Kinh tế số

Năm 2024, phát triển kinh tế số với 4 trụ cột

QA 21:35 28/12/2023

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ chủ đề chuyển đổi số (CĐS) năm 2024 là: Phát triển kinh tế số (KTS) với 4 trụ cột công nghiệp CNTT, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) nhanh và bền vững.

Chiều ngày 28/12, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) đã tổ chức phiên họp thứ 7, tổng kết hoạt động năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Uỷ ban đã Chủ trì.

Dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia về CĐS; Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về CĐS; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

uy-ban-cds-quoc-gia-7.jpeg
Toàn cảnh phiên họp lần thứ 7 Uỷ ban CĐS Quốc gia

Người dân, doanh nghiệp (DN) được hưởng nhiều lợi ích

Theo Bộ TT&TT, năm 2023, thực hiện Chương trình CĐS quốc gia, Chiến lược quốc gia phát triển chính phủ số, KTS và xã hội số với 62 mục tiêu, đã có 18 mục tiêu đã hoàn thành (đạt 29%), 27 mục tiêu có khả năng hoàn thành cao (chiếm 43,5%) và 17 mục tiêu cần phải nỗ lực tập trung mới có thể hoàn thành đúng hạn (chiếm 27,5%). Kế hoạch năm 2023 đặt ra 126 nhiệm vụ, 102 nhiệm vụ đã hoàn thành, đạt tỉ lệ 81%.

Triển khai Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư, Bộ Công an đã kết nối, chia sẻ dữ liệu cho 15 bộ, ngành, 63 địa phương, 4 doanh nghiệp (DN), phục vụ hơn 1,3 tỷ lượt yêu cầu tra cứu, 537 triệu lượt đồng bộ thông tin. Hiệu quả của việc khai thác dữ liệu dân cư đã tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện các dịch vụ công (DVC).

Ví dụ, việc đăng ký khám chữa bệnh đã được giảm thời gian từ 10 phút đến vài giờ còn khoảng 10 giây; thời gian đón tiếp bệnh nhân ước tính giảm được hơn 1 giờ so với trước; rút ngắn thời gian chờ cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ em dưới 6 tuổi từ 5 ngày xuống còn 2 ngày; rút ngắn thời gian giải quyết hưởng mai táng phí từ 10 ngày xuống còn 7 ngày.

Dịch vụ cấp hộ chiếu phổ thông do Bộ Công an cung cấp đã tiếp nhận trên 2,15 triệu hồ sơ, trong đó có 1,98 triệu hồ sơ trực tuyến, đạt tỉ lệ trên 95%. Hộ chiếu sẽ được gửi theo đường bưu chính công ích về tận nhà. Dịch vụ thông báo lưu trú do Bộ Công an cung cấp đã tiếp nhận 4.919.882 hồ sơ, trong đó có 4.912.994 hồ sơ trực tuyến, đạt tỉ lệ 99,9%.

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, năm 2023, 94% học sinh đã đăng ký theo hình thức trực tuyến. Các thông tin cơ bản đã được đồng bộ và điền tự động vào biểu mẫu, học sinh không cần nhập lại dữ liệu đã có trong CSDL quốc gia về dân cư và CSDL chuyên ngành.

Tính đến tháng 12/2023, số lượng hóa đơn điện tử (HĐĐT) cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý là hơn 5,5 tỷ hóa đơn, trong đó có hơn 1,6 tỷ hóa đơn có mã, gần 4 tỷ hóa đơn không mã. Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh giải pháp triển khai HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền đối với dịch vụ ăn uống, chống thất thu thuế, thất thu ngân sách. Đến tháng 12/2023, đã có hơn 36.400 DN, hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền thành công, với số lượng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là khoảng 58 triệu hóa đơn.

Việc giải quyết thủ tục hành chính ở một số địa phương có sự thay đổi đột phá. Ví dụ tháng 6/2023, Quảng Ninh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án đầu tư của DN có tổng mức vốn đầu tư gần 250 triệu USD chỉ trong 12 giờ làm việc kể từ thời điểm nhà đầu tư nộp hồ sơ trực tuyến qua cổng DVC của tỉnh, rút ngắn thời gian 14 ngày làm việc so với quy định.

Hà Nội là địa phương đầu tiên ban hành Nghị quyết của HĐND về chính sách áp dụng mức thu phí, lệ phí bằng 0 khi tổ chức, cá nhân thực hiện nộp hồ sơ theo hình thức trực tuyến đối với 82 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố.

Lào Cai ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách ưu đãi đối với công chức, viên chức chuyên trách về CNTT, CĐS, áp dụng đối với công chức, viên chức làm việc tại cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện với mức hỗ trợ lên đến 150 triệu đồng/người/lần; hỗ trợ đào tạo và đãi ngộ với mức hỗ trợ lên đến 5,4 triệu đồng/người/tháng.

Với những kết quả đạt được, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định CĐS quốc gia được đẩy mạnh theo hướng toàn dân, toàn diện. Năm Dữ liệu số quốc gia 2023 đã tạo những nền tảng cơ bản trong tạo lập và chia sẻ dữ liệu trong cơ quan nhà nước, tạo nền móng cho phát triển cả 3 trụ cột là chính phủ số, KTS, xã hội số.

Thủ tướng nhấn mạnh 6 kết quả chính:

Thứ nhất, đánh giá quốc tế về CĐS của Việt Nam đạt nhiều kết quả tích cực. Chỉ số Đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2023 đứng thứ 46/132, tăng 2 bậc so với năm 2022, liên tiếp duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu từ năm 2018 đến nay (theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO). Chỉ số Bưu chính của Việt Nam năm 2023 đạt cấp độ 6/10, tăng 1 cấp độ so với năm 2021, đứng thứ 38 (theo Liên minh Bưu chính Thế giới - UPU).

Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022, 2023); thương mại điện tử tăng 11%, kinh tế số du lịch tăng 82%, thanh toán số tăng 19% (theo Google, Temasek). Theo ước tính của Bộ TT&TT, KTS năm 2023 đã đóng góp khoảng 16,5% GDP.

Thứ hai, Năm Dữ liệu số quốc gia đạt nhiều thành tích quan trọng. Các CSDL quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ; tạo tiện ích trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, DN (quản lý dân cư, đăng ký DN, bảo hiểm, hộ tịch điện tử...).

Đặc biệt, CSDL quốc gia về dân cư được đẩy mạnh, đem lại hiệu quả thiết thực. Hoàn thành cấp 100% CCCD gắn chip cho công dân đủ điều kiện; cấp trên 70 triệu tài khoản định danh điện tử; Đẩy mạnh sử dụng ứng dụng VneID, tích hợp 2,2 triệu dữ liệu đăng ký phương tiện, 10,2 triệu dữ liệu giấy phép lái xe, 16,8 triệu dữ liệu BHYT; Đã kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với 15 bộ, ngành, 63 địa phương và 3 DN viễn thông; triển khai 38/53 DVC thiết yếu, giúp tiết kiệm hằng năm trên 2.500 tỷ đồng.

Thứ ba, công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tạo khuôn khổ cho CĐS quốc gia được triển khai tích cực, hiệu quả. Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Viễn thông (sửa đổi), Luật Căn cước; Chính phủ, Thủ tướng ban hành 4 nghị quyết, 1 nghị định, 7 quyết định, 6 chỉ thị. Đã có 50/63 tỉnh, thành phố ban hành chính sách miễn, giảm phí, lệ phí sử dụng DVC trực tuyến (DVCTT).

Thứ tư, triển khai DVCTT được đẩy mạnh, đem lại hiệu quả thiết thực, từng bước xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và DN. Đã có hơn 11,2 triệu tài khoản và hơn 35,4 triệu hồ sơ nộp trên Cổng DVC quốc gia.

Thứ năm, phát triển hạ tầng số đạt nhiều kết quả tích cực. Gần 80% người dân Việt Nam sử dụng Internet. Hiện đã phủ sóng di động tại 2.233/2.853 (chiếm 78%) điểm lõm sóng (620 điểm còn lại sẽ phải hoàn thành trong 2024). Thử nghiệm mạng di động 5G tại hơn 50 tỉnh, thành phố. Các trung tâm dữ liệu (TTDL) tiếp tục được đẩy mạnh xây dựng ở cả khu vực công và tư; Chính phủ đã phê duyệt Đề án xây dựng TTDL quốc gia, 13 DN xây dựng 45 TTDL.

Thứ sáu, an ninh mạng, an toàn thông tin (ATTT) ngày càng được coi trọng. Có 65% hệ thống thông tin được xác nhận bảo vệ ATTT theo cấp độ. Gần 4.800 trang web của cơ quan Nhà nước được đánh giá và dán nhãn tín nhiệm mạng.

Từ những kết quả triển khai CĐS năm 2023, Thủ tướng rút ra 4 bài học kinh nghiệm quý báu: (1) sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị; (2) lấy người dân, DN là chủ thể, là trung tâm của CĐS quốc gia; (3) xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý về CĐS quốc gia, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; (4) luôn giữ vững kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân.

Phát triển KTS dựa trên 4 trụ cột

Thủ tướng nêu rõ chủ đề CĐS năm 2024 là: Phát triển KTS với 4 trụ cột công nghiệp CNTT, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số và dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển KT - XH nhanh và bền vững.

tt-pham-minh-chinh.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu chủ đề CĐS năm 2024 là phát triển KTS với 4 trụ cột

Thủ tướng nêu rõ phát triển KTS phải lấy tri thức và dữ liệu số làm yếu tố sản xuất chủ yếu, công nghệ số làm động lực cốt lõi và hạ tầng số hiện đại làm nền tảng quan trọng để đẩy nhanh công cuộc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và mô hình quản trị văn minh, hiện đại thực hiện khát vọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phát huy tính chủ động, sáng tạo; huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng DN để phát triển KTS; Xây dựng cơ chế, chính sách nhằm tận dụng mọi nguồn lực nhằm phát triển mạnh mẽ hạ tầng số, ứng dụng số, dữ liệu số đồng bộ, hiện đại, có tính liên thông, kết nối cao làm cơ sở cho phát triển TMĐT, dịch vụ số thuận tiện, chất lượng cao, chi phí hợp lý.

Phát triển KTS một cách tổng thể, toàn diện, nhưng phải ưu tiên chất lượng hơn là chạy theo số lượng; tập trung vào 4 ưu tiên chính: Ưu tiên phát triển công nghiệp CNTT-TT (đây là ngành công nghiệp chủ đạo, cung cấp công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, giải pháp, nội dung số cho phát triển KTS); Ưu tiên số hóa các ngành kinh tế gắn với tăng năng suất lao động xã hội, sản lượng, quản lý và đổi mới sáng tạo (đây là mặt trận chính cho sự phát triển của nền KTS, mở ra không gian phát triển mới); Ưu tiên quản trị số (đảm bảo cho sự phát triển nhanh chóng và lành mạnh của nền KTS); Ưu tiên phát triển dữ liệu số (là yếu tố sản xuất then chốt trong sự phát triển của nền KTS).

Theo Thủ tướng, chuyển sang phát triển nền KTS, chúng ta phải có vốn mới (công nghệ tài chính), lao động mới (robot thông minh, in 3D…), tài nguyên mới (dữ liệu số, điện toán đám mây, công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, ý tưởng mới như chuỗi khối).

Đẩy mạnh số hóa các ngành kinh tế

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024, Thủ tướng đề nghị Ủy ban Quốc gia về CĐS và Ban Chỉ đạo CĐS của các bộ, ngành, địa phương khẩn trương ban hành kế hoạch CĐS năm 2024 của Ủy ban, các bộ, ngành, địa phương và tổ chức triển khai thực hiện với chủ đề đã xác định... Hoạt động của Ủy ban và các Ban Chỉ đạo phải thực chất, không hoạt động hình thức, chung chung.

Thủ tướng giao Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, xây dựng văn bản pháp lý về công nghiệp công nghệ số, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội trong năm 2024; sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký; xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông (sửa đổi); khẩn trương hoàn thiện và trình ban hành các Chiến lược về phát triển vi mạch bán dẫn, ứng dụng chuỗi khối, dữ liệu số…

Bộ TT&TT xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát, đo lường, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban CĐS quốc gia để đôn đốc trong quá trình triển khai và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thành trong quý I/2024.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT sớm hoàn thiện và ban hành phương pháp đo lường đóng góp giá trị gia tăng của kinh tế số trong tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam.

Thủ tướng cũng giao các bộ, ngành thực hiện những nội dung liên quan như Bộ Công an nghiên cứu, tham mưu đề xuất xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; hoàn thành trong năm 2024.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sớm hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng; hoàn thành trong quý II/2024.

Bộ Tài chính xây dựng, ban hành và trình ban hành chính sách, quy định để thúc đẩy áp dụng HĐĐT trên phạm vi cả nước ở tất cả các ngành, lĩnh vực, đẩy mạnh số hóa việc thu thuế, phí, lệ phí, nhất là dịch vụ ăn uống, xăng dầu…

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có phương án xử lý đối với 558 thủ tục hành chính chưa được cắt giảm, đơn giản hóa theo 19 nghị quyết của Chính phủ; hoàn thành trong quý I/2024.

Thủ tướng đề nghị các đồng chí Phó Thủ tướng phụ trách các ngành, lĩnh vực tổ chức các phiên họp chuyên đề của Ủy ban CĐS quốc gia về số hóa các ngành kinh tế; Nâng cao hiệu quả thực hiện DVCTT, nhất là 53 DVC thiết yếu, nâng cao tỷ lệ xử lý hồ sơ trực tuyến, số hóa kết quả, số hóa hồ sơ và tái sử dụng dữ liệu.

Thủ tướng cũng yêu cầu phát triển hạ tầng số quốc gia, tập trung xây dựng TTDL quốc gia; khẩn trương nâng cấp đường trục quốc gia để sớm thương mại hóa 5G trong năm 2024. Hạ tầng số phải đi trước; xóa vùng lõm sóng di động trên phạm vi toàn quốc; phấn đấu 100% thôn, bản được cung cấp cáp quang…

Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh cần triển khai hiệu quả và phát triển các nền tảng số, ứng dụng số, dịch vụ số, tập trung phát triển và đẩy mạnh phát triển nền tảng trí tuệ nhân tạo, trợ lý ảo, ứng dụng công dân số VNeID, ứng dụng thanh toán số, HĐĐT, hợp đồng điện tử, chữ ký số…/.

Bài liên quan
  • Dịch vụ công trực tuyến phải toàn trình, thực chất
    Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng giải đáp trực tiếp nhiều kiến nghị, vướng mắc của các địa phương, doanh nghiệp (DN) công nghệ, cơ quan báo chí tại Chương trình lãnh đạo Bộ TT&TT với Giám đốc Sở TT&TT, cơ quan báo chí, xuất bản và hội, hiệp hội, DN trong lĩnh vực TT&TT.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Năm 2024, phát triển kinh tế số với 4 trụ cột
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO