Mobile Money là miếng ghép hoàn hảo để hệ sinh thái số ViettelPay bùng nổ

Thế Khiêm| 02/08/2021 07:54
Theo dõi ICTVietnam trên

Dù đang là ví điện tử tăng trưởng mạnh nhất tại thị trường Việt Nam về số lượt tải trong năm 2020, theo đại diện Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel, việc Đề án thử nghiệm Mobile Money sẽ được phê duyệt sắp tới sẽ là miếng ghép hoàn hảo để hệ sinh thái số ViettelPay bùng nổ, khi mà đối tượng người dùng chưa có tài khoản ngân hàng đang chiếm đến 30% dân số, đồng thời tạo lợi thế cạnh tranh không nhỏ, bên cạnh sự hỗ trợ của những đơn vị khác hệ sinh thái chung của cả Tập đoàn Viettel.

Ví điện tử tăng trưởng mạnh nhất thị trường Việt về số lượt tải trong năm 2020

Theo báo cáo “Ứng dụng di động” của Appota, trong số các ví điện tử tại Việt Nam, các ví điện tử Momo, ViettelPay và ZaloPay đang là 3 ví điện tử có đông người sử dụng nhất. Trong đó, nếu như Momo là ví sử dụng phổ biến nhất thì ViettelPay lại đang là ví tăng trưởng mạnh nhất về số lượt tải. Chưa kể đến, nếu xét về số lượt tải, ViettelPay chỉ đứng sau MoMo và xếp trên ZaloPay cả năm 2020 với khoảng cách không nhỏ.

Còn về thói quen sử dụng tại Việt Nam, ViettelPay cũng chỉ chịu thua MoMo và cao hơn hẳn so với ZaloPay. ViettelPay có mức độ nhận biết khoảng 76% cùng 15% người sử dụng thường xuyên thì 2 con số này của ZaloPay chỉ đạt khoảng 72% và 6%.

Theo ông Trương Quang Việt, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel (Viettel Digital Services), ViettelPay được Viettel ra đời năm 2018, dù khá muộn khi so sánh với những giải pháp trung gian thanh toán khác..., nhưng đây là thời điểm chín muồi để hoàn thiện hệ sinh thái số. Chưa kể đến, thị trường Việt Nam vào thời điểm đó đã bắt đầu có thói quen thanh toán điện tử khi sử dụng dịch vụ của những đối thủ đã có từ trước. Thiết bị thanh toán khi đó cũng đã khá phổ biến, smartphone cũng đã rẻ hơn. “Do đó, việc Viettel quyết định ra mắt ViettelPay vào năm 2018 là phù hợp”, ông Việt nhấn mạnh.

Mobile Money là miếng ghép hoàn hảo để hệ sinh thái số Viettel Pay bùng nổ - Ảnh 1.

Ông Trương Quang Việt, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel.

Viettel cũng không phải “tay mơ” trong lĩnh vực này khi trước đó đã từng nghiên cứu và ra mắt giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt từ những năm 2008-2009 với công cụ BankPlus – một nền tảng dùng điện thoại để thanh toán và chuyển tiền. Thậm chí, trước khi ra mắt ViettelPay, Viettel đã từng cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán cho những thị trường khác của Tập đoàn trên thế giới (hiện tại đã có 7 quốc gia đang sử dụng dịch vụ trung gian thanh toán của Viettel – PV).

Khi được hỏi về tại sao ViettelPay lại định vị mình là một “ngân hàng số” khi ra mắt dịch vụ, ông Việt khẳng định, điều này đến từ “yếu điểm” của ví điện tử khi phải có tài khoản ngân hàng thì mới có thể tích hợp để dùng. Trong khi “ngân hàng số” như cách Viettel định vị thì chỉ cần số điện thoại đăng ký là có thể có số tài khoản ngân hàng và sử dụng được ngay. “Khi đó, các dịch vụ “ngân hàng số” cũng chưa có nhiều, ngay cả các ngân hàng cũng mới chỉ số hóa dịch vụ của mình thông qua Mobile Banking hay Internet Banking, phải đến thời gian gần đây họ mới có sự thay đổi, dùng “ngân hàng số” để lôi kéo khách hàng”, ông Việt bày tỏ.

Khi ra mắt sản phẩm, nếu nhìn vào các đối thủ ví điện tử, ViettelPay chắc chắn không thể chạy đua khuyến mãi giống như họ được. Do đó, công ty đã chọn một hướng đi khác, ngoài việc tận dụng lợi thế từ mối quan hệ, hạ tầng sẵn có với với ngân hàng để sinh ra “ngân hàng số”, ViettelPay có một lợi thế lớn khác, đó là hơn 60 triệu thuê bao sẵn có vào thời điểm 2018 cũng như mạng lưới rộng khắp, để bất cứ đâu có sóng Viettel là có thể sử dụng được ứng dụng này. “Ngoài ra, những điểm dịch vụ viễn thông của Viettel cũng được “tận dụng” làm điểm hỗ trợ khách hàng của ViettelPay. Do đó, chúng tôi có thể hỗ trợ khách hàng rộng khắp trên 63 tỉnh, thành. Điều này đã trở thành thế mạnh của ViettelPay khi so sánh với các đối thủ, khi mà ví điện tử chỉ tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, thay vì vùng sâu vùng xa”, ông Việt nói.

Khi được hỏi về việc lợi thế viral “chuyển khoản không mất phí” của ViettelPay, ông Việt cho rằng, dù nó là “cú hích” trong giai đoạn đầu, nhưng không phải là Selling Point (điểm lợi thế - PV) của sản phẩm, bằng chứng là hiện ViettelPay vẫn phát triển tốt khi mà các Ngân hàng hiện nay đều đã miễn phí chuyển khoản.

Quan trọng nhất vẫn là trải nghiệm sản phẩm, khi ViettelPay là sự kết hợp giữa ví điện tử và ngân hàng truyền thống, khi cho phép đăng ký rất dễ dàng, chỉ cần một số điện thoại và hạ tầng, điểm hỗ trợ dịch vụ rộng khắp nên người dùng có thể dễ dàng nạp tiền, sử dụng sản phẩm. Nhờ đó, qua đánh giá của công cụ Social Listening, Viettel Digital Services thấy rằng, điểm chỉ số cảm xúc (Sentiment score - kết quả phân tích chỉ số cảm xúc của các thảo luận để xác định tương quan giữa các thảo luận Tích cực và Tiêu cực, điểm càng cao thì càng được yêu thích - PV) của Viettelpay ở mức 4, cao hơn ngưỡng trung bình của ngân hàng thế giới (2,5). ViettelPay dùng công cụ này để đo và liên tục cải tiến sản phẩm của mình, trong đó những điểm khách hàng yêu thích là phí, dịch vụ đa dạng, khuyến mãi liên quan viễn thông, chăm sóc khách hàng…

Mobile Money là miếng ghép hoàn hảo để hệ sinh thái số Viettel Pay bùng nổ - Ảnh 2.

Mobile Money sẽ giúp ViettelPay sớm cán mốc 26 triệu người dùng trong năm 2024

Cũng theo ông Việt, hiện tại ViettelPay đang có khoảng gần 15 triệu người dùng, trong đó tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM… cùng vài chục nghìn điểm chấp nhận thanh toán. Mục tiêu của ViettelPay là đến năm 2025 sẽ có 26 triệu thuê bao. Trong thời gian tới, khi dịch vụ Mobile Money được ra mắt, Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel sẽ gia tăng số lượng các điểm chấp nhận thanh toán (merchant). “Chúng tôi quan điểm, khó khăn nhất không phải là phát triển số lượng merchant mà làm thế nào để các điểm đó phát sinh đủ doanh thu. Tùy mỗi khu vực mà công ty sẽ phải nghiên cứu, lựa chọn các điểm phù hợp thay vì phát triển ồ ạt merchant”, ông Việt nói.

Để làm được điều này, công ty sẽ phải “educate” (thuyết phục - PV) người dùng để họ hiểu về lợi ích thanh toán không dùng tiền mặt, từ đó tạo ra thói quen. Để rồi, khi khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt nhiều thì các cửa hàng cũng sẽ phải tự nâng cấp thành các “merchant số” khuyến khích thanh toán qua các công cụ số.

Về kế hoạch tương lai, ông Việt cho rằng, khi kế hoạch Mobile Money của Viettel được phê duyệt thì nó sẽ là “chìa khoá” để hiện thực hóa Chiến lược không dùng tiền mặt thúc đẩy xã hội số, kinh tế số. Đồng thời, Mobile Money cũng sẽ là miếng ghép để hoàn thiện hệ sinh thái ViettelPay, bởi vì sẽ phục vụ cả đối tượng un-bank (những người không có tài khoản ngân hàng – PV), chỉ cần SIM là có thể sử dụng dịch vụ thanh toán số, nên sẽ dễ dàng tạo ra thói quen cho người dùng. Chính vì vậy, công ty nhìn nhận Mobile Money giống như một cú hích đủ mạnh để tạo ra sự bùng nổ của ViettelPay, vì nó giống như một tiện ích vào dịch vụ viễn thông vốn đã rất quen thuộc với mọi người nên khả năng bùng nổ thuê bao lớn hơn rất nhiều.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc chọn định vị là “ngân hàng số” là một nước đi sáng suốt, đã giúp ViettelPay tạo được sự khác biệt so với các đối thủ, khi mà ứng dụng này ra đời sau những ví điện tử khác như MoMo, VnPay. Nếu cũng làm ví điện tử giống các đối thủ lớn này, ViettelPay chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn và sẽ không thể có được những thành công như hiện nay. Bởi vì, các ví điện tử liên tục “đốt tiền” cho các chương trình khuyến mãi và người dùng đã quen với điều đó, nên cứ ví nào có khuyến mãi là họ sử dụng. Vì vậy, nếu ViettelPay cũng là ví điện tử và không có sự khác biệt, khuyến mãi lại không thể nhiều được như đối thủ thì chắc chắn sẽ tụt lại.

Lý giải cho điều này, theo ông Việt, dù ViettelPay đăng ký rất dễ dàng nhưng bản chất vẫn là tài khoản ngân hàng nên người dùng thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định của Ngân hàng nhà nước. Đó là lý do ViettelPay có các gói tài khoản khác nhau, tùy theo mức độ xác nhận thông tin thuê bao của người dùng. Còn Mobile Money sử dụng luôn thông tin viễn thông, người dùng chỉ cần chứng minh giấy tờ thuê bao chính chủ là có thể kích hoạt và chuyển tiền được nên sẽ thuận tiện hơn cho người sử dụng, để từ đó có thể tạo sự tăng trưởng vượt bậc.

Đồng thời, khách hàng khi sử dụng Mobile Money của Viettel sẽ được tận hưởng hệ sinh thái dịch vụ trực tuyến mà ViettelPay đã xây dựng trong suốt 3 năm qua. Dù hạn mức Mobile Money khá thấp (10 triệu đồng/tháng) nhưng nó đủ để đáp ứng 90% nhu cầu tiêu dùng cơ bản của người dân, khoảng dưới 100.000 đồng. Vì vậy, ViettelPay kì vọng, khi người dùng đã quen với việc mua những mặt hàng thiết yếu quen thuộc thông qua Mobile Money thì sẽ có nhu cầu trải nghiệm, mua sắm những mặt hàng có giá trị lớn hơn, thông qua việc nâng cấp tài khoản thanh toán số - tài chính số với hạn mức cao hơn, đồng thòi tận hưởng những tiện ích tương tự ngân hàng như đầu tư, gửi tiết kiệm…

Ngoài ra, khi dịch vụ Mobile Money được thử nghiệm cũng sẽ tạo lợi thế không nhỏ cho ViettelPay để cạnh tranh với những đối thủ lớn khác, khi nhắm đến tầng lớp khách hàng không có tài khoản ngân hàng, đang chiếm khoảng 30% dân số.

“Vì vậy, Mobile Money sẽ giúp ViettelPay cán mốc 26 triệu người dùng thường xuyên, sớm hơn từ nửa năm cho đến 1 năm so với kế hoạch đến năm 2025 đã đặt ra”, ông Việt kì vọng.

Sẽ phát triển đồng thời cả khu vực thành thị và nông thôn

Khi được hỏi Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel sẽ phát triển hướng đến khu vực thành phố hay nông thôn, vì Mobile Money vẫn được định vị hướng đến khu vực vùng sâu vùng xa, trong khi các giải pháp trung gian thanh toán thường nhắm đến khu vực thành thị, ông Việt cho rằng, ViettelPay tập trung phát triển song song, trên cả 63 tỉnh thành. “Đối với những khách hàng ở thành phố, khi Mobile Money ra mắt, họ sẽ có thêm một kênh tiện ích cho những khoản thanh toán có giá trị nhỏ”, ông Việt lý giải.

Chưa kể đến, Viettel đã quen với việc phát triển những dịch vụ “mass” như dịch vụ viễn thông đến 70 triệu thuê bao trên toàn quốc, nên khi kinh doanh ViettelPay và Mobile Money sẽ tối ưu dựa trên nguồn lực hạ tầng sẵn có làm “cánh tay nối dài” trên 63 tỉnh thành như các điểm hỗ trợ dịch vụ viễn thông sẽ trở thành các điểm đăng ký, nạp tiền.

Cũng theo ông Việt, để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam, ngoài việc phải có nhiều dịch vụ, thuận tiện, đem lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng, các đơn vị phải cùng nhau educate người dùng để họ thay đổi thói quen. “Việc educate này không chỉ do các nhà cung cấp dịch vụ như Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel mà còn đến từ cơ quan nhà nước, đơn vị truyền thông…, để người dùng hiểu về tính tiện dụng của việc thanh toán không dùng tiền mặt, qua đó cảm thấy hào hứng và tích cực sử dụng hơn”, ông Việt nói.

Ngoài ra, còn đối với vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn, cách duy nhất để sớm phổ cập thanh toán không dùng tiền mặt là việc cần sớm phê duyệt Đề án Mobile Money và người dân sẽ dễ dàng tiếp cận thanh toán số hơn. Tuy nhiên, cũng có những khó khăn nhất định, đến từ nhận thức của người dân về thanh toán không dùng tiền mặt.

Đánh giá về thị trường trung gian thanh toán trong tương lai, ông Việt cho rằng, đến năm 2025, thị trường sẽ chỉ còn lại 3 nền tảng lớn nhất và hi vọng trong số những ứng dụng này sẽ có ViettelPay. Hiện thị trường đang có 2 cách thu hút, lôi kéo người dùng, đầu tiên là để khách hàng thấy “lợi” như việc thông qua các chương trình khuyến mãi, cách tiếp theo là sự tiện dụng rồi dần hình thành thói quen thanh toán. Trong đó, cách thứ 2 sẽ bền vững hơn, vì không thể cứ “đốt tiền” mãi để giành giật người dùng được. Cuối cùng, người sử dụng sẽ lựa chọn ứng dụng có trải nghiệm tốt nhất và dịch vụ cần thiết nhất. “Mỗi đơn vị sẽ có một hệ sinh thái và lợi thế cạnh tranh riêng”, ông Việt chia sẻ.

Khi nói về lợi thế của mình theo ông Việt, với sứ mệnh “kiến tạo xã hội số” của Viettel, Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel phụ trách phần thanh toán số trong bức tranh hệ sinh thái Tập đoàn, từ Viettel Post (Logistic), Viettel Solution (giải pháp số hóa cho cơ quan nhà nước, Chính phủ)... nên tổng số tiền giao dịch qua ViettelPay chắc chắn không thua kém bất kì đơn vị nào. “Khi được cộng hưởng, nằm trong hệ sinh thái của Viettel và sở hữu 70 triệu thuê bao di động, chúng tôi tin mình sẽ đủ sức cạnh tranh được với những công cụ trung gian thanh toán khác trên thị trường”, ông Việt bày tỏ.

Còn về phía chính sách, Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel không gặp bất kì vướng mắc nào ngoài việc hi vọng sớm phê duyệt Đề án thử nghiệm dịch vụ Mobile Money. Chỉ có các lĩnh vực riêng như P2P lending (cho vay ngang hàng) là có thể có những khó khăn nhất định về mặt chính sách, còn lại thì cơ quan quản lý đều đã hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp Make in Vietnam cũng như Fintech nói chung, như giới hạn chuyển tiền thông qua soft OTP…./.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 7 tháng 7/2021)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Mobile Money là miếng ghép hoàn hảo để hệ sinh thái số ViettelPay bùng nổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO