Theo báo cáo mới của IDC được ủy quyền bởi nền tảng thanh toán toàn cầu 2C2P và hiệp hội thành viên toàn cầu dành cho các chuyên gia thanh toán và phòng chống gian lận thuộc Hội đồng Rủi ro Thương mại (MRC), nền kinh tế số đang trong giai đoạn phát triển bùng nổ của Đông Nam Á.
Tuy nhiên đi cùng với đó là các mối đe dọa và lỗ hổng bảo mật mới nổi sẽ tạo ra rủi ro gian lận cao. Điều hướng không gian đang phát triển nhanh chóng này đặt ra yêu cầu các công ty phải tận dụng những cải tiến bảo mật và công nghệ thanh toán thích hợp để tối ưu hóa sự tăng trưởng cũng như bảo vệ bản thân và khách hàng khỏi hành vi gian lận.
Báo cáo "Phương thức người dùng Đông Nam Á mua hàng và thanh toán năm 2022: Cơ hội, kết nối và rủi ro mới", đã nêu bật những cơ hội và rủi ro đang nổi lên trên khắp Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Cụ thể, báo cáo cho biết mức chi tiêu cho nền kinh tế số sẽ tăng 121% vào năm 2026 và dịch vụ thanh toán số sẽ tăng từ 80% trong năm 2020 lên 92% tổng chi tiêu cho nền kinh tế số vào năm 2026. Đến năm 2026, 426 triệu người dùng ở Đông Nam Á sẽ sử dụng ví điện tử, chiếm 62% tổng dân số.
Với hình thức thanh toán Mua trước trả sau (BNPL) đang ngày càng cho thấy tầm quan trọng, mức chi tiêu cho BNPL mở rộng thêm 9,8 tỷ USD, tăng 3,5 lần so với năm 2021.
Giao thức Thanh toán theo thời gian thực (RTP) sẽ định hình bối cảnh thanh toán Đông Nam Á trong tương lai, với giá trị giao dịch tăng 8X từ 1.428,6 tỷ USD lên 12.978,7 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2026.
Trong khi đó, báo cáo cũng cho biết, năm 2021, cứ 4 người dùng Internet ở Đông Nam Á thì có 1 người là nạn nhân của hành vi gian lận.
Với nhu cầu cần hỗ trợ những phương thức thanh toán mới, chẳng hạn như ví điện tử, RTP và BNPL của các DN, điều này tiếp tục tạo ra sự phức tạp trong quản lý và hoạt động thanh toán. Cách thức thanh toán tại mỗi thị trường Đông Nam Á cũng có những đặc điểm riêng biệt, kéo theo đó là những lỗ hổng cho từng khu vực. Bất kỳ DN nào hoạt động trong khu vực đều yêu cầu khả năng bản địa hóa và hiểu biết nâng cao để cung cấp cho khách hàng các tùy chọn thanh toán phù hợp.
Ngoài ra, với sự đa dạng tại các thị trường và mức độ rủi ro khác nhau, những tác nhân xấu đã điều chỉnh hoạt động của riêng họ để phù hợp với các điểm yếu.
5 đề xuất để lựa chọn đối tác thanh toán vào năm 2022
Với nền kinh tế số được dự báo phát triển nhanh chóng, bên cạnh những cơ hội và tiềm năng lớn thì nguy cơ rủi ro cũng không kém.
IDC Infobrief đã đưa ra 5 đề xuất để lựa chọn đối tác thanh toán vào năm 2022: Hỗ trợ tốt hơn trong nội khối ASEAN, đặc biệt là đối với các khoản thanh toán xuyên biên giới; Quen dần với sự phức tạp của khu vực; Khả năng nhận biết và chống lại các mối đe dọa mới; Cung cấp công nghệ để xác thực chính xác hơn; và củng cố thông tin chuyên sâu toàn cầu để luôn cập nhật các mối đe dọa mới nhất và các phương thức thực hành tốt nhất.
Bà Julie Fergerson, Giám đốc điều hành MRC, cho biết: "Đông Nam Á tạo ra nhiều hứa hẹn thú vị khi nền kinh tế số tiếp tục phát triển lên một tầm cao mới. Tuy nhiên, cùng với sự tăng trưởng này, mối đe dọa gian lận đang nổi lên đe dọa các DN và người tiêu dùng trên toàn khu vực. Các công ty cần nhanh chóng phát triển những biện pháp linh hoạt để chống lại mối đe dọa từ những kẻ lừa đảo".
Theo đó, IDC Infobrief đã kịp thời nêu bật những cách thức phù hợp để các DN có thể giảm thiểu rủi ro gian lận bằng cách xác định đối tác thanh toán tốt nhất để hỗ trợ hành trình tăng trưởng của họ.
Trong khi đó, ông Aung Kyaw Moe, Người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành 2C2P chia sẻ: "Khi chúng ta tiếp tục chứng kiến nền kinh tế số của khu vực ngày càng mở rộng và trở nên phức tạp hơn, chắc chắn rằng các DN sẽ phải đối mặt với những gian lận và lỗ hổng bảo mật mới. 2C2P quyết tâm giữ vững các khoản thanh toán liên tục và an toàn trong khu vực đa dạng này, đảm bảo thực hiện thanh toán số dễ dàng trong khi vẫn duy trì tính an toàn cho khách hàng và người bán"./.