Nền tảng số - điểm mấu chốt để phát triển kinh tế số và xã hội số

Hoàng Linh| 18/04/2022 07:17
Theo dõi ICTVietnam trên

Sử dụng nền tảng số quốc gia được xem là điểm mấu chốt để vừa phát triển kinh tế số và xã hội số, vừa bảo đảm chủ quyền số quốc gia.

Việt Nam là nước nằm trong nhóm 15 quốc gia lớn nhất trên không gian mạng với trên 75 triệu người sử dụng Internet/100 triệu dân. Hằng ngày, người dùng tạo ra một lượng dữ liệu khổng lồ. Dữ liệu này đang bị thu thập, phân tích để sinh lợi cho các nền tảng xuyên biên giới. Đây không chỉ là vấn đề kinh tế - xã hội mà còn là vấn đề an ninh quốc gia.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) đã chỉ đạo năm 2022 lấy người dân là trung tâm. Bộ TT&TT hướng dẫn định hướng đưa hoạt động của người dân lên môi trường số bằng các nền tảng số Việt Nam.

Một số điểm sáng sử dụng nền tảng số của Việt Nam

Nền tảng số lĩnh vực liên lạc là điểm sáng trong sử dụng nền tảng số khi được người dân Việt Nam sử dụng nhiều nhất. Số lượng người dùng thường xuyên hằng tháng của Zalo đạt 74,7 triệu vào tháng 2/2022, cao hơn Messenger của Meta (67,8 triệu). Đặc biệt, tổng lượng dữ liệu trung bình mỗi người dùng Việt Nam tạo ra, trao đổi hàng tháng với nhau trên Zalo và Mocha xấp xỉ 591 MB (~ 58,84% toàn thị trường), nhiều hơn 1,43 lần so với tổng lượng dữ liệu trao đổi trên Top 3 nền tảng nước ngoài phổ biến ở Việt Nam (tổng Messenger, Viber và Telegram là 413,3 MB, chiếm 41,16%). Đây là tín hiệu đáng mừng về khả năng thu hút dữ liệu người dùng Việt Nam lưu trữ trên nền tảng số của Việt Nam.

Sổ sức khỏe điện tử (SKĐT) là điểm sáng tiếp theo trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, thường xuyên giữ vị trí đứng đầu về lượt tải và số lượng người dùng thường xuyên hằng tháng (19,9 triệu) trong nhóm y tế.

Nền tảng số - Điểm mấu chốt để phát triển kinh tế số và xã hội số - Ảnh 1.

Bên cạnh đó là các nền tảng số phục vụ đi lại, giao hàng, mua sắm, tài chính số, tin tức… cũng có lượng người dùng cao. Về nền tảng số Việt Nam phục vụ đi lại, ứng dụng gọi xe cá nhân Be có trung bình khoảng 3,65 triệu người sử dụng hằng tháng, ổn định vị trí thứ 2 trên thị trường ứng dụng gọi xe ở Việt Nam, chỉ xếp sau Grab.

Ứng dụng gọi xe khách An vui và Vé xe rẻ có lượng người sử dụng suy giảm mạnh do tác động của đại dịch COVID-19. Số lượng người sử dụng sụt giảm khoảng 80% so với cùng kỳ Quý I/2021. Tuy nhiên, thị trường ứng dụng vé xe khách hiện vẫn là thị trường dành riêng cho các nền tảng số Việt Nam, chưa có sự hiện diện của nền tảng số nước ngoài.

Nền tảng số Việt Nam phục vụ giao hàng có Viettel Post với trung bình khoảng 3,5 triệu người sử dụng hằng tháng, đứng đầu thị trường ứng dụng phục vụ giao hàng tại Việt Nam. Ứng dụng Viettel Post chuyển phát nhanh đứng vững vị trí số 1 trên thị trường ứng dụng phục vụ giao hàng ở Việt Nam. My Vietnam Post có trung bình khoảng 2,6 triệu người sử dụng hằng tháng.

Về nền tảng số Việt Nam phục vụ mua sắm, đến hết quý I/2022, tổng số hộ sản xuất nông nghiệp đã được tạo tài khoản trên sàn Postmart.vn, voso.vn là gần 5,4 triệu hộ, trong đó số tài khoản đủ điều kiện tham gia giao dịch trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) là 1,2 triệu tài khoản (chiếm 21,5%), đã đưa lên 2 sàn hơn 80.000 sản phẩm nông nghiệp. Tổng số giao dịch trên 2 sàn trong quý I/2022 đạt 109.670 giao dịch, tổng giá trị ước đạt 7 tỷ đồng.

Trong các sàn TMĐT ở Việt Nam, sàn voso.vn hiện có số lượt truy cập website trung bình là 109.000 lượt/tháng, xếp hạng thứ 43. Postmart đạt xấp xỉ 50.000 lượt truy cập website/tháng, xếp hạng 274. Đây là khoảng cách chênh lệch lớn so với số lượng truy cập của các sàn TMĐT dẫn đầu thị trường. Nguyên nhân một phần vì Vỏ Sò, Postmart tham gia thị trường TMĐT muộn hơn các sàn TMĐT khác (năm 2019) và tập trung chủ yếu vào thị trường TMĐT nông sản.

Về nền tảng số Việt Nam phục vụ học tập có ba nền tảng số phục vụ các cơ sở giáo dục là VNEdu của VNPT, K12Online của Viettel và MobiEdu của MobiFone đều có số lượng người sử dụng hằng tháng chưa đến 1 triệu. Đáng chú ý, MobiEdu tuy số lượng người sử dụng ít nhất trong 3 nền tảng, nhưng lại có tổng thời gian sử dụng trung bình của mỗi người dùng trong một ngày cao nhất, khoảng 1 giờ 20 phút/ngày.

Nền tảng số - Điểm mấu chốt để phát triển kinh tế số và xã hội số - Ảnh 2.

Ảnh minh họa (Nguồn: nhandan.vn)

Ba nền tảng số Việt Nam phục vụ các em học sinh có thể trực tiếp lên học trực tuyến các môn học hoặc làm bài tập lần lượt là Azota có số lượng truy cập hằng tháng vào khoảng 25,6 triệu lượt, Học mãi khoảng 2,9 triệu lượt và Ôn luyện khoảng 470.000 lượt.

Về nền tảng số Việt Nam phục vụ thanh toán số, các ứng dụng tài chính số của 05 ngân hàng trên có sự phát triển mạnh so với cùng kỳ năm ngoái và tương đối đồng đều nhau, trong đó số lượng người sử dụng hằng tháng của Vietcombank là 12,2 triệu; MB là 7,82 triệu; BIDV là 7,62 triệu; Vietinbank là 5,46 triệu và Agribank là 4,86 triệu.

Cuối tháng 11/2021, các doanh nghiệp (DN) viễn thông (Viettel, VNPT, MobiFone) đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận triển khai thí điểm dịch vụ mobile money. Sau 03 tháng triển khai thí điểm dịch vụ mobile money đã đạt được một số kết quả nhất định. Số lượng khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ đạt hơn 835.000 khách hàng, trong đó có 487.000 khách ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, chiếm 58,3%. Số lượng tài khoản mobile money đang hoạt động (có phát sinh ít nhất một giao dịch) đạt 834.376 tài khoản, đạt 99,8%.

Số lượng điểm kinh doanh là 2.642 điểm phủ khắp 63 tỉnh thành trong cả nước, trong đó có 537 điểm kinh doanh ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Số lượng đơn vị chấp nhận sử dụng tài khoản mobile money để thanh toán là 11.254 đơn vị. Số lượng giao dịch đạt 7,5 triệu giao dịch với giá trị lên tới 280 tỷ đồng.

Cách tiếp cận triển khai nền tảng số của Việt Nam

Với vai trò hướng dẫn định hướng đưa hoạt động của người dân lên môi trường số bằng các nền tảng số Việt Nam đóng góp vào phát triển kinh tế số - xã hội số tại Việt Nam, tại Hội nghị giao ban với đối tượng quản lý quý I năm 2022 của Bộ TT&TT mới đây, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đã thông tin về các nội hàm của Quyết định số 411/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trong đó, theo Thứ trưởng, điểm cốt lõi, độc đáo và khác biệt của Việt Nam trong phát triển kinh tế số và xã hội số là đưa hoạt động của người dân, DN lên môi trường số bằng các nền tảng số Việt Nam.

Nền tảng số - Điểm mấu chốt để phát triển kinh tế số và xã hội số - Ảnh 3.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng: điểm cốt lõi, độc đáo và khác biệt của Việt Nam trong phát triển kinh tế số và xã hội số là đưa hoạt động của người dân, DN lên môi trường số bằng các nền tảng số Việt Nam

Kinh tế số sử dụng công nghệ số, dữ liệu là yếu tố đầu vào chính cho sản xuất nên kinh tế số phải làm sao được "thẩm thấu" vào toàn bộ nền kinh tế, hay đơn giản là làm sao để kinh tế số "thẩm thấu" vào từng hạt lúa, củ khoai để tăng giá trị kinh tế số.

Chiến lược đã đề cập 54 nền tảng số cần cho đến năm 2025 và trong năm 2022 có 35 nền tảng số được xác định ưu tiên triển khai trước.

Thứ trưởng nhận định kinh tế số Việt Nam sẽ thành công nếu có chục nền tảng số mà mỗi nền tảng số có vài chục triệu người dân dùng thì lúc đó kinh tế số - xã hội số của Việt Nam sẽ thành công. Việt Nam có chục nền tảng số mà mỗi nền tảng số có khoảng 20 triệu người dùng thường xuyên, hàng tháng thì cơ bản sẽ phát triển kinh tế số, xã hội số được thành công.

Việt Nam hoàn toàn có cơ hội, vì theo Thứ trưởng, Việt Nam có 100 triệu dân, là một nước lớn trên không gian mạng, trên môi trường số nếu tính về số lượng người dùng Internet thì đứng trong top 15 của thế giới. Việt Nam có 9 triệu hộ nông dân, 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, 1 triệu DN, 70.000 nhà máy sản xuất, 44.000 trường học, 14.000 cơ sở y tế, 3000 DN vận tải và nhiều nhóm ngành hàng đặc thù khác.

Với các nhu cầu riêng biệt, Thứ trưởng cho rằng các nền tảng số nước ngoài chắc chắn bỏ sót nhu cầu ngách, những nhu cầu sát sườn, liên tục biến đổi của nhóm người dùng đặc thù của Việt Nam. Vì vậy, cơ hội cho Việt Nam là phổ cập thật nhanh các nền tảng số quốc gia để phục vụ nhu cầu riêng, đặc thù của người dân Việt Nam và đất nước.

Để triển khai nền tảng số quốc gia, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã đưa ra công thức thành công của cho phổ cập nền tảng số là "nhỏ, nhanh, gần và cơ động". Nền tảng số Việt Nam do DN Việt Nam phát triển có thể "may đo" theo nhu cầu. Đây là lợi thế lớn.

Việt Nam cũng có lợi thế khi Tổ công nghệ số cộng đồng được triển khai tới tận thôn, bản với lực lượng nòng cốt là đoàn thanh niên với sự tham gia của các DN công nghệ số. "Tổ công nghệ số cộng đồng là đơn vị gần dân nhất để cung cấp sự hỗ trợ, tư vấn, giải đáp, đồng hành cùng với người dân lên nền tảng số theo cách gần - nhanh - cơ động", Thứ trưởng khẳng định.

Nền tảng số - Điểm mấu chốt để phát triển kinh tế số và xã hội số - Ảnh 4.

Đoàn viên thanh niên hướng dẫn người dân cài đặt các ứng dụng (Ảnh minh họa)

Đặc biệt, một lợi thế chỉ của riêng Việt Nam sẽ đẩy nhanh triển khai nền tảng số, được Thứ trưởng chỉ ra là hệ thống truyền thanh tới tận cơ sở. Theo đó, trong giai đoạn chống dịch, Việt Nam đã phổ biến được 2 ứng dụng đều đạt quy mô vài chục triệu người dùng là PC-COVID hiện có hơn 40 triệu người dùng và 23 triệu người dùng thường xuyên hàng tháng và sổ SKĐT có hơn 34 triệu người tải về và 19 triệu lượt người dùng thường xuyên hàng tháng.

"Khi chúng ta phát triển các nền tảng số tốt cho người dân và DN thì chính quyền và DN có thể đồng hành để đạt quy mô người dùng lớn trong một thời gian ngắn", Thứ trưởng cho biết.

Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số cũng đề ra 9 yếu tố tạo nền móng để thúc đẩy kinh tế số - xã hội số là: thể chế số; hạ tầng số; nền tảng số quốc gia; dữ liệu số; an toàn - an ninh mạng (phổ cập ATTT mạng, chữ ký số); nhân lực số; kỹ năng số (phổ cập kỹ năng, triển khai cung cấp sử dụng nền tảng…); DN số (mỗi người dân là một doanh nhân số, mỗi hộ gia đình là DN số…); thanh toán số. Mỗi một một yếu tố trong 9 yếu tố trên cũng đề cập một điểm đột phá.

Theo Thứ trưởng, điểm đột phá thể chế là làm sao thể chế có thể thúc đẩy người dân lên môi trường mạng, hoạt động nhiều hơn. Trước tiên là sửa đổi Luật giao dịch điện tử để giải quyết một số vấn đề như: bản điện tử có giá trị thay thế bản giấy, làm giao dịch điện tử phải nhanh hơn, rẻ hơn là làm giao dịch giấy, theo đó, các hoạt động được người dân thấy lợi, nhanh, rẻ hơn thì người dân sẽ sử dụng giao dịch số, lên nền tảng số.

Ví dụ, dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) quy định thu phí, lệ phí thấp hơn, thời gian trả kết quả nhanh hơn, thì người dân, DN sẽ chuyển sang sử dụng DVCTT thay vì nộp hồ sơ trực tiếp.

Thứ trưởng cho biết trong năm 2022, Bộ TT&TT tập trung thúc đẩy các nền tảng số do DN làm chủ quản để phục vụ cho nhu cầu của người dân. Bộ TT&TT đang xác định, đánh giá và công bố sớm 12 nền tảng số phục vụ người dân, thuộc 9 lĩnh vực gồm: liên lạc, đi lại, ăn uống, mua sắm, tin tức, mạng xã hội, giáo dục, sức khỏe và an toàn thông tin mạng để phục vụ người dân. Bộ TT&TT mong muốn DN cung cấp các nền tảng này với tính năng cơ bản cho người dân để thúc đẩy người dân sử dụng.

Theo Thứ trưởng, khi người dân lên các nền tảng số, thách thức là giữ người dân trên các nền tảng và thỏa mãn người dùng. Điều đó cần sự vào cuộc và tiên phong của các DN công nghệ số./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện chi trả tiền cứu trợ nhanh nhất cho người dân sau bão Yagi
    Với số tiền hơn 10 tỷ đồng được hỗ trợ từ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) sẽ chi trả cho hơn 2.600 hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 (Yagi) tại tỉnh Yên Bái, Lào Cai và TP. Hải Phòng ngay trong tháng 12/2024.
  • Công trình nghiên cứu đồ sộ về tôn giáo và chính trị
    Cuốn sách “Lịch sử Cơ Đốc giáo Việt Nam thế kỷ 16 - 19” của GS. Trịnh Vĩnh Thường, một chuyên gia nghiên cứu lịch sử quan hệ Trung - Việt, vừa được giới thiệu đến độc giả như một tài liệu tham khảo chuyên sâu về mối quan hệ phức tạp giữa Thiên Chúa giáo và các triều đại phong kiến Việt Nam.
  • Lệnh cấm Internet tại một số quốc gia châu Á gây "khó" cho các nhà mạng viễn thông
    Việc hạn chế quyền truy cập Internet của một số quốc gia châu Á vì mục đích chính trị đã khiến các nhà mạng viễn thông chịu nhiều tổn thất về tài chính và danh tiếng.
  • AI, chuyển đổi số xoay chuyển lĩnh vực bán lẻ, người tiêu dùng
    Sự phát triển của AI, cùng với làn sóng chuyển đổi số (CĐS), đang cách mạng hóa trải nghiệm mua sắm tại Việt Nam. Từ cá nhân hóa dịch vụ đến tối ưu hóa chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp (DN) bán lẻ phải nhanh chóng thích nghi để đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng.
  • Ra mắt sách "Cuộc đấu trí bất ngờ" của Đại tá, GS. Phan Phác
    Cuốn sách "Cuộc đấu trí bất ngờ" với những bài viết mang giá trị lịch sử và thực tiễn sâu sắc được Nhà Xuất bản Hội Nhà văn biên soạn và ra mắt độc giả đúng dịp cả nước trong không khí kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024).
Đừng bỏ lỡ
Nền tảng số - điểm mấu chốt để phát triển kinh tế số và xã hội số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO