Ngân hàng VIB “chuyển nhà” lên đa đám mây
Những tiến bộ của công nghệ đám mây cho phép các ngân hàng mở rộng mạng lưới phân phối linh hoạt và phục vụ khách hàng mới từ xa, đồng thời gia tăng trải nghiệm khách hàng trên đa kênh trực tuyến. VIB đã ứng dụng đa đám mây và đang gặt hái thành quả.
Chuyển đổi số (CĐS) - đòn bẩy thay đổi tương lai ngành ngân hàng
Khi chất lượng và giá thành không còn là thứ duy nhất ảnh hưởng đến quyết định thêm một thương hiệu vào “giỏ hàng”, số hóa trải nghiệm khách hàng trở thành lợi thế cạnh tranh sống còn giữa các doanh nghiệp (DN). Đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, hợp tác tạo dựng và quản trị trải nghiệm số hóa cho các “thượng đế” được nhiều ngân hàng hiện nay xem là hướng đi chiến lược.
Sau đại dịch COVID-19, các ngân hàng buộc phải tăng tốc trong cuộc chạy đua ứng dụng công nghệ để duy trì vận hành và chinh phục khách hàng. Đồng thời, các tiến bộ vượt trội trong công nghệ như dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây (ĐTĐM) và trí tuệ nhân tạo (AI) cho phép các ngân hàng đáp ứng kịp thời các nhu cầu của khách hàng trong thời đại số.
Thực tế nhiều năm trở lại đây, cùng với xu hướng dữ liệu lớn và AI, hầu hết các ngân hàng lớn thế giới đã chuyển sang “đám mây” để đảm bảo nền tảng hạ tầng mạnh mẽ cho việc lưu trữ dữ liệu và vận hành ứng dụng. Những tiến bộ của công nghệ đám mây cho phép các ngân hàng mở rộng mạng lưới phân phối linh hoạt và phục vụ khách hàng mới từ xa, đồng thời gia tăng trải nghiệm khách hàng trên đa kênh trực tuyến, từ ứng dụng di động cho đến trang web, mạng xã hội,… thay cho trải nghiệm trực tiếp tại các phòng giao dịch.
Không nằm ngoài làn sóng vận hành của thế giới, nhiều ngân hàng lớn tại Việt Nam cũng đã sẵn sàng chuyển “nhà” lên các “đám mây”. Theo ước tính từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), trung bình một doanh nghiệp (DN) sẽ đầu tư khoảng hơn 66 triệu đồng/năm cho dịch vụ “đám mây” và tổng chi phí của các DN cho dịch vụ này có thể đạt tới 53.000 tỷ đồng vào năm 2025. Nhiều tổ chức nghiên cứu cũng đã đưa ra dự báo về mức độ tăng trưởng của thị trường “đám mây” Việt Nam có thể đạt mức 26%/năm - chỉ số cao nhất Đông Nam Á hiện nay.
Lý giải cho làn sóng “đám mây” trong ngành tài chính - ngân hàng tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng tiềm năng dân số trẻ và tỷ lệ hiểu biết về công nghệ thông tin (CNTT) cao là 2 yếu tố then chốt để ngành ngân hàng tiếp cận và triển khai các giải pháp công nghệ tiên tiến nhằm gia tăng trải nghiệm số cho khách hàng. Đồng thời, việc hợp tác chiến lược với các tập đoàn công nghệ quốc tế hàng đầu cũng là một trong những bước đi quan trọng cho phép các ngân hàng áp dụng nhanh, mạnh, linh hoạt và an toàn các công nghệ mới, phù hợp với quy mô cơ sở hạ tầng và kế hoạch kinh doanh dài hạn của mỗi DN.
“Định cư” trên đám mây Azure, VIB gặt hái thành công
Có thể nói, việc lên “đám mây” không còn là khái niệm công nghệ đơn thuần, mà đã trở thành xu thế tất yếu của ngành tài chính ngân hàng tại Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đầu tư cho đám mây trong ngành ngân hàng cần những bước đi chắc chắn, chặt chẽ, để vừa có thể tối ưu hóa cơ hội, vừa tối thiểu hóa rủi ro trong quá trình vận hành hệ thống.
Tiên phong nhưng thận trọng cũng là cách Ngân hàng Thương mại CP Quốc tế Việt Nam (VIB) định hướng đầu tư số hóa ĐTĐM ngay từ khi còn rất sớm. Cụ thể, thông qua hợp tác chiến lược với Microsoft Việt Nam, VIB đã trở thành ngân hàng Việt đầu tiên xây dựng ứng dụng ngân hàng di động Cloud-native (liên quan đến việc phát triển phần mềm sáng tạo và có thể mở rộng dễ dàng trong cơ sở hạ tầng đám mây) trên nền tảng Azure - công nghệ “đám mây” được hơn 80% các ngân hàng lớn nhất và 75% các tổ chức tài chính trên thế giới đang sử dụng.
Ông Trần Nhất Minh, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Dịch vụ Công nghệ VIB cho biết: “Là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam triển khai chiến lược đa đám mây, chúng tôi rất vui khi có sự đồng hành về chuyên môn của Microsoft. Trên cùng nền tảng tư duy sáng tạo, đột phá về tốc độ và đổi mới dịch vụ, quá trình hợp tác của chúng tôi đang gặt hái một số kết quả tích cực ban đầu”.
Theo đó, mối quan hệ hợp tác chiến lược này đã giúp VIB gia tăng và cá nhân hóa trải nghiệm cho khách hàng trên đa kênh trực tuyến, nâng tầm bảo mật dữ liệu, đồng thời tiết kiệm chi phí, thời gian đầu tư cho việc lưu trữ dữ liệu.
Đại diện VIB cho biết, cloud-native là một cách tiếp cận trong xây dựng và vận hành các ứng dụng khai thác ưu điểm của mô hình ĐTĐM. Khi DN xây dựng và vận hành các ứng dụng dựa trên cloud-native, họ có thể triển khai ý tưởng đến thị trường nhanh hơn và đáp ứng sớm yêu cầu của khách hàng.
Cụ thể, MyVIB 2.0 xây dựng trên nền tảng Azure mang lại trải nghiệm liền mạch và các dịch vụ tài chính xuyên suốt cho khách hàng nhờ khả năng có thể thay đổi, cập nhật ứng dụng nhanh chóng khi cần thiết mà không làm ảnh hưởng đến quá trình sử dụng ứng dụng.
Công nghệ đám mây Azure cũng giúp tối ưu hóa trải nghiệm cho khách hàng trên MyVIB 2.0 với tính năng thực tế tăng cường (AR) hay trợ lý ảo AI, mang lại sự thuận tiện và hiệu quả tương đương những trải nghiệm tại quầy giao dịch.
Song song đó, việc chuyển sang ĐTĐM Microsoft Azure với hơn 100 chứng chỉ tuân thủ cũng nâng tầm bảo mật cho dữ liệu của VIB nhờ dịch vụ bảo mật tiên tiến Microsoft Sentinel, đảm bảo giám sát an ninh 24/7 và sao lưu, nhanh chóng phục hồi dữ liệu của các ứng dụng kinh doanh quan trọng trên đám mây. Ngoài ra, kể từ khi chuyển sang giải pháp đám mây Azure, VIB đã giảm đáng kể chi phí và thời gian đầu tư vào việc chọn lựa, cài đặt và thử nghiệm các máy chủ truyền thống, cũng như gia tăng tính linh hoạt trong việc sử dụng chi phí vận hành DN.
Theo số liệu từ VIB, trong 5 năm (2017 - 2022), giao dịch qua các nền tảng số của nhà băng này tăng trưởng gấp 26 lần. Riêng năm 2022, số lượng giao dịch qua các nền tảng số đã tăng gấp đôi so với năm trước, chiếm tới 93% tổng giao dịch của ngân hàng. Tỉ lệ khách hàng mới qua các kênh này cũng tăng trưởng mạnh chiếm hơn 40% lượng khách hàng mới trong năm vừa qua.
“Ưu tiên của chúng tôi là trở thành ngân hàng sáng tạo và hướng đến khách hàng nhất tại Việt Nam. Áp dụng công nghệ hiện đại vào các hoạt động sẽ giúp chúng tôi đạt được điều này”, ông Minh chia sẻ.
Chuyển dịch sang nền tảng đám mây chỉ là bước khởi đầu của lộ trình 10 năm CĐS tại VIB. Ngân hàng này đang tiếp tục hiện đại hóa khối lượng công việc điện toán trên môi trường mới, tăng cường bảo mật và khởi động các dự án về dữ liệu lớn, AI, Internet vạn vật (IoT),... VIB dự kiến 3 năm tới, 60 - 70% hiệu suất tính toán của ngân hàng sẽ được xử lý trên đám mây.
Mặc dù số hóa ngành tài chính, ngân hàng là hành trình không phải dễ dàng, nhưng cũng có rất nhiều thuận lợi ở thời điểm bùng nổ công nghệ hiện tại. Các nhà quản trị đều nhận thức được sự cần thiết của việc chuyển đổi và nắm bắt công nghệ đám mây để không bị tụt lại phía sau./.