Nếu không có thay đổi, startup metaverse MetaClass sẽ sớm thất bại

NK| 09/08/2022 06:58
Theo dõi ICTVietnam trên

Mặc dù "chốt deal" 100.000 USD cho 10% cổ phần với Shark Erik nhưng startup vũ trụ ảo (metaverse) MetaClass còn thiếu rất nhiều thứ, từ đội ngũ, kinh nghiệm cho tới khả năng ra nước ngoài trong khi bài toán giải quyết chưa thực sự lớn. Vì vậy, nếu không có những sự thay đổi kịp thời, startup này sẽ sớm thất bại.

Startup metaverse khiến các Shark tranh cãi về việc theo đuổi ước mơ.

Trong tập Shark Tank mới nhất, ông Nguyễn Anh Tuấn, Sáng lập và điều hành của Elite Meta, đơn vị phát triển Meta Class, đã mở đầu phần giới thiệu của mình bằng việc mời các Shark trải nghiệm công nghệ metaverse đối với việc tham gia lớp học trực tuyến. Ông vào thẳng vấn đề với từ khóa "metaverse" - được coi là "trend" - xu hướng của ngành công nghệ hiện nay. 

Ông Tuấn đưa ra kế hoạch gồm 3 bước: bước 1 - xây dựng các lớp học để học sinh, sinh viên, người lớn tuổi có thể học tập và làm việc trong không gian đó; bước 2 - xây dựng các trường học có đủ chức năng. Cuối cùng là bước 3 - xây dựng một thành phố giáo dục, song song với phát triển 1 chợ trực tuyến (marketplace) để mua bán trao đổi các NFT của các công cụ giáo dục, vật phẩm sáng tạo của các sinh viên tạo ra.

Ông Tuấn cũng đưa ra các con số thống kê hiện tại, Việt Nam chi ra khoảng 5,9% GDP tương đương với khoảng 16 tỷ USD/năm cho giáo dục và con số đó còn gấp khoảng 100 lần trên thế giới. Do đó, thị trường phát triển metaverse trong giáo dục có thể nói là khổng lồ. MetaClass cũng đã làm việc với một số trường đại học trong nước và quốc tế để đưa công nghệ này vào việc giảng dạy. Dựa vào quan điểm và hướng phát triển đó, ông Tuấn gọi vốn 100.000 USD cho 1% cổ phần công ty.

Tuy vậy, khi được Shark Bình hỏi về doanh thu, ông Tuấn thừa nhận công ty hiện chưa có và doanh thu dự kiến sẽ đến từ 2 nguồn: việc cho thuê các lớp học ảo, hợp tác và ăn chia % với các cơ sở giáo dục.

Trước câu hỏi so sánh sản phẩm của startup với Google, ông Tuấn cho rằng thị trường của các "ông lớn" như Google, Facebook là toàn cầu và dùng những nền tảng không có quá nhiều tùy biến để sử dụng phổ cập cho người dùng. Còn nền tảng Metaverse Edu sẽ chủ yếu phục vụ cho lĩnh vực giáo dục nên các tùy biến trong mô hình này sẽ tốt hơn.

Chia sẻ về thế mạnh của công ty, ông Tuấn chỉ ra rằng các nền tảng hiện nay đang có sự nhầm lẫn giữa đồ họa game và đồ họa kiến trúc. Điều này gây ra sự mệt mỏi cho người sử dụng bởi não bộ sẽ phản ứng lại những gì không quen thuộc trong cuộc sống bình thường. Đồ họa của công ty được thiết kế chặt chẽ về tỷ lệ khuôn hình, màu sắc, chất liệu… Đây chính là điểm đặc biệt trong thời điểm hiện tại mà MetaClass có thể hơn được những "ông lớn". 

Bên cạnh đó, một trong số các đồng sáng lập của MetaClass làm trong Accenture (Đức) - tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu thế giới và nắm chắc kinh nghiệm về lĩnh vực metaverse, ông Tuấn khẳng định rằng công ty của mình đang đi song song với Accenture về mặt công nghệ.

Shark Erik cho rằng mục đích cuối cùng của một công ty công nghệ giáo dục là giúp học sinh học tập hiệu quả hơn. Trả lời cho câu hỏi này, ông Tuấn đưa ra quan điểm: "Hiệu quả học tập phụ thuộc và rất nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là phải thách, thích vào lớp thì học sẽ tốt". 

Ông cũng đưa ra dẫn chứng về việc thử nghiệm tích cực MetaClass cho 100 học sinh tiểu học trong đó có con gái mình. Đây cũng là giải pháp cho các gia đình không còn phải vất vả trong việc đưa con đi học mà có thể chuyển sang hình thức online.

Shark Bình khá thẳng thắn khi đưa ra nhận xét góp ý dành cho startup. Theo Shark Bình những gì mà MetaClass đang làm là "bắt trend công nghệ" - metaverse. Shark Bình đưa ra rất nhiều dẫn chứng cho việc metaverse và các những "trend" gần đây gây "cơn sốt ảo", thực chất là phức tạp hóa một vấn đề đơn giản và không đem lại bất cứ giá trị nào cho cá nhân người sử dụng.

Shark Bình dẫn lời một CEO nổi tiếng của công ty chuyên phát hành và thiết kế game: "Tôi cũng không hiểu metaverse là cái gì khi mà họ đang làm lại những thứ mà các công ty game đã làm cách đây 20 năm". Bản thân ông thấy metaverse vẫn là một khái niệm quá sớm và chưa hề chứng minh được tương lai. Đó cũng là lý do "ông trùm Facebook" Mark Zuckerberg bị thị trường trừng phạt, cổ phiếu rớt thê thảm sau khi đổi tên Facebook thành Meta. Zoom, Google Meet cũng từng tăng gấp 10 giá trị cổ phiếu thời điểm dịch bệnh nhưng sau đó lại giảm 10 lần khi hết dịch.

Quay trở lại việc CEO MetaClass định giá công ty 10 triệu USD khi chưa có doanh thu, Shark Bình cho rằng việc mà startup đang làm chính là điển hình cho việc phức tạp hóa một vấn đề đơn giản. CEO đang "đâm đầu vào một thứ mà thế giới còn chưa chứng minh được".

Nghe xong phần góp ý, CEO Anh Tuấn chia sẻ về việc theo đuổi ước mơ. Hàng ngày thế giới tốn nhiều chục tỷ đô la để quảng bá về metaverse, chưa bàn đến việc đúng hay sai nhưng nếu thiếu đi giấc mơ và chỉ đơn thuần 'cơm áo gạo tiền' thì xã hội sẽ không thể phát triển được. Bản thân ông Tuấn cũng đã có kinh nghiệm 20 năm kinh doanh, sở hữu công ty doanh số 100 tỷ đồng/năm nhưng anh sẵn sàng hi sinh vì giấc mơ của mình. 

"Em nghĩ rằng chúng ta nên có giấc mơ và phát triển cùng với thế giới bởi vì tương lai thì sẽ đến với những người có giấc mơ và nỗ lực làm việc", ông Tuấn chia sẻ.

Shark Erik khẳng định, mô hình kinh doanh của MetaClass vẫn phải hoàn thiện nhiều. Shark Erik đánh giá sản phẩm thú vị và có thể ứng dụng theo một vài cách khác. Cuối cùng, thương vụ được chốt lại với: 100 nghìn đô la cho 10% cổ phần.

Nếu không có thay đổi, startup metaverse MetaClass sẽ sớm thất bại? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Các nền tảng metaverse hiện nay đang có sự nhầm lẫn giữa đồ họa game và đồ họa kiến trúc.

Mô hình kinh doanh còn quá sớm trong khi startup thiếu đủ thứ

Đánh giá về MetaClass,  CEO Opla CRM Nam Nguyễn cho rằng, đây là một startup khá mơ mộng và thiếu thực tế. Quãng đường từ hiện tại cho đến khi khẳng định thành công còn quá xa.

Khi được hỏi số tiền đầu tư có quá nhỏ với chặng đường dài trước mắt, ông Nam khẳng định, nếu "chốt deal" được 100.000 USD của Shark Erik không có nghĩa Metaverse MetaClass chỉ có 100.000 USD để đi hết quãng đường phía trước. Thay vào đó, từng bước đi thành công của startup sẽ có thêm sự tiếp sức. Vì vậy, theo ông Nam, tài chính không phải là vấn đề mà điều cần lo lắng là mô hình kinh doanh của startup khi chưa thực sự chín muồi. 

"Vấn đề vào metaverse để học hành "thú vị hơn"" mà startup đang giải quyết chưa thật sự "lớn" và đi vào thực chất. Nếu vẫn tiếp tục các tiếp cận như startup giới thiệu trên Shark Tank, tôi nghĩ họ sẽ thất bại sớm", ông Nam bày tỏ.

Bởi vì,  startup này còn thiếu rất nhiều thứ, từ đội ngũ, kinh nghiệm, mô hình, vốn, tới khả năng đi ra nước ngoài (go global) khi họ chỉ mới đặt được những viên gạch đầu tiên. Sự hỗ trợ của shark Erik chắc chắn là rất cần thiết. Ngoài vốn, mạng lưới cố vấn của Quỹ đầu tư mạo hiểm Antler sẽ giúp startup nhiều trong việc tìm ra mô hình phù hợp cũng như lời khuyên.

Khi được hỏi điểm hấp dẫn của MetaClass khiến có thể thu hút được Shark Erik, ông Nam cho rằng, đó là do việc "hiếm" startup trong lĩnh vực metaverse khi mà nhiều người muốn trải nghiệm, thử nghiệm ý tưởng nhưng có quá ít nơi để "dùng thử". Chưa kể, nhiều người cũng muốn trở thành người nắm bắt cơ hội đầu tư vào metaverse từ giai đoạn sớm nhưng không nhiều startup để lựa chọn.

Đổi lại, điểm bất lợi chính là metaverse mới giai đoạn sơ khai, quá trình thử - sai sẽ diễn ra rất nhanh và khốc liệt. Hay nói cách khác, tỉ lệ thất bại sẽ rất cao.

Khác với startup trong những lĩnh vực khác, với metaverse, không có nhiều sự khác biệt khi startup phát triển ở trong nước hay nước ngoài. Bởi vì, việc bán hàng, marketing vẫn phải ra thị trường quốc tế vì các cộng đồng hỗ trợ ý tưởng metaverse cũng đã rất đa dạng và mang tính quốc tế cao

Đánh giá về tiềm năng của công nghệ mới này, ông Nam cho biết chưa thực sự có nhiều niềm tin vào metaverse nói chung và metaverse cho giáo dục nói riêng. Trải nghiệm kiểu tham gia vào thế giới với nhân vật của mình không có nhiều sự khác biệt so với các kiểu chơi game nhập vai có đồ họa 3D từ nhiều năm nay. Metaverse vẫn đang loay hoay đi tìm mô hình kinh doanh (business case) nhưng chưa thành công.

Thời gian qua, metaverse hay được nhắc đến cùng với lĩnh vực giáo dục vì nó tạo ra mô hình kinh doanh dễ hiểu và dễ làm nhất. "Tôi chờ đợi một metaverse đột phá hơn, không phải từ đồ họa đẹp hơn, mà giải quyết tốt hoặc hiệu quả hơn vấn đề trong thế giới thực chưa giải quyết", ông Nam nói.

Cuối cùng, theo ông Nam, do trên thế giới vẫn chưa có bất kì mô hình kinh doanh nào về metaverse thực sự thành công. Vì vậy, không loại trừ một "David bé nhỏ" ở Việt Nam, nơi đã nổi đình nổi đám với các game-fi studio sẽ đánh bại "người khổng lồ Goliath".

"Mặc dù vậy, với  MetacClass thì tôi chưa thấy điều gì rõ ràng ở thời điểm hiện tại. Một kiến trúc đẹp hay thực tế có thể là một điểm cộng trong metaverse của họ, nhưng chưa phải là điểm khác biệt (killing-point) để có thể đưa họ đi xa hơn", ông Nam kết luận./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nếu không có thay đổi, startup metaverse MetaClass sẽ sớm thất bại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO