Tạm dừng vì chưa đáp ứng đầy đủ các quy định
Công ty CP Misa - đơn vị được Bộ TT&TT cấp phép trên lĩnh vực MISA-CA thời gian qua đã cung cấp 2.583 chứng thư số theo mô hình CKS từ xa.
Tuy nhiên, MISA-CA là ngành nghề kinh doanh đặc thù có điều kiện (tiền kiểm) theo quy định tại Nghị định số 130/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27/9/2018 quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về CKS và dịch vụ chứng thực CKS.
Do đó, để bảo đảm việc cung cấp dịch vụ MISA-CA, công văn yêu cầu Công ty CP Misa phải dừng cung cấp dịch vụ MISA-CA theo mô hình CKS từ xa trên di động (MISA ESIGN) cho đến khi hệ thống kỹ thuật của doanh nghiệp (DN) đáp ứng các quy định tại Thông tư số 16/2019/TT-BTTTT của Bộ TT&TT ngày 5/12/2019 quy định danh mục tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng về CKS và dịch vụ chứng thực CKS theo mô hình ký số trên thiết bị di động và ký số từ xa.
Một trong những vấn đề của Misa trong việc cung cấp cấp dịch vụ MISA-CA thời gian qua chính là việc công ty chưa thẩm định kỹ thuật CKS trên di động (MISA ESIGN), nhưng đã tự ý cung cấp CKS trên USD Token ra thị trường.
Bên cạnh việc dừng cấp dịch vụ, để Misa hoàn thiện đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật, công văn yêu cầu Công ty CP Misa phải có phương án xử lý tất cả chứng thư số đã cấp cho thuê bao theo mô hình ký số từ xa và có phương án bảo đảm quyền lợi khách hàng.
Giải trình, phản hồi từ phía Misa
Ngay sau khi nhận được công văn dừng cung cấp dịch vụ của NEAC, Công ty cổ phần Misa đã phản hồi, giải trình về việc hướng dẫn triển khai cung cấp dịch vụ chứng thực CKS theo MISA ESIGN.
Misa cho biết, hiện phía công ty đã hoàn tất việc nộp hồ sơ kỹ thuật và đề xuất với NEAC cho phép được thẩm định hồ sơ. Misa cam kết sẽ hoàn thiện giải pháp MISA ESIGN nhanh chóng đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật theo quy định. Phía công ty cũng thừa nhận việc là một đơn vị hăng hái, tiên phong cung cấp dịch vụ chứng thực CKS từ xa khó tránh khỏi một số sơ suất về vấn đề pháp lý.
MISA mong các đơn vị báo chí truyền thông, các cơ quan có thẩm quyền đồng hành và hỗ trợ những giải pháp công nghệ tiên phong, giải quyết vấn đề khó khăn trong thời kỳ dịch bệnh và thúc đẩy sự phát triển của xã hội như MISA ESIGN.
MISA ESIGN, một công cụ tiện ích được số hóa
Theo Misa, MISA ESIGN là một công cụ tiện ích được số hóa, giúp DN thực hiện các giao dịch đảm bảo an ninh, an toàn, giảm thiểu chi phí, dễ dàng tiếp cận hành lang pháp lý, giao dịch qua mạng với cơ quan thuế, hải quan, ngân hàng điện tử...
MISA ESIGN là dịch vụ chỉ cần duy nhất 1 CKS eSign, theo đó, DN dễ dàng cài đặt trên nhiều thiết bị khác nhau và cho phép nhiều cá nhân thực hiện ký số cùng một lúc dù không ở cùng địa điểm.
Thông qua MISA ESIGN, DN có thể gửi tài liệu cho người khác ký mà không phải gửi tài liệu qua mail cho người cần ký rồi chờ đợi người ký gửi lại. Đặc biệt, DN có thể kiểm tra trạng thái ký, gửi lời nhắc ký tài liệu để đảm bảo tiến độ công việc dù không có mặt tại công ty.
Đến nay, thị trường dịch vụ CKS đã có 13 DN được cấp phép, 9 DN đã cung cấp dịch vụ, trong đó VINA – CA, FPT, Viettel, VNPT, Bkav, Nacencomn, Newca… Viettel và VNPT là hai đơn vị đầu tiên được Bộ TT&TT cấp phép hoạt động. Đây là hai đơn vị chiếm lĩnh thị trường với thị phần lần lượt là 28,46% và 27,32%.
Theo số liệu từ VCCI, hiện tại toàn quốc đã có 1,2 triệu DN đăng ký thành lập, cộng với 1,8 triệu hộ kinh doanh thuộc diện quản lý thuế, đây được xem là thị trường màu mỡ cho các DN cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng khai thác.
Câu chuyện của MISA có thể được xem là một tham khảo cho mỗi DN hoạt động trên lĩnh vực này, bởi muốn làm tốt, hiệu quả, trước tiên phải đáp ứng tốt câu chuyện pháp lý, xong mới đến thực hiện nghiêm các tôn chỉ, mục đích giấy phép hoạt động, chấp hành.