Truyền thông

Ngân hàng CSXH - điểm tựa vững chắc cho phụ nữ phát triển kinh tế hướng tới bình đẳng giới

PV 11:02 21/12/2023

Nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) ủy thác qua Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam, nhiều chị em phụ nữ dân tộc thiểu số ở xã Năng Khả, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang đã có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi hiệu quả, tạo nguồn sinh kế lâu dài ổn định, từng bước vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Nhận thấy tiềm năng về đất đai, năm 2018 Chị Triệu Thị Lan, Chi hội trưởng Phụ nữ Thôn Nà Chang, xã Năng Khả, huyện Na Hang bàn với chồng vay 50 triệu đồng của Ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư nuôi trâu vỗ béo theo hình thức nhốt chuồng. Để đảm bảo nguồn thức ăn thường xuyên cho 5 con trâu, gia đình chị đã thực hiện trồng trên 2000m2 cỏ VA06.

Trong quá trình chăn nuôi Chị thường xuyên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trâu vỗ béo, thực hiện đầy đủ quy trình chăm sóc và phòng bệnh theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Chị Lan cho biết: Anh chị cưới nhau từ năm 2007, đến nay đã có 2 con. Vì hoàn cảnh gia đình bố mẹ hai bên đều khó khăn nên ngay sau khi cưới anh chị đã đi làm ăn ở khắp các tỉnh thành trong cả nước.

Năm 2016, tích lũy được ít vốn anh chị trở về quê làm nhà và sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, nếu chỉ canh tác cây ngô, cây lúa thì cũng chỉ đủ nuôi 4 miệng ăn, những năm gần đây phong trào nuôi trâu, bò vỗ béo ở địa phương phát triển mạnh, hiệu quả kinh tế mang lại cũng khá, hộ nào có nhiều vốn thì nuôi vài chục con, ít thì nuôi vài con, thu nhập cũng rất ổn định.

chinh-sach-xh-1.png
Mô hình nuôi trâu vỗ béo theo hình thức nhốt chuồng của gia đình Chị Triệu Thị Lan, Chi hội trưởng Phụ nữ Thôn Nà Chang, xã Năng Khả

Để nuôi trâu vỗ béo mang lại hiệu quả kinh tế vợ chồng chị Lan phải xây dựng chuồng nuôi đảm bảo thoáng mát, sạch sẽ, trâu ít đi lại tự do trong chuồng. Thực hiện nghiêm việc tiêu độc khử trùng và vệ sinh chuồng trại. Tiếp nữa là tìm những con trâu gầy do thiếu dinh dưỡng, không mắc bệnh truyền nhiễm.

Trước khi đưa vào vỗ béo phải thực hiện tẩy ký sinh trùng, cho trâu ăn thức ăn thô xanh như cỏ voi, cây ngô non, rơm rạ và tinh bột bột ngô, cám gạo để bổ sung khoáng và vitamin. Trong quá trình nuôi phải luôn theo dõi và điều trị bệnh kịp thời cho trâu trong giai đoạn vỗ béo, đặc biệt các bệnh về đường tiêu hóa.

Hiện nay, gia đình chị Lan thường xuyên nuôi gối đàn 5 con trâu mỗi lứa, trung bình mỗi con cho lợi nhuận khoảng 3,5 triệu đồng/tháng. Với 5 con trâu vỗ béo mỗi tháng anh chị thu nhập khoảng 17 triệu đồng.

Chị Lan cho biết thêm: Ưu điểm đặc biệt của việc nuôi trâu vỗ béo là không tốn nhiều thời gian, với 5 con trâu gia đình chị chỉ bỏ ra khoảng 2 giờ đồng hồ vào buổi sáng và buổi chiều để chăm sóc. Tuy nhiên để nuôi trâu vỗ béo thành công thì người nuôi phải chủ động được nguồn thức ăn, phải có diện tích trồng cỏ để lúc nào cũng đủ thức ăn cho trâu. Mặt khác nuôi trâu vỗ béo cần nguồn vốn rất lớn để đầu tư con giống, hiện nay giá trâu, bò người thị trường rất cao nên để mua được con giống phải mất vài chục triệu đồng.

Tính đến nay, dư nợ ủy thác của các tổ chức đoàn thể xã Năng Khả tại Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đạt trên 122 tỷ đồng. Trong đó, Hội LHPN xã quản lý trên 33,3 tỷ đồng tại 9 tổ tiết kiệm và vay vốn, có khoảng trên 95% hội viên phụ nữ của xã được vay vốn của Ngân hàng CSXH. Đặc biệt trong các năm 2022, 2023, đã có trên 300 hội viên phụ nữ được xét duyệt vay vốn. Việc quản lý, giám sát vốn vay chính sách được tổ chức Hội thực hiện khoa học, hiệu quả nên nợ quá hạn trong tổ chức hội không có.

Nguồn vốn vay chính sách được chị em sử dụng đúng mục đích và rất hiệu quả thông qua đầu tư phát triển một số mô hình chủ yếu như trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh, dịch vụ… Từ nguồn vốn này đến nay đã hình thành nên nhiều mô hình kinh tế tiêu biểu như: Mô hình chăn nuôi bò sinh sản của chị Hoàng Thị Như, thôn Nà Chang với quy mô hơn 14 con; Mô hình nuôi lợn đen của giai đình chị Ma Thị Thao, thôn Bản Nuầy; Mô hình sản xuất con giống của Hội viên La Ánh Nguyệt mỗi năm xuất bán hàng vạn con giống gà, vịt giống cho các trong tỉnh như huyện Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa; Mô hình kinh doanh dịch vụ du lịch Homestay của hội viên Hoàng Thị Vinh, thôn Nà Khá cho thu nhập mỗi năm hằng trăm triệu đồng…

chinh-sach-xa-hoi-2.png
Mô hình nuôi bò sinh sản của gia đình Chị Hoàng Thị Như, Thôn Nà Chang, xã Năng Khả

Có thể nói đồng vốn của Ngân hàng CSXH đã giúp hàng nghìn hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số ở xã Năng Khả tạo dựng sinh kế, từng bước thoát nghèo bền vững, từ đó nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Nhiều chị em không chỉ thoát nghèo, ổn định cuộc sống mà còn tạo hiệu ứng tích cực trong cộng đồng, tạo việc làm cho nhiều phụ nữ khác.

Ông Nông Ngọc Lân, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Na Hang cho biết: “Thời gian tới, Ngân hàng CSXH huyện sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu cho vay hộ nghèo, đối tượng chính sách, trong đó ưu tiên phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Theo định kỳ hằng tháng cán bộ tín dụng sẽ tiếp tục về tận các xã khó khăn thực hiện các thủ tục giải ngân để vốn vay chính sách đến tận tay người vay, đồng thời phối hợp cùng các tổ chức đoàn thể từ huyện đến cơ sở khuyến khích, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả của chị em để phụ nữ cùng học tập, trao đổi kinh nghiệm, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với đặc thù nông hộ, địa phương mình, qua đó không chỉ tạo thêm việc làm cho phụ nữ mà còn góp phần thúc đẩy bình đẳng giới tại địa phương ngày càng tốt hơn"./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng CSXH - điểm tựa vững chắc cho phụ nữ phát triển kinh tế hướng tới bình đẳng giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO