thủ tục đầy đủ khi thu hồi giấy phép để đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng.
"Chúng ta sẽ phải bổ sung các quy định về quản lý và sử dụng tần số VTĐ khi tần số không phù hợp với quy hoạch, quy chuẩn trong trường hợp nghiên cứu phát triển công nghệ mới hoặc nghiên cứu các thiết bị VTĐ cho xuất khẩu", Thứ trưởng cho hay.
Thứ trưởng cũng cho biết phải phân công lại kỹ hơn việc cấp chứng chỉ VTĐ viên hàng hải, hàng không để giảm bớt thủ tục hành chính, xã hội hóa công tác đào tạo bồi dưỡng và cấp chứng chỉ VTĐ viên nghiệp dư; Quản lý chùm vệ tinh quỹ đạo thấp từ góc độ quản lý tần số như vấn đề cấp phép; Xử lý tốt hơn vấn đề bảo vệ chủ quyền trong cấp phép và sử dụng tần số VTĐ.
"Chúng ta sẽ phải xử lý tốt hơn thông qua việc bổ sung một số quy tắc, quy định về sử dụng tần số cho an ninh quốc phòng và dân sự trong các tình huống khác nhau để thực hiện tốt hơn quan điểm phát triển…", Thứ trưởng nhấn mạnh.