Tháng trước, Indonesia đã thông qua luật yêu cầu các công ty Internet lớn phải trả thuế VAT cho việc bán các sản phẩm và dịch vụ số từ tháng 7. Trong khi đó, một cơ quan lập pháp ở Phillipines đã đưa ra dự luật tương tự tại quốc hội để đánh thuế các dịch vụ số.
Phó phát ngôn viên chính phủ Thái Lan Ratchada Thanadirek thông báo cho các phóng viên: Dự thảo luật này của Thái Lan vẫn phải được Quốc hội Thái Lan bỏ phiếu. Theo đó, các công ty không có cơ sở thường trú tại quốc gia này nhưng thu được hơn 1,8 triệu baht (57.434,59 USD) mỗi năm từ việc cung cấp dịch vụ số tại đây sẽ trả thuế VAT 7% các dịch vụ được bán ra.
Thái Lan dự kiến sẽ thu thêm khoảng 3 tỷ baht (95,72 triệu USD) cho kho bạc hàng năm từ việc này, điều này sẽ tác động đến các dịch vụ như phát nhạc và video, chơi game và đặt phòng khách sạn.
Thái Lan, nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á, đã nghiên cứu đánh thuế các doanh nghiệp số trong nhiều năm, với hy vọng khai thác nền kinh tế Internet của đất nước, một trong những nước phát triển nhanh nhất trong khu vực.
Thanawat Malabuppha, Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Thái Lan, trao đổi với Reuters là ông hoan nghênh động thái này, vì nó sẽ giúp tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp Thái Lan.
"Bất cứ ai thu được tiền từ người dân Thái đều phải trả thuế cho đất nước", ông cho biết.
Các nhà phân tích cho hay đại dịch Covid-19 đã làm thúc đẩy các chính phủ trên toàn thế giới thực hiện đánh thuế các công ty Internet, khi những công ty này có thêm doanh thu khi người dân ở nhà trong dịp giãn cách xã hội.
Gần 140 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đang đàm phán việc sửa đổi các quy định về thuế lớn lần đầu tiên khi có sự trỗi dậy của các đại gia công nghệ như Amazon, Facebook, Apple và Google.
Các cơ quan quản lý ở Đông Nam Á đã tổ chức các cuộc hội thảo lấy ý kiến vào năm ngoái trong một nỗ lực toàn khu vực để đánh thuế các đại gia công nghệ nhiều hơn, trong khi các công ty đã cảnh báo việc điều tiết quá mức có thể làm chậm nền kinh tế số đang bùng nổ.