Một số gợi ý về xây dựng sandbox cho Việt Nam

08/10/2019 09:06
Theo dõi ICTVietnam trên

“ hộp cát” với ý nghĩa ban đầu là những khu vực chứa đầy cát được tạo ra để cho trẻ em vui chơi, thúc đẩy tự do sáng tạo nhưng vẫn đảm bảo an toàn. Sau đó, thuật ngữ Sandbox đã được mở rộng với ý nghĩa mới, sử dụng trong các lĩnh vực khác nhau.

1. Khái niệm Sandbox,Regulatory Sandbox

Trong công nghệ thông tin (CNTT), mô hình sandbox được sự dụng rộng rãi, từ việc tạo môi trường phát triển các ứng dụng giải pháp, hay để thử nghiệm ứng dụng vào môi trường thực tế. Người sử dụng máy tính có thể tự mình tạo ra một môi trường Sandbox của riêng mình để thử nghiệm, phân tích một phần mềm nào đó khi chưa chắc chắn liệu chúng có làm hại máy tính của mình hay không.

Trong an ninh mạng, Sandbox là một kỹ thuật quan trọng trong lĩnh vực bảo mật, có tác dụng cô lập các ứng dụng, ngăn chặn các phần mềm độc hại để chúng không thể làm hỏng hệ thống máy tính, hay cài cắm các mã độc nhằm ăn cắp thông tin cá nhân của người dùng…[i]

Giai đoạn Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) hiện nay, thuật ngữ “Sandbox”/“Regulatory Sandbox đang được sử dụng rộng rãi trong nền kinh tế số, với hàm ý là tạo ra các khung pháp lý thử nghiệm cho các mô hình kinh doanh mới khi mà khung pháp lý hiện hành chưa có quy định điều chỉnh.

Ảnh: Mạnh Vỹ

Nhu cầu được hoạt động thử nghiệm trong Sandbox ngày càng gia tăng, nhất là đối với các mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực fintech. Mục đích của sandbox là điều chỉnh quy định tài chính nghiêm ngặt để có thể thích ứng với tốc độ phát triển của các doanh nghiệp (DN) đổi mới, sáng tạo, tuy nhiên sự điều chỉnh này phải theo cách vừa không làm giảm bớt các quy tắc của fintech, đồng thời, vẫn đảm bảo yếu tố bảo vệ người tiêu dùng [i].

Như vậy, dưới góc độ pháp lý, có thể định nghĩa một cách khái quát nhất về Sandbox như sau:

Sandbox tạo ra một không gian thuận lợi với khung chính sách riêng (nằm ngoài khung chính sách hiện tại) để tiến hành thử nghiệm những khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới.

Regulatory sandbox - “khung pháp lý thí điểm” là một cách tiếp cận mới và khá linh hoạt trong kỹ thuật lập pháp, cho phép thử nghiệm trực tiếp, giới hạn thời gian của các đổi mới dưới sự giám sát điều chỉnh. Sandbox cho phép thử nghiệm trong môi trường thực tiễn, nhưng có phạm vi và thời gian xác định, cùng với các biện pháp bảo vệ thích hợp để ngăn chặn bất kỳ hậu quả nào của sự thất bại mà không ảnh hưởng quá nhiều đến hệ thống tài chính quốc gia.

Hết thời hạn thử nghiệm, nếu DN khởi nghiệp và đi vào hoạt động thành công, thì sẽ phải thoát ra khỏi khung pháp lý Sandbox và hoạt động theo khung pháp luật hiện hành.

Đối tượng điều chỉnh của Regulatory sandbox thường là các sản phẩm tài chính sáng tạo, sản phẩm ứng dụng công nghệ và mô hình kinh doanh mới. Những “khung pháp lý thử nghiệm” Sandbox áp dụng cho các DN khởi nghiệp có ứng dụng công nghệ (fintech, blockchain,…) hay DN kinh doanh theo mô hình kinh tế mới (kinh tế chia sẻ) sẽ được tiến hành trong một không gian và thời gian được xác định rõ ràng.

Tuy nhiên, thử nghiệm Sandbox cũng có thể thất bại, nên việc cho phép thử nghiệm Sandbox cần đi kèm với các biện pháp bảo vệ thích hợp để bảo vệ cho hệ thống tài chính quốc gia.

2. Tại sao Việt Nam rất cần Sandbox trong thời điểm hiện nay?

CMCN 4.0 góp phần tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới trong một không gian rộng mở xóa nhòa khoảng cách thế giới thực và không gian mạng. Nhu cầu hiện thực hóa các sản phẩm dịch vụ, mô hình kinh doanh sáng tạo vào cuộc sống gặp phải rất nhiều khó khăn do sự chưa sẵn sàng của khung pháp lý hiện tại. Nhiều mô hình kinh doanh mới, nhiều khái niệm mới chưa được quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành, dẫn đến cản trở đổi mới sáng tạo và nguy cơ kìm hãm xã hội phát triển.

Thống kê của CBINSIGHTS tháng 2/2019 cho thấy, các khởi nghiệp sáng tạo tạo ra được 39 Kỳ lân, với tổng số vốn đạt 147,37 tỷ USD. Riêng năm 2018, có 16 Kỳ lân. Tổng toàn bộ các kỳ lân có 391 với tổng giá trị là 1 ngàn 210 tỷ USD [ii] (Kỳ lân - Unicorn: Doanh nghiệp trên 1 tỷ USD).

Báo cáo cũng chỉ ra, Đông Nam Á đang là điểm nóng nhất hành tinh về các công ty khởi nghiệp FINTECH và là nơi các quỹ đầu tư đang dồn tiền đến [iii].

Thực tế cho thấy, khu vực nào tập trung được chất xám, lao động tri thức, sẽ là trung tâm của khu vực và thậm chí của thế giới cho các công ty khởi nghiệp và kêu gọi vốn đầu tư, như Silicon Valey, Singapore, Ấn Độ… Với Fintech, quốc gia, vùng lãnh thổ nào có được cơ chế trước, thu hút cộng đồng Fintech tới trước, sẽ trở thành trung tâm [iv].

Các áp lực cần có đổi mới chính sách [i]

Sự thành công từ Anh Quốc, Thụy Sĩ, Trung Quốc, Hà Lan, Adu Dhabi, Malay, Hongkong, Úc, Canada, Singapore, Brazil,… với hơn 50 quốc gia đã và đang phát triển Regulatory Sanbox cho thấy, để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, giảm hoặc bỏ các rào cản pháp lý, hay tạo mới quy định phù hợp thì Regulatory Sandbox là một hướng đi cần thiết và phù hợp nhất.

Bản đồ trên thế giới về Regulatory Sandbox [ii] đang ngày càng được bôi màu kín dần. Việt Nam không thể chậm chân vì thực tế, các hoạt động liên quan đổi mới sáng tạo, mô hình kinh tế mới vẫn diễn ra hằng ngày tại Việt nam, nhưng nhiều doanh nghiệp phải “tị nạn” sang các nước để đăng ký kinh doanh, hoặc vẫn ở Việt nam nhưng hoạt động với hình thức khác.

Tại Việt Nam, DN đổi mới sáng tạo khởi nghiệp đứng thứ ba châu Á với trên 3000 DN. Rất nhiều DN, lớn hơn con số đó đã ra nước ngoài đăng ký như sang Malaysia, Singapore, Malta, Hongkong hay nhiều nước khác ở châu Âu. Lý do đơn giản là sự sẵn sàng của hệ thống pháp luật nước sở tại. Ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đã thiết lập cơ chế Regulatory sandbox để tạo không gian cho đổi mới sáng tạo được thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ hay mô hình mới của mình [iii]. Sự ảnh hưởng xã hội, kinh tế ngày càng tăng từ các cộng đồng khởi nghiệp với quy mô vốn hóa và ảnh hưởng dân chúng, đòi hỏi sự tham gia ngay của chính phủ.

3. Khuyến nghị

(1) Đổi mới sáng tạo trong CMCN 4.0 là rất đa dạng trong nhiều lĩnh vực, cả fintech, công nghệ, AI, Bigdata, Nông nghiệp, Địa chính hay Y tế… không thể có một Regulatory Sandbox đa năng cho mọi bài toán. Mỗi một bài toán sẽ nằm trong một tập quy định cụ thể, do đó, với mỗi đổi mới sáng tạo sẽ cần có một Regulatory Sandbox riêng. Bản thân Regulatory Sanbox cũng chính là một công cụ pháp lý.

(2) Sandbox cũng chỉ là một phương pháp để hỗ trợ hệ thống pháp lý thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thực tế, cũng có nhiều phương pháp khác. Do đó, rất cần đánh giá và hiểu đúng để lựa chọn bài toán cũng như Sandbox phù hợp.

(3) Từ kinh nghiệm của các quốc gia đã và đang phát triển Regulatory Sanbox cho thấy cần chọn cụ thể từng bài toán để thiết lập các Sandbox thử nghiệm, trên cơ sở đó xây dựng lộ trình thực hiện phù hợp.

Ở Việt Nam, Fintech nói chung và các khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ Blockchain, Cryptocurrency cũng đang rất cần Regulatory sandbox. Do đó, Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ/Ban/Ngành hình thành các nhóm nghiên cứu về mô hình Sandbox, các nhóm này cần kết hợp với các đơn vị nghiệp vụ để đề xuất bài toán cụ thể, ví dụ ngành Ngân hàng cho các bài toán huy động vốn dùng công nghệ hay Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán nhà nước, các công ty chứng khoán cho các bài toán về sàn giao dịch… Đối với các lĩnh vực mới, ví dụ tiền mã hóa/tiền ảo, Việt Nam không thể “cấm hoàn toàn”, cũng không thể “mở hoàn toàn”. Các nhà làm chính sách cũng cần “Khởi nghiệp” cùng các DN khởi nghiệp sáng tạo.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự hình thành cơ chế quản lý thử nghiệm, phổ biến nhất là yêu cầu xúc tiến cạnh tranh và nâng cao hiệu quả trên các thị trường dịch vụ tài chính thông qua những sáng kiến đổi mới.

Nhà quản lý và khởi nghiệp sáng tạo cùng “khởi nghiệp”

(4) Việc xây dựng Sandbox ở Việt Nam cũng cần lưu ý Regulatory Sanbox sẽ tác động tới 03 nhân tố chính:

Thứ nhất, từ phía nhà quản lý: Cần phải dỡ bỏ, hoặc hạ thấp rào cản, hạ thấp tiêu chuẩn, hay tạo mới quy định theo hướng thúc đẩy, cho phép đổi mới sáng tạo hoạt động trong môi trường thực tế, cuộc sống thực. Các nhà quản lý cũng sẽ là nhà “khởi nghiệp” về pháp lý trong trường hợp này - vừa làm vừa học.

Cùng với đổi mới sáng tạo thử nghiệm, điều chỉnh các quy định sao cho phù hợp nhất. Hạn chế tối đa các tác động rủi ro ra ngoài, đồng thời giám sát, phân tích, đánh giá được các thử nghiệm. Nhà quản lý sẽ đưa ra:

  • Tiêu chuẩn, khung quy định, phạm vi, thời gian, không gian, quy mô, đối tượng.
  • Đánh giá, giám sát, báo cáo, kết luận.
  • Điều tiết hoạt động trong quá trình thử nghiệm.
  • Đảm bảo an ninh, an toàn cho các nhân tố, hạn chế và ngăn chặn rủi ro tác động ra bên ngoài.
  • Ra quyết định tiếp tục, tạm dừng hay loại bỏ.
  • Báo cáo kết quả và bước tiếp theo.

Thứ hai, DN đổi mới sáng tạo: Sản phẩm, dịch vụ hay mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo phải là những sản phẩm, dịch vụ chưa có trước đó, hoặc sản phẩm, dịch vụ áp dụng công nghệ mới; chưa có trong quy định pháp luật hiện hành. Những sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ mới này có giá trị và lợi ích cho xã hội.

DN phải cam kết đảm bảo tuân thủ pháp luật và các quy định trong Sandbox, có cơ chế công bố thông tin trong quá trình thử nghiệm, cam kết trách nhiệm với khách hàng trong thời gian thử nghiệm. Cùng với nhà quản lý để điều chỉnh các quy định sao cho phù hợp nhất mà không hạn chế sự sáng tạo.

  • Đưa ra cuộc sống thực.
  • Tuân thủ khung quy định Sandbox.
  • Đảm bảo thông tin suốt quá trình thực hiện.
  • Đảm bảo có lợi (Ví dụ chi phí rẻ) cho xã hội.
  • Cam kết chịu trách nhiệm khi có sự cố, thiệt hại, …

Thứ ba

  • Có quyền biết thông tin về sản phẩm dịch vụ… cũng như rủi ro và tác động.
  • Thụ hưởng lợi ích của đổi mới sáng tạo, cụ thể là về chi phí, chất lượng.
  • Chấp nhận sử dụng với các thông tin công bố…

(5) Về những nội dung cơ bản của Sandbox

 Hiện nay, có khá nhiều mô hình khác biệt về Regulatory Sandbox, tuy nhiên, mô hình chung nhất của một Regulatory Sandbox mà Việt Nam có thể tham khảo gồm các nội dung chính sau:

  • Mục tiêu của Sandbox.
  • Điều kiện để áp dụng sandbox.
  • Tiêu chí (được chỉ định trong ứng dụng) liên quan đến rủi ro, biện pháp bảo vệ và các hạn chế.
  • Thời gian cho đổi mới sáng tạo và sandbox kiểm tra thực thể.
  • Chi phí cho cơ quan quản lý và các thực thể tham gia Sandbox.
  • Điều chỉnh các hành động sau khi thực hiện Sandbox.

(Những nội dung này được tham khảo dựa trên thiết kế mẫu của FCA – Cơ quan kiểm soát tài chính Anh [i]).

ThS. Đặng Vân Phúc, chuyên gia CNTT, đồng sáng lập ONPUN

TS. Chu Thị Hoa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp

Tài liệu tham khảo:

[I] https://www.geeksforgeeks.org/sandbox-security-model/

[II] https://www.bbva.com/en/what-is-regulatory-sandbox/

[III] https://www.cbinsights.com/research-unicorn-companies

[IV] http://caii.ckgsb.com/uploads/life/201901/31/1548906580181175.pdf

[V] https://www.bbva.com/en/countries-leading-fintech-regulation/

[VI] https://www.cgap.org/research/publication/regulatory-sandboxes-and-financial-inclusion

[VII] https://www.cgap.org/research/publication/regulatory-sandboxes-and-financial-inclusion

[VIII] https://www.bbva.com/en/countries-leading-fintech-regulation/

[IX] https://www.fca.org.uk/firms/regulatory-sandbox

(Bài xuất bản trên Tạp chí Thông tin và Truyền thông Kỳ 1 - Bưu chính Viễn thông và CNTT tháng 8/2019)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • AI sẽ tác động như thế nào đến an ninh mạng vào năm 2025?
    Từ các hệ thống phòng thủ dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) đến các chiến thuật tấn công bằng phần mềm tống tiền (ransomware) ngày càng tinh vi, năm 2025 đang đặt ra nhiều thách thức và cơ hội mới cho ngành an ninh mạng.
  • TikTok và câu chuyện cung cấp dịch vụ tại Mỹ
    TikTok thông báo rằng họ đang "trong quá trình" khôi phục dịch vụ cho người dùng tại Mỹ. Động thái diễn ra chỉ hơn 12 giờ sau khi TikTok ngừng cung cấp dịch vụ để chuẩn bị đối phó với lệnh cấm.
  • 5 startup công nghệ Việt Nam đang được chú ý
    Trong những năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, tạo được môi trường thuận lợi, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.
  • Hội nghị WEF lần thứ 55: Hợp tác trong kỷ nguyên thông minh
    Nhận lời mời của Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ và làm việc song phương tại Thụy Sĩ trong hai ngày 21 và 22/1/2025.
  • Thủ tướng làm việc với Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại châu Âu
    Nhân chuyến thăm chính thức Cộng hòa Séc, chiều 19/1/2025, giờ địa phương (tối cùng ngày, giờ Hà Nội), Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại châu Âu (VINEU).
Đừng bỏ lỡ
Một số gợi ý về xây dựng sandbox cho Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO