Nếu chậm, không chủ động, thường xuyên, mọi thành quả trong công tác phòng, chống dịch sẽ khó được đảm bảo, đặc biệt, có thể ra nhiều thiệt hại to lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân.
Vì điều này thời gian qua, Bộ TT&TT và Bộ Y tế đã hỗ trợ, thúc đẩy nhiều doanh nghiệp (DN), tập đoàn công nghệ cho ra đời nhiều sản phẩm, giải pháp công nghệ số, trong đó có "Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến". Đây là sản phẩm thuộc 1 trong 3 nền tảng giữa hai bộ TT&TT và Y tế phối hợp hiệu quả hướng tới triển khai, nhân rộng trên phạm vi toàn quốc.
Đến nay, nền tảng này đã được Trung tâm Công nghệ phòng chống COVID 19 Quốc gia và Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT đang hỗ trợ và triển khai tại nhiều địa phương như: Tây Ninh; Bình Dương; Bắc Giang; Đồng Nai; Đồng Tháp; Cần Thơ; Vĩnh Long; Bà Rịa – Vũng Tàu… và 26 địa phương khác cũng đang trong quá trình tập huấn để chuẩn bị triển khai.
Theo đó, nền tảng này được thực hiện trên ứng dụng Bluezone nhằm tạo điều kiện cho người dân khi đến lấy mẫu xét nghiệm được nhanh chóng, giảm thời gian chờ đợi và trả kết quả xét nghiệm điện tử cho người được lấy mẫu. Đồng thời, nền tảng còn giúp hỗ trợ nhân viên y tế trong việc quản lý và lấy mẫu xét nghiệm, giảm chi phí, thời gian, cho kết quả nhanh.
Cụ thể, khi người dân tham gia lấy mẫu, sau khi bật ứng dụng Bluezone và khai báo y tế sẽ được cấp một mã QR cá nhân trên điện thoại và chỉ việc xuất trình QR cá nhân cho nhân viên y tế. Theo đó, nhân viên y tế sẽ dùng máy quét hoặc điện thoại có cài ứng dụng nền tảng truy vết quét mã barcode trên ống nghiệm, sau đó quét mã QR cá nhân của người dân để ghép người cần lấy mẫu với ống nghiệm.
Trường hợp lấy mẫu gộp, nhân viên y tế sẽ tiếp tục quét mã QR code của những người trong nhóm rồi lẫy mẫu của cả nhóm đưa vào ống nghiệm là xong quy trình lấy mẫu. Trong trường hợp không có smartphone, người dân có thể điền vào giấy khai báo y tế được phát khi đến lấy mẫu, cán bộ y tế sẽ nhập liệu trực tiếp ngay lên nền tảng trong quá trình lấy mẫu.
Đồng thời, người dân sẽ được nhận kết quả xét nghiệm ngay trên ứng dụng Bluezone. Đặc biệt, khi áp dụng phương pháp này, mọi quá trình nhập liệu tự động sẽ giúp hạn chế tối đa sự tiếp xúc, giảm khả năng lây nhiễm Covid-19- Đây chính là ưu điểm mà các nền tảng xét nghiệm khác chưa có.
Như vậy cùng với việc triển khai các ứng dụng khai báo y tế, phát hiện tiếp xúc gần, việc quản lý xét nghiệm bằng phần mềm theo hình thức điện tử trực tuyến chính là một công cụ số quan trọng hỗ trợ ngành y tế trong việc phòng, chống đại dịch COVID-19./.