Mạnh dạn thay đổi, doanh nghiệp Việt tích cực tham gia thị trường phân phối nước ngoài
Thị trường thương mại thế giới hấp dẫn doanh nghiệp Việt Nam khi đem lại thặng dư thương mại cao và còn nhiều dư địa khai thác. Tuy nhiên, để nắm lấy cơ hội này, bản thân doanh nghiệp cần phải mạnh dạn thay đổi, tận dụng cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị thương mại toàn cầu đầy tiềm năng.
Nhiều tín hiệu tích cực từ phía doanh nghiệp Việt
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Việt chủ động nghiên cứu, nắm bắt thị hiếu của thị trường quốc tế một cách kịp thời, phát triển các sản phẩm mới phù hợp với xu hướng tiêu dùng trong các chuỗi cung ứng, đảm bảo chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ cung ứng. Đồng thời, tăng cường năng lực sản xuất, năng lực phát triển sản phẩm, thị trường, kết nối giao thương.
Đặc biệt, việc xuất khẩu hàng hóa Việt Nam thông qua hệ thống mạng lưới phân phối của các Tập đoàn bán lẻ nước ngoài đang ngày càng khẳng định là một kênh xuất khẩu hiệu quả, bền vững được nhiều doanh nghiệp theo đuổi.
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục được cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất là cung ứng toàn cầu. Những thành tích kể trên đạt được là nhờ sự nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp Việt Nam cùng những chủ trương, chính sách, sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả của Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước.
Hoạt động xuất khẩu được cho là điểm sáng và tạo tiền đề quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn đặt chân vào thị trường bán lẻ nước ngoài trong năm 2023 và sau này. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ngày càng tăng trưởng với những con số ấn tượng, từ 176,5 tỷ USD năm 2016 lên 282,6 tỷ USD năm 2020 và 336,1 tỷ USD năm 2021.
Ông Bùi Duy Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) cho biết, thời gian qua, với sự phối hợp chặt chẽ giữa Tập đoàn AEON Nhật Bản, Vụ thị trường Châu Âu, Châu Mỹ (Bộ Công thương) và HPA với Công ty TNHH AEON Topvalu Việt Nam, chương trình Tuần hàng Việt Nam vẫn được diễn ra thường xuyên với quy mô tăng dần hằng năm. Đây là cầu nối quảng bá rộng rãi các sản phẩm ẩm thực, sản phẩm tiêu dùng, sản phẩm du lịch của Việt Nam tới thị trường Nhật Bản.
Với những nỗ lực của cả nhà nước và doanh nghiệp, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam liên tục thặng dư với mức xuất siêu năm sau cao hơn năm trước. Xuất siêu hàng hóa của Việt Nam đã tăng từ 1,6 tỷ USD năm 2016 lên mức kỷ lục 19,94 tỷ USD năm 2020.
Bên cạnh đó, sự hiện diện tích cực của các nhà phân phối bán lẻ lớn nhất thế giới đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan trong các lĩnh vực kinh tế và xuất khẩu của Việt Nam là minh chứng cho mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại ngày càng phát triển giữa Việt Nam và các đối tác, cũng như sức hấp dẫn ngày càng tăng của Việt Nam trong vai trò là thị trường bán lẻ, và là nguồn cung quan trọng cho chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đồng hành, hỗ trợ để doanh nghiệp Việt tự tin vươn ra "biển lớn"
Các chuyên gia cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay là Việt Nam còn thiếu đội ngũ doanh nghiệp đủ mạnh để có thể tiếp cận được với cơ hội xuất khẩu. Doanh nghiệp chưa có trang bị đầy đủ các thủ tục và quy định để đưa hàng vào thị trường, còn lúng túng trong khâu giới thiệu và quảng bá sản phẩm. Thêm vào đó, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận hệ thống phân phối tại các nước sở tại do chưa đảm bảo được tiêu chuẩn chất lượng và truy xuất nguồn gốc.
Các doanh nghiệp cũng ngày càng phải đối mặt với thách thức lớn hơn về các vụ kiện phòng vệ thương mại như kiện chống bán phá giá liên quan đến gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa, cũng như các vấn đề về chi phí logistics, lạm phát, biến động giá cả, suy thoái… Vì vậy, để có thể thâm nhập vào thị trường phân phối nước ngoài, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị trước kỹ lưỡng.
Mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức khi doanh nghiệp Việt tham gia vào thị trường phân phối nước ngoài, doanh nghiệp vẫn luôn được khuyến khích và nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ.
Trong một kế hoạch dài hơi, ngày 14/11/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1415/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Thúc đẩy Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030” (Đề án). Đề án hướng tới mục tiêu tổng quát phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu đảm bảo tăng trưởng bền vững trong dài hạn; Khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam tham gia mạnh mẽ vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa toàn cầu, xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài trên cơ sở phát huy thế mạnh và khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam…
Mục tiêu cụ thể để hiện thực hóa đó là: Hỗ trợ về thông tin thị trường cho 20 nghìn lượt doanh nghiệp; Hỗ trợ về đào tạo, tư vấn cho 15 nghìn lượt doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực cung ứng để từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; hỗ trợ 5.000 lượt doanh nghiệp xây dựng năng lực tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới.
Đồng thời, tổ chức 10 nghìn lượt kết nối, giao thương với các mạng phân phối nước ngoài; hỗ trợ trên 10 nghìn sản phẩm xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài; phấn đấu đến năm 2030, hàng hóa Việt Nam có mặt tại các chuỗi phân phối truyền thống và trực tuyến tại tất cả quốc gia có Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Việt Nam.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần thực hiện một số nhiệm vụ khác để tận dụng tốt các FTA đã có hiệu lực giữa Việt Nam và đối tác; đàm phán, thúc đẩy quá trình mở cửa thị trường dành cho những mặt hàng nông thủy sản có thế mạnh của Việt Nam tại thị trường nước ngoài, tạo tiền đề cho việc đưa các sản phẩm của Việt Nam vào hệ thống phân phối nước ngoài.
Cần có sự vào cuộc hỗ trợ của các Bộ, ngành liên quan, các Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng và đặc biệt là sự mạnh dạn dám thay đổi, dám dấn thân để nâng tầm đẳng cấp và thương hiệu của doanh nghiệp Việt.