Mạng bưu chính KT1 - 60 năm giữ vững “mạch máu” thông tin liên lạc của Đảng và Nhà nước
Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước (Mạng bưu chính KT1) - do Cục Bưu điện Trung ương quản lý và vận hành - đã trở thành hệ thống thông tin liên lạc đặc biệt, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước.
Bài viết điểm lại vai trò chiến lược của Mạng bưu chính KT1 trong lịch sử, phân tích những nỗ lực hiện đại hóa trong bối cảnh chuyển đổi số, và định hướng phát triển trong tương lai nhằm góp phần xây dựng nền hành chính điện tử và chính phủ số.
Tóm tắt:
- Mạng bưu chính KT1 (do Cục Bưu điện Trung ương quản lý) là hệ thống thông tin liên lạc đặc biệt phục vụ Đảng, Nhà nước suốt 60 năm qua. Thành lập ngày 17/6/1965, mạng KT1 đảm bảo liên lạc nhanh chóng, bí mật trong chiến tranh và thời bình.
- Vai trò chiến lược: Là “huyết mạch” thông tin, đóng góp vào chỉ đạo cách mạng và quản lý điều hành đất nước.
- Cơ sở pháp lý: Được quy định trong Pháp lệnh 2002, Luật Bưu chính 2010, có quyết định riêng năm 2015, sửa đổi 2021, dự kiến điều chỉnh 2025.
- Chất lượng dịch vụ: Thời gian toàn trình nhanh hơn mạng công cộng từ 0,5 - 6 ngày; bảo mật tuyệt đối với quy trình
khép kín.
- Hiện đại hóa: Ứng dụng công nghệ định vị, giám sát bưu gửi, xây dựng trung tâm điều hành toàn quốc.
- Thách thức mới: Bảo mật thông tin nhạy cảm trong bối cảnh chuyển đổi số và nguy cơ tấn công mạng.
- Định hướng 2030: Phát triển mạng bưu chính số chuyên biệt, hiện đại, bảo mật cao, ứng dụng AI, blockchain, định danh số.
- Tầm nhìn: Trở thành hạ tầng thông tin thiết yếu phục vụ chiến lược lãnh đạo, chuyển đổi số quốc gia.
Trong tiến trình hiện đại hóa và chuyển đổi số quốc gia, hạ tầng thông tin liên lạc bảo mật đóng vai trò nền tảng cho hoạt động điều hành, lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Trong đó, Mạng bưu chính KT1 – một dịch vụ bưu chính đặc biệt - đã và đang giữ vị trí như “mạch máu” thông tin, góp phần duy trì sự thông suốt, bảo mật và hiệu quả trong quản lý, điều hành cấp cao.
Vai trò chiến lược trong lịch sử phát triển Được thành lập ngày 17/6/1965 theo Quyết định số 101/CP của Hội đồng Chính phủ, Cục Bưu điện Trung ương đã trở thành đơn vị “Phục vụ những yêu cầu riêng biệt về thông tin liên lạc, đảm bảo nhanh chóng, kịp thời chính xác và bí mật giữa Trung ương Đảng và Chính phủ với các cơ quan, các ngành và chính quyền các cấp”.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đơn vị đã đào tạo và tổ chức lực lượng thông tin phục vụ tại các chiến trường, đặc biệt là đảm bảo liên lạc thông suốt cho Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Mạng bưu chính KT1 không đơn thuần là một hệ thống chuyển phát – mà là huyết mạch thông tin đảm bảo sự liên kết giữa các cấp lãnh đạo. Lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc liên lạc là một việc quan trọng bậc nhất…” đến nay vẫn là kim chỉ nam cho hoạt động của Mạng bưu chính KT1 trong giai đoạn hiện đại.
Kiện toàn cơ sở pháp lý cho hoạt động mạng lưới
Mạng bưu chính KT1 đã được quy định trong Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông năm 2002 và Luật Bưu chính năm 2010. Đến năm 2015, sau khi thay đổi mô hình tổ chức, Cục Bưu điện Trung ương trở thành đơn vị quản lý nhà nước chuyên trách, trực tiếp đảm nhiệm nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ).
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, Cục đã tham mưu Bộ trưởng và Lãnh đạo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định về Mạng bưu chính KT1. Đây là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên có tính chất nền tảng, góp phần làm rõ tính đặc thù của mạng cũng như tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tổ chức, duy trì và hiện đại hóa hệ thống trong các giai đoạn tiếp theo. Quyết định này đã được sửa đổi, bổ sung năm 2021 và dự kiến tiếp tục được điều chỉnh vào năm 2025.
Song song với đó, Cục Bưu điện Trung ương cũng là cơ quan trực tiếp xây dựng, tham mưu ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành, bao gồm thông tư, quy định, quy trình cung cấp dịch vụ và công bố chỉ tiêu chất lượng nhằm chuẩn hóa hoạt động và bảo đảm hiệu quả vận hành của Mạng bưu chính KT1.
Đảm bảo chất lượng và công nghệ hiện đại
Sản lượng dịch vụ bưu chính KT1 trên toàn quốc đạt trung bình gần 5 triệu bưu gửi/năm trong đó sản lượng bưu gửi khẩn, mật chiếm khoảng 45% và có xu hướng tăng trung bình từ 5-10%/năm, do đó đặt ra những thách thức lớn cho đơn vị chủ quản dịch vụ là Cục Bưu điện Trung ương.
Một yếu tố góp phần làm nên tính đặc thù của Mạng bưu chính KT1 là chất lượng dịch vụ vượt trội, đặc biệt về thời gian toàn trình. Theo bộ chỉ tiêu chất lượng do Cục Bưu điện Trung ương ban hành áp dụng trên toàn quốc, thời gian toàn trình của dịch vụ bưu chính KT1 nhanh hơn mạng bưu chính công cộng từ 0,5 đến 6 ngày, tùy theo từng tuyến phát và điều kiện khai thác cụ thể.
Không chỉ vượt trội về thời gian toàn trình, Mạng bưu chính KT1 còn được đầu tư phương tiện vận chuyển và trang thiết bị, công cụ khai thác chuyên dùng. Để bảo đảm tuyệt đối an toàn, bảo mật theo yêu cầu tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Cục Bưu điện Trung ương đã triển khai mô hình vận hành khép kín cho bưu gửi tuyệt mật, từ khâu tiếp nhận, xử lý đến phát tận tay người nhận. Đội ngũ nhân sự tham gia vào hoạt động này cũng được tuyển chọn kỹ lưỡng theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành và phải tuân thủ quy trình nghiệp vụ đặc thù riêng của Mạng bưu chính KT1.
Trong thời gian qua, Cục Bưu điện Trung ương đã coi nhiệm vụ hiện đại hóa Mạng bưu chính KT1 là một trong những ưu tiên trọng tâm của đơn vị. Bên cạnh các nghiệp vụ thủ công truyền thống, Cục Bưu điện Trung ương đã tích cực ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý và giám sát toàn trình bưu gửi, bao gồm việc triển khai hệ thống định vị xe, theo dõi bưu gửi, cũng như thành lập trung tâm điều hành giám sát bưu gửi toàn quốc.
Thách thức và triển vọng trong chuyển đổi số
Trong bối cảnh phát triển chính phủ số và xã hội số, Mạng bưu chính KT1 đang đứng trước những thách thức mới: khối lượng thông tin nhạy cảm ngày càng tăng; yêu cầu bảo mật, an toàn ngày càng khắt khe; và nguy cơ từ các cuộc tấn công mạng không thể xem nhẹ.
Trong bối cảnh Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, cùng với Đề án chuyển đổi số các cơ quan Đảng, Cục Bưu điện Trung ương đứng trước yêu cầu cấp thiết phải hoàn thiện và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ, đồng thời phát triển đội ngũ cán bộ chuyên sâu về công nghệ và bảo mật thông tin. Đây là cơ sở để từng bước chuyển đổi số toàn diện Mạng bưu chính KT1, chuyển dịch từ mô hình truyền thống sang môi trường mạng dùng riêng tích hợp các biện pháp bảo mật Cơ yếu, hướng tới mục tiêu xây dựng Mạng bưu chính KT1 trở thành hạ tầng số trọng yếu, đóng vai trò nền tảng hỗ trợ hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo trong hệ thống chính trị.

Phát huy truyền thống, vững bước trong kỷ nguyên mới
Từ những năm tháng chiến tranh ác liệt, trong điều kiện vô cùng khó khăn, Mạng bưu chính KT1 đã ra đời và trở thành tuyến thông tin đặc biệt, bảo đảm thông suốt chỉ đạo của Trung ương đến các địa phương, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Được hun đúc từ thực tiễn chiến đấu và công tác, mạng bưu chính KT1 hình thành truyền thống đặc biệt với phương châm “Bí mật – An toàn – Nhanh chóng – Chính xác”, phương châm đó không chỉ là khẩu hiệu mà còn là trở thành nguyên tắc vận hành xuyên suốt của toàn hệ thống.
Bước vào thời kỳ hòa bình và phát triển, Mạng bưu chính KT1 tiếp tục được củng cố và hiện đại hóa, mở rộng quy mô, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, trước yêu cầu chuyển đổi số quốc gia và thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của BộChính trị, Mạng bưu chính KT1 đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ, từ hệ thống truyền thống sang hạ tầng số bảo mật cao, được vận hành trên nền tảng công nghệ thông tin tiên tiến, kết hợp chặt chẽ với giải pháp bảo mật Cơ yếu, hướng tới số hóa toàn diện trong môi trường mạng dùng riêng.
Hơn sáu thập kỷ đồng hành cùng đất nước, Mạng bưu chính KT1 đã chứng minh vai trò không thể thay thế trong bảo đảm thông tin liên lạc bí mật, an toàn, phục vụ hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong mọi hoàn cảnh. Việc tiếp tục hoàn thiện hạ tầng, chuẩn hóa quy trình, và nâng cao năng lực đội ngũ là yêu cầu tất yếu trong thời đại mới để Mạng bưu chính KT1 giữ vững vai trò là trụ cột thông tin chiến lược, phát huy truyền thống vẻ vang và vững bước trong kỷ nguyên số.
Định hướng phát triển trong tương lai
Trong thời gian tới, Mạng bưu chính KT1 sẽ tiếp tục được định hướng phát triển trở thành hạ tầng thông tin trọng yếu, có khả năng thích ứng linh hoạt với các yêu cầu ngày càng cao trong hoạt động lãnh đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước và quá trình xây dựng Chính phủ số. Trên cơ sở kế thừa những thành quả đã đạt được, Cục Bưu điện Trung ương đặt mục tiêu xây dựng Mạng bưu chính KT1 trở thành mạng bưu chính số chuyên biệt, bảo mật, hiện đại, tích hợp và thông minh, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cao về an toàn, bảo mật và hiệu quả vận hành.
Đến năm 2030, định hướng phát triển Mạng bưu chính KT1 đã được xác định rõ: phát triển theo hướng chuyên nghiệp - hiện đại - bảo mật cao, đồng thời bảo đảm duy trì các dịch vụ truyền thống tin cậy trong mọi tình huống và gắn kết chặt chẽ với hạ tầng số quốc gia cũng như các yêu cầu về bảo vệ bí mật nhà nước.
Mạng bưu chính KT1 sẽ được tổ chức theo mô hình song song, gồm hai thành phần chính: truyền dữ liệu giám sát toàn bộ quá trình vận hành và vận chuyển bưu gửi có kiểm soát nghiêm ngặt. Phương tiện vận chuyển chuyên dụng sẽ được trang bị thiết bị mã hóa, định vị và giám sát toàn trình, bảo đảm khả năng kiểm soát, truy vết và bảo mật ở mức cao nhất trong toàn trình của bưu gửi.
Một trọng tâm trong định hướng phát triển là hiện đại hóa và nâng cao năng lực hệ thống trung tâm kiểm soát – điều phối – định tuyến tập trung tại Hà Nội và các vùng trọng điểm. Mạng bưu chính KT1 sẽ đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ tiên tiến như blockchain để đảm bảo tính minh bạch và bất biến của dữ liệu; định danh số và hồ sơ định tuyến thông minh để tối ưu hóa quá trình xử lý; và trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích luồng tài liệu, đánh giá rủi ro và tự động cảnh báo các nguy cơ bảo mật.
Toàn bộ hệ thống sẽ được quản lý, vận hành bởi lực lượng bưu chính chuyên trách, được tuyển chọn, đào tạo theo quy trình và tiêu chuẩn riêng biệt. Hạ tầng khai thác và vận chuyển được xây dựng tách biệt hoàn toàn với mạng bưu chính công cộng, nhằm bảo đảm mức độ an toàn, bảo mật tuyệt đối, kể cả trong các tình huống khẩn cấp hoặc phức tạp.
Với tầm nhìn trở thành hệ thống bưu chính đặc biệt, có năng lực phục vụ chiến lược trong thời đại số, Mạng bưu chính KT1 không chỉ giữ vững vai trò “huyết mạch thông tin” truyền thống, mà còn phát huy vị thế là hạ tầng thông tin thiết yếu, đồng hành cùng công cuộc chuyển đổi số và hiện đại hóa, phục vụ hiệu quả hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan Đảng, Nhà nước trong tình hình mới.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 4 - tháng 4/2025)