Nền tảng giám sát thế hệ mới của Viettel giúp hạn chế rủi ro ATTT khi CĐS

NK| 12/09/2022 14:39
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo đại diện Công ty An ninh mạng Viettel (VCS), việc ra đời giải pháp SOC Platform là một sự chuyển mình, nâng cấp cho nền tảng giám sát và điều hành an toàn thông tin ATTT (Security Operation Center- SOC) hiện tại, nhằm mang lại trải nghiệm tốt nhất với chi phí hợp lý, hạn chế rủi ro khi chuyển đổi số (CĐS).

Ra đời để hoá giải các mối đe doạ ATTT trên nhiều nền tảng

Tiến trình CĐS đang bùng nổ mạnh mẽ buộc các doanh nghiệp (DN), tổ chức phải đẩy mạnh việc chuyển dịch dữ liệu lên môi trường mạng, kéo theo đó là những rủi ro về ATTT khi mà bề mặt tấn công ngày càng mở rộng, kĩ thuật tấn công của tin tặc được nâng cao, trở nên tinh vi hơn, khó phát hiện hơn trên các lớp của hệ thống, đặt ra những bài toán nan giải cho DN như: Khối lượng công việc trở nên quá tải cho đội ngũ đảm bảo ATTT cùng với sự gia tăng các thiết bị mạng, thiết bị IoT, thiết bị di động, thương mại điện tử, ứng dụng web và cổng thông tin của các nhà cung cấp; Việc xây dựng và vận hạnh hệ thống giám sát trở nên khó khăn, cồng kềnh do đầu tư dàn trải vào các công nghệ đơn lẻ, thiếu sự đồng bộ trong quy trình phản ứng & xử lý sự cố;...

Để "hóa giải" các mối đe dọa về ATTT ngày càng phức tạp, các DN cần xác định phương án đầu tư đúng đắn cho ATTT để giảm tải quá trình vận hành và tối ưu ngân sách đầu tư, đồng thời tìm cho mình một đối tác tin cậy, uy tín để không chỉ sẵn sàng hỗ trợ, ứng cứu mọi tình huống cấp bách, mà còn đồng hành cùng doanh nghiệp xây dựng chiến lược đầu tư hiệu quả.

Mới đây, nền tảng Nền tảng giám sát và điều hành ATTT thế hệ mới - SOC Platform của Công ty VCS đã chính thức ra mắt. Nền tảng SOC Platform được ra đời nhằm hỗ trợ các tổ chức, DN giải quyết triệt để những khó khăn trong công tác vận hành, đảm bảo an toàn cho hệ thống công nghệ thông tin.

Một trong những yếu tố cốt lõi để xây dựng và phát triển SOC Platform của VCS là đặt trải nghiệm của khách hàng lên hàng đầu, hướng tới việc cung cấp cho DN những giá trị thiết thực nhất.

SOC Platform của VCS được xây dựng tích hợp các giải pháp bảo vệ toàn diện theo các giai đoạn trên cùng 1 nền tảng duy nhất: Bảo vệ, phát hiện, phân tích tập trung, điều phối và phản ứng, cho phép DN giám sát, xử lý các vấn đề an ninh mạng một cách tinh gọn, nhanh chóng và hiệu quả. Nền tảng cung cấp cho khách hàng tầm nhìn bảo vệ toàn diện đồng thời tối ưu chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả và năng lực giám sát cho DN, tổ chức thông qua việc tích hợp trên một nền tảng.

Không chỉ dừng ở đó, nền tảng giám sát và điều hành ATTT thế hệ mới của VCS có thể triển khai hoàn toàn trên hạ tầng đám mây, giúp giảm thời gian triển khai và chi phí, có khả năng tùy biến cao, dễ mở rộng theo nhu cầu thực tế

VCS hiện đang cung cấp nền tảng SOC linh hoạt theo nhu cầu và mô hình quản trị của từng tổ chức, DN với hai hình thức là "SOC-On-Premises" triển khai trực tiếp trên hệ thống của khách hàng và "SOC-On-Cloud" triển khai trên nền tảng điện toán đám mây.

Trong đó, SOC-On-Premises là giải pháp được lắp đặt trực tiếp trên hệ thống thông tin của tổ chức, DN, cho phép các đơn vị làm chủ hệ thống giám sát và phản ứng nguy cơ an ninh mạng, nhận sự hỗ trợ và sẵn sàng ứng cứu sự cố 24/7 từ đội ngũ nhân giàu kinh nghiệm hàng đầu của VCS.

Ngoài ra, đáp ứng xu hướng chuyển dịch lên nền tảng điện toán đám mây, VCS cung cấp dịch vụ SOC-On-Cloud (SOC-as-a-service), phù hợp cho những DN, tổ chức muốn tinh gọn hệ thống và tối ưu chi phí. Trong mô hình này, VCS sẽ bảo vệ các hệ thống từ xa, thông qua kết nối mạng được mã hóa để đảm bảo tính riêng tư, bảo mật.

Đây cũng là điểm nổi bật của Viettel SOC Platform, giúp DN có thể tối ưu chi phí đầu tư, dễ dàng mở rộng theo quy mô DN. VCS tin rằng SOC Platform sẽ là chìa khóa cho các đơn vị, tổ chức trong việc đảm bảo ATTT các hệ thống thời CĐS.

Nên có cơ chế tốt hơn cho việc đầu tư các sản phẩm ATTT Make in Vietnam

Đánh giá về thị trường SOC hiện nay, ông Nguyễn Xuân Nam, Giám đốc Chiến lược, Công ty An ninh mạng Viettel cho biết, thuật ngữ này có mặt ở thị trường Việt Nam khá lâu từ khoảng 5-7 năm trước. Tuy nhiên chỉ khoảng 3-4 năm trở lại đây thị trường SOC mới thực sự bùng nổ. Nguyên nhân một phần nhờ vào các công văn, chỉ thị khá sát sao từ các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ TT&TT, Ngân hàng nhà nước.

Trong đó, Viettel Cyber Security là một trong những đơn vị tiên phong đi đầu thị trường cung cấp dịch vụ SOC tại Việt Nam từ giai đoạn 2016 - 2017 với mô hình SOC-on-premise truyền thống (triển khai tại trung tâm dữ liệu của khách hàng) và cũng là một trong các đơn vị đầu tiên cung cấp dưới hình thức SOC Cloud, hỗ trợ chia sẻ dữ liệu với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (National Cyber Security Center - NCSC) - Cục ATTT - Bộ TT&TT, trong đó việc quản trị, giám sát và xử lý tập trung tại hệ thống Cloud của Viettel.

Do đó, theo ông Nam, việc ra đời SOC platform là một sự chuyển mình, nâng cấp cho giải pháp, dịch vụ SOC hiện tại mà VCS đang cung cấp chứ không phải là sự ra đời một giải pháp mới. "Từ việc cung cấp các mô hình độc lập khác nhau cho khách hàng, VCS chuyển dịch cung cấp bằng một nền tảng (platform) duy nhất, hỗ trợ đa phương thức, kết hợp linh hoạt và thích ứng với nhiều mô hình khác nhau nhằm mang lại trải nghiệm tốt nhất với chi phí hợp lý bên cạnh chất lượng dịch vụ số 1 thị trường", ông Nam khẳng định.

Cũng theo Giám đốc Chiến lược VCS, hiện các sản phẩm, giải pháp SOC trên thị trường hiện nay thường đi theo 2 hướng bao gồm: Cung cấp 100% sản phẩm của các hãng quốc tế và triển khai tại khách hàng; Sử dụng một số sản phẩm lõi của quốc tế và gắn thêm dịch vụ để cung cấp giải pháp tổng thế cho khách hàng.

Với 2 mô hình này thường giá thành đầu vào cao do không làm chủ công nghệ mà phải mua thương mại. Bên cạnh đó việc xử lý lỗi sản phẩm cũng gặp hạn chế khi phụ thuộc vào chính sách hỗ trợ của hãng nước ngoài. Vì VCS tự làm làm chủ và phát triển 100% sản phẩm phần mềm trong hệ sinh thái SOC cũng như sở hữu đội ngũ nhân sự chất lượng cao về chất lượng lẫn số lượng nên mang đến sự khác biệt về chất lượng dịch vụ, hỗ trợ kỹ thuật và sự kịp thời trong công tác ứng cứu xử lý sự cố ATTT.

Ông Nam cho biết, hiện nay tuy đã có một số công văn chỉ thị về thúc đẩy thị trường ATTT, tuy nhiên, chỉ dừng ở mức khuyến nghị. Do vậy thị trường về sản phẩm Make in Vietnam vẫn giới hạn, các tổ chức DN vẫn thiên hướng mua các sản phẩm quốc tế có tên tuổi lâu năm. Việc này vô hình chung ảnh hưởng tới nỗ lực phát triển sản phẩm của các DN trong nước, đặc biệt là các DN trẻ.

"Theo tôi, nên có các công văn, nghị định, cơ chế tốt hơn, rõ ràng hơn trong việc đầu tư, mua sắm, ưu đãi cho các sản phẩm Make in Viet Nam, đặc biệt là các sản phẩm trong ngành ATTT, vốn đang có thị trường tương đối nhỏ so với các ngành nghề mới khác", ông Nam kiến nghị./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nền tảng giám sát thế hệ mới của Viettel giúp hạn chế rủi ro ATTT khi CĐS
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO