Muốn ngành Y phát triển: Cần hoàn thiện khung khổ pháp lý về dữ liệu số y tế

Yên Viên| 18/11/2020 22:07
Theo dõi ICTVietnam trên

Giờ đây, dữ liệu số y tế đã trở thành nhân tố tạo tiềm năng trong việc chuyển đổi số cho ngành Y tế. Tuy nhiên, để mục tiêu này hiệu quả, cần thiết phải xây dựng cơ chế thử nghiệm (sandbox), đảm bảo tính hợp pháp, pháp lý chuẩn mực, tường minh trong hệ thống quản trị mạng, môi trường số.

Đó là một trong những nội dung quan trọng được đề cập tại Hội thảo "Chuyển đổi số và quản trị dữ liệu trong lĩnh vực y tế" do Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS), Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, Liên minh châu Âu (EU) phối hợp tổ chức sáng18/11/2020, tại Hà Nội.

Hội thảo với sự tham dự lãnh đạo Bộ: Y tế, TT&TT, Công an, Tư pháp, các sở, ban ngành, hiệp hội, bệnh viện, doanh nghiệp (DN) CNTT, chuyên gia trong nước và quốc tế.

Dữ liệu quan trọng như "dầu hỏa" của một xã hội công nghiệp

Phát biểu tại hội thảo, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch VDCA, ông Nguyễn Minh Hồng cho rằng: Việc nhận thức về chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu để phát triển. Ngày 3/6/2020, Chính phủ đã có Quyết định 749-QĐ/CP về việc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Đây là quyết định chỉ ra nhiều nội dung của công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam nhằm xây dựng chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số… và với mục tiêu này ngành Y tế không nằm ngoài ngoại lệ, là đơn vị tích cực xây dựng kế hoạch để thực hiện nội dung này.

Muốn ngành Y phát triển - Cần hoàn thiện khung khổ pháp lý về dữ liệu số y tế - Ảnh 1.

Chủ tịch VDCA Nguyễn Minh Hồng: Chuyển đổi số ngành Y còn mang đến điều kiện tốt nhất cho hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân.

"Hiện nay, dữ liệu trong xã hội thông tin có vai trò đặc biệt quan trọng, ví như "dầu hỏa" của một xã hội công nghiệp trong tiến trình chuyển đổi số. Với ngành Y tế cũng vậy, dữ liệu có vai trò không chỉ nâng cao sự phát triển toàn hệ thống ngành Y mà còn bảo vệ sức khỏe cho người dân cũng như đảm bảo những giá trị thụ hưởng, lợi ích tốt nhất", Chủ tịch VDCA nhấn mạnh.

Chuyển đổi số ngành Y còn mang đến điều kiện tốt nhất cho hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân, tiềm năng đó đã được khẳng định trong giai đoạn dịch bệnh Covd-19 vừa qua.

Việc xây dựng hệ thống hồ sơ y tế điện tử của người dân, người bệnh thời gian qua của ngành Y tế đã được đẩy mạnh. Minh chứng đó được thể hiện qua việc 100% dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4 và hệ thống khám chữa bệnh từ xa đã được Thủ tướng Chính phủ tham dự, khai trương đến nay vẫn hoạt động hiệu quả.

"Tuy nhiên, trong tiến trình chuyển đổi số, vẫn còn những quan ngại, trong đó có việc đảm bảo an toàn dữ liệu y tế, hồ sơ y tế, vì đây là lĩnh vực luôn có những yếu tố nhạy cảm. Do đó, giờ đây ngành Y tế muốn thực hiện triển khai hiệu quả vấn đề này cần thiết phải xây dựng một hệ thống hành lang pháp lý về dữ liệu", Chủ tịch Hồng nêu quan điểm.

Đồng tình với quan điểm của Chủ tịch Hồng về vai trò quan trọng của dữ liệu, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT ông Nguyễn Trọng Đường nhấn mạnh thêm, đây còn là nhân tố trung tâm của chuyển đổi số, là linh hồn, cốt lõi của tất cả các hệ thống thông tin, hoạt động trong môi trường mạng.

Bên cạnh đó, Phó Cục trưởng Đường còn cho rằng, việc xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia hay dữ liệu chuyên ngành như y tế, giáo dục, kinh tế… hiện nay vẫn đang gặp khó khăn, bất cập, còn vướng, hạn chế bởi các vấn đề tạo lập dữ liệu, chia sẻ, khai thác dữ liệu.

"Để phá bỏ những rào cản đó, cần thiết phải có những nấc khung đo, cần thực hiện đồng bộ mức trưởng thành trong quản trị dữ liệu. Trước kia vẫn hạn chế về nhận thức, tầm nhìn, chiến lược, chưa có sự liên kết dữ liệu, thiếu tập trung, nếu phát sinh chưa có hệ thống giải quyết… thì nay cần chuẩn hóa dữ liệu, tối ưu việc quản lý, chia sẻ hỗ trợ thông tin, hoạt động nghiệp vụ, cùng phát triển và điều chỉnh sự phát triển trên CSDL được quản lý và dự đoán tương lai…", Phó Cục trưởng Đường nhấn mạnh

Cần xây dựng "sandbox" để thí điểm cơ chế pháp lý khai thác dữ liệu số y tế

Theo Viện trưởng IPS, Nguyễn Quang Đồng, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bỏ lỡ cơ hội quý báu để khai thác giá trị từ chuyển đổi số y tế của một thị trường nội địa có quy mô xấp xỉ 23 tỷ USD do thiếu một chiến lược toàn diện và khung pháp lý rõ ràng về dữ liệu y tế số.

"Nếu cơ hội bị bỏ lỡ thì điều đó là đáng tiếc khi xét trong bối cảnh của một quốc gia có quy mô dân số 100 triệu dân và đang bước vào giai đoạn già hóa với gánh nặng chăm sóc y tế ngày càng khổng lồ", Viện trưởng IPS nhấn mạnh.

Để không bị bỏ lỡ tiềm năng này, ông Đồng cho rằng cần xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý về dữ liệu số y tế, bởi vì hiện nay chưa có những quy định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể nắm dữ liệu, dẫn đến có dữ liệu mà không thể chia sẻ và sử dụng.

Về mặt kỹ thuật, vẫn còn thiếu các quy định về chuẩn kết nối dữ liệu, chia sẻ dữ liệu trên cơ sở đảm bảo an toàn dữ liệu và quyền riêng tư cá nhân. Thêm vào đó, dữ liệu ở nhóm thông tin về sức khỏe cá nhân thu thập qua thiết bị và ứng dụng công nghệ đang bị "bỏ quên" và đang nằm trong "vùng xám" về mặt pháp lý.

Muốn ngành Y phát triển - Cần hoàn thiện khung khổ pháp lý về dữ liệu số y tế - Ảnh 2.

Viện trưởng IPS Nguyễn Quang Đồng: Số hóa dữ liệu y tế, nhưng luôn phải xác định chủ thể quan trọng nhất vẫn là người sử dụng dịch vụ y tế (người bệnh).

Dù chúng ta đang nhấn mạnh đến chuyển đổi số, số hóa dữ liệu y tế, nhưng luôn phải xác định chủ thể quan trọng nhất vẫn là người sử dụng dịch vụ y tế (người bệnh), hiện nay họ đang được trao quyền rất hạn chế, đó là quyền để biết, kiểm soát thông tin y tế của cá nhân mình hay cả về pháp lý, lẫn thực tế.

Cũng theo Viện trưởng IPS, cần gấp rút ban hành Luật về dữ liệu cá nhân, làm nền tảng pháp lý cho việc xác định các quyền, và xác lập nghĩa vụ của các chủ thể trong tiến trình thu thập, xử lý, khai thác thông tin, dữ liệu liên quan đến cá nhân. Trên cơ sở này, ngành Y tế sẽ ban hành các quy định, tiêu chuẩn riêng cho lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khoẻ.

"Đây là thời điểm chín muồi để xây dựng luật và Chính phủ nên sớm giao cho Bộ Tư pháp chủ trì chuẩn bị đề xuất với Quốc hội cho công tác này. Trong vấn đề khai thác dữ liệu, nên ưu tiên trước cho việc khai thác dữ liệu y tế của người bệnh, hiện nay đang được giao cho các bệnh viện quản lý. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với bộ Tư pháp, TT&TT, BHXH Việt Nam nên phối hợp xây dựng cơ chế 'sandbox' để thí điểm cơ chế pháp lý và kỹ thuật nhằm khai thác khối dữ liệu có giá trị này", ông Đồng nhấn mạnh.

Ông Đồng còn cho rằng, ở góc độ tiếp cận chính sách, chúng ta cần tránh cách nhìn nhận cực đoan rằng, cứ khai thác dữ liệu y tế là xâm phạm đến quyền riêng tư; và do đó, phải "đóng kín" dữ liệu mới có thể bảo vệ được dữ liệu.

Thực tiễn cho thấy tình trạng ngược lại, khi nhu cầu khai thác dữ liệu y tế trên thị trường là có thực, nếu không hợp pháp hóa và có một hành lang pháp lý rõ ràng cho tiếp cận, khai thác dữ liệu, thì bản thân dữ liệu sẽ bị mua bán trái phép "trong bóng tối". Khi đó dữ liệu vừa bị mất, quyền riêng tư không được bảo vệ, mà lợi ích tổng thể của chuyển đổi số y tế cũng không đạt được.

Với những lợi ích từ việc dữ liệu y tế mang lại, ông Đồng đưa ra các khuyến nghị, Bộ Y tế cần chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế sandbox để khai thác hiệu quả dữ liệu y tế của người bệnh đang được giao cho các bệnh viện quản lý.

Bên cạnh đó, đối với vấn đề pháp lý, cần xác định và trả lời được câu hỏi: quyền và nghĩa vụ đối với dữ liệu y tế của từng nhóm đối tượng? chủ thể dữ liệu/người sử dụng dịch vụ/người bệnh? cơ sở cung cấp dịch vụ y tế?… khi xác định được chủ thể và phạm vi quyền của từng nhóm đối tượng thì mới xác định được phạm vi khai thác dữ liệu.

Đặc biệt, khi xây dựng chiến lược và khung khổ pháp lý cho dữ liệu y tế số, nhất thiết cần có sự tham gia của tất cả các bên liên quan. Ngoài cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò lãnh đạo, chủ trì, các đơn vị cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh là đơn vị thực thi, các đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ là bên nhà thầu, cần có sự tham gia góp ý của các chuyên gia luật nhân quyền, nhà nghiên cứu chính sách, sự giám sát của các tổ chức xã hội dân sự, tham khảo ý kiến của người dân.

Về mặt kỹ thuật, phải chuẩn hóa dữ liệu, kết nối dữ liệu, phân loại dữ liệu và chuẩn bị cho mở và khai thác. Cần chuẩn chuyên ngành, đặc thù quản lý dữ liệu y tế để bảo vệ quyền riêng tư của chủ thể dữ liệu.

Chúng ta cũng nên tham khảo và học hỏi từ các mô hình chiến lược dữ liệu của Mỹ, Anh, EU… Quy định chung về bảo vệ dữ liệu cá nhân (GDPR) mà EU đang thực hiện là một mô hình mẫu, mô hình khung pháp lý HIPAA của Mỹ là tiêu chuẩn của dữ liệu y khoa phân rõ quyền và nghĩa vụ của từng nhóm đối tượng cụ thể trong hệ sinh thái y tế….

Như vậy, với các ý kiến và đề xuất nêu trên, chúng ta luôn tin tưởng khi có một chiến lược toàn diện cho chuyển đổi số y tế, trong đó trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý về dữ liệu số y tế sẽ góp phần mang đến những giá trị thụ hưởng tốt nhất cho người dân, nâng cao chất lượng việc khám, chữa bệnh.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Muốn ngành Y phát triển: Cần hoàn thiện khung khổ pháp lý về dữ liệu số y tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO