Vũ trụ ảo metaverse có thể cách mạng hóa Internet
Trong buổi báo cáo thu nhập gần đây vào cuối tháng 7/2021 CEO Facebook, Mark Zuckerberg cho biết, tương lai của công ty không còn nằm ở mạng xã hội nữa mà là xây dựng một metaverse – cái được xem như một hiện thân mới của Internet trong 5 năm tới.
Không chỉ ông chủ Facebook, từ metaverse còn liên tục được Changpeng Zhao, CEO của sàn giao dịch tiền số Binance nhắc đến trong nhiều dòng tweet của mình, thậm chí mới đây CEO Binance còn tham gia vào một hội thảo online cùng với mẹ của Elon Musk về chủ đề metaverse này.
Vậy metaverse là gì, nói một cách ngắn gọn, metaverse – hay một siêu vũ trụ số – là nơi bất cứ thứ gì chúng ta có thể tưởng tượng ra đều tồn tại. Mục tiêu là tạo ra một không gian tương tự Internet, nhưng người dùng (thông qua hình đại diện kỹ thuật số) có thể đi vào bên trong và tương tác với người khác trong thời gian thực. Về lý thuyết, bạn có thể ngồi quanh bàn họp ảo với các đồng nghiệp từ khắp nơi trên thế giới - thay vì nhìn chằm chằm vào khuôn mặt 2D của họ trên Zoom - và sau đó đi đến một cửa hàng Starbucks ảo để gặp mẹ của bạn, người đang sống ở đầu kia của đất nước.
Tháng 8/2021, CEO Microsoft Satya Nadella cho biết công ty đang làm việc để xây dựng "vũ trụ doanh nghiệp ảo". Epic Games vào tháng 4/2021 cũng công bố vòng tài trợ 1 tỷ USD nhằm hỗ trợ tham vọng vũ trụ ảo của mình, thông tin này đã đẩy định giá của nhà phát triển game Fortnite lên gần 30 tỷ USD. Và vào đầu tháng 6/2021, nhà đầu tư mạo hiểm Matthew Ball đã khởi động một quỹ giao dịch hối đoái cho phép mọi người có thể đầu tư vào metaverse, một số công ty đầu tư vào đây gồm nhà sản xuất chip đồ họa Nvidia và nền tảng chơi game Roblox.
Với khả năng kết nối mọi lúc mọi nơi với mọi người, siêu vũ trụ số này sẽ như một thế giới thứ hai của chúng ta. Nó mở rộng theo mọi giác quan, cả về tầm nhìn, âm thanh và xúc giác, khi mọi vật thể kỹ thuật số sẽ được hòa trộn vào thế giới thực hoặc đắm mình vào trong các môi trường hoàn toàn 3D bất cứ khi nào ta muốn. Các công nghệ để làm nên điều đó chính là thực tế mở rộng (eXtended Reality – XR), bao gồm cả AR và VR.
Tham vọng ghi dấu ấn trên bản đồ công nghệ thế giới với vũ trụ ảo Meta Spatial
Không chỉ có các ông lớn công nghệ, có một startup Việt cũng đang theo tham vọng xây dựng dự án Meta Spatial thành một vũ trụ metaverse.
Chia sẻ về lý do quyết định xây dựng dự án Meta Spatial, ông Ngô Văn Cường, CTO của Meta Spatial, đội ngũ phát triển đã có kinh nghiệm nhiều năm trong việc ứng dụng công nghệ AR và VR. Tuy nhiên, những ứng dụng VR và AR hiện tại đều còn rất hạn chế, chính vì thế nhóm phát triển muốn tạo ra một sản phẩm công nghệ hoàn hảo hơn. "Đó chính là lý do dự án Meta Spatial ra đời, nó không còn là cho phép người ta đứng bên ngoài và nhìn vào nữa, họ sẽ được thực sự trải nghiệm và sống trong thế giới đó", ông Cường khẳng định.
Ngoài ra, metaverse hiện nay là một xu hướng công nghệ trên toàn thế giới. Chính vì thế việc đón đầu và đưa ra một sản phẩm công nghệ hoàn chỉnh và đúng nghĩa sẽ giúp tạo ra rất nhiều cơ hội. "Meta Spatial là một dự án mang tính toàn cầu và chúng tôi muốn phát triển nó không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới", ông Cường nói.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là "làm thế nào để thế giới thực và thế giới ảo có thể tồn tại song song?" Về vấn đề này, ông Cường cho rằng, cần xét đến trải nghiệm của người dùng, nghĩa là họ có thể di chuyển giữa hai thế giới và mang tài nguyên từ thế giới thực vào thế giới ảo và mang tài nguyên từ thế giới ảo về thế giới thực. Do đó, phải có sự trải nghiệm nhịp nhàng và xóa đi khoảng cách giữa hai thế giới thì dự án mới có thể tạo ra được một metaverse đúng nghĩa.
Dự án Meta Spatial đang từng bước tạo ra một vũ trụ metaverse đúng nghĩa, đội ngũ phát triển đã chuẩn bị sẵn sàng nền tảng công nghệ thể thực hiện việc phát triển từng bước một trong tương lai. Sản phẩm sẽ phát triển các phiên bản thử nghiệm theo từng giai đoạn để lắng nghe phản hồi từ trải nghiệm của người dùng và hoàn thiện nó.
Vũ trụ ảo nhưng mang lại giá trị thực
Mặc dù trên thế giới có rất ít các dự án về metaverse thực sự thành công và tại Việt Nam, các sản phẩm liên quan đến vũ trụ ảo lại càng ít ỏi. Tuy nhiên, ông Cường khẳng định, do nhóm phát triển đã nghiên cứu rất kỹ về mặt bản chất của metaverse, đồng thời nắm trong tay công nghệ hiện đại và sẵn sàng cho mọi sự thay đổi nên Meta Spatial chắc chắn sẽ rất khác biệt so với những dự án tương tự khác trên thế giới.
Cụ thể, trong thế giới metaverse, VR và AR chỉ là một khía cạnh công nghệ được áp dụng. Để tạo ra được một thế giới metaverse thì cần nhiều hơn thế rất nhiều. Và quan trọng hơn cả, đó chính là trải nghiệm của người dùng để xóa đi khoảng cách giữa hai thế giới "trong thực có hư, trong hư có thực, hư mà thực thực mà hư". Để làm được điều này, ứng dụng công nghệ XR sẽ rất quan trọng để họ có thể tự do di chuyển giữa hai thế giới một cách nhịp nhàng.
Một dự án metaverse chỉ thực sự hiệu quả khi nó mang lại giá trị thực chứ không phải giá trị ảo. "Quan trọng nhất của một dự án metaverse vẫn là trải nghiệm của người dùng và ứng dụng được công nghệ vào trong đó một cách đúng nghĩa", ông Cường khẳng định.
Cũng theo ông Cường, để nghiên cứu một dự án mới đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, đội ngũ xây dựng sản phẩm đã tốn rất nhiều sức lực và vật lực để từng bước xây dựng hệ sinh thái Meta Spatial. "Chúng tôi đã phải đồng hành cùng rất nhiều chuyên gia công nghệ của nước ngoài như chuyên gia Úc, Ấn Độ, Canada, Mỹ… để cùng nhau phát triển dự án", ông Cường cho biết.
Điểm thuận lợi của Meta Spatial đến từ việc đội ngũ công nghệ , họ đều là những chuyên gia nhiều năm trong việc ứng dụng công nghệ XR (AR, VR, MR), thấu hiểu được trải nghiệm của người dùng và phối hợp rất tốt với các chuyên gia nước ngoài để cùng nhau xây dựng dự án một cách nhanh chóng.
Sẽ công bố dự án đến cộng đồng vào ngày 17/9
Theo ông Cường, Meta Spatial là một vũ trụ ảo bao gồm rất nhiều các không gian metaverse được liên kết với nhau thông qua Spatial Portal. Qua đó, người dùng sẽ có những trải nghiệm chưa từng có. "Dự kiến, đầu năm sau, chúng tôi sẽ ra mắt không gian vũ trụ cho phép người dùng trải nghiệm nó trong không gian vũ trụ và có những trải nghiệm giống như những bộ phim khoa học viễn tưởng", ông Cường chia sẻ thêm.
Meta Spatial cũng cần có những sản phẩm đi kèm trong hệ sinh thái Meta Spatial như lưu trữ tài nguyên - Spatial Wallet, Spatial Maker cho phép người dùng tự do sáng tạo trong Meta Spatial, Spatial Portal…
Theo kế hoạch của mình, Meta Spatial sẽ công bố dự án với cộng đồng vào ngày 17/9. Cũng trong tháng 9, đội ngũ phát triển sẽ ra mắt bản thử nghiệm Spatial Maker cho phép người dùng tự do sáng tạo các tài nguyên để sử dụng cho vũ trụ ảo metaverse - Meta Spatial.
Tháng 10 sẽ cho ra mắt bản thử nghiệm đầu tiên của Meta Spatial và tích hợp công nghệ thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường. "Ở bản thử nghiệm này chúng tôi sẽ cung cấp không gian Meta Spatial – Moon là một không gian giả tưởng về lỗ hổng thời gian, trước khi ra mắt không gian vũ trụ vào quý 1 năm 2022", ông Cường chia sẻ về kế hoạch trong thời gian tới.
Meta Spatial là một hệ sinh thái vô tận, vì vậy, đội ngũ xây dựng dự án sẽ luôn lắng nghe ý kiến từng cộng đồng để tiếp tục phát triển và mở rộng thêm các không gian cũng như các sản phẩm hỗ trợ đi kèm để tạo ra một vũ trụ metaverse đúng nghĩa.
Trước những lo ngại về sự thành công với một công nghệ mới ngay cả trên thế giới như vũ trụ ảo metaverse, ông Cường cho rằng, còn quá sớm để nói về điều này. Meta Spatial còn phải đi một chặng đường dài để tiếp tục hoàn thiện sản phẩm cho những giai đoạn sau của hệ sinh thái. "Bất kỳ một cơ hội bùng nổ nào cũng đi kèm với thách thức và những rủi do nhất định, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ. Chúng tôi muốn trở thành một những đơn vị dẫn đầu về công nghệ và nhất là ghi dấu ấn trên bản đồ công nghệ thế giới", ông Cường khẳng định./.