Ngành Công an nỗ lực ứng dụng CNTT giảm tải tối đa thủ tục hành chính

PV| 18/10/2021 16:30
Theo dõi ICTVietnam trên

Thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, thời gian qua, ngành Công an đã và đang nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong việc giảm tải tối đa các thủ tục hành công, hoàn thiện hoạt động quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự của lực lượng Công an nhân dân.

2011-2020: SIPAS đạt trên 96%

Vừa qua, ngành Công an đã tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước (giai đoạn 2011 - 2020), định hướng giai đoạn 2020 – 2030. Trong đó, công tác cải cách hành chính của lực lượng Công an nhân dân có bước chuyển biến tích cực, thực hiện đồng bộ trên lĩnh vực quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và cải cách hành chính trong nội bộ Công an nhân dân, đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của nền hành chính hiện đại. Một số số liệu đưa ra tại Hội nghị đã mang đến những tín hiệu đáng mừng đối với công cuộc cải cách hành chính (CCHC) của ngành Công an. 

Theo điều tra xã hội học của 22.250 người dân và tổ chức, mức độ hài lòng chung về sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị có chức năng giải quyết thủ tục hành chính trong ngành Công an nhân dân (SIPAS) đạt mức 96,45%. Chỉ số cải cách hành chính của Công an các đơn vị và địa phương ở mức (85,78%). Điều này cho thấy mức độ hài lòng của tổ chức và người dân đối với sự phục vụ của ngành Công an đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu của Chính phủ đề ra. 

Ngành Công an nỗ lực ứng dụng CNTT giảm tải tối đa thủ tục hành chính - Ảnh 1.

Cải cách hành chính: Vì nhân dân phục vụ

Để nâng cao hiệu quả công tác CCHC trong lực lượng Công an nhân dân, Đảng ủy Công an trung ương và Lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo việc triển khai một cách đồng bộ và thống nhất hàng loạt giải pháp để nâng cao hiệu quả của hoạt động này. Trong đó, một số mảng được ưu tiên như áp dụng khoa học, công nghệ thông tin trong CCHC và cải cách hành chính công.

Riêng với mảng áp dụng khoa học – công nghệ, thời gian qua, Bộ Công an đã nghiên cứu, phát triển ứng dụng CNTT nhằm cung cấp dịch vụ công trực tuyến một cách hiệu quả nhất trong giải quyết thủ tục hành chính. Hàng loạt trang web công an tỉnh, Trang Thông tin dịch vụ hành chính công Công an tỉnh liên kết với Website Công an tỉnh và Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC được triển khai. Bộ cũng thiết lập hình thức tiếp nhận trực tuyến các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và cho áp dụng Dịch vụ công trực tuyến cấp độ 1, cấp độ 2 đối với hầu hết các lĩnh vực quản lý nhà nước về an ninh, trật tự. Một số lĩnh vực đã triển khai Dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4, như: thông báo lưu trú trực tuyến; khai báo, tiếp nhận, quản lý và khai thác thông tin tạm trú của người nước ngoài; đăng ký, quản lý con dấu…

Chỉ riêng trong năm 2020, Bộ Công an đã triển khai xong dịch vụ công trực tuyến thu nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; đăng ký lệ phí trước bạ điện tử đối với ô tô, xe máy và khai tờ khai đăng ký xe ô tô trên Cổng dịch vụ công quốc gia theo chỉ đạo của Bộ Công an. Người dân cũng thể hiện sự hài lòng đối với các hoạt động quản lý khác bằng phần mềm máy tính tự động như cấp biển số phương tiện giao thông, triển khai hệ thống giao thông thông minh… vì CNTT đã giúp tiết kiệm thời gian đi lại, công sức của người dân và các doanh nghiệp, hạn chế dần việc gây khó khăn, phiền hà, sách nhiều của cán bộ, chiến sĩ khi cung ứng các dịch vụ hành chính công. 

Về cải cách thủ tục hành chính công, Lãnh đạo Bộ Công an đã giao cho các đơn vị chức năng của bộ xây dựng, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chú trọng đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT đồng bộ, hiện đại, hoàn thiện mạng máy tính nội bộ thông suốt. Xây dựng, nâng cấp Trang Thông tin điện tử; khai thác, ứng dụng hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ công tác, chiến đấu; duy trì và triển khai tốt việc tổ chức các hội nghị, giao ban trực tuyến đảm bảo an ninh, an toàn.

Ngành Công an nỗ lực ứng dụng CNTT giảm tải tối đa thủ tục hành chính - Ảnh 2.

Công an làm thẻ CCCD gắn chip cho người dân.

Riêng đối với thẻ căn cước công dân, bên cạnh việc hoàn thành phát hơn 50 triệu thẻ CCCD có gắn chip (tính đến tháng 7/2021), Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an đang triển khai các ứng dụng, tiện ích trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip, phục vụ người dân thực hiện các thủ tục, giao dịch được thuận tiện, đồng thời mang lại hiệu quả cao trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. 

Trong đó, thẻ CCCD tích hợp nhiều tiện ích khác nhau như Thông tin "thẻ xanh", tiêm chủng, giấy đi đường, thông tin xét nghiệm, giấy phép lái xe, thông tin về hưởng chính sách theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và nhiều tiện ích khác; Thông tin người phụ thuộc đi cùng với người có CCCD gắn chip (con chưa đủ 14 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự,…); Dữ liệu công dân được đối sánh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua quy trình xác minh đảm bảo chính xác. Với công dân được tiêm 2 mũi vắc xin sẽ được tích hợp "thẻ xanh", tiêm 1 mũi được tích hợp "thẻ vàng" trên thẻ CCCD gắn chip.

Ngành Công an nỗ lực ứng dụng CNTT giảm tải tối đa thủ tục hành chính - Ảnh 3.

Cán bộ Ðội Cảnh sát giao thông số 2 (Công an TP Hà Nội) tiến hành xử phạt "online" đối với người vi phạm thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bên cạnh đó, Bộ Công an đã thực hiện được hàng loạt thủ tục hành chính công qua Cổng Dịch vụ công như đăng ký, quản lý con dấu, lưu trú, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, ngành nghề kinh doanh có điều kiện, quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, xuất nhập cảnh…

Trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục triển khai Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ ban hành Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15-7 vừa qua, trong đó tập trung vào việc ứng dụng hiệu quả CNTT phục vụ công tác CCHC. Để làm tốt vấn đề này, Lãnh đạo Bộ yêu cầu các đơn vị chức năng chú trọng việc đầu tư, trang bị nâng cấp hệ thống phần mềm ứng dụng để phục vụ cho việc cung ứng dịch vụ công trực tuyến trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước về an ninh trật tự, cần lưu ý, phần mềm này được liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia. Đầu tư nâng cấp hạ tầng máy tính, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã, khai thác tối đa, hiệu quả hệ thống mạng máy tính hiện có, quan tâm nguồn lực để xây dựng hệ thống CNTT phục vụ CCHC trong nội bộ.

Đối với cá nhân cán bộ, chiến sĩ, Lãnh đạo Bộ cũng yêu cầu cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC cần nêu cao tinh thần trách nhiệm "vì nhân dân phục vụ". Có thể tổ chức làm thêm ngày thứ 7 hoặc cử các tổ công tác xuống địa bàn cơ sở để hướng dẫn, tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cho người dân (việc cấp lại, cấp đổi chứng minh nhân dân), đặc biệt quan tâm tới các đối tượng là người già yếu, người khuyết tật, ưu tiên địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Lãnh đạo chỉ huy công an các đơn vị, địa phương tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị học tập nâng cao trình độ, kỹ năng sử dụng CNTT, tham gia các lớp tập huấn quy trình sử dụng phần mềm có kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ngành Công an nỗ lực ứng dụng CNTT giảm tải tối đa thủ tục hành chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO