MarTech và SaleTech Việt trước nguy cơ thua ngay trên sân nhà
Dù đa phần khách hàng vẫn “chuộng” giải pháp công nghệ tiếp thị và bán hàng (MarTech và SaleTech) nội do vấn đề chi phí. Nhưng khi nhu cầu tăng lên, nếu các sản phẩm Việt vẫn không bắt kịp nhu cầu thị trường thì sẽ là cơ hội cho đơn vị nước ngoài.
Thị trường Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng cao
Đánh giá về thị trường MarTech và SaleTech ở Việt Nam, ông Đỗ Hữu Hưng, CEO ACCESSTRADE cho biết, theo báo cáo của Emergen Research quy mô thị trường công nghệ tiếp thị toàn cầu dự kiến đạt 6.612 tỷ USD vào năm 2030 với tốc độ tăng trưởng hàng năm ước đạt 44,4%. Còn tại Việt Nam, quy mô thị trường MarTech rơi vào khoảng 2 tỷ USD/năm, dự báo có thể rơi vào tầm 10 - 30 triệu USD/năm đến 2030.
Ngoài ra, hiện nay trên thế giới có hơn 11.000 giải pháp nhưng ở Việt Nam, con số này còn khá nhỏ bé, khi chỉ có khoảng 200 cái tên sản phẩm MarTech.
Dù vậy, theo ông Hưng, tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực này ở Việt Nam đang cao nhất nhì khu vực Đông Nam Á cùng với Indonesia, Thái Lan và cao hơn các quốc gia còn lại, với khoảng 35%/năm.
Ngoài ra, Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia có sự dịch chuyển lên trực tuyến (online) nhanh hàng đầu khu vực. Điều này có thể thấy từ sự lớn mạnh, phát triển nhanh chóng của Shopee, Lazada, Tiki...
CEO Accesstrade cũng cho rằng, việc phát triển SaleTech và MarTech ở Việt Nam đang gặp khá nhiều thuận lợi, còn khó khăn chủ yếu đến từ nội tại của doanh nghiệp (DN).
Cụ thể, về thuận lợi, khách hàng Việt Nam hiện nay có tỷ lệ tăng trưởng người dùng online rất cao và thích ứng với môi trường trực tuyến nhanh chóng. Như với mảng thương mại điện tử, thị trường đã đạt đủ 6 yếu tố bao gồm: Lòng tin người dùng về mua sắm online; Tỷ lệ dùng Internet cao; Thanh toán online đã trở nên phổ biến; Vốn đầu tư; Nguồn nhân lực; Câu chuyện về pháp lý.
Còn về rào cản, trước tiên thị trường thiếu những DN MarTech không chỉ làm tốt về công nghệ mà còn “bắt mạch” vấn đề của DN để có thể tư vấn đúng.
Khó khăn thứ hai là việc thiếu các giải pháp trọn bộ. Nguyên nhân đến từ các sản phẩm MarTech và SaleTech của Việt Nam, dù có nhiều giải pháp nhưng đa phần giải quyết những vấn đề đơn giản như quản lý quan hệ khách hàng (CRM), tổng đài… Chỉ có số ít đơn vị giải những bài toán khó, phức tạp như trí tuệ nhân tạo (AI), bán lẻ…
Trong khi, khách hàng DN hiện nay cần một bộ các giải pháp toàn diện hơn, mang tính hệ thống như Landing page (trang tiếp thị), website, kết hợp tiếp thị marketing, giữ chân người dùng, CRM, hồ dữ liệu (data lake)... Chưa kể, khi kết hợp nhiều giải pháp khác nhau có thể sẽ dẫn việc không tương thích, làm giảm hiệu quả.
Để giải quyết bài toán này, chiến lược phát triển về công nghệ trong thời gian tới của các DN công nghệ tiếp thị và bán hàng cần đi theo hướng có đầy đủ các giải pháp, đồng thời có thể kết nối với nhau được để tạo thành một hệ thống có tính đồng bộ.
Nguyên nhân thứ 3 đến từ nguồn nhân lực DN dành cho Martech và Salestech đang thiếu cả chất và lượng, Đây vừa là khó khăn nhưng cũng là cơ hội cho các đơn vị cung cấp giải pháp.
Cuối cùng, cơ quan quản lý hiện vẫn chưa có nhiều quy định, chiến lược để thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực này. Do đó, DN cần chuẩn bị trước nhân lực, tri thức, vốn và thời gian để ứng dụng công nghệ tiếp thị và bán hàng, nhất là các công ty nhỏ và vừa.
Chi phí thấp là lý do khiến thị trường vẫn chuộng các sản phẩm trong nước
Về thị trường sản phẩm công nghệ tiếp thị và bán hàng ở Việt Nam, ông Đỗ Hữu Hưng chia làm 3 nhóm giải pháp. Đầu tiên là các giải pháp miễn phí, giúp giải quyết các bài toán cơ bản ban đầu của DN.
Nhóm tiếp theo là các giải pháp nội địa trả phí. Nhóm này dù gặp thuận lợi vì phù hợp với “thổ nhưỡng” Việt Nam về chi phí, khả năng hỗ trợ… nhưng hiệu quả còn chưa cao.
Cuối cùng là các giải pháp nước ngoài trả phí. Dù mang lại kết quả tích cực cho DN nhưng các giải pháp này chi phí cao, chưa có đội ngũ hỗ trợ tại Việt Nam…
“Có thể nói, thị trường MarTech, SaleTech hiện ở vào tình trạng, “thuốc nội” chưa đa dạng, chưa hiệu quả nhưng “thuốc Tây” xịn thì quá đắt”, ông Hưng đánh giá.
Mặc dù vậy, các giải pháp nội địa vẫn có rất nhiều cơ hội khi mà khách hàng đa phần là các DN nhỏ và vừa (SME) với ngân sách nhỏ. Do đó, các DN nước ngoài rất khó tiếp cận hoặc đáp ứng toàn diện nhu cầu về giải pháp, chi phí...
“Đó là lý do tại sao đa phần khách hàng DN trong nước vẫn “chuộng” giải pháp MarTech trong nước”, ông Hưng lý giải.
Dù vậy, nếu bàn về năng lực cạnh tranh mang tính quốc tế về hiệu quả của giải pháp, số lượng, quy mô thì Việt Nam còn chưa theo kịp. Do đó, với tốc độ phát triển như hiện nay, theo dự đoán của ông Hưng, trong khoảng 3 năm tới, khi nhu cầu khách hàng tăng lên cả về chất và lượng, nếu các sản phẩm MarTech và SaleTech Việt vẫn chưa bắt kịp được thị trường, thì sẽ là cơ hội cho các DN nước ngoài.
Điều này sẽ khiến cho các DN nội đứng trước nguy cơ thua các đơn vị nước ngoài ngay trên sân nhà. Từ đó, dữ liệu khách hàng, dữ liệu quốc gia, công nghệ lại thuộc về tay những đối thủ ngoại.
Bởi vì, hiện người dùng đã rất quen với chuyện sử dụng các sản phẩm công nghệ. Tiêu biểu như việc cách đây 3 năm người ta vẫn cho rằng chatbot là khô cứng thì đến nay việc này đã rất là bình thường rồi, chỉ cần là giải quyết được vấn đề của họ. Do đó, sự thích nghi này của người dùng thật sự là một thuận lợi rất lớn cho sự phát triển của các sản phẩm MarTech, SaleTech.
Xây dựng nền tảng chung để giải quyết trúng bài toán DN
Cũng theo ông Hưng, với ACCESSTRADE, thời gian qua, đơn vị này đã xây dựng một loạt các giải pháp tiếp thị liên kết (Affiliate) - một thành phần của MarTech, SaleTech và chứng minh được tính hiệu quả, khả năng mở rộng một cách dễ dàng. Các giải pháp được phát triển có thể gắn kết với nhau để tạo nên một khối thống nhất.
Tuy nhiên, hiện các DN Affiliate như ACCESSTRADE cũng gặp không ít thách thức. Đầu tiên đó là khách hàng DN cần tăng trưởng người dùng với chi phí rẻ nhưng hiệu quả hơn. Tiếp theo, đó là người tiêu dùng ngày một trưởng thành và sẵn sàng chia sẻ đánh giá, nhận xét của mình về các mặt hàng. Cuối cùng, đó là đội ngũ đội ngũ publisher (cá nhân hoặc công ty quảng bá sản phẩm thông qua mạng xã hội, website hoặc blog và nhận hoa hồng) lớn lên cả về kinh nghiệm và số lượng.
“Đến thời điểm hiện tại, người dùng đã quen thuộc với Affiliate và sẽ là cơ hội cho các DN trong lĩnh vực này trong 5 năm tới”, ông Hưng nhận định.
Để cạnh tranh với các DN nước ngoài, theo ông Hưng, các đơn vị trong nước cần đầu tư nâng cao năng lực công nghệ để tăng tính cạnh tranh cho chính sản phẩm của mình. Trong quá trình đó, ACCESSTRADE rất sẵn lòng trở thành một phần để phát triển bài toán chung này.
Hiện ACCESSTRADE và Chi hội Tiếp thị và Công nghệ số (DTM) hiện đang trong quá trình xây dựng nền tảng (platform) gồm: Chuyên gia “khám và kê đơn” từng vận hàng tại những tập đoàn lớn; Các DN, nền tảng MarTech, SaleTech Việt; Hình thành cộng đồng DN có cùng các vấn đề với nhau cùng chia sẻ và học hỏi giải pháp công nghệ.
“Với nền tảng này, không chỉ giúp DN tìm thấy đúng phương thuốc MarTech, SaleTech mà phía cơ quan quản lý công nghệ cũng từ đó có cái nhìn tổng quan để kịp thời đưa ra các biện pháp hỗ trợ cũng như những chính sách phù hợp, nhất là nhóm SME”, ông Hưng kết luận./.