Bay trên “đôi cánh” MoMo - VNPay
Tại lễ công bố gọi vốn thành công Series D hồi đầu năm 2021 của ví điện tử MoMo với giá trị 100 triệu USD, ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập, Phó chủ tịch MoMo chia sẻ: "Thay vì chỉ là một chú gà trống, chúng tôi muốn trở thành một đại bàng đầy kiêu hãnh với lãnh thổ của riêng mình. Nhà nước đang mời gọi nhiều đại bàng quốc tế về làm tổ, vậy tại sao chúng tôi không trở thành một đại bàng của Việt Nam với sự hỗ trợ từ Nhà nước".
Tính đến thời điểm hiện nay, MoMo đã gọi vốn thành công với số vốn ước tính 233 triệu USD. MoMo trở thành ví điện tử gọi được số vốn lớn thứ 2 Việt Nam, sau VNPay.
Đối thủ nặng ký của MoMo là VNLife (sở hữu ví VNPay). Giữa năm 2021, VNLife thông báo đã huy động được hơn 250 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B. MoMo và VNPay được ví như “đôi cánh đại bàng của fintech” trong năm 2021, khi gọi vốn được tổng cộng 350 triệu USD. Theo Báo cáo vừa công bố của của UOB, PwC Singapore và Hiệp hội Fintech Singapore, với 388 triệu USD gọi vốn thành công, Việt Nam đứng thứ ba về vốn tài trợ fintech tại Đông Nam Á.
Fintech đã trở thành kênh hút vốn nóng bỏng trong năm 2021, với 388 triệu USD - mức cao nhất từ trước đến nay. Sự trỗi dậy của “đôi cánh” MoMo-VNPay đã đánh động các đối thủ ngoại, biến Việt Nam thành một trong những thị trường fintech cạnh tranh bậc nhất châu Á.
Ông Shadab Taiyabi, Chủ tịch Hiệp hội Fintech Singapore cho biết, động lực chính của sự hồi sinh này là đại dịch đã thúc đẩy việc áp dụng kỹ thuật số ở khắp ASEAN, thúc đẩy thanh toán kỹ thuật số và dịch chuyển sang các kênh kỹ thuật số trong lĩnh vực dịch vụ tài chính.
Thị trường fintech sẽ phân hóa mạnh
Fintech tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Số lượng start-up trong lĩnh vực này tại Việt Nam đã tăng hơn 207% trong giai đoạn 2016-2020, từ 40 công ty năm 2016 lên 123 công ty vào năm 2020. Trong đó, dịch vụ thanh toán vẫn là phân khúc thống trị, chiếm 31% số lượng công ty fintech.
Theo ông Trần Việt Vĩnh, CEO Fiin Credit, fintech vẫn rất hấp dẫn với nhà đầu tư quốc tế. Nhiều ví điện tử, trung gian thanh toán đang trong giai đoạn “đốt tiền để giành thị phần”, nên nhiều khả năng sẽ có những thương vụ lớn nổ ra trong thời gian tới.
Còn ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, ví điện tử, cổng thanh toán trung gian đang trong giai đoạn phát triển, người dân bước đầu chấp nhận và sử dụng các phương thức thanh toán trực tuyến thuận tiện.
“Lĩnh vực trung gian thanh toán, ví điện tử tại Việt Nam giai đoạn này được đánh giá là rất tiềm năng và thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài góp vốn. Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài giúp các tổ chức trung gian thanh toán, ví điện tử Việt Nam có thêm nguồn tài chính, nhưng cũng tạo áp lực cạnh tranh cho các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trong nước”, ông Hùng đánh giá.
Với dòng vốn lớn từ nước ngoài đã và đang đổ vào Việt Nam, nhiều khả năng, thị trường fintech sẽ có sự phân hóa. Điều đó có nghĩa là, năm 2022 và các năm tiếp theo sẽ xuất hiện thêm các thương vụ M&A hoặc tiếp tục rót vốn.
Theo dự báo của ông Takahiro Suzuki, đối tác quản lý của Genesia Ventures, thị trường fintech sẽ có sự cạnh tranh mạnh, phân hóa và có thể hợp nhất về 2- 3 doanh nghiệp.
Còn theo báo cáo “Cách mạng Thanh toán: Định hướng 2025 và tầm nhìn tương lai” của PwC Việt Nam, với hơn 40 nhà cung cấp ví điện tử, thị trường Việt Nam được ví như “chiếc áo đã chật”. Ba ví điện tử dẫn đầu gồm có Momo, Moca và ZaloPay chiếm 90% thị phần, nên không còn quá nhiều “đất” cho các nhà cung cấp khác.
“Mặc dù vậy, các ví điện tử lớn cũng đang gặp khó khăn khi họ không thể phát huy được lợi thế cạnh tranh của mình so với các ứng dụng phát triển bởi ngân hàng truyền thống vốn đã bắt kịp các chức năng của ví điện tử. Nhu cầu giành lợi thế cạnh tranh trong tương lai có thể thúc đẩy các nhà cung cấp ví điện tử sáp nhập thành một vài siêu ứng dụng (super app) hàng đầu trong khu vực và địa phương nhằm thống lĩnh thị trường”, Báo cáo của PwC nhận định.
Bên cạnh xu hướng đó, ông Nguyễn Hữu Tuất, Giám đốc điều hành NextPay chia sẻ: “Thời gian tới, có thể thấy một số xu hướng sẽ phát triển trong lĩnh vực fintech như blockchain, các công ty thanh toán, các doanh nghiệp tài chính ứng dụng chuyển đổi số giúp tiếp cận nhiều khách hàng hơn và sự kết hợp giữa thanh toán trực tuyến với nhiều dịch vụ hơn”.
Với việc Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 100/NQ-CP thông qua đề nghị xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động fintech trong lĩnh vực ngân hàng, các doanh nghiệp fintech kỳ vọng rằng, hành lang pháp lý trong lĩnh vực này sẽ ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện để các nhà đầu tư nước ngoài gia nhập thị trường, tạo động lực mới cho sự phát triển của thị trường. Vì vậy, năm 2022 được dự báo sẽ tiếp tục là năm bùng nổ M&A với nhiều đôi cánh đại bàng mới xuất hiện trên bầu trời fintech.
Ngoài 2 thương vụ gọi vốn đình đám của MoMo và VNPay, năm 2021 còn ghi nhận hàng loạt thương vụ rót vốn vào fintech, như Hãng viễn thông Taiwan Mobile đầu tư 20 triệu USD vào Tiki Global - đơn vị sở hữu sàn thương mại điện tử Tiki Việt Nam; Funtap Corp đầu tư vào ứng dụng Tikop; Do Ventures và Quỹ đầu tư mạo hiểm JAFCO Asia (Nhật Bản) thực hiện thương vụ đầu tư vòng gọi vốn Pre-Series A trị giá 1,5 triệu USD vào giải pháp tài chính bền vững Mfast của Công ty DigiPay; Infina hoàn tất vòng gọi vốn trị giá 2 triệu USD từ 5 quỹ đầu tư nước ngoài.