An toàn thông tin

Mối đe dọa ATTT tăng quy mô và mức độ, Việt Nam - Nhật Bản hợp tác thiết thực

Hoàng Linh 04/08/2023 21:22

Các chuyên gia, doanh nghiệp (DN) công nghệ thông tin, an toàn thông tin (ATTT) Việt Nam - Nhật Bản đã có những chia sẻ thông tin về hợp tác trong lĩnh vực ATTT để cùng tìm ra giải pháp đảm bảo ATTT cho mọi người.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm hợp tác hữu nghị ASEAN - Nhật Bản và phiên họp của nhóm công tác về ATTT ASEAN - Nhật Bản tại Hà Nội vào đầu tháng 8/2023, Hiệp hội ATTT Việt Nam (VNISA) phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Cơ quan ATTT Nhật Bản (NISC) tổ chức Hội thảo về ATTT với chủ đề “Tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin về an toàn, an ninh mạng giữa cơ quan, tổ chức nhà nước và DN”.

Hội thảo nằm trong chương trình làm việc 2023 của nhóm công tác về ATTT ASEAN - Nhật Bản tại Hà Nội. Hội thảo còn được kết nối qua hội nghị truyền hình với các chuyên gia của JICA tại Nhật Bản.

Thông qua hội thảo, VNISA, NISC và JICA mong muốn là cầu nối giữa các tổ chức, DN Việt Nam và Nhật Bản, đề xuất những hoạt động hợp tác thiết thực, hiệu quả trong lĩnh vực ATTT giữa Việt Nam và các nước ASEAN, Nhật Bản.

Tăng cường hợp tác để nắm bắt thông tin quy mô, mức độ các mối đe dọa ATTT

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Hưng, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch VNISA cho biết ngày nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, kỹ thuật số, xã hội thông tin, sự phụ thuộc ngày càng gia tăng của con người vào Internet, các mối đe dọa nghiêm trọng về an toàn, an ninh cũng gia tăng về quy mô, mức độ và phạm vi mang tính toàn cầu, là thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và doanh nghiệp.

ong-nguyen-thanh-hung.jpg
Ông Nguyễn Thành Hưng: sự phụ thuộc ngày càng gia tăng của con người vào Internet, các mối đe dọa nghiêm trọng về an toàn, an ninh cũng gia tăng về quy mô, mức độ.

Những thách thức trên đòi hỏi cần có sự tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin cũng như cần sự nỗ lực hợp tác cụ thể trong việc phòng chống các mối đe dọa ATTT và hợp tác trong việc đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực ATTT chất lượng cao”, Chủ tịch VNISA nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch VNISA, để hợp tác hiệu quả, chúng ta cần vượt qua nhiều trở ngại, rào cản như các vấn đề về pháp lý, cách thức tiếp cận, tạo lập niềm tin lẫn nhau. Hội thảo là dịp để chúng ta chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm từ Nhật Bản, một quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng chiến lược an toàn, an ninh mạng, trong việc triển khai hiệu quả hợp tác công - tư cũng như trong việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực.

Với vai trò của một hiệp hội ngành nghề trong lĩnh vực ATTT, VNISA trong thời gian qua đã liên tục cố gắng thể hiện trách nhiệm xã hội thông qua các hoạt động kết nối cộng đồng ATTT, xây dựng hệ sinh thái ATTT, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa nhà nước với cộng đồng ATTT, tăng cường nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chung tay tạo dựng niềm tin trong xã hội - nền tảng vững chắc cho việc thiết lập mối quan hệ hợp tác hiệu quả và bền vững giữa các bên trong phòng chống các nguy cơ ngày càng gia tăng về an ninh, ATTT.

ong-khong-huy-hung.jpg
Ông Khổng Huy Hùng: VNISA và Nhật Bản có sự hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực đào tạo ATTT

Cho biết thêm về hợp tác với Nhật Bản trong lĩnh vực ATTT, ông Khổng Huy Hùng, Phó Chủ tịch VNISA cho biết VNISA thúc đẩy nhiều hoạt động trong nước và quốc tế về chia sẻ thông tin, nâng cao nhận thức, đào tạo ATTT. Những năm gần đây, VNISA tập trung đào tạo ATTT cho hội viên, kỹ sư trẻ, trong đó có mời các giảng viên quốc tế như các chuyên gia của Nhật Bản tham gia đào tạo. Đây là một hình thức hợp tác về ATTT với Nhật Bản hiệu quả.

VNISA cũng tổ chức cuộc thi sinh viên ATTT với ASEAN và nhiều sinh viên đạt giải cao cuộc thi này cũng nắm giữ các vị trí cao của cuộc thi Cyber Seagame với sự hỗ trợ của Nhật Bản, thể hiện năng lực của sinh viên Việt Nam rất là cao.

Ông Khổng Huy Hùng cũng thông tin: sắp tới, nhóm công tác ASEAN lĩnh vực ATTT gồm 8 nước thành viên ASEAN sẽ nhóm họp tại Nhật Bản để thúc đẩy hợp tác.

Chiến lược ATTT của Nhật Bản và hợp tác với Việt Nam

Chia sẻ về các đơn vị đảm bảo ATTT cảu Nhật Bản và các chính sách liên quan, ông Junichi Sakaki, Cố vấn Chính sách quốc tế NISC cho biết Cybersecurity Strategic Headquarters được thành lập trực thuộc Nội các Nhật Bản vào tháng 11/2014 với mục đích thúc đẩy hiệu quả và toàn diện các chính sách an ninh mạng.

ong-junichi.jpg
Ông Junichi Sakaki chia sẻ về chiến lược ATTT của Nhật Bản

NISC được thành lập từ năm 2015, tiền thân là Trung tâm ATTT quốc gia từ năm 2005, với cùng tên viết tắt “NISC”, với tư cách là ban thư ký của Cybersecurity Strategic Headquarters, làm việc cùng với khu vực công và tư nhân trên nhiều hoạt động nhằm tạo ra một "không gian mạng tự do, công bằng và an toàn".

NISC đóng vai trò hàng đầu với tư cách là đầu mối trong việc điều phối sự hợp tác trong chính phủ và thúc đẩy quan hệ đối tác giữa ngành công nghiệp, học viện, khu vực công và khu vực tư nhân ở Nhật Bản.

NISC đã ban hành chiến lược ATTT quốc gia năm 2022 và cũng ban hành chiến lược, ngân sách ATTT mạng cho năm 2023 và là đơn vị chia sẻ thông tin ATTT cho các cơ quan chính phủ, DN, trong đó bao gồm đầu mối đảm bảo ATTT.

Chiến lược ATTT quốc gia của Nhật Bản bao gồm nội dung bảo vệ hạ tầng trọng yếu. Theo đó, NISC đã ban hành kế hoạch hành động chung về bảo đảm ATTT cho các hạ tầng trọng yếu của các cơ quan. Dựa trên kế hoạch này, các cơ quan về an ninh mạng của nhà nước đưa ra chiến lược hành động, bao gồm hình thành hệ thống quản lý rủi ro an ninh mạng, tăng cường năng lực quản lý chuỗi cung ứng thông qua hợp đồng cung ứng.

Ông Junichi Sakaki cũng cho biết Nhật Bản đã xây dựng quan hệ hợp tác với ASEAN nhiều năm. NSIC đã cùng các nước ASEAN họp bàn về ATTT, tổ chức các cuộc diễn tập, hội thảo nâng cao nhận thức ATTT. Một số hoạt động bị tạm dừng vào đại dịch và đã được khôi phục lại vào năm 2022.

Năm 2023 là năm kỷ niệm 50 năm hợp tác ASEAN - Nhật Bản, Nhật Bản sẽ tổ chức hội nghị thường niên về an ninh mạng vào tháng 10/2023 tại Tokyo tập trung vào hợp tác công tư. Nhật Bản sẽ mời các hiệp hội ATTT của quốc gia ASEAN tham dự hoạt động này.

toan-canh-hoi-thao.jpg
Toàn cảnh hội thảo

Trong khi đó, ông Yamazaki Hiroto, cố vấn cấp cao về ATTT - Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) chia sẻ chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ và ATTT có vai trò quan trọng để đảm bảo an toàn cho các tổ chức khu vực công và tư. Chiến lược NISC hướng tới đảm bảo ATTT tất cả mọi người, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong môi trường an toàn.

Trong chiến lược đảm bảo ATTT của Nhật Bản có nội dung bảo đảm hạ tầng trọng yếu cho 14 lĩnh vực, cùng với đó là các biện pháp và ứng phó khác nhau. “Việc đảm bảo ATTT cho các hạ tầng trọng yếu có ý nghĩa quan trọng, trong đó có việc chia sẻ thông tin, hỗ trợ phát triển năng lực, phản ứng, ứng phó giúp hạ tầng trọng yếu được tốt hơn”.

NISC là đơn vị thường xuyên cung cấp thông tin về ATTT cho các cơ quan vận hành ATTT của các bộ, ngành. Trong trường hợp khẩn cấp, các đơn vị vận hành ATTT sẽ liên hệ với NISC qua Bộ của mình, thông qua đó có thể chia sẻ thông tin về khai thác và vận hành bảo vệ hạ tầng trọng yếu.

Đại diện của JICA cho biết từ năm 2019 – 2022, JICA đã có dự án nâng cao năng lực ATTT với Bộ TT&TT để xem nhu cầu năng lực đào tạo với việc hợp tác với Cục ATTT - Bộ TT&TT. Hiện nay, đào tạo mang tính chất tuỳ biến, theo nhu cầu đáp ứng cho tương lai.

Tại hội thảo các DN như FPT, Savis, Misa và CyRadar đã chia sẻ những câu chuyện của DN mình trong nỗ lực đảm bảo ATTT cho các khách hàng của mình, công tác diễn tập, đào tạo nhân lực và hợp tác ATTT mở rộng thị trường quốc tế./.

Bài liên quan
  • Nhật Bản tăng cường phòng thủ không gian mạng
    Nhật Bản là một trong những nước dẫn đầu toàn cầu về ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Tuy nhiên, mức độ sẵn sàng trong ứng phó với các vấn đề an ninh mạng chưa tương xứng với tiềm lực quốc gia.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Mối đe dọa ATTT tăng quy mô và mức độ, Việt Nam - Nhật Bản hợp tác thiết thực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO