Nền tảng An Vui: Ra đời từ “nỗi đau” không muốn thị trường xe khách đường dài rơi vào tay nước ngoài

Thế Phương| 26/04/2021 16:23
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo ông Phan Bá Mạnh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ An Vui, nền tảng An Vui ra đời từ “nỗi đau” khi chứng kiến thị trường taxi rơi vào tay nước ngoài. Cần phải có một nền tảng giúp các hãng xe chuyển đổi số (CĐS), để có thể giữ lại thị phần cho các doanh nghiệp (DN) nội, tránh “vết xe đổ” có thể xảy ra với thị trường xe khách đường dài.

Nền tảng AN VUI: Ra đời từ “nỗi đau” không muốn thị trường xe khách đường dài rơi vào tay nước ngoài - Ảnh 1.

Giúp DN tiết kiệm 30% chi phí nhân sự, tăng 30% doanh thu

Ông Phan Bá Mạnh, CEO An Vui cho biết, ý tưởng sản phẩm nền tảng chuyển đổi số ngành vận tải An Vui ra đời từ năm 2015, khi các DN taxi truyền thống tại Việt Nam bắt đầu đứng trước nguy cơ bị các hãng công nghệ nước ngoài như Grab, Uber… chiếm thị phần.

Nhận thấy sự chậm thay đổi đã đẩy DN taxi đứng trước nguy cơ thất thế trên sân nhà, An Vui đã ra đời với mục tiêu trở thành đơn vị công nghệ Việt Nam cung cấp nền tảng cho DN vận tải, giúp các đơn vị này chuyển đổi số trước cuộc CMCN 4.0. 

"Tôi cảm thấy lo ngại nếu các hãng nước ngoài tham gia vào thị trường xe khách đường dài thì ai sẽ giúp các hãng xe nội chuyển đổi số, để có thể giữ lại thị phần và miếng bánh cho các DN trong nước. Vì thế, sự ra đời của An Vui sẽ giúp các nhà xe số hóa toàn bộ quy trình hoạt động của mình, thông qua hệ thống các công nghệ như quản lý bán vé, quản lý tổng đài, quản lý hàng hoá… ", ông Mạnh khẳng định.

Theo ông Mạnh, sau gần 2 năm nghiên cứu và phát triển sản phẩm, nền tảng An Vui đã chính thức công bố ngày 01/07/2017. Mặc dù thị trường xe khách liên tỉnh được cho rằng đầy tiềm năng nhưng cũng có rất nhiều thách thức, nhất là với một DN công nghệ như An Vui.

Nền tảng AN VUI: Ra đời từ “nỗi đau” không muốn thị trường xe khách đường dài rơi vào tay nước ngoài - Ảnh 3.

Sau 2 năm "thai nghén", An Vui đã chính thức ra mắt thị trường vào ngày 1/7/2017.

Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao độ của cả công ty và sẵn sàng lao vào thực tế cùng với DN vận tải, An Vui đã chứng minh cho khách hàng thấy được những lợi ích khi ứng dụng An Vui vào hoạt động sản xuất kinh doanh. "Cụ thể sau khi áp dụng An Vui nhà xe có thể tiết kiệm 30% chi phí nhân sự, 60% chi phí giao tiếp giữa các bộ phận, đồng thời tăng 30% doanh thu bán vé do hoạt động marketing và hỗ trợ phát triển thương hiệu đến hành khách", ông Mạnh bày tỏ.

Dũng cảm dùng An Vui, Interbuslines hái "quả ngọt"

Kể về khách hàng đầu tiên của mình là Interbuslines – nhà xe hoạt động vận tảu hành khách du lịch từ Hà Nội đi Sapa, ông Mạnh cho biết, trước khi ứng dụng An Vui, hãng xe này đang đứng trước khó khăn làm ăn thua lỗ. Khi đó, An Vui đã tiếp cận và đặt vấn đề sẵn sàng cung cấp miễn phí cho nhà xe và cho người đến trực tiếp nhà xe để làm việc nếu hiệu quả kinh doanh tăng thêm 10 đồng thì công ty xin nhận 1 đồng.

Với đề xuất đó, Interbuslines đã đồng ý để An Vui đưa giải pháp của mình vào thay thế hệ thống phần mềm hiện tại. Thời gian đầu là giai đoạn thách thức rất lớn. Việc đưa công nghệ vào khiến hàng loạt các thói quen cũ bị thay đổi, ban đầu tất cả đều phản đối, thậm chí có nhân sự còn xin nghỉ việc. Nếu người lãnh đạo không đủ quyết liệt và quyết tâm thì rất khó để An Vui có thể tiếp cận được. "Điều may mắn cho An Vui là Chủ tịch của Interbuslines Nguyễn Thanh Tùng đã rất tin tưởng và ủng hộ sự thay đổi", ông Mạnh cho biết..

Sau đó, An Vui bắt đầu giải quyết từng khâu một trong quá trình vận hành của Interbuslines, đầu tiên là việc vận hành. Trong quá trình tìm hiểu, An Vui nhận thấy một vấn đề là việc chỉ lên lịch chạy mà không quan tâm tới việc tối ưu hiệu quả dẫn đến hệ số trống ở các chuyến xe tăng cao do việc hành khách thường xuyên đặt vé sát giờ.

Trên cơ sở đó, An Vui đã tư vấn cũng như cung cấp hệ thống phần mềm để Interbuslines mở rộng các đại lý bán vé để có thể bán trước các chuyến du lịch, cũng như chủ động đặt vé bằng cách liên tục cập nhật tình hình giá cả, thời gian xe chạy. Điều này giúp cho Interbuslines vừa có khả năng thu trước tiền vé vừa thoải mái sắp xếp lịch chạy sao cho tối ưu nhất. Đồng thời, từ dữ liệu thống kê, An Vui còn giúp Interbuslines có những chương trình chăm sóc và nâng cao trải nghiệm của khách hàng.

Nền tảng AN VUI: Ra đời từ “nỗi đau” không muốn thị trường xe khách đường dài rơi vào tay nước ngoài - Ảnh 6.

An Vui đã cung cấp hệ thống phần mềm đặt vé để Interbuslines có thể bán trước các chuyến du lịch, giúp công ty vừa thu trước tiền vé vừa thoải mái sắp xếp lịch chạy sao cho tối ưu nhất.

Chính điều này đã giúp cho Interbuslines giảm đi 30% lực lượng nhân sự làm việc vì hầu hết khách hàng đều đặt vé online. Chi phí lương cũng giảm đi 30% nhưng doanh thu lại tăng hơn 60%.

Doanh thu tăng, chi phí lại giảm dẫn đến lợi nhuận kinh doanh của Interbuslines tăng đột biến, điều này mang lại sự hưng phấn rất lớn cho khách hàng nhưng cũng đồng nghĩa với việc chi phí phần mềm mà Interbuslines phải trả cho An Vui nhiều hơn so cam kết ban đầu mà An Vui đưa ra, lên đến cả 100 triệu đồng/tháng. Vì thế, An Vui đã có sự điểu chỉnh lại chi phí theo tính năng mà Interbuslines sử dụng, bởi vì, chính họ là khách hàng đã giúp cho sản phẩm củaAn Vuicải tiến lên rất nhiều, thông qua đó các DN vận tải khác lại liên hệ và đặt hàng.

Nhận xét về nền tảng An Vui, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch Interbuslines cho biết, từ khi ứng dụng An Vui vào quản lý và điều hành Interbuslines, doanh thu của công ty tăng 200% sau 2 năm sử dụng. Đồng thời, Interbuslines có thể chủ động mở các đại lý phân phối vé tới hành khách và giảm tới 1/3 số lượng lao động.

Sau 6 năm đã có hơn 4.000 xe khách ứng dụng An Vui

Cũng theo ông Mạnh, từ những khách hàng đầu tiên như Interbuslines, số lượng khách hàng của An Vui đã tăng trưởng rất lớn. Sau 6 năm vận hành, An Vui đã có hơn 150 DN vận tải quy mô lớn sử dụng cùng hơn 4.000 xe ô tô khách đang hoạt động với hàng triệu hành khách đang được hưởng lợi từ việc số hóa hoạt động kinh doanh vận tải của nhà xe.

Nền tảng AN VUI: Ra đời từ “nỗi đau” không muốn thị trường xe khách đường dài rơi vào tay nước ngoài - Ảnh 8.

Khó khăn nhất hiện nay đối với An Vui là là làm thế nào để công ty có cơ hội gặp mặt và trao đổi tư vấn cho các hãng xe.

Tuy nhiên, một vấn đề hiện nay là phần lớn các tuyến xe khách cố định hiện nay đều theo dạng khách quen. Theo ông Mạnh, đối với các tuyến này, các nhà xe quan trọng nhất không phải là kiếm thêm khách hàng mới mà là giữ và chăm sóc khách hàng cũ. DN vận tải cần có một hệ thống phần mềm tổng thể từ khâu bán vé đến khâu phục vụ và chăm sóc hành khách để cải thiện trải nghiệm dịch vụ. 

"Việc ứng dụng công nghệ chuyển đổi số giúp DN vận tải tiết kiệm được chi phí nhân sự, chi phí giao tiếp điện thoại và đặc biệt là DN có được kênh giao tiếp với khách hàng của mình trực tiếp qua website hoặc ứng dụng mang thương hiệu riêng. Đây là một cách để DN tự bảo vệ chính mình và nâng cao năng lực cạnh tranh", ông Mạnh đánh giá.

Số lượng khách hàng hiện tại của An Vui dù đã ghi nhận cho sự cố gắng của công ty trong suốt thời gian qua nhưng vẫn là con số hạn chế so với toàn bộ thị trường tại Việt Nam. Theo ông Mạnh, khó khăn nhất hiện nay đối với An Vui không phải là thuyết phục khách hàng mà là làm thế nào để công ty có cơ hội gặp mặt và trao đổi tư vấn cho họ. Bởi trong hầu hết các suy nghĩ những DN vận tải chưa ứng dụng công nghệ hoặc đã ứng dụng một phần công nghệ đều nghĩ rằng "việc này rất khó và không giải quyết được". "Tôi tin rằng nếu DN vận tải có thể sắp xếp được thời gian để An Vui tư vấn trực tiếp chắc chắn sẽ có những giải pháp phù hợp giúp quá trình chuyển đổi số của họ đạt kết quả tốt nhất", ông Mạnh nói.

Về kế hoạch trong thời gian tới, An Vui sẽ tập trung cao độ vào phát triển thị trường Việt Nam làm sao để đưa được sản phẩm và dịch vụ của An Vui đến với các DN vận tải hành khách, từ đó giúp cho DN vận tải chuyển đổi số và nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhờ vậy, An Vui sẽ từng bước chinh phục thị trường các nước lân cận khu vực Đông Nam Á trong tương lai. "Chúng tôi kỳ vọng sản phẩm do người Việt tạo ra phục vụ được DN Việt và từ đó mở rộng thị phần ra nước ngoài. An Vui đã có chi nhánh tại Singapore, đây sẽ là đầu mối để mở rộng thị trường ra các nước trong khu vực Đông Nam Á", ông Mạnh chia sẻ.

Nền tảng AN VUI: Ra đời từ “nỗi đau” không muốn thị trường xe khách đường dài rơi vào tay nước ngoài - Ảnh 7.

Hiện An Vui đã có chi nhánh tại Singapore.

Sớm ban hành Sandbox để startup được thí điểm mô hình mới

Chương trình "Make in Vietnam" là một cơ hội tốt cho các DN. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cần có các chính sách hỗ trợ đào tạo và hỗ trợ DN Việt tạo dựng nên những sản phẩm chất lượng và có khả năng cạnh tranh với các DN nước ngoài. Đây mới là bước đi bền vững để cho DN Việt không bị thất bại trên chính sân nhà.

Cũng theo ông Mạnh, một vấn đề hiện nay là các bộ, ban, ngành tại Việt Nam đang thiếu sự phối hợp đồng bộ dẫn đến các startup công nghệ như An Vui gặp khó khăn khi vấp phải những vấn đề liên quan đến cơ quan nhà nước.

Nền tảng AN VUI: Ra đời từ “nỗi đau” không muốn thị trường xe khách đường dài rơi vào tay nước ngoài - Ảnh 8.

CEO An Vui Phan Bá Mạnh kỳ vọng môi trường Sanbox sẽ sớm được ra mắt để các startup, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ có cơ hội thí điểm những mô hình kinh doanh mới.

Đồng thời, do ngành kinh doanh vận tải hành khách là một ngành đặc thù liên quan tới an toàn tính mạng của người dân và an ninh xã hội. Chính vì vậy, ngoài các quy định về an toàn và an ninh thì cần phải khuyến khích những DN vận tải có đầu tư bài bản, chuyên nghiệp phát triển. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh đang là một trong những phương án quan trọng giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời giúp cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ hoạt động hơn. Vì vậy cần có các cơ chế chính sách để ưu tiên thúc đẩy các DN vận tải ứng dụng công nghệ.

"Chúng tôi kỳ vọng môi trường Sandbox sẽ sớm được ra mắt để các startup, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ có cơ hội thí điểm những mô hình kinh doanh mới", ông Mạnh chia sẻ.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nền tảng An Vui: Ra đời từ “nỗi đau” không muốn thị trường xe khách đường dài rơi vào tay nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO