Mô hình "Mua ngay, trả sau" tăng sức hút tại Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng COVID-19

Ngọc Diệp| 09/09/2021 15:17
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong bối cảnh dịch bệnh, thu nhập của đại đa số người dân ít nhiều bị ảnh hưởng, mô hình "Mua ngay, trả sau" ngày càng trở nên hấp dẫn hơn tại Việt Nam khi cả các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp đều đặt cược lớn vào đó.

Xu hướng tiêu dùng mới của giới trẻ toàn cầu

"Mua ngay, trả sau" (Buy Now, Pay Later - BNPL) là mô hình kinh doanh mới nổi trong những năm gần đây. Mô hình này cho phép người dùng mua sắm, thanh toán hóa đơn trước, sau đó dần dần trả sau. Tuy nhiên, khác với việc thanh toán qua thẻ tín dụng (trong đó khách hàng thanh toán định kỳ vào cuối mỗi tháng), mô hình BNPL cho phép khách hàng thanh toán theo từng kỳ ngắn hơn và chỉ phát sinh lãi suất nếu bạn thanh toán chậm.

Theo báo cáo Global Payments năm 2020 của Worldpay, BNPL là hình thức online phát triển nhất thế giới, với mức tăng trưởng hằng năm đạt 28% trong vòng 5 năm mới. Ngoài ra, các chuyên gia cũng dự báo BNPL sẽ chiếm gần 3% tổng thanh toán thương mại điện tử (TMĐT) năm 2023.

Tại thị trường Đông Nam Á, BPLN cũng đang phát triển mạnh mẽ. Chẳng hạn, dịch vụ tài chính PayLater là một trong những sản phẩm đi đầu giúp Gojek (Indonesia) trở thành một siêu ứng dụng, hoặc Pine Labs (Singapore) cũng hợp tác với Atome để mở rộng dịch vụ BNPL tại Malaysia.

Lý giải về sự phát triển của mô hình BNPL, nhiều chuyên gia nhận định đó là do thói quen mua sắm của giới trẻ hiện nay. Theo thống kê, tại Hoa Kỳ, có khoảng 80% người dùng BNPL trong độ tuổi 19 - 34 tuổi. Và độ tuổi người sử dụng BNPL trên thế giới cũng không cách quá xa. Theo đó, khách hàng ở phân khúc trẻ tuổi như vậy thường có nhu cầu mua sắm rất lớn và luôn muốn sở hữu một món đồ ngay lập tức. Thế nhưng tài chính của họ không cho phép. Đồng thời họ cũng khó khăn trong việc chứng minh tài chính để có thể lập thẻ tín dụng. Khi đó, mô hình BNPL cho phép họ sở hữu món đồ mình yêu thích mà không bị áp lực quá lớn về mặt tài chính.

Đó là về phía người mua. Còn về phía người bán, dịch vụ này giúp họ tăng doanh số. Vì người mua có thể trả tiền sau, do đó họ cũng ít do dự hơn khi quyết định mua hàng.

Với sự tiện lợi và hợp thời của mình, không khó hiểu khi BNPL lại phát triển nhanh chóng như vậy trên toàn thế giới.

BNPL - Sức hút với thị trường thanh toán Việt Nam

Tại thị trường Việt Nam, mặc dù các hình thức BNPL vẫn còn khá mới mẻ, nhưng dự báo sẽ bùng nổ trong thời gian tới bởi quy mô dân số đông, trong đó tỉ lệ người trẻ (18 - 40 tuổi) đang chiếm ưu thế, với tỉ lệ sử dụng thiết bị di động và Internet cao, ngày càng ưa thích sử dụng các ứng dụng công nghệ để chi tiêu mua sắm.

Đặc biệt, theo kết quả khảo sát người tiêu dùng Việt Nam, Deloitte - 2020, dịch bệnh COVID-19 đã thay đổi thói quen của người tiêu dùng từ mua sắm trực tiếp sang trực tuyến. Có đến 76% người trẻ trong độ tuổi 20 - 40 có tần suất mua sắm trực tuyến từ 1 - 3 lần/tháng thông qua các trang TMĐT.

Chỉ tính riêng tháng 8 vừa qua đã có một số thương vụ giao dịch lớn, báo hiệu sự cạnh tranh gia tăng và làn sóng BNPL trong thời gian tới.

MoMo là một trong những cái tên tiên phong của Việt Nam áp dụng dịch vụ "Mua trước, trả sau". Theo đó, ngày 10/8, MoMo đã phối hợp với TPBank ra mắt sản phẩm ví trả sau. Đúng như tên gọi, ví trả sau cung cấp một hạn mức tiền để người dùng chi trả các hóa đơn, dịch vụ, mua sắm TMĐT... trước, rồi sau đó sẽ thanh toán vào một ngày cố định của tháng sau.

Hiện nay, ví trả sau của MoMo có 3 hạn mức chi tiêu: 1 triệu, 3 triệu và 5 triệu đồng. Với mỗi hạn mức, hạn thanh toán lần lượt là ngày 5, 10 và 15 của tháng sau.

Theo MoMo, với sản phẩm ví trả sau, khách hàng không cần phải chứng minh thu nhập, đồng thời không cần chờ giải ngân. Chỉ cần người dùng đã có ví MoMo xác thực tài khoản và có liên kết ngân hàng là có thể sử dụng. Ngoài ra, nếu trả tiền đúng hạn thì cũng không bị tính lãi.

Sau MoMo, mới đây Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt (VietCredit) đã chính thức hợp tác cùng Kredivo - công ty Fintech hàng đầu Indonesia, tiên phong triển khai sản phẩm "Mua trước, trả sau" trên nền tảng công nghệ trực tuyến.

Mô hình

Thông qua sự hợp tác này, VietCredit mong muốn sẽ góp phần giải quyết những nhu cầu tài chính cá nhân chưa được đáp ứng, đưa người tiêu dùng Việt đến gần hơn xu hướng tài chính tiên tiến, tối ưu hóa trải nghiệm tài chính số cho khách hàng một cách trọn vẹn và liền mạch, đặc biệt là các khách hàng trẻ trong thời đại số hiện nay, từ đó nâng cao lợi thế cạnh tranh của VietCredit trên thị trường.

Các sản phẩm dự kiến sẽ được triển khai theo từng giai đoạn, đầu tiên là cung cấp giải pháp thanh toán hóa đơn để đáp ứng nhu cầu hàng ngày và cho vay cá nhân. Vào quý 4/2021, ứng dụng TMĐT BNPL sẽ chính thức hoạt động.

Theo chia sẻ từ đại diện VietCredit, việc "bắt tay" với công ty Fintech lớn mạnh như Kredivo cũng thể hiện sự chủ động và nhanh chóng của VietCredit, tuân thủ theo đúng chủ trương của Ngân hàng nhà nước là khuyến khích các công ty tài chính hợp tác với công ty Fintech để phát triển các giải pháp, mô hình kinh doanh mới với sản phẩm, dịch vụ thân thiện, an toàn, tiện lợi và chi phí thấp"./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Mô hình "Mua ngay, trả sau" tăng sức hút tại Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO