Luồng sinh khí mới cho văn học trẻ

PHƯƠNG HÀ| 19/04/2021 10:07
Theo dõi ICTVietnam trên

Chúng ta đang được chứng kiến một nền văn học trẻ sôi động với hàng chục, thậm chí hàng trăm cây bút trẻ. Có những tác giả “chào sân” với khoa học giả tưởng, với kỳ ảo, với trinh thám, siêu thực. Bên cạnh đó, vẫn có không ít tác giả nối dài những con đường truyền thống hơn với văn hóa, lịch sử, dã sử... Các tác giả trẻ với những phong cách viết, đề tài viết cũng như quan điểm của họ về văn chương đã mang đến cho văn học nước nhà những luồng sinh khí mới với âm hưởng lạ và hiện đại.

Làn gió mới cho văn học trẻ

Tập truyện dài "Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm" – gồm nhiều mẩu chuyện nhỏ vui nhộn, khôi hài và đôi khi rất "lơ tơ mơ" về những chuyện xảy ra trong cuộc sống của tác giả Cao Khải An, được vinh danh giải thưởng "Khát vọng Dế Mèn" năm 2020 - một hạng mục trong giải thưởng thiếu nhi "Dế Mèn 2020" do Báo Thể thao & Văn hóa tổ chức khi mới 12 tuổi khiến nhiều người ngỡ ngàng. Điều gây bất ngờ ở tác giả 12 tuổi này chính là vốn sống dồi dào, văn chương phong phú và đậm chất Nam Bộ. Đây cũng là tác phẩm văn học đầu tay được Khải An viết trong thời gian nghỉ học do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Chủ tịch Hội đồng giám khảo giải thưởng chia sẻ, ông rất thích truyện của Cao Khải An, vì trong khi rất nhiều bạn nhỏ viết văn theo xu hướng giả tưởng thì cậu bé này lại chọn phương án viết về đời sống đương đại bây giờ và viết rất thú vị, rất hay, rất sâu sắc, hóm hỉnh với cái nhìn trong veo… Một trong những tác giả trẻ nổi bật khác là Đức Anh (sinh năm 1993) vừa đoạt giải C cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" lần thứ 4, giai đoạn 2017 - 2020 của ngành Công an với cuốn tiểu thuyết "Đảo bạo bệnh". Tác phẩm lấy cảm hứng từ đại dịch xảy ra ở không gian một huyện đảo và những vụ án hết sức kì lạ được theo dõi bởi một chiến sĩ công an trẻ. Cuộc đua giữa phá án và cơn hoảng loạn của dịch bệnh tạo nên sức hấp dẫn, bất ngờ cho người đọc. Được biết, "Đảo bạo bệnh" là cuốn tiểu thuyết trinh thám thứ 3 của Đức Anh. Trước đó, năm 2019, Đức Anh đã trình làng 2 cuốn tiểu thuyết cũng thuộc dòng trinh thám là "Tường lửa" và "Thiên thần mù sương".

Cuối năm 2020 tập trường ca về biển đảo "Ngang qua bình minh" của nhà thơ Lữ Mai đã giành giải Ba Giải thưởng Sáng tác về Biên giới, Biển đảo giai đoạn từ 1975 đến nay của Hội Nhà văn Việt Nam. Tập trường ca gồm tám chương, dài hơn 100 trang, lầy cảm hứng từ chuyến công tác của nhà thơ Lữ Mai khi chị ra Quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 năm 2019. Đây là một trong những tác phẩm văn học được Bộ Quốc phòng đầu tư sáng tác trong năm 2020. Nói về cảm hứng để cho ra đời tập trường ca, nhà thơ Lữ Mai cho biết: "Có một người lính còn mang về cho chúng tôi cát và nước biển khi con tàu anh đi thả neo làm lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, với niềm tin những người nơi đất liền sẽ luôn được sẻ chia, che chở. Kỷ niệm ấy khiến tôi xúc động và quyết định viết tập trường ca mà ý tưởng, hình ảnh đã được ngẫm ngợi, liên tưởng từ trước đó".  

Trường ca về biển đảo "Ngang qua bình minh" là tập sách thứ ba của nhà thơ Lữ Mai về đề tài biển đảo. Trước đó, vào năm 2019, tác giả đã ra mắt hai cuốn tản văn, ghi chép: "Nơi đầu sóng" và "Mắt trùng khơi" (in chung với kỹ sư Trần Thành, NXB Văn học). Hai cuốn sách này đã đoạt các giải thưởng: Giải thưởng Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019 của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Giải B Giải thưởng Văn học Nghệ thuật, Báo chí giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ Tư lệnh Hải quân. 

Luồng sinh khí mới cho văn học trẻ - Ảnh 1.

Vốn đọc còn quan trọng hơn vốn sống, vì chỉ có đọc mới giúp người ta có thể đi tới vô cùng

Có thể nói, văn học trẻ Việt Nam đang ngày càng sôi động và đã có sự phát triển đáng ghi nhận. Trong xu thế hội nhập, các nhà văn trẻ đã và đang mang đến cho văn học nước nhà những luồng sinh khí mới cho văn học từ sự đa dạng về thể loại, phong phú về đề tài, táo bạo, phá cách trong ngôn ngữ, sáng tác. Nhìn từ đời sống văn học thời gian qua, dễ dàng nhận thấy, nắm giữ vị trí chủ lực của văn học trẻ hiện nay là những tác giả thuộc thế hệ 8X và 9X. Có thể kể ra nhiều tác giả trẻ tiêu biểu, có các sáng tác chất lượng được đông đảo bạn đọc đón nhận như Khúc Hồng Thiện, Phạm Thanh Thúy, Lương Đình Khoa, Văn Thành Lê, Đinh Phương, Hoàng Công Danh, Nguyễn Phong Việt, Tiểu Quyên, Nhật Phi, Lý Hữu Lương, Nguyễn Thị Kim Nhung, Viễn Hải, Ngô Gia Thiên An, Đoàn Văn Mật, Nguyễn Quang Hưng, Vinh Huỳnh, Nguyễn Văn Học, Anh Khang... Nhiều tác giả đã có nhiều tác phẩm xuất bản, như Nguyễn Văn Học có một loạt tiểu thuyết: "Rơi xuống vực sâu", "Khi vết thương nằm xuống", "Hỗn danh", "Hoa giang hồ"; Văn Thành Lê có "Biết khi nào mưa thôi rơi", "Con gái tuổi Dần", "Thừa ra một người"; Đinh Phương có "Chờ đến lượt", "Nhụy khúc"; Anh Khang có "Buồn làm sao buông", "Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và em"… 

Những lối đi riêng 

Bước chân vào con đường sáng tác, nhiều người viết trẻ đã tự tìm cho mình một lối đi riêng và định hình được khuynh hướng sáng tác của mình. Nhật Phi, Hiền Trang lựa chọn thể loại tiểu thuyết giả tưởng, kì ảo, phi hiện thực; Phạm Thúy Quỳnh - tác giả của tiểu thuyết dã sử; Đức Anh với dòng "trinh thám đen"; Mạc Thanh Phương với thể loại truyện tranh... Nhà văn trẻ Nhật Phi - tác giả tiểu thuyết giả tưởng "Người ngủ thuê" cho rằng, trong thế kỷ XXI và kỷ nguyên toàn cầu hóa, các tác giả trẻ ngày nay không chỉ được vun đắp bằng ca dao, tục ngữ, những câu chuyện kể hay sách vở, "sở học" của họ không gói gọn trong văn chương, mà còn mở rộng ra điện ảnh, truyện tranh, game từ các nền văn hóa lớn trên thế giới. 

Chưa khi nào chúng ta được chứng kiến một nền văn học trẻ sôi động và không ngừng cập nhật như lúc này, nói không ngoa rằng các tác giả trẻ, một thế hệ đa - văn - hóa, đã trình hiện một bộ mặt rất gần với văn chương thế giới. Theo nhà văn trẻ Nhật Phi, văn học mạng và sách giấy, lịch sử hay viễn tưởng, hiện thực hay siêu thực, tất cả chỉ là vấn đề người viết kể được một câu chuyện thú vị, hấp dẫn tới đâu, nói lên điều gì và với trạng thái nào. Thật sai lầm khi cho rằng các cô cậu nhóc viết những câu chuyện "trà sữa" trên mạng internet ngày hôm nay không thể trở thành các nhà văn trẻ trong tương lai. Rốt cuộc, thứ làm nên một tác giả văn xuôi trước hết là niềm hứng khởi được kể câu chuyện đó mà thôi. 

Hiền Trang - tác giả tập truyện ngắn kỳ ảo cho biết, bản thân chị không biết tại sao vào thời điểm hiện tại ở Việt Nam, có ý kiến thường quy cho các tác giả phi hiện thực là không có đủ trải nghiệm sống. Nằm ở cốt lõi của văn chương, không phải là vấn đề hiện thực hay siêu thực, viễn tưởng, mà là ngôn từ. "Người ta thường quy cho người viết phải có vốn sống dồi dào, tôi cho rằng điều đó chỉ đúng với một dạng nhà văn. Còn có những dạng nhà văn khác, viết về tri thức mà mình tiếp nạp qua việc đọc, chứ không phải sống. Thậm chí, tôi cho rằng đôi khi vốn đọc còn quan trọng hơn vốn sống, vì chỉ có đọc mới giúp người ta có thể đi tới vô cùng", tác giả Hiền Trang nói. 

Phạm Thúy Quỳnh - tác giả của tiểu thuyết dã sử "Trăng trong cõi" chia sẻ, chị vô tình chọn đề tài dã sử nhờ vào một vài sự kiện ẩn trong câu chữ của Đại Việt sử ký toàn thư. Lúc đầu, chị viết một đôi truyện ngắn, sau đó chị nhận ra bản thân mình bị thu hút hoàn toàn bởi các sự kiện trong sử sách. "Với tôi, thế giới hiện đại đôi khi khiến cho trí não bị bó buộc, tuy nhiên dã sử lại là nơi mà tôi có thể vùng vẫy với trí tưởng tượng và không gian riêng mình. Tôi muốn viết về những thời đại đã trôi qua, từng làm mưa làm gió trên vũ đài lịch sử; viết về các anh hùng hào kiệt; viết về những tăm tối trong lòng người, về nỗi đau của họ; viết về phong tục xưa cũ mà nay chẳng còn hiện diện trong xã hội hiện đại. Đó là một phương pháp tu tập, viết ra đấy mà cũng là điều chỉnh chính bản thân mình, tự trưởng thành trong suốt con đường đằng đẵng", Phạm Thuý Quỳnh nói. 

Theo nhà thơ Lữ Mai, văn học hiện nay đang đi theo xu hướng khác những giai đoạn trước. Theo đó, người viết và cả người đọc đang hình thành từng nhóm, từng vùng sáng tạo và thưởng thức. Tác phẩm của họ tạo nên diện mạo sôi động, đa dạng trên khắp mạng xã hội, sách điện tử, phương tiện thông tin... Đó là một lợi thế giúp người viết trẻ thể hiện, quảng bá, giao lưu trao đổi thuận tiện hơn. Cứ nhìn vào số lượng đầu sách xuất bản hằng năm, đặc biệt là lĩnh vực thơ, trong đó có kha khá tác phẩm được sáng tác, tương tác trên mạng xã hội trước khi in thành sách, ta sẽ thấy sự bùng nổ mang dấu ấn của thời đại công nghệ số. 

Nhưng, bên cạnh những ưu điểm, cũng xuất hiện nhiều mặt hạn chế. Về nội dung, văn học trẻ còn thiếu những đề tài lớn gắn với thời đại, con người, biến động cuộc sống hoặc mang tính dự báo. Chủ yếu các sáng tác là biểu hiện cho cái tôi cá nhân, dù cái tôi ấy cũng chính là một biểu hiện nhỏ của đời sống. Nếu thiếu tư tưởng, thiếu lòng trắc ẩn lớn lao thì không thể có tác phẩm đáng kể. Bên cạnh đó, còn thiếu những tác phẩm mang đậm giá trị Việt, nhiều người viết trẻ bị lai căng, pha trộn, bắt chước ngôn ngữ nước ngoài... "Việc người viết trẻ còn chưa quan tâm nhiều tới chiều sâu văn hóa dân tộc, chưa phát hiện hoặc đi đến tận cùng những đề tài lớn chứa đựng tư tưởng, tâm thế của thời đại là điều mà những người viết cần trăn trở", nhà thơ Lữ Mai nói. 

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá, những nhà văn trẻ đã mang đến tính đa dạng trong giọng nói, trong phong cách, trong thi pháp. Họ học nhiều, giỏi ngoại ngữ, giỏi công nghệ, đọc nhiều, tiếp cận thế giới rộng lớn... Chính vì vậy, dù hiện nay, chưa xuất hiện những tên tuổi mới của thời đại đi chăng nữa, thì chúng ta cũng không cần sốt ruột, mà hãy bền bỉ chờ đợi, hy vọng và tin tưởng. Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, những nhà văn trẻ hôm nay sẽ là những người sẽ phán định số phận của nền văn học Việt Nam trong 10-20 năm nữa. "Để nền văn học Việt Nam phát triển, vươn xa thì phải trông chờ vào thế hệ trẻ. Có thể lúc này những nhà văn trẻ chưa có một tác phẩm hoàn toàn thuyết phục, nhưng họ lại có dấu hiệu của một tư duy mới, một cảm xúc mới, một cách thức mới và một tư thế mới và chúng ta cần ủng hộ, khuyến khích để những cái mới đó tiếp tục phát triển, hoàn thiện", Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam tin tưởng.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Luồng sinh khí mới cho văn học trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO