Tới 70% công việc mà AI có thể gây tác động là do phụ nữ đảm nhiệm
Theo một báo cáo của Goldman Sachs, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) có thể sẽ ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn. Đặc biệt, phụ nữ ở các nền kinh tế lớn của châu Á bị tác động nhiều hơn do sự chênh lệch giới tính trong lực lượng lao động.
Theo báo cáo Women (Still) Hold Up Half the Sky của Goldman Sachs vừa phát hành tháng 6/2023, phụ nữ có nhiều khả năng bị tác động mạnh hơn bởi những thay đổi mà AI mang lại do loại hình công việc họ làm. Phụ nữ thường làm việc trong các lĩnh vực dịch vụ nhiều hơn nam giới và ít làm việc trong các lĩnh vực mà AI có thể gây tác động ít hơn, chẳng hạn như xây dựng và bảo trì.
Từ 60 - 70% công việc mà AI có thể gây tác động là do phụ nữ đảm nhiệm. “Phần lớn những người thuộc nhóm công việc tiếp xúc nhiều với AI là phụ nữ”, báo cáo nêu rõ, đồng thời cho biết thêm tác động của AI có thể cao hơn ở các thị trường phát triển so với các thị trường mới nổi, do tỷ lệ việc làm trong lĩnh vực dịch vụ cao hơn ở các thị trường này.
Theo một báo cáo gần đây của nhà tuyển dụng CNTT Venturenix, trung tâm dịch vụ tài chính Hong Kong có thể chứng kiến 1/4 lực lượng lao động của họ bị thay thế vào năm 2028, khiến 800.000 người Hong Kong mất việc làm.
Hơn nữa, việc thiếu phụ nữ trong ngành AI đặt ra thách thức đối với bình đẳng giới trong tương lai, theo báo cáo của Goldman Sachs, vì phụ nữ hiện chỉ chiếm 20% trong số các chuyên gia về AI và dữ liệu.
Theo Báo cáo khoảng cách giới tính toàn cầu năm 2023 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), lĩnh vực giáo dục có nhiều tài năng AI nữ nhất, chiếm 40% tổng số. Nữ tài năng AI trong các lĩnh vực như công nghệ, thông tin, truyền thông và sản xuất vẫn ở mức dưới 25% trong tổng số.
Tuy nhiên, một lĩnh vực tích cực đối với phụ nữ, theo báo cáo của Goldman Sachs, là trong một số ngành do phụ nữ thống trị, chẳng hạn như lĩnh vực dịch vụ chăm sóc, AI có thể sẽ hỗ trợ mọi người làm việc hiệu quả hơn và sẽ ít có sự thay thế việc làm hơn.
Trong khi đó, phụ nữ ở các nền kinh tế lớn của châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn phải chịu khoảng cách giới về tỷ lệ tham gia công việc và tiền lương.
Ở Ấn Độ và Trung Quốc, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ (LFPR) được ghi nhận đã giảm mạnh trong thập kỷ qua. LFPR của Ấn Độ đã giảm hơn 10%, với chỉ 20% phụ nữ trong độ tuổi lao động có việc làm.
Trung Quốc cũng chứng kiến mức giảm hơn 5%, khiến tỷ lệ LFPR của nước này vào khoảng 60%. Nhưng tỷ lệ này vẫn cao hơn so với một số nước phát triển lớn như Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ý.
Theo báo cáo, Nhật Bản và Hàn Quốc có khoảng cách tiền lương theo giới tính lớn nhất trong số các nền kinh tế phát triển, mặc dù cả hai nước đã chứng kiến sự thu hẹp khoảng cách đáng kể trong thập kỷ qua.
Trong khi đó, Trung Quốc và Nhật Bản vẫn có ít nữ lãnh đạo hơn so với các nền kinh tế lớn khác như Mỹ, Đức, Anh và Pháp. Theo báo cáo, ở hai quốc gia này, nữ lãnh đạo trong các công ty đại chúng lớn chiếm khoảng 15% tổng số, trong khi con số này ở mức khoảng 40% ở các nước lớn phương Tây.
Theo dữ liệu của WEF năm 2022, Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ nằm trong số các nền kinh tế lớn có thứ hạng thấp nhất về mức độ tham gia kinh tế và chỉ số cơ hội dành cho phụ nữ. Ba quốc gia này lần lượt xếp thứ 115, 121 và 143 trong tổng số 146 quốc gia. Trung Quốc đứng thứ 45.
Ngược lại, các nước Đông Nam Á như Lào, Thái Lan, Philippines, Singapore, Việt Nam, Brunei Darussalam, Timor-Leste và Campuchia có sự tham gia kinh tế tích cực hơn của phụ nữ, lần lượt xếp thứ 1, 15, 16, 28, 31, 49, 55 và 61./.