Một số đề xuất thúc đẩy ứng dụng blockchain trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Ngọc Diệp| 26/06/2022 06:38
Theo dõi ICTVietnam trên

Việc ứng dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) trên thị trường chứng khoán đã và đang được nghiên cứu và áp dụng phổ biến tại nhiều quốc gia, tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản, nhất là về tiêu chuẩn chung, quy định pháp luật và luật pháp.

Thực tiễn ứng dụng blockchain trong lĩnh vực chứng khoán

Công nghệ blockchain xuất hiện đã mở ra một xu hướng mới cho các lĩnh vực như: logistics, điện tử - viễn thông, kế toán kiểm toán… Thị trường tài chính ngân hàng nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng cũng không ngoại lệ, nếu không muốn nói đây chính là thị trường rất tiềm năng để ứng dụng công nghệ blockchain, trong việc phát triển đa dạng các sản phẩm tài chính, tối ưu vận hành, giảm thiểu các khâu xử lý trung gian và tăng cường tính minh bạch của thị trường.

Blockchain với tính chất rất đặc trưng của công nghệ sổ cái phân tán, bao gồm một chuỗi các khối dữ liệu được liên kết với nhau, mỗi khối tham chiếu với khối thông tin trước đó, toàn bộ chuỗi được lưu trữ phi tập trung trên các node của mạng lưới blockchain, điều này mang đến tính minh bạch thông tin trong mạng lưới và tính an toàn cao do sử dụng công nghệ mã hóa. 

Bên cạnh đó, blockchain còn loại bỏ đi sự hiện diện của bên thứ 3 trong các giao dịch (như ngân hàng lưu ký, đối tác thanh toán hay trung tâm thanh toán bù trừ) vì giao dịch được thực hiện theo phương pháp mạng ngang hàng (P2P). Với các tính chất trên, giao dịch trên blockchain có thể giúp giảm chi phí cho người dùng hoặc doanh nghiệp (DN).

Trong lĩnh vực chứng khoán, có một số lợi ích rất rõ ràng mà công nghệ blockchain có thể mang lại, như giúp cho việc tự động hóa việc huy động vốn, minh bạch hóa việc sử dụng nguồn vốn cũng như quá trình quản lý tài sản; đẩy nhanh việc thanh toán sau giao dịch, theo dõi việc cho vay chứng khoán và rủi ro hệ thống.

Về lý thuyết, blockchain có thể giúp cho việc giao dịch chứng khoán hay huy động vốn trở nên không có biên giới. Ngoài ra, blockchain còn giúp cắt giảm các khâu trung gian, từ đó giảm thiểu các quy trình rườm rà, rút ngắn thời gian xử lý, từ đó cắt giảm được chi phí vận hành. Hơn nữa, blockchain còn giúp nâng cao tính minh bạch của giao dịch do các thông tin đều được cập nhật và các bên có quyền truy xuất vào cùng cơ sở dữ liệu phân tán để quan sát và theo dõi các giao dịch đã thực hiện, điều này làm công tác giám sát hiệu quả hơn, giảm thiểu tối đa tổn thất xảy ra bởi các giao dịch nội gián hay bán chui cổ phiếu như đã diễn ra trong thời gian gần đây.

Chia sẻ tại hội thảo "Ứng dụng blockchain trong tài chính ngân hàng: Thực trạng và xu hướng" do Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Kinh tế trường Đại học (ĐH) Tôn Đức Thắng và khoa Tài chính Ngân hàng trường ĐH Tôn Đức Thắng phối hợp với Trung tâm Quản lý tài sản số (TSS) thuộc Liên hiệp Khoa học Doanh nhân Việt Nam đồng tổ chức mới đây, ông Trương Quốc Tuấn, Giám đốc giải pháp công nghệ Công ty quản lý quỹ Dragon Capital, cho biết việc ứng dụng blockchain trên thị trường chứng khoán đã và đang được nghiên cứu và áp dụng phổ biến tại nhiều quốc gia.

Tại Hoa Kỳ, sàn Giao dịch chứng khoán Nasdaq đã tiên phong áp dụng công nghệ blockchain cho các giao dịch chứng khoán. Nasdaq đã triển khai công nghệ blockchain bằng việc giới thiệu nền tảng Nasdaq Linq để giúp các DN mua bán cổ phiếu của công ty mình, trong đó điển hình các công ty tham gia là Chain.com. ChangeTip, PeerNova, Synack, Tango and Vera. Ngoài ra, Nasdaq còn kết hợp với các tổ chức và tập đoàn tài chính trên thế giới (như Tập đoàn Dịch vụ Tài chính Bắc Âu SEB hay Sở giao dịch chứng khoán Thụy Sỹ SIX) để ứng dụng blockchain trong giao dịch và thanh toán bù trừ.

Trong khi đó, tại Australia, tình hình ứng dụng blockchain cũng khá sôi động, công nghệ blockchain được Sở Giao dịch chứng khoán ASX đưa vào vận hành cùng với hạ tầng công nghệ của Trung tâm thanh toán bù trừ (CHESS) để quản lý các giao dịch chứng khoán, cùng với sự hợp tác của các đối tác công nghệ như Digital Asset Holdings.

Ngoài ra, tại các quốc gia đang phát triển khác như Trung Quốc hay Ấn Độ, tình hình nghiên cứu và ứng dụng blockchain trên thị trường chứng khoán cũng diễn ra mạnh mẽ. Tại Ấn Độ, Sở Giao dịch chứng khoán quốc gia Ấn Độ (NSE) phối hợp với với các ngân hàng hàng đầu của quốc gia, bao gồm: IDFC, Kotak Mahindra, ICICI, Induslnd và RBL và HDFC Securities, ứng dụng blockchain trong việc xác nhận danh tính khách hàng. Trong khi đó, Sở Giao dịch chứng khoán Thượng Hải (SSE) đã công bố kế hoạch về ứng dụng hệ thống DLT trên nền tảng blockchain vào giao dịch và thanh toán trên thị trường chứng khoán.

Ở mức độ các tổ chức, điển hình vào đầu năm 2022, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã khởi động một dự án nhằm thực hiện các giao dịch chứng khoán xuyên biên giới ở châu Á và Thái Bình Dương hiệu quả và an toàn hơn thông qua việc sử dụng công nghệ blockchain. Làm việc với các công ty blockchain hàng đầu như ConsenSys, Fujitsu, R3 và Soramitsu, ADB sẽ tìm cách phát triển những cách thức để kết nối trực tiếp các ngân hàng trung ương và cơ quan lưu ký chứng khoán trong khu vực ASEAN+3 trong một mạng lưới blockchain. Khu vực này bao gồm Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng với Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Một số đề xuất cho Việt Nam

Nhìn chung, với các đặc trưng của mình, công nghệ blockchain rất được kỳ vòng có thể làm nên một cuộc cách mạng về cơ sở hạ tầng bên cạnh mạng Internet trong lĩnh vực tài chính nói chung và chứng khoán nói riêng, tiềm năng mang đến sự minh bạch và hiệu quả cao, trong khi lại giảm được đáng kể thời gian và chi phí vận hành. 

Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ blockchain trên thị trường tài chính hay chứng khoán sẽ còn nhiều hạn chế do bị ràng buộc về nhiều mặt, nhất là về tiêu chuẩn chung và quy định pháp luật. Riêng tại Việt Nam, blockchain chỉ đang ở giai đoạn sơ khai, các nghiên cứu về vấn đề này tuy đã có nhưng vẫn chưa đầy đủ, vẫn còn nhiều hạn chế về mô hình, dữ liệu, chuyên môn.

Một số đề xuất thúc đẩy ứng dụng blockchain trên thị trường chứng khoán Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Trương Quốc Tuấn: ứng dụng blockchain trong tài chính hay chứng khoán vẫn còn trong giai đoạn sơ khai và ở mức công nghệ nhiều hơn là thương mại hóa,

Do đó, theo ông Trương Quốc Tuấn, Việt Nam cần xây dựng khung pháp lý rõ ràng và hiệu quả để các tổ chức, DN mạnh dạn đầu tư nghiên cứu và triển khai ứng dụng công nghệ blockchain vào thực tế bài toán của DN và xã hội.

Đồng thời, trong thời gian tới, Việt Nam cần tăng cường các hoạt động nghiên cứu và thử nghiệm cũng như ứng dụng blockchain trong lĩnh vực tài chính nói chung và trong lĩnh vực chứng khoán nói riêng, đồng thời đưa ra các mô hình thử nghiệm (sandbox) cụ thể, tập trung vào các ứng dụng khả thi nhất như: Hỗ trợ xử lý xác thực sau giao dịch; hỗ trợ công bố, trao đổi thông tin; quản lý cổ đông, quyền sở hữu; biểu quyết; mua/bán cổ phiếu quỹ, chứng chỉ quỹ.

Về phía các tổ chức, DN cũng cần có sự đầu tư đúng mức về nhân lực và vốn để có thể áp dụng hiệu quả công nghệ blockchain trong mỗi tổ chức. Bên cạnh đó tổ chức liên minh giữa các tổ chức, đối tác trong và ngoài ngước, để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giúp gia tăng sức mạnh tập thể, tiết kiệm thời gian và chi phí. Các diễn đàn, hội thảo, tọa đàm cần tập trung trao đổi nhiều hơn về việc ứng dụng blockchain trong lĩnh vực chứng khoán với hàm lượng kiến thức cao hơn, bên cạnh các diễn đàn đang khá sôi động tại Việt Nam như Metaverse hay GameFi.

Cuối cùng, ông Tuấn cho biết ứng dụng blockchain trong tài chính hay chứng khoán vẫn còn trong giai đoạn sơ khai và ở mức công nghệ nhiều hơn là thương mại hóa, tuy đã có những ứng dụng bước đầu nhưng việc này đòi hỏi đi đường dài. Do đó, để có thể thành công trong triển khai ứng dụng blockchain trên thị trường chứng khoán Việt Nam, các bên tham gia, trong đó đặc biệt là các sàn giao dịch chứng khoán nên có kế hoạch đầu tư nâng cấp hệ thống, đồng thời có chiến lược xây dựng đội ngũ nhân lực để theo kịp với tốc độ phát triển trong lĩnh vực này.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trương Gia Bảo, Chủ tịch Liên minh Chuyển đổi số DTS, cũng nhận định trong bối cảnh blockchain, chứng khoán bùng nổ, người tham gia cần có kiến thức vững để tránh được rủi ro khi tiếp cận với thị trường này.

"Chúng ta phát triển song song với lạm phát, tiếp cận với việc cho vay quá dễ dàng, do đó việc gia tăng kiến thức nền tảng về tài chính là rất cần thiết. Các DN để tránh rủi ro, việc kết hợp, hợp tác với tổ chức có kinh nghiệm, uy tín là rất cần thiết", ông Bảo nhấn mạnh./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Một số đề xuất thúc đẩy ứng dụng blockchain trên thị trường chứng khoán Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO